Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Toàn văn Nghị định 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 41/2002/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2002
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 41/2002/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Chương 1:
PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng Nghị định này là các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các biện pháp cơ cấu lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:
1. Doanh nghiệp giữ 100% vốn Nhà nước.
2. Doanh nghiệp nhà nước chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
3. Doanh nghiệp nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần; Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước có thời gian hoạt động không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
4. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện sáp nhập, hợp nhất.
5. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê.
6. Doanh nghiệp nhà nước bị giải thể, phá sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này là người lao động đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 01 đến 03 năm, gồm:
1. Người lao động dôi dư trong các doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 1 Nghị định này đã được tuyển dụng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước), gồm:
a) Người lao động đang làm việc, khi sắp xếp lại, doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng vẫn không bố trí được việc làm;
b) Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp nhưng không có việc làm, tại thời điểm sắp xếp lại, doanh nghiệp vẫn không bố trí được việc làm.
2. Người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
Chương 2:
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ
Điều 3. Người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn:
1. Đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên:
a) Được nghỉ hưu, nhưng không trừ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
b) Được hưởng thêm hai khoản trợ cấp sau:
Trợ cấp 03 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng cho mỗi năm (12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi;
Trợ cấp 05 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng.
2. Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 01 năm, thì được Nhà nước đóng một lần số tiền bảo hiểm xã hội cho những tháng còn thiếu với mức 15% tiền lương tháng để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng.
3. Các đối tượng còn lại thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ như sau:
a) Trợ cấp mất việc làm được tính theo số năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, cứ mỗi năm được trợ cấp 01 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng tiền lương, phụ cấp lương đang hưởng;
b) Được hỗ trợ thêm hai khoản sau:
Trợ cấp 01 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng cho mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước;
Trợ cấp một lần với mức 5 triệu đồng.
c) Được hưởng 06 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng để đi tìm việc làm.
Trường hợp người lao động có nguyện vọng học nghề thì ngoài khoản tiền được hưởng đi tìm việc làm nói trên còn được đào tạo tối đa 06 tháng tại các cơ sở dạy nghề do Nhà nước quy định. Nhà nước cấp kinh phí cho các cơ sở dạy nghề này để đào tạo lao động dôi dư.
d) Người lao động còn thiếu tối đa 05 năm tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động và có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, ngoài việc được hưởng các chế độ quy định tại các điểm a và b khoản này còn được tự đóng tiếp bảo hiểm xã hội với mức 15% tiền lương tháng trước khi nghỉ việc cho cơ quan bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Trường hợp chưa đủ điều kiện để đóng tiếp bảo hiểm xã hội nói trên thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc hưởng trợ cấp một lần theo quy định hiện hành.
Điều 4. Người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 đến 03 năm thì chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:
1. Trợ cấp mất việc làm được tính theo số năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, cứ mỗi năm được trợ cấp 01 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng.
2. Trợ cấp 70% tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương đang hưởng cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết hợp đồng lao động đã giao kết, nhưng tối đa cũng không quá 12 tháng.
3. Người lao động còn thiếu tối đa 05 năm tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động và có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, ngoài việc được hưởng các chế độ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này còn được tự đóng tiếp bảo hiểm xã hội với mức 15% tiền lương tháng trước khi nghỉ việc cho cơ quan bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Trường hợp chưa đủ điều kiện để đóng tiếp bảo hiểm xã hội nói trên thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc hưởng trợ cấp một lần theo quy định hiện hành.
Điều 5. Người lao động đã nhận trợ cấp quy định tại Điều 3 Nghị định này nếu được tái tuyển dụng làm việc ở doanh nghiệp đã cho thôi việc, hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này. Doanh nghiệp tuyển dụng lao động có trách nhiệm thu hồi số tiền nêu trên từ người lao động và nộp toàn bộ vào Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thành lập theo Điều 7 Nghị định này.
Điều 6. Ngoài các chính sách quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định này, người lao động dôi dư được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm và được giới thiệu tìm việc làm mới theo quy định của pháp luật.
Chương 3:
NGUỒN KINH PHÍ GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG DÔI DƯ
Điều 7. Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước
1. Thành lập "Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước" (sau đây gọi là Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư) để hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm hoặc nghỉ hưu sớm do doanh nghiệp nhà nước thực hiện cơ cấu lại theo quy định tại Nghị định này.
2. Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư chịu trách nhiệm cấp kinh phí cho các doanh nghiệp; cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ sở dạy nghề cho lao động dôi dư và các tổ chức được thành lập để giải quyết lao động dôi dư trong các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
3. Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý và điều hành.
4. Nguồn của Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Viện trợ của các tổ chức, cá nhân;
c) Các nguồn khác.
Điều 8. Trách nhiệm chi trả các chế độ đối với người lao động
1. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3; khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
Những doanh nghiệp thật sự khó khăn về tài chính, sau khi đã sử dụng hết quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (nếu có) mà vẫn không đủ nguồn để giải quyết chế độ mất việc cho người lao động dôi dư thì được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư.
2. Người lao động tự đóng tiếp bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3 và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Quỹ bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ Luật Lao động.
4. Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư chịu trách nhiệm chi trả các chế độ theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3; khoản 2 Điều 4 và kinh phí đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
Đối với doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư cấp kinh phí để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp
1. Xây dựng phương án sắp xếp lao động, xác định số lao động cần thiết theo yêu cầu sản xuất - kinh doanh, xác định số lao động dôi dư và số tiền trợ cấp cho từng người lao động.
2. Phối hợp với tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp; công khai phương án sắp xếp lao động và danh sách lao động thuộc diện dôi dư.
3. Giải quyết chính sách, chế độ đối với người lao động theo quy định tại Nghị định này; thực hiện việc quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp cho người lao động theo quy định hiện hành.
4. Ban hành quy chế tuyển dụng lao động và có trách nhiệm giải quyết chế độ đối với người lao động dôi dư do doanh nghiệp tuyển dụng không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp.
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư theo quy định tại Nghị định này;
Tham gia với các cơ quan liên quan về sắp xếp lao động trong phương án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp;
Quy định các cơ sở dạy nghề tiếp nhận đào tạo lao động dôi dư;
Định kỳ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Nghị định này.
2. Bộ Tài chính:
Ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư. Việc sử dụng Quỹ phải chặt chẽ, tránh bị lợi dụng; quy định cụ thể, rành mạch nội dung hồ sơ, tiêu chuẩn cần có để được hưởng trợ cấp và phải công khai, dân chủ.
Lập kế hoạch nguồn vốn và trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp bảo đảm nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư;
Theo dõi, kiểm tra việc chi trả trợ cấp và việc quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp cho lao động dôi dư;
Định kỳ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Hướng dẫn việc thu bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định này;
Giải quyết chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91:
Chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương án sắp xếp lao động và thực hiện chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư;
Phê duyệt phương án giải quyết lao động dôi dư theo nguyên tắc 1 lần để thực hiện đối với từng doanh nghiệp quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Thành lập tổ chức để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư ở doanh nghiệp bị giải thể, phá sản;
Định kỳ báo cáo Chính phủ qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư.
Điều 11. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1. Tham gia với các cơ quan nhà nước hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với lao động dôi dư.
2. Chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp với Thủ trưởng đơn vị tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện đầy đủ các chế độ đối với lao động dôi dư theo quy định của pháp luật.
3. Giám sát việc thực hiện chế độ đối với người lao động.
Điều 12. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2005.
Điều 13. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. 

Phan Văn Khải
(Đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến