Trong hai ngày 30-11 và 1-12, tại TPHCM, Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo lần 2 chương XIII (chương về CĐ) trong Bộ Luật Lao động sửa đổi và dự thảo lần 4 Luật CĐ sửa đổi
Theo nhiều đại biểu, so với trước, dự thảo chương XIII về CĐ đã quy định khá cụ thể vấn đề bảo vệ quyền lợi của cán bộ CĐ tại doanh nghiệp (DN). Thực tiễn trong thời gian qua, quy định về bảo vệ cán bộ CĐ hầu như không phát huy tác dụng; tình trạng đối xử bất bình đẳng đối với cán bộ CĐ thường xuyên diễn ra.
Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ CĐ cơ sở, từ đó họ ít mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ). Việc dự thảo lần này xây dựng theo hướng DN không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác... sẽ giúp cán bộ CĐ an tâm làm việc.
Điểm tiến bộ khác là dự thảo cũng quy định rõ quyền của CĐ cấp trên ở những DN chưa thành lập tổ chức CĐ. Cụ thể, ở những DN chưa thành lập CĐ cơ sở thì CĐ cấp trên có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức CĐ, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần quy định DN phải thường xuyên đối thoại với CĐ cơ sở để sớm hóa giải các vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập của NLĐ. Về khoản "phụ cấp chênh lệch tiền lương" do DN trả cho cán bộ CĐ chuyên trách được nêu trong dự thảo, nên để hai bên thỏa thuận và đưa vào thỏa ước lao động tập thể.
Về dự thảo Luật CĐ sửa đổi, theo các đại biểu, việc chỉnh sửa, bổ sung một số quy định nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ chức CĐ, vai trò của CĐ cấp trên cơ sở, những bảo đảm hoạt động CĐ, tài chính CĐ, cơ chế giải quyết tranh chấp đã tạo hành lang pháp lý cho CĐ hoạt động.
Đặc biệt, việc luật hóa nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ sẽ tạo thuận lợi cho việc trích nộp kinh phí CĐ ở tất cả các loại hình DN. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng nên thay từ "trích nộp" bằng từ "đóng" thì sẽ cụ thể hơn. Nhiều ý kiến góp ý cần tách riêng quyền, trách nhiệm của CĐ cơ sở và quyền, trách nhiệm của CĐ cấp trên để thấy rõ hơn vai trò, vị trí của CĐ cấp trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét