Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Chia thừa kế khi cha đã mất để lại vợ bé không hôn thú

"Cha tôi có 2 vợ, một có hôn thú là mẹ tôi, có 5 người con; bà hai không hôn thú, sinh 6 người con, trong giấy khai sinh để trống phần cha. Cha tôi mất 14 năm trước không để lại di chúc. Sau đó 9 năm, 3 chị em tôi ra nước ngoài, mẹ tôi cũng đi nơi khác, để ngôi nhà mà cha mẹ tôi đứng tên cho mẹ con bà hai dùng. Căn nhà này được chia thừa kế thế nào? Tranh chấp giải quyết ra sao?" (bạn đọc Le Phuong Lan).

Trả lời:

1. Cha của chị mất cách đây 14 năm, tức năm 1998, và đã có nhiều con, có nghĩa là họ sống với nhau từ trước năm 1986 (thời điểm ban hành Luật Hôn nhân và gia đình). Do vậy dù không có hôn thú, hôn nhân của họ vẫn được thừa nhận là hôn nhân thực tế. Cha chị mất không có di chúc, nên cả hai bà vợ hai cùng 11 người con bình đẳng với nhau trong thừa kế phần di sản của ông để lại.

Ngôi nhà hiện nay theo chị nói giấy tờ ghi đủ tên cha và mẹ chị, có nghĩa là tài sản chung của hai người. Do đó di sản của cha chị để lại là 1/2 ngôi nhà này (phần còn lại của mẹ chị). Phần di sản của cha chị tiếp tục được chia đều cho hai bà vợ và tất cả những người con của ông (tổng cộng 13 người).

2. Thời hiệu khởi kiện thừa kế theo Bộ luật Dân sự là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm cha chị mất). Nhưng theo Nghị quyết 58 về giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1/7/1991 thì trường hợp của chị nếu khởi kiện ngay thì vẫn còn thời hiệu. Tuy nhiên, theo Nghị quyết này và hướng dẫn của TAND Tối cao, vì vụ việc liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên tòa chỉ giải quyết khi người ở nước ngoài có giấy khước từ hoặc nhượng phần được hưởng thừa kế của mình cho người đang ở trong nước.

Luật sư Việt Hà

Đoàn Luật sư Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến