- Tải về Ebook Bộ luật hình sự, Luật thi hành án HS, Đặc xá và quy định về tạm giam, tạm giữ
- Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở góc phải để tải về)
- Văn bản luật về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đặc xá
CHÍNH PHỦ ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 09/2012/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2012 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LƯU TRÚ TRONG THỜI GIAN CHỜ XUẤT CẢNH THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người phải chấp hành án phạt trục xuất, người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù đang trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú để chờ làm thủ tục xuất cảnh (trong Nghị định này gọi chung là người lưu trú).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với người lưu trú; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, bảo đảm chế độ đối với người lưu trú. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Kinh phí thực hiện
Kinh phí đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú do ngân sách nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.
Chương 2.
TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGƯỜI LƯU TRÚ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LƯU TRÚ
Điều 4. Tổ chức quản lý người lưu trú
1. Người lưu trú phải ở tập trung tại cơ sở lưu trú và chịu sự quản lý, giám sát của cơ sở lưu trú.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ sở lưu trú.
Điều 5. Chế độ ở đối với người lưu trú
1. Người lưu trú được bố trí ở buồng tập thể theo giới tính (nam, nữ); diện tích chỗ nằm tối thiểu là 3m2/người, có phòng vệ sinh, có chiếu, chăn và màn.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải được bố trí ở riêng trong phòng cách ly.
Điều 6. Chế độ ăn, mặc đối với người lưu trú
1. Tiêu chuẩn ăn của mỗi người lưu trú trong một tháng được tính theo định lượng như sau: 17 kg gạo tẻ thường; 0,7 kg thịt; 0,8 kg cá, 0,1 kg muối, 0,5 kg đường loại trung bình; 0,75 lít nước mắm, 0,1 kg bột ngọt, 15 kg rau xanh và 15 kg củi hoặc 17 kg than. Định lượng này do Nhà nước cấp và quy đổi ra tiền theo thời giá thị trường tại địa phương nơi có cơ sở lưu trú. Ngày lễ, Tết (theo quy định của Nhà nước Việt Nam), người lưu trú được ăn thêm nhưng tiêu chuẩn ăn (bao gồm cả tiêu chuẩn ăn ngày thường và mức ăn thêm) không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Cơ sở lưu trú có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với yêu cầu thực tế để bảo đảm người lưu trú ăn hết tiêu chuẩn.
2. Ngoài tiêu chuẩn được cấp, người lưu trú được sử dụng quà của thân nhân và tiền lưu ký (nếu có) để ăn thêm theo quy định của cơ sở lưu trú.
3. Cơ sở lưu trú được tổ chức bếp ăn tập thể và được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc nấu ăn, đun nước và chia khẩu phần ăn cho người lưu trú theo tiêu chuẩn. Dụng cụ cấp dưỡng dùng cho một bếp ăn tập thể gồm: bếp ga, các loại nồi nấu cơm, nước, thức ăn; chảo rán, bình đựng nước uống, tủ lạnh, tủ đựng thức ăn, bàn ăn, ghế ngồi và các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết khác phục vụ bếp ăn.
4. Người lưu trú được mang vào cơ sở lưu trú đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an.
Trường hợp người lưu trú thiếu quần, áo thì tùy theo thời gian lưu trú, được cấp từ một đến hai bộ quần áo bằng vải thường.
Điều 7. Chế độ sinh hoạt thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thông tin liên lạc, quản lý tài sản của người lưu trú
1. Người lưu trú được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh trong khuôn viên của cơ sở lưu trú. Mỗi phòng ở được trang bị một máy vô tuyến truyền hình màu và được mượn sách, báo của cơ sở lưu trú.
Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, xem truyền hình, nghe đài do cơ sở lưu trú quy định.
2. Người lưu trú được liên lạc bằng điện thoại, gửi thư cho thân nhân và cơ quan lãnh sự theo quy định của cơ sở lưu trú. Cước phí điện thoại, gửi thư do người lưu trú tự chi trả.
3. Người lưu trú có tiền mặt hoặc đồ vật có giá trị, phải gửi vào lưu ký của cơ sở lưu trú và được nhận lại trước khi xuất cảnh. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm cấp sổ lưu ký hoặc phiếu theo dõi tiền lưu ký để người lưu trú sử dụng phục vụ sinh hoạt thay tiền mặt.
Điều 8. Chế độ thăm gặp đối với người lưu trú
1. Người lưu trú được gặp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của mình tại phòng thăm gặp của cơ sở lưu trú. Mỗi tuần được gặp một lần, mỗi lần gặp không quá 4 (bốn) giờ.
Người lưu trú chấp hành tốt nội quy cơ sở lưu trú có thể được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng của cơ sở lưu trú mỗi tuần một lần, mỗi lần không quá 24 (hai bốn) giờ.
2. Thủ tục thăm gặp:
a) Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú là người nước ngoài đến thăm gặp phải có đơn đề nghị. Đơn phải dịch ra tiếng Việt và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự đóng tại Việt Nam của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc hoặc cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam. Trường hợp nước mà người lưu trú mang quốc tịch không có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự đóng tại Việt Nam thì đơn xin thăm gặp không phải có xác nhận của các cơ quan này;
b) Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của thân nhân người lưu trú là người Việt Nam đến thăm gặp phải có đơn, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan nơi cư trú hoặc làm việc; giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác;
c) Việc giải quyết cho thân nhân thăm gặp người lưu trú do người phụ trách cơ sở lưu trú quyết định.
3. Các trường hợp thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người lưu trú do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi cơ sở lưu trú đóng cấp giấy phép. Trường hợp Việt Nam và nước ngoài có công dân là người lưu trú có thỏa thuận về thời hạn cho thăm lãnh sự, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép theo đúng thời hạn quy định trong thỏa thuận.
4. Khi được phép thăm gặp, người lưu trú được nhận thư, tiền mặt, đồ vật theo quy định. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm kiểm tra thư, tiền mặt, đồ vật trước khi đưa vào cơ sở lưu trú. Việc quản lý, sử dụng tiền mặt, đồ vật của người lưu trú được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
5. Người đến thăm gặp phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam, nội quy, quy chế nhà thăm gặp và sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú.
Điều 9. Chế độ khám, chữa bệnh đối với người lưu trú
1. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú, người lưu trú bị bệnh được khám và điều trị tại phòng khám của cơ sở lưu trú. Chế độ khám, cấp phát thuốc, dinh dưỡng đối với người lưu trú bị bệnh do người trực tiếp điều trị chỉ định theo bệnh lý trên cơ sở nội quy, quy chế của phòng khám; tiền thuốc chữa bệnh thường xuyên hàng tháng cho mỗi người lưu trú tương đương 2 (hai) kg gạo tẻ thường. Trường hợp người lưu trú bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của y tế cơ sở lưu trú thì chuyển họ đến bệnh viện Nhà nước tại địa phương nơi cơ sở lưu trú đóng để điều trị. Trường hợp người lưu trú có yêu cầu đến cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyện vọng thì phải được cơ sở lưu trú cho phép và tự chịu chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở lưu trú phải thông báo về việc chuyển người lưu trú đến điều trị tại các cơ sở y tế cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú đóng để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam; thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có).
Chi phí điều trị cho người lưu trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được cơ sở lưu trú chi trả bằng ngân sách nhà nước cấp. Nếu việc điều trị bệnh cho người lưu trú phải sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn, vượt quá định mức thì người lưu trú phải tự thanh toán chi phí điều trị.
2. Trường hợp người lưu trú có thai đến thời gian sinh con, thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm đưa họ đến cơ sở y tế địa phương để sinh con. Sau khi sinh con, nếu người lưu trú có yêu cầu đăng ký khai sinh cho con, thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm đến Sở Tư pháp nơi cơ sở lưu trú đóng làm thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch. Chi phí cho người lưu trú trong thời gian sinh con tại bệnh viện nhà nước được cơ sở lưu trú chi trả bằng ngân sách nhà nước cấp.
3. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm phối hợp với bệnh viện, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi cơ sở lưu trú đóng để quản lý người lưu trú trong thời gian điều trị hoặc sinh con tại bệnh viện.
Điều 10. Chế độ đối với trẻ em là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú
Trẻ em dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú được bố trí diện tích chỗ nằm cùng phòng với cha, mẹ tại cơ sở lưu trú phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm lứa tuổi, giới tính. Các chế độ ăn, ở, khám chữa bệnh và chi phí an táng được thực hiện như đối với người lưu trú. Ngày 01 tháng 6, Tết trung thu được hưởng mức ăn gấp 2 lần ngày thường; nếu ốm đau được thực hiện chế độ khám chữa bệnh, nếu chết được cấp chi phí an táng như người lưu trú.
Điều 11. Giải quyết trường hợp người lưu trú bỏ trốn
1. Trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất mà bỏ trốn thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Trường hợp người lưu trú là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù đang trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú để chờ làm thủ tục xuất cảnh mà bỏ trốn thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú để thông báo cho Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định này.
Điều 12. Giải quyết trường hợp người lưu trú hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú bị chết
1. Trường hợp người lưu trú hoặc con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ bị chết tại cơ sở lưu trú thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan y tế gần nhất đến lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết, đồng thời báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú để thông báo cho Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam; thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người lưu trú đang ở Việt Nam (nếu có).
2. Trong thời hạn 24 (hai bốn) giờ, kể từ khi làm xong các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở lưu trú có trách nhiệm mai táng tử thi. Chi phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết có đơn đề nghị đưa tử thi về mai táng thì tự chịu chi phí.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Giải quyết các thủ tục đối ngoại liên quan đến người lưu trú
Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn giải quyết các thủ tục đối ngoại liên quan đến việc thi hành án phạt trục xuất đối với người lưu trú; trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người lưu trú cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam; chỉ đạo các Sở Ngoại vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú đóng giải quyết theo chức năng những vấn đề phát sinh đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh tại cơ sở lưu trú.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2012.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét