Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM MỘT BLOGGER BỊ KIỆN RA TÒA

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ hai, 29/10/2007

Ngày 26/10, TAND quận Tân Bình, TPHCM đã chính thức thụ lý đơn kiện của ca sĩ Phương Thanh khởi kiện blogger Cogaidolong. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một blogger bị kiện ra toà.

Thể theo yêu cầu của tòa, trong buổi làm việc hôm qua, luật sư Nguyễn Văn Hậu, người bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ Phương Thanh đã cung cấp thêm cho cơ quan xét xử một số chứng cứ mới, đủ điều kiện cho vụ án được thụ lý. Cụ thể là xác định đầy đủ tên tuổi của người bị kiện là Lê Nguyễn Hương Trà, ngụ quận Tân Bình và những bằng chứng để chứng minh blogger Cogaidolong là chính là nhà báo Hương Trà. Ngoài ra, nguyên đơn còn đưa thêm một số chứng cứ khác để biện luận cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Cũng theo luật sư Hậu, mọi vấn đề liên quan đến vụ kiện sẽ được ông trực tiếp đảm trách và hoàn tất vì Phương Thanh đang phải đi diễn ở Hà Nội.

Vị luật sư của đoàn TPHCM cũng bày tỏ, ông rất tự tin về vụ kiện này. Dù đây là loại án mới nhưng vẫn đủ cơ sở để giải quyết theo luật tố tụng. "Hình thức vi phạm là sử dụng mạng điện tử để xúc phạm hay ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, điều này luật pháp không cho phép. Đối với việc khôi phục những dấu tích của blogger Cogaidolong là hoàn toàn có thể", vị luật sư nói.

Còn theo ông Phan Văn Hải, chánh án TAND quận Tân Bình, yêu cầu nguyên đơn xác định rõ một số nội dung khởi kiện đã được đáp ứng, hồ sơ kiện của Phương Thanh hội đủ chứng cứ và điều kiện để thụ lý theo đúng pháp luật. Hiện ông vẫn chưa quyết định chuyển hồ sơ cho thẩm phán nào giải quyết.

Tám ngày trước đó, tòa án Tân Bình tỏ ra lúng túng khi nhận được đơn khởi kiện và chứng cứ mà Phương Thanh cung cấp chỉ là những bản photo lấy từ blog của Cogaidolong. Vị chánh tòa từng cho biết: "Đây là vụ án rất mới, phức tạp nên phải nghiên cứu rất kỹ và trao đổi với thành phố". Tiếp đó, tòa đã yêu cầu nguyên đơn Phương Thanh cung cấp thêm nhiều bằng chứng để chứng minh blogger Cogaidolong có phải là Hương Trà hay không? Nội dung của các bản photo đó đã gây ảnh hưởng xấu và cụ thể như thế nào với cô? Từ đó mới có căn cứ buộc trách nhiệm với Hương Trà.

Ngày 16/10, ca sĩ Phương Thanh đã nộp đơn khởi kiện blogger Cogaidolong, (người mà theo cô là nhà báo có bút danh Hương Trà) vì đã xúc phạm danh dự của cô khi thông tin sai về liveshow "Mưa". Ngoài ra, ca sĩ cũng cho rằng entry "Chuyện của... Cờ" trên blog cogaidolong ám chỉ, xúc phạm tới chị nên yêu cầu blogger Hương Trà phải xin lỗi trên 3 tờ báo.

Trong đơn, Phương Thanh yêu cầu tòa án quyết định buộc blogger Cogaidolong phải công khai xin lỗi với nội dung: "Tôi xin lỗi Phương Thanh vì đã viết không đúng sự thật".

Nguồn: Vũ Mai -VnExpres

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

NHÂN VỤ CA SĨ PHƯƠNG THANH KIỆN BLOGGER Cogaidolong

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2007

9-10, ca sĩ Phương Thanh đã gởi đơn đến TAND TPHCM kiện blogger CogaiDolong. Nguyên nhân vụ kiện, theo ca sĩ Phương Thanh, vì 2 entry của blogger (người viết blog) này “bôi nhọ danh dự” và xuyên tạc live show Mưa của cô.

Blog CogaiDolong thể hiện blogger này và ca sĩ Phương Thanh từng chơi rất thân

Dư luận đặt câu hỏi, thực chất của vụ lùm xùm này là gì, khi chính hai người từng có thời kỳ chơi rất thân với nhau; và sau live show Mưa không thành công lắm của chính ca sĩ này?

Dù bất kỳ lý do gì, vụ kiện hy hữu này cho thấy nhiều vấn đề về văn hóa blog, quản lý blog... trở nên rất thời sự.

Kiện tụng vì blog ngày càng phổ biến

Ranh giới giữa quyền tự do phát biểu ý kiến cá nhân và bôi nhọ một cá nhân khác trên blog của mình khá mong manh. Dù điều bạn nói là sự thật thì bạn vẫn có thể bị “bắt giò”

Thực ra trên thế giới, những vụ kiện như vậy gần như bình thường. 11,5 triệu kết quả khi tìm kiếm bằng Google với các từ “các vụ kiện + những người viết blog” bằng tiếng Anh (bloggers + lawsuits). Con số khủng khiếp này cho thấy, việc kiện tụng liên quan đến blogger được cộng đồng blogger lẫn báo chí quan tâm đến mức nào.

 Theo thống kê của website chuyên về thế giới blog Technorati, trong hai năm 2004 - 2005, khi thế giới có hơn 50 triệu blog thì có 50 vụ kiện blogger. Chuyện kiện tụng blogger vì những thông tin, nhận xét mà họ viết trên blog ở nước ngoài đã khá phổ biến trong 3 năm gần đây.

Phần lớn người đứng đơn kiện đều cho rằng chủ nhân blog phỉ báng, bôi nhọ mình. Cũng có công ty kiện blogger vì cho rằng thông tin trên blog gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của họ.

Đầu năm nay, Rafe Banks, một luật sư ở Mỹ, đã bị thân chủ David Milum của mình bêu riếu trên blog sau một vụ bào chữa thất bại. Ông Milium cho rằng, luật sư Banks đã nhận tiền của bên bị và hối lộ quan tòa. Hậu quả, blogger Milium phải bồi thường danh dự cho luật sư Banks 50.000 USD.

Cũng đầu năm nay, một công ty chuyên về thanh toán trực tuyến GreenZap đã kiện 2 công ty cung cấp dịch vụ blog là Liquid Web và Vodien đòi bồi thường thiệt hại 57,5 triệu USD, do 2 công ty này đã không can thiệp khi các blogger đưa thông tin thất thiệt gây thiệt hại cho việc làm ăn của GreenZap.

Lằn ranh mỏng manh

Blog phản ánh chủ nghĩa cá nhân rõ nét nhất nhưng phải tôn trọng pháp luật và đặc biệt là phải có nền tảng văn hóa, bởi nó là loại nhật ký mở, có tính báo chí, nên có tác động xã hội. Blog là ngôi nhà riêng của blogger. Có những ngôi nhà cửa đóng then cài, chỉ có chính chủ nhân hay vài bạn bè thân hữu mới được lui tới; nhưng cũng có những vị chủ nhà mở toang cửa cho mọi người vào xem, bình luận.

Nếu bạn là chủ một ngôi nhà mở, cẩn thận trong ngôn từ không bao giờ thừa. Ranh giới giữa quyền tự do phát biểu ý kiến cá nhân và bôi nhọ một cá nhân khác trên blog của mình khá mong manh. Các vụ blogger thua kiện ở nước ngoài phần lớn cũng do bị bắt bẻ ở một số câu chữ nhạy cảm, khiến bên đi kiện có đủ chứng lý cho rằng họ bị vu khống.

Có một blogger khá nổi tiếng cho rằng, phát ngôn trên blog cũng như nói chuyện trong quán cà phê. Không hoàn toàn như vậy nếu blog đặt ở chế độ public - cho xem tự do, tức là bạn đứng nói trước một đám đông hàng ngàn người.

Chính vì sự mỏng manh của lằn ranh này mà Biên giới Điện tử (EFF), một tổ chức chuyên bảo vệ sự tự do trong thế giới số, đã đưa ra bản hướng dẫn blogger làm sao để tránh bị quy tội bôi nhọ cá nhân theo luật ở Mỹ. (Có thể tham khảo tại www.eff.org/bloggers/lg/faq-defamation.php). Một chi tiết rất đáng để các blogger lưu ý trước khi “hạ phím”: Dù điều bạn nói là sự thật thì bạn vẫn có thể bị “bắt giò” nếu không chứng minh được trước tòa. Và như vậy, dù không nói sai, không bịa đặt nhưng blogger vẫn bị quy là “bôi nhọ cá nhân”.

Vấn đề pháp lý ở VN

Một diễn biến khác: Blogger CogaiDolong dọa kiện ngược Phương Thanh, vì các fan của ca sĩ này đã có những comment lăng nhục CogaiDolong! Với thực tế luật pháp ở nước ta, những “chứng cứ ảo” có đủ sức buộc tội lẫn nhau? Có luật sư cho rằng, Luật Giao dịch điện tử cũng đủ giá trị pháp lý, giá trị làm chứng. Điều này vẫn chưa chắc, khi công tác quản lý blog vẫn còn nhiều lỗ hổng (không có trong Luật Báo chí).

Theo ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, công tác quản lý blog sẽ có bằng văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở sẽ sửa đổi Quyết định 27 của Bộ VHTT trước đây. Nhưng nên nhớ rằng mọi hành vi của blogger - công dân đều được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự. Blogger hoàn toàn có thể phạm tội nếu đủ chứng cứ buộc tội.

Một số luật gia cho rằng, các entry đã post lên blog khó có thể được coi là chứng cứ, vì chúng có thể bị sửa đổi... Vấn đề này có thể giải quyết được, với điều kiện có sự hợp tác của những nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng điều này không khả thi, bởi họ không vì... CogaiDolong! CogaiDolong đâu có “tầm” cỡ như... Bin Laden để các nhà cung cấp dịch vụ phải nhọc công!

Đặt vấn đề về văn hóa blog

Trên Báo NLĐ, chúng tôi từng đặt vấn đề này. Có lẽ đây là nền tảng căn bản để phát huy được tính ưu việt của blog, biến nó thành những kênh chia sẻ thông tin, chia sẻ tình cảm, suy nghĩ tích cực, có ích. Vấn đề viết gì ở blog của mình là quyền tự do của blogger đó trong khuôn khổ luật pháp, miễn là không chống lại đất nước, không xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác...

Rất cần một quy tắc ứng xử được xây dựng để làm cơ sở tạo nên một cộng đồng blogger VN lành mạnh. Nhưng vấn đề cũng không đơn giản, bởi ai, tổ chức nào là người đứng ra làm nhiệm vụ này, khi mỗi blogger là một cá tính riêng biệt?

Cuối cùng, vẫn chỉ là trách nhiệm công dân.

Những nghệ sĩ - nạn nhân của blog

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà: Tôi là nạn nhân của rất nhiều blog. Tôi cũng chỉ đọc và biết thế thôi chứ không muốn tìm chủ nhân của blog đó ra để đôi chối. Dù có biết blogger đó là ai thì tôi cũng chẳng làm ầm lên làm chi, chẳng hay ho gì cho cả hai bên.

NSƯT Ngọc Giàu: Có lần tôi dự phiên tòa xét xử con một người bạn sử dụng, mua bán chất ma túy. Hôm sau tôi nhận được thông tin trên một blog có hình tôi ngồi trong phiên tòa và “chua” thêm câu: “Ngọc Giàu ra tòa vì bị giựt hụi”! Tôi thật sự bị sốc!

NS Vũ Luân: Một số blogger là fan cải lương lên án việc tôi không thích diễn chung với Tú Sương; thích “cặp bồ”, làm “kép nhí” của Thoại Mỹ... Gần đây có một blog cá nhân đã ám chỉ tôi với những lời lẽ xúc phạm rằng tôi yêu chị Thoại Mỹ để “đào của” !?

NSƯT Diệu Hiền: Gần đây tôi nghe bạn bè nói có blog đưa hình ảnh tôi đang diễn tại Mỹ lên và bình luận: “Nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại đi ăn xin”. Tôi vô cùng buồn và đã bật khóc...

Th.Hiệp - Th.Trang ghi

Nguồn: LƯU NHI DŨ - ĐỒNG PHƯỚC VINH - NLĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến