Đỗ Văn Đại*
* TS, Giảng viên Khoa luật Trường đại học Aix-Marseille III (Trung tâm Aix-en- Provence)- Cộng hoà Pháp.
Khi giao kết hợp đồng, các bên đều hướng tới một lợi ích nhất định và thường đưa ra một thời hạn để thực hiện. Nhưng nhiều khi lợi ích hợp pháp của một trong các bên không đạt được vì hợp đồng không được thực hiện như dự tính. Trước hoàn cảnh này, bên không được thực hiện có thể yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại, huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng hay không? Bài viết dưới đây xin được đề cập đến việc huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng sau và trước khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng
1. Huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng sau khi hết thời hạn thực hiện
Nguyên tắc về huỷ bỏ, đình chỉ: Theo khoản 1, Điều 419 và khoản 1, Điều 420 của Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam, “một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” (1) ; “một bên có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện đình chỉ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” (2). Như vậy, khi hợp đồng không được thực hiện, bên không được thực hiện có quyền huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng nếu điều đó đã được thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Thực tế lại có nhiều hợp đồng không có điều khoản cho phép một bên huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng khi bên kia có vi phạm. Bài viết xin chỉ đề cập đến các trường hợp này.
Nghiên cứu BLDS chúng ta thấy phần chung về hợp đồng không có điều khoản cho phép một bên huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng khi bên kia có vi phạm3, nhưng lại có thể tìm thấy quy định này trong phần của Bộ luật về một số hợp đồng thông dụng (tức là phần chuyên biệt về một số hợp đồng cụ thể) (Hộp 1).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hộp 1.
· Điều 553, khoản 3 về hợp đồng gia công, “trong trường hợp sản phẩm không đảm bảo chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm, nhưng yêu cầu sửa chữa mà bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn đã thoả thuận, thì bên đặt gia công có quyền huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
· Điều 722 về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, “khi bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất theo thoả thuận, thì bên cho thuê có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên thuê không thực hiện nghĩa vụ, thì bên cho thuê có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, yêu cầu bên thuê hoàn trả đất”.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cách điều chỉnh trên đã bộc lộ một số bất cập:
Thứ nhất, trong phần chuyên biệt về một số hợp đồng thông dụng, BLDS có quy định những trường hợp được phép huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng do không được thực hiện. Song, những quy phạm này không đầy đủ, một số vi phạm có thể dẫn đến huỷ hay đình chỉ hợp đồng lại không được quy định. Ví dụ, theo Điều 425 về hợp đồng mua bán tài sản, “bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thoả thuận”. Quy định này không rõ có cho phép bên mua được huỷ hợp đồng khi bên bán không giao hàng đúng thời hạn? Tương tự, theo Điều 480 về hợp đồng thuê tài sản, “bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê,nếu được bên cho thuê đồng ý”. Điều này có thể hiểu rằng bên thuê không được cho thuê lại tài sản nếu bên cho thuê không đồng ý, nhưng lại không cho biết là bên cho thuê có quyền huỷ hợp đồng nếu bên thuê cho thuê lại tài sản mà không có sự đồng ý của bên cho thuê?
Thứ hai, Bộ luật chỉ cho phép huỷ bỏ, đình chỉ đối với những hợp đồng dân sự thông dụng. Vậy, đối với hợp đồng dân sự không thông dụng, khi hợp đồng bị vi phạm mà không có quy định thì giải quyết thế nào?
Cách điều chỉnh như trên của BLDS tạo ra “lỗ hổng hay điểm trống pháp lý”: đối với một số trường hợp vi phạm hợp đồng, không có quy định cho phép bên bị vi phạm quyền huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng. Xin trích một ví dụ (4) (Xem Hộp 2).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hộp 2: Ngày 08 tháng12 năm X, bà H. làm giấy sang nhượng nhà và đất số KP Nội Ô thị trấn GD tỉnh TN cho ông C. Cùng ngày, bà H. làm giấy uỷ quyền giao nhà và đất trên cho ông C. Căn cứ vào giấy uỷ quyền và theo lời khai của bà U và bà H. thì bà H. bán nhà và đất nói trên với điều kiện là bà H. ở lại nhà cho đến chết và ông C. phải chăm sóc bà H. Song, ông C. không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết vì, 2 năm sau, vợ chồng ông C. đã bán lại căn nhà trên cho ông S. và ông S. bán lại cho vợ chồng ông N. Trước sự vi phạm trên, bà H. yêu cầu được huỷ hợp đồng.
Hợp đồng tranh chấp trên là hợp đồng mua bán nhà và đất với điều kiện là người bán ở lại nhà đến chết và người mua phải nuôi người bán. Người bán muốnhuỷ hợp đồng vì người mua đã không thực hiện điều kiện này. Nhưng, hợp đồng mua bán nói trên lại không có điều khoản cho phép người bán có quyền huỷ hợp đồng khi người mua không đảm bảo cho người bán ở lại nhà đến chết. Nói một cách khác, các bên không có thoả thuận về việc huỷ hợp đồng. Quy định của BLDS về hợp đồng thông dụng không có quy phạm cụ thể nào quy định bên bán có quyền huỷ hợp đồng khi bên mua không thực hiện điều kiện của hợp đồng.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trong pháp luật nhiều nước trên thế giới, bên cạnh phần điều chỉnh hợp đồng thông dụng (phần riêng về hợp đồng) cho phép huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng, thì phần chung về hợp đồng còn chứa đựng những điều khoản quy định một cách bao quát những trường hợp được huỷ bỏ, chấm dứt hợp đồng khi không được thực hiện. Đó là những trường hợp khi các quy phạm điều chỉnh hợp đồng thông dụng không đầy đủ hoặc khi hợp đồng bị vi phạm không phải là hợp đồng thông dụng mà phần riêng có đề cập (Xem Hộp 3).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hộp 3: Ví dụ, theo Điều 1644 BLDS Pháp (phần về hợpđồng mua bán), khi tài sản bán có khuyết tật nghiêm trọng thì bên mua có quyền trả lại vật và đòi lại tiền. Vậy, theo phần chuyên biệt về hợp đồng thông dụng của BLDS Pháp, hợp đồng mua bán có thể bị huỷ khi tài sản bán có lỗi nghiêm trọng. Tương tự, theo Điều 1722 của BLDS Pháp (phần về hợp đồng thuê tài sản), hợp đồng cho thuê bị chấm dứt khi tài sản cho thuê bị mất, bị hỏng do sự cố bất khả kháng hay do lỗi của một bên (5). Bên cạnh các quy phạm cho phép huỷ hay chấm dứt hợp đồng trong phần hợp đồng thông dụng trên, chúng ta còn thấy phần chung của luật hợp đồng Pháp (Điều 1184 ) cho phép huỷ hay chấm dứt hợp đồng khi một bên có vi phạm, nhất là khi lợi ích hợp pháp hay phần lớn lợi ích hợp pháp mà bên bị vi phạm mong đợi khi giao kết không thể đạt được (6).
Ví dụ tương tự có thể thấy được trong Luật hợp đồng năm 1999 của Trung Quốc. Luật này gồm hai phần, phần chung về hợp đồng và phần riêng về một số hợp đồng thông dụng. Điều 94 (phần chung) cho phép một bên huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng khi hợp đồng không thể thực hiện được do hiện tượng bất khả kháng; do một bên không thực hiện nghĩa vụ chủ yếu mặc dù bên kia đã cho thêm một thời hạn để thực hiện; do chậm thực hiện hợp đồng hay mọi vi phạm khác làm cho mục đích của hợp đồng không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, một số điều khoản trong phần riêng về hợp đồng thông dụng quy định những trường hợp mà một bên có thể huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng. Ví dụ, theo Điều 227, nếu bên thuê không trả tiền thuê hoặc chậm trả tiền thuê không có lý do, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong một khoảng thời gian hợp lý. Sau thời hạn này, bên thuê có quyền chấm dứt hợp đồng.
Cách điều chỉnh nêu trên của Pháp và Trung Quốc có thể tham khảo để bổ sung vào BLDS ghi nhận một cách bao quát các trường hợp mà hợp đồng không được thực hiện có thể bị huỷ bỏ, đình chỉ.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mục đích xác lập hợp đồng là để đạt được lợi ích hợp pháp của các bên. Nói một cách khác, hợp đồng được thiết lập nhằm thực hiện để mang lại cho các bên lợi ích hợp pháp mong đợi khi giao kết. Vậy, cần hạn chế tối đa việc cho phép huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng. Song, cũng không nên để cho một bên bị ràng buộc bởi hợp đồng mà họ không đạt được lợi ích hợp pháp do sự vi phạm của bên kia, do đó nên cho phép huỷ, đình chỉ hợp đồng khi có vi phạm nghiêm trọng (7). Đối với vi phạm không nghiêm trọng, thì quy định bên bị vi phạm được quyền đòi bồi thường thiệt hại là đủ, mà không cần huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng (8).
Do đó, có thể quy định thêm trong Điều 419 và 420 của BLDS như sau: Một bên có quyền huỷ bỏ (hay đơn phương đình chỉ) hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
Thứ ba, trong phần hợp đồng thông dụng của BLDS, một số quy phạm cho phép huỷ, đình chỉ hợp đồng một cách máy móc (Xem Hộp 4).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hộp 4 : Theo Điều 428 về hợp đồng mua bán tài sản, “trong trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thoả thuận, thì bên mua có một trong các quyền sau đây: Huỷ bỏ hợp đồng...”. Việc cho phép huỷ hợp đồng mỗi khi bên bán giao ít hơn số lượng đã thoả thuận như Điều 428 là không nên. Ví dụ, theo hợp đồng, A phải giao cho B 1000 chiếc ghế vào ngày 30 tháng 06. Nhưng khi giao hàng A chỉ có 999 chiếc ghế. Vậy, A đã giao ít hơn số lượng đã thoả thuận 01 ghế. áp dụng Điều 428, chúng ta sẽ cho phép B huỷ hợp đồng trong khi đó việc vi phạm trên không làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích mà bên B mong đợi khi xác lập hợp đồng.
Theo Điều 710, khoản 2 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, bên chuyển quyền sử dụng đất có quyền “huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên nhận quyền sử dụng đất trả tiền chuyển nhượng không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ”. Việc cho phép huỷ hợp đồng trong trường hợp này cũng là không nên. Ví dụ, theo hợp đồng, A phải giao cho B 100 triệu ngày 30 tháng 06. Nhưng vì một lý do nào đó, A chỉ có thể giao cho B khoản tiền trên vào ngày 01 tháng 07. Nếu quy định như Điều 710, khoản 2 trên, B được quyền huỷ hợp đồng trong khi đó A chỉ trả muộn so với thoả thuận 01 ngày. Thông thường muộn một hay vài ngày giao tiền không thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích mà bên B mong muốn đạt được khi xác lập hợp đồng.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Theo chúng tôi, cần sửa đổi những quy phạm tại Điều 428 về hợp đồng mua bán tài sản và Điều 710, khoản 2 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất theo hướng trên hoặc quy định nội dung này trong phần chung về hợp đồng.
2. Huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng trước khi hết thời hạn thực hiện
Xét ví dụ: Theo hợp đồng ký kết ngày 01 tháng 06, A phải cung cấp cho B một lượng hàng C vào ngày 30 tháng 06. Rất có thể vào ngày 15 tháng 06, B biết chắc rằng đến ngày 30 tháng 06, A sẽ không thực hiện hợp đồng. Chẳng hạn, cho đến ngày 15 tháng 06, B được A thông báo hai lần rằng A không muốn thực hiện hợp đồng nữa hoặc, ngày 15, B được biết rằng A đã bán và giao toàn bộ luợng hàng C cho người khác. Như vậy, vào ngày 15 tháng 06, tức là trước ngày hết thời hạn thực hiện hợp đồng, thì B có quyền được huỷ hợp đồng hay không?
Trong phần liên quan đến hợp đồng, BLDS không quy định cho phép một bên huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng trước khi hết thời hạn thực hiện khi thấy rõ bên kia sẽ vi phạm hợp đồng. Đây là sự bất cập so với pháp luật một số nước và một số văn bản quốc tế hiện đại (Xem Hộp 5).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hộp 5: ở Anh, vấn đề vi phạm hợp đồng trước khi hết hạn thực hiện được án lệ điều chỉnh từ ngay nửa đầu thế kỷ thứ 199. ở Pháp, toà án cũng cho phép một bên huỷ hợpđồng trước khi hết thời hạn thực hiện khi bên phải thực hiện cho biết sẽ không thực hiện hợp đồng (10).
Theo khoản 1, Điều 72 của Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, “trước khi đến ngày thực hiện hợp đồng, một bên có quyền tuyên bố hợp đồng bị buỷ bỏ nếu thấy rõ là bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng” (11). Theo Điều 7.3.3 Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế, “một bên có quyền huỷ hợp đồng nếu, trước khi đến thời hạn thực hiện, thấy rõ là bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng”(12)
. Tương tự, theo Điều 9:304 Nguyên tắc châu Âu về hợp đồng, “nếu, ngay trước ngày mà hợp đồng phải thực hiện, thấy rõ là một bên sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, bên kia có quyền huỷ hợp đồng” (13).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Dựa trên tham khảo nêu trên, BLDS nước ta cần đưa nội dung cho phép huỷ, đình chỉ hợp đồng trước thời hạn vì những lý do sau đây:
- Sẽ là bất hợp lý nếu không cho phép một bên huỷ hay chấm dứt hợp đồng trong khi biết chắc bên kia sẽ không thực hiện được hợp đồng. Mặt khác, cho phép một bên huỷ hay đình chỉ hợp đồng trong trường bên kia vi phạm nghiêm trọng sẽ có lợi về kinh tế. Ví dụ, khi biết chắc là bên mua sẽ không nhận hàng và không trả tiền, cho phép người bán huỷ hợp đồng sẽ giúp họ sớm tìm được nguồn tiêu thụ mới hoặc quyết định không tiếp tục sản xuất nữa để tránh bị tồn đọng thừa hàng. Hoặc, nếu cho phép bên mua huỷ hợp đồng khi biết chắc là bên bán sẽ không thực hiện hợp đồng, chúng ta sẽ giúp người mua sớm đi tìm người bán khác để có được số lượng hàng cần mua nhằm đáp ứng được nhu cầu của mình.
Trước năm 1999, ở Trung Quốc, vấn đề vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện chỉ được đề cập trong Luật về hợp đồng kinh tế với nước ngoài14; các văn bản khác về hợp đồng như Luật về hợp đồng kinh tế hay Luật về chuyển giao công nghệ hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Với quyết tâm hoà nhập vào Tổ chức thương mại quốc tế15, năm 1999, Trung Quốc đã bãi bỏ các Luật trên và cho ra đời Luật hợp đồng duy nhất. Trong Luật này, Trung Quốc thừa nhận quyền một bên huỷ hợp đồng khi biết chắc rằng bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng: Theo Điều 94, khoản 2, “hợp đồng có thể bị huỷ nếu, trước thời điểm thực hiện hợp đồng, một bên cho thấy sẽ không thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng”.
- Khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, nên bổ sung vào BLDS lần này quy định cho phép một bên huỷ hợp
đồng ngay cả khi ch-a hết thời hạn thực hiện nếu biết chắc rằng bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng. Có thể quy định như sau: Trước khi đến ngày mà hợp đồng phải thực hiện, một bên có quyền huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi biết chắc rằng bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng./.
=====================================================================
1 “Khi hợp đồng bị huỷ bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau
tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền “ (khoản 3, Điều 419).
2 “Khi hợp đồng bị đơn phương đình chỉ thực hiện, thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông
báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia
thanh toán” (khoản 3, Điều 420).
3 Ngoại trừ Điều 413: “Khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia, thì có quyền yêu
cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại “.
4 Ví dụ này dựa vào một vụ việc cụ thể mà toà án Việt Nam đã gặp phải (Toà án tối cao năm 2000, nhưng một số
thông tin như năm xác lập hợp đồng, giá cả và tên của các bên trong tranh chấp được thay đổi (TG).
5 Điều 1722 trên cho phép chấm dứt hợp đồng khi tài sản bị mất hay bị hỏng do sự cố bất khả kháng. Theo Toà án
tối cao Pháp, Điều này cũng được áp dụng khi tài sản bị mất hay bị hỏng do lỗi của một bên (ví dụ, xem phòng dân
sự số 3, ngày 22 tháng 01 năm 1997 : Tạp chí Dalloz 1997, tr. 43, bình luận Farnocchia ; Tạp chí JCP 1997, II,
22943, bình luận Djigo ; Tạp chí RD imm. 1997, tr. 296, bình luận Collart-Dutilleul ; Tạp chí Contrats. Conc.
Consom. 1997, phần số 58, bình luận Leveneur).
6 Xem thêm : Đỗ Văn Đại, Vai trò của lợi ích t- nhân trong hợp đồng ở Pháp (NXB PUAM 2004, với lời giới thiệu
của GS. TS., Hiệu tr-ởng Jacques MESTRE, đặc biệt phần số 141 và tiếp theo).
7 Cách điều chỉnh này đã có rải rác trong BLDS. Ví dụ theo Điều 497, khoản 1, điểm c và khoản 2, điểm a về hợp
đồng thuê nhà ở : “Bên cho thuê nhà có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thuê nhà và yêu cầu bồi
thường thiệt hại khi bên thuê cố ý làm nhà h- hỏng nghiêm trọng“; “Bên thuê nhà có quyền đơn phương đình chỉ
thực hiện hợp đồng thuê nhà và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây:
Không sửa chữa nhà khi chất lượng nhà giảm sút nghiêm trọng“.
8 Cách điều chỉnh này cũng đã thể hiện rải rác trong BLDS. Ví dụ theo Điều 513, khoản 2 về hợp đồng thuê khoán,
“trong trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ, mà việc khai thác đối t-ợng thuê khoán là nguồn sống duy nhất
của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê
khoán, thì bên cho thuê khoán không được đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết
với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng”.
9 Xem Y. M. Laithier, Nghiên cứu so sánh về các chế tài của vi phạm hợp đồng, Luận án tiến sỹ, Paris I, năm 2002.
10 Xem Toà án thương mại Havre ngày 28 tháng 11 năm 1934: Rec. du Havre, 1935, 1, tr. 68; RTD civ. 1935, tr. 647,
n° 13, bình luận R. DEMOGUE.
11 Về bản dịch sang tiếng Việt của Công -ớc này, xem thêm : Phạm Minh, Luật thương mại quốc tế, NXB Thống kê,
2000, tr. 886 và tiếp theo.
12 Về bản dịch sang tiếng Việt của những nguyên tắc này, xem thêm : Lê Nết, Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc
tế, NXB TP Hồ Chí Minh, 1999.
13 Các văn bản trên sử dụng thuật ngữ inexécution hay contravention “essentielle”. Trong thực tiễn, thuật ngữ inexé-
cution hay contravention “essentielle” này có thể được dịch là vi phạm “một phần chủ yếu” hay vi phạm “nghiêm
trọng”.
14 Xem Điều 17, Luật của Cộng hoà nhân dân Trung hoa về hợp đồng kinh tế với nước ngoài. Chính xác là Luật
này cho phép một bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi thấy bên kia có khả năng sẽ không thực hiện hợp đồng.
15 Trung Quốc tham gia Tổ chức thương mại quốc tế năm 2001.
============================================
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 9/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét