Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ QUAN NIỆM NGHĨA VỤ DÂN SỰ Ở VIỆT NAM

TS. NGÔ HUY CƯƠNG

Nghĩa vụ là một tiểu phân ngành quan trọng của luật dân sự. Nếu phân biệt giữa luật dân sự và luật thương mại, thì luật nghĩa vụ là nền tảng đầy chất lý luận của luật thương mại. Các luật gia trong lĩnh vực luật so sánh xem nghĩa vụ là một chế định đặc trưng và nổi bật của Họ pháp luật La Mã - Đức. Tuy nhiên, truyền thống Civil Law và truyền thống Sovietique Law có sự khác biệt với truyền thống Common Law về luật nghĩa vụ. Common Law không có khái niệm luật nghĩa vụ. Dù vậy nhưng ngày nay, nhiều luật gia thuộc Common Law cho rằng luật nghĩa vụ bao gồm law of contract, law of tort và law of restitution[1]. Nếu xét từ cách nghiên cứu của các luật gia thuộc Họ pháp luật La Mã - Đức và các luật gia thuộc Họ pháp luật Xã hội chủ nghĩa, thì Họ pháp luật Anh - Mỹ không nghiên cứu tổng quát về nghĩa vụ nói chung mà nghiên cứu từng nguồn gốc cụ thể của nghĩa vụ.

Nghĩa vụ là một tiểu phân ngành quan trọng của luật dân sự. Nếu phân biệt giữa luật dân sự và luật thương mại, thì luật nghĩa vụ là nền tảng đầy chất lý luận của luật thương mại. Các luật gia trong lĩnh vực luật so sánh xem nghĩa vụ là một chế định đặc trưng và nổi bật của Họ pháp luật La Mã - Đức. Tuy nhiên, truyền thống Civil Law và truyền thống Sovietique Law có sự khác biệt với truyền thống Common Law về luật nghĩa vụ. Common Law không có khái niệm luật nghĩa vụ. Dù vậy nhưng ngày nay, nhiều luật gia thuộc Common Law cho rằng luật nghĩa vụ bao gồm law of contract, law of tort và law of restitution[1]. Nếu xét từ cách nghiên cứu của các luật gia thuộc Họ pháp luật La Mã - Đức và các luật gia thuộc Họ pháp luật Xã hội chủ nghĩa, thì Họ pháp luật Anh - Mỹ không nghiên cứu tổng quát về nghĩa vụ nói chung mà nghiên cứu từng nguồn gốc cụ thể của nghĩa vụ.

Vấn đề cần nói trước tiên tại đây là định nghĩa về nghĩa vụ. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại có nhiều rắc rối riêng trong pháp luật Việt Nam. Tuy nghĩa vụ có lẽ được hiểu không khác nhau về mặt nội dung, nhưng nó lại được định nghĩa đôi khi khác nhau không chỉ về ngôn từ, mà cả từ xuất phát điểm. Việc làm rõ định nghĩa về nghĩa vụ có ích cho việc hiểu rõ hơn các nguồn gốc của nghĩa vụ (hay căn cứ phát sinh ra nghĩa vụ), phân loại nghĩa vụ và có ích cho việc nghiên cứu các đặc điểm của nghĩa vụ, cũng như các hệ quả của các đặc điểm này…

Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam định nghĩa: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)” (Điều 280). Định nghĩa này đã nhắc tới các bên trong quan hệ nghĩa vụ và liệt kê các “đối tượng” của nghĩa vụ. Tại đây cần phải lưu ý, một số luật gia của Việt Nam hiện nay đưa ra sự phân biệt giữa khách thể của quan hệ nghĩa vụ và đối tượng của nghĩa vụ. Điều này cũng gây rắc rối không ít trong Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam. Qua phân tích sơ bộ như vậy có thể nói, định nghĩa này không mang tính khái quát cao. Nhưng điều đáng bình luận hơn là định nghĩa này không xuất phát từ việc xem nghĩa vụ là một quan hệ mà trong đó có hai loại chủ thể trái ngược nhau về mặt lợi ích: (1) Một bên có quyền yêu cầu; và (2) một bên khác (bên có nghĩa vụ) phải thực hiện yêu cầu của bên kia. Định nghĩa như Điều 280 nói trên chỉ xuất phát từ hành vi của bên phải thực hiện một đối tượng vì lợi ích của người khác. Sự định nghĩa thiếu chính xác này có lẽ là do sự nhầm lẫn về thuật ngữ. “Nghĩa vụ dân sự” có hai nghĩa. Một nghĩa chỉ hành vi phải thực hiện của một bên theo yêu cầu của bên kia (nghĩa hẹp). Một nghĩa khác chỉ một quan hệ mà theo đó một bên có quyền yêu cầu, còn bên kia phải thực hiện hành vi nhất định theo yêu cầu đó, có nghĩa là chỉ mối quan hệ giữa trái chủ và người thụ trái xác định (nghĩa rộng). Vì vậy, với nghĩa thứ hai này, khi nói hợp đồng là căn cứ phát sinh ra nghĩa vụ, thì có nghĩa là hợp đồng làm phát sinh ra quan hệ giữa trái chủ và người thụ trái xác định.

Nghĩa vụ mà tiếng Anh và tiếng Pháp viết là “obligation” có nguồn gốc từ danh từ “obligatio” của tiếng Latin. Nó có rất nhiều nghĩa khác nhau[2]. Vì vậy khi sử dụng nó, cần thận trọng. Có thể khảo sát một số định nghĩa khác về nghĩa vụ để làm rõ hơn cho các bình luận nêu trên.

“Nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật được xác lập giữa hai chủ thể theo đó một chủ thể (chủ thể quyền - người có quyền) có quyền yêu cầu chủ thể kia (chủ thể nghĩa vụ - người có nghĩa vụ) phải hoàn thành một yêu cầu nhất định”[3]. ở đây các đặc điểm chính của quan hệ nghĩa vụ được đề cập tới và đối tượng của nghĩa vụ được trừu tượng hóa để làm rõ bản chất là yêu cầu. Cũng vì vậy, trong khi bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Xaca Vacaxum và Tori Aritdumi nêu bật bản chất của nghĩa vụ là “quyền của một người nhất định yêu cầu một người khác thực hiện các hành vi nhất định”[4]. Cuốn từ điển pháp luật của Pháp mang tên “Petit Dictionnaire de Droit” định nghĩa: “Nghĩa vụ là một mối quan hệ pháp lý theo đó một người, được gọi là trái chủ, có thể sử dụng phương cách cưỡng chế của quyền lực công theo sự lựa chọn của anh ta để buộc người khác, người thụ trái xác định, chuyển giao tài sản, làm hoặc không làm việc gì đó”[5].

Về pháp luật thực định, các đạo luật, nếu đưa ra định nghĩa về nghĩa vụ, đều định nghĩa nhấn mạnh đến bản chất của nghĩa vụ là quyền yêu cầu như trên. Bộ luật Dân sự CHLB Đức qui định: “Hiệu lực của nghĩa vụ là việc trái chủ có quyền yêu cầu sự thực hiện từ người thụ trái. Sự thực hiện này có thể bao gồm việc không hành động” (Điều 241).Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan cũng có qui định tương tự như Bộ luật Dân sự CHLB Đức như sau: “Đối với một nghĩa vụ, trái chủ có quyền yêu cầu sự thực hiện từ người thụ trái. Sự thực hiện có thể bao gồm việc không hành động” (Điều 194).

Chúng ta cũng bắt gặp các định nghĩa có cùng một xuất phát điểm trong nhiều công trình nghiên cứu của nhiều học giả Việt Nam. Ví dụ, trong cuốn “Việt Nam dân luật lược khảo - Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước”, Vũ Văn Mẫu định nghĩa: “Nghĩa vụ là mối liên hệ pháp lý giữa hai người, nhờ đó một người là trái chủ (hay chủ nợ) có quyền đòi người kia là người phụ trái (hay con nợ) phải thi hành một cung khoản có thể trị giá bằng tiền”[6]. “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” của Học viện Tư pháp, mặc dù không nói thẳng, nhưng đã ngụ ý không đồng ý với định nghĩa tại Điều 280, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005, và đã đưa ra một định nghĩa khác hẳn in chữ nghiêng để nhấn mạnh, dù hơi dài và có phần gây tranh luận như sau: “Nghĩa vụ dân sự được hiểu là quan hệ pháp luật về tài sản và nhân thân của các chủ thể, theo đó chủ thể mang quyền có quyền yêu cầu chủ thể mang nghĩa vụ phải chuyển giao một tài sản, thực hiện một việc hoặc không được thực hiện một việc vì lợi ích của mình hay lợi ích của người thứ ba, phải bồi thường một thiệt hại về tài sản hoặc nhân thân do có hành vi gây thiệt hại, vi phạm lợi ích hợp pháp của bên có quyền. Chủ thể mang nghĩa vụ dân sự có nghĩa vụ thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể mang quyền. Các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ theo qui định của pháp luật hoặc theo thoả thuận của các bên xác lập quan hệ nghĩa vụ dân sự[7].

Không thể đồng ý hoàn toàn với định nghĩa này (mà sẽ bàn tới sau), nhưng có thể nói đó là sự bộc lộ rụt rè một phản ứng trong nhiều phản ứng đối với định nghĩa về nghĩa vụ dân sự tại Điều 280, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005.

Có thể có nhiều lập luận cho rằng, định nghĩa tại Điều 280 kể trên là một sự kế tiếp truyền thống định nghĩa về nghĩa vụ đã từng có trong Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931, Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936, và Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995[8]. Có ý tứ như vậy, sau khi đã phân tích các định nghĩa về nghĩa vụ của các Bộ luật Dân sự nói trên, “Giáo trình luật dân sự Việt Nam” của Trường Đại học luật Hà Nội ghi một đoạn văn sau đây: “Như vậy, nếu so sánh định nghĩa về nghĩa vụ dân sự của BLDS nước ta hiện nay với các bộ dân luật trước đây, chúng ta thấy rằng dù có khác nhau về ngôn từ nhưng các bộ luật đều có sự thống nhất khi nhìn nhận nghĩa vụ dân sự…”[9].

Điều thứ 676[10], Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 định nghĩa: “Nghĩa vụ là cái dây liên lạc về luật thực tế hay luật thiên nhiên, bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó”. Điều thứ 641, Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ định nghĩa: “Nghĩa - vụ là mối liên -lạc về luật thực -tế hay luật thiên -nhiên, bó-buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó”.

Thật đáng tiếc, qua hai điều luật định nghĩa vừa dẫn trên trong các Bộ luật Dân sự cũ, có thể dễ dàng thấy ngay khái niệm “nghĩa vụ” được định nghĩa trong đó được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ tự nhiên mà ai cũng hiểu rằng nghĩa vụ tự nhiên không thể mang tố tụng trước toà án, còn nghĩa vụ đạo đức không thuộc sự điều tiết của pháp luật. Các vấn đề này đều được các Bộ luật Dân sự cũ qui định ngay sau khi định nghĩa. Điều đó có nghĩa là không có sự cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tự nhiên. Việc này cũng đồng nghĩa với việc không có “chủ thể có quyền yêu cầu” trong quan hệ nghĩa vụ tự nhiên bởi sự cưỡng chế của toà án dành sự ủng hộ cho người có quyền hay lợi ích bị vi phạm. Vì thế không thể định nghĩa về nghĩa vụ theo nghĩa rộng như vậy với sự xuất phát từ bản chất của nghĩa vụ dân sự là quyền yêu cầu như trên đã phân tích, nên có lẽ những người xây dựng các Bộ luật Dân sự cũ ở Việt Nam mới đưa ra định nghĩa như vậy. Đáng tiếc hơn, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 gọi nghĩa vụ nói tới trong đó là “nghĩa vụ dân sự”, có nghĩa là đã loại bỏ nghĩa vụ tự nhiên ra khỏi sự quan tâm của nó, nhưng lại định nghĩa về “nghĩa vụ dân sự” giống với các Bộ luật Dân sự cũ đã nói. Để làm rõ hơn cho sự phân biệt giữa nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ dân sự trong pháp luật của các chế độ cũ ở Việt Nam, có thể khảo sát các giải nghĩa về chúng trong một cuốn từ điển thuật ngữ pháp lý Việt - Pháp đối chiếu và giải thích như sau: “Nghĩa vụ thiên nhiên là một nghĩa vụ không do pháp luật bắt buộc thi hành mà vì lẽ công bằng người mắc nợ phải trả. Thí dụ: trả món nợ cờ bạc. Nghĩa vụ dân sự là một nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thi hành. Thí dụ nghĩa vụ cấp dưỡng”[11].

Để hiểu sâu sắc hơn về nghĩa vụ dân sự trong sự phân biệt với nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ tự nhiên, chúng ta nên khảo sát một cách phân loại nghĩa vụ cơ bản và truyền thống sau. Đó là cách phân loại nghĩa vụ theo hiệu lực[12]. ở trên đã phân tích thuật ngữ nghĩa vụ hiểu theo nghĩa rộng. Điều đó có nghĩa là nghĩa vụ được thừa nhận về mặt pháp lý rất rộng, song nhiều trong số chúng không bị phụ thuộc và một chế độ pháp lý nhất định. Vì vậy nhiều nền tài phán đã đưa ra cách phân loại nghĩa vụ thành nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ dân sự đôi khi được gọi là nghĩa vụ pháp lý[13]). Trong số các nghĩa vụ này chỉ có nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên các loại nghĩa vụ khác có những ý nghĩa nhất định, nhất là trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quan hệ nghĩa vụ.

Nghĩa vụ đạo đức không có hiệu lực pháp lý mà chỉ đơn thuần là nghĩa vụ lương tâm. Chẳng hạn một người làm từ thiện đóng góp tiền nuôi những đứa trẻ mồ côi. Khoản tiền đóng góp hay thời gian đóng góp hoặc chính sự đóng góp phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng và lòng hảo tâm của người làm từ thiện.

Các luật gia La Mã đưa ra một loại nghĩa vụ nằm giữa loại nghĩa vụ dân sự và nghĩa vụ đạo đức - đó là nghĩa vụ tự nhiên. Mặc dù không có định nghĩa chính thức về loại nghĩa vụ này, nhưng để phân biệt nó với các loại nghĩa vụ khác, người ta chia nghĩa vụ tự nhiên thành hai loại: Loại thứ nhất là các nghĩa vụ ban đầu là nghĩa vụ dân sự, sau đó trở thành nghĩa vụ tự nhiên (có nghĩa là trở nên không có hiệu lực pháp lý nữa). Chẳng hạn nghĩa vụ chi trả một khoản nợ đã hết thời hiệu hay nghĩa vụ của người vỡ nợ được giải phóng. Loại thứ hai là những nghĩa vụ đạo đức đúng đắn đặc biệt rõ ràng và thúc buộc. Chẳng hạn nghĩa vụ trợ giúp những người nghèo khó trong gia đình, hoặc bù đắp những thiệt hại gây ra mà không có lỗi về mặt pháp lý, hoặc thực hiện những dịch vụ đã cam kết mà thiếu nguyên nhân hay thiếu nghĩa vụ đối ứng có giá trị[14].

Ngày nay khi nói câu chuyện này với các luật gia mới ở Việt Nam, người ta có cảm giác dường như họ tiếp nhận một cách thờ ơ, có lẽ không chỉ bởi họ cho rằng văn bản pháp luật không qui định nên nằm ngoài tầm quan tâm của người học luật, mà họ còn cho rằng đây là một câu chuyện lý thuyết xa xôi, thiếu thực tiễn. Nhưng vấn đề không hẳn như vậy. Có một thực tế mà không ai có thể phủ nhận: đó là luật dân sự luôn luôn gắn bó với đời sống thường nhật của con người (có nghĩa là luật dân sự điều chỉnh các quan hệ thường nhật của con người đối với nhau, và đối với vật); và cuộc sống thường nhật thì luôn luôn biến động, nhiều vấn đề mới nảy sinh từng ngày, trong khi nhà làm luật lại không thể dự liệu hết các trường hợp có thể xảy ra trong đời sống thường nhật đó, nhưng các tranh chấp thì vẫn luôn luôn cần được giải quyết tại toà án. Vì vậy, học thuyết pháp lý là một loại nguồn không thể thiếu của luật dân sự. Người ta có thể tìm kiếm được các giải pháp ở đó để giải quyết các tranh chấp xảy ra, nếu các loại nguồn ưu tiên cao hơn không có gợi ý gì về các giải pháp cho trường hợp đó.

Đối với loại nghĩa vụ nghĩa vụ tự nhiên, nếu người thụ trái đã tự nguyện thực hiện thì không thể đòi lại. Điều đó có nghĩa là sự tự nguyện thực hiện đó đã ràng buộc về mặt pháp lý đối với người thụ trái. Từ đó có thể hiểu pháp luật đã cấp hiệu lực cho trường hợp này vì khi nghĩa vụ đã được thực hiện thì người thụ trái không thể nại ra rằng không có một nghĩa vụ để đòi lại những gì mà mình đã thực hiện. Nói cách khác, người thụ trái trong nghĩa vụ tự nhiên không bị pháp luật cưỡng bức thực hiện nghĩa vụ, nhưng nếu đã thực hiện thì pháp luật công nhận nghĩa vụ đó và vì vậy người thụ trái không thể đòi lại bằng cách nại ra là không có nghĩa vụ, tức là người được thực hiện có quyền từ chối trả lại sự thực hiện. Nghĩa vụ tự nhiên có thể biến đổi thành nghĩa vụ dân sự bởi người thụ trái bằng việc cam kết thực hiện đáp ứng các yêu cầu nhất định (ví dụ về nguyên nhân hoặc nghĩa vụ đối ứng hoặc về hình thức). Người ta còn biết đến việc bảo đảm đối nhân cho một nghĩa vụ tự nhiên.

Qua đây có thể nhận xét, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 chưa quan tâm đầy đủ tới tất cả các khía cạnh của nghĩa vụ. Trong khi đưa ra định nghĩa “nghĩa vụ dân sự” không chính xác tại Điều 280 (có nghĩa là định nghĩa rộng hơn khái niệm nghĩa vụ dân sự) mà bao gồm cả nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ đạo đức trong định nghĩa đó, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 lại không thể hiện được đầy đủ các khía cạnh đáng quan tâm về mặt pháp lý đối với nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ đạo đức như các nghiên cứu nói trên.

Tại đây cần nhấn mạnh thêm: khi xây dựng Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995 có khá nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng không nên sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ dân sự” mà nên sử dụng thuật ngữ “trái vụ” để thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa những trái chủ và người thụ trái xác định, nhưng những ý kiến này đã không được chấp nhận. Cuốn từ điển thuật ngữ pháp lý Việt - Pháp đối chiếu và giải thích nói trên đã nhấn mạnh tới một thuật ngữ có cùng nghĩa với thuật ngữ “nghĩa vụ” và cũng thường xuyên được sử dụng trong luật thực định và các công trình nghiên cứu - đó là “trái quyền”[15], và giải nghĩa: “Ta có thể gọi nghĩa vụ hay trái quyền mối quan hệ pháp lý giữa hai người theo đó người trái chủ có thể buộc người phụ trái hoặc phải trả một khoản tiền, phải trao một món hàng hoặc phải làm việc gì hay không được làm việc gì”[16]. Lưu ý rằng Bộ luật Dân sự Nhật Bản được dịch chính thức ra tiếng Anh sử dụng từ “claim” (trái quyền) để chỉ quan hệ giữa trái chủ và người thụ trái xác định, chứ không sử dụng từ “obligation” (nghĩa vụ).

Các định nghĩa về nghĩa vụ dân sự có tính cách khoa học thực sự xuất phát từ bản chất của nghĩa vụ dân sự là quyền yêu cầu cho thấy nghĩa vụ dân sự (sau đây gọi tắt là nghĩa vụ, trừ khi có yêu cầu đặc biệt trong việc dùng thuật ngữ) có ba đặc điểm quan trọng:

Thứ nhất, nghĩa vụ là một quan hệ pháp lý. Đặc điểm này nói lên sự cưỡng chế thi hành của pháp luật đối với nghĩa vụ và phân biệt nó với nghĩa vụ tự nhiên. Nó bao gồm hai thành tố: (1) Pháp luật công nhận; và (2) Có giá trị cưỡng bức thi hành.

Thứ hai, nghĩa vụ là một quan hệ đối nhân (quyền đối nhân). Đặc điểm này cho thấy quyền của trái chủ chỉ được thi hành đối với người thụ trái chứ không được thi hành trên bất kỳ tài sản cụ thể nào, có nghĩa là trái chủ chỉ có thể yêu cầu người thụ trái thực hiện nghĩa vụ. ở đây cần phải phân biệt giữa quyền đối vật và quyền đối nhân. Sự phân biệt này ít được nói tới trong khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay bởi hình mẫu của nó là Sovietique Law. Vắn tắt về sự khác nhau giữa quyền đối vật và quyền đối nhân, một số học giả Nhật Bản nói: “Đối lập với quyền đối vật, quyền đối nhân là một quyền tương đối không có yếu tố loại trừ”[17]. Tại đây cần phải lưu ý quyền loại trừ được xem là xương sống của quyền sở hữu. Deluxe Black’s Law Dictionary giải nghĩa: “Quyền đối nhân (right in personam) là một quyền áp đặt một nghĩa vụ đối với một người xác định. Quyền đối vật (right in rem) là một quyền áp đặt một nghĩa vụ đối với mọi người nói chung; có nghĩa là hoặc đối với tất cả thế giới hoặc đối với tất cả thế giới trừ một số người xác định. Như vậy, nếu tôi có quyền loại trừ tất cả mọi người từ một thửa đất xác định, thì tôi có quyền đối vật đối với thửa đất đó; và, nếu có một hoặc nhiều người, A, B và C, mà tôi không có quyền loại trừ từ thửa đất đó, thì quyền của tôi vẫn là quyền đối vật”[18].

Từ điển pháp luật của Pháp định nghĩa: “Quyền đối nhân là quyền đối với một người xác định mà là người thụ trái trong quan hệ nghĩa vụ”; còn “quyền đối vật là quyền có thể được thực hiện chống lại tất cả mọi người”[19].

Pháp luật dân sự ở Việt Nam trước kia[20] quan niệm: “Quyền đối vật = quyền đem đối kháng được với mọi người, cho phép người chủ -tể hành xử quyền mình trên một tài sản. Thí dụ: quyền tư hữu, dụng ích, địa dịch.

Quyền đối vật phụ thuộc (droit réel accessoire) là quyền cho một trái chủ được bảo đảm trên một tài sản nào cho phép trái chủ ấy có ưu quyền và quyền truy tuỳ. Thí dụ: quyền để đương, thế chấp”[21].

Quyền đối nhân và quyền đối vật được phân biệt cụ thể hơn về chủ thể và đối tượng, có nghĩa là trả lời cho các câu hỏi tối thiểu về từng loại quyền này như: ai là người được thụ hưởng quyền, ai là người chịu sự tác động của quyền, và quyền đó nhằm tới cái gì.

Về chủ thể: Quyền đối nhân có hai loại chủ thể là trái chủ và người thụ trái. Họ là những người xác định trong từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể mà trong đó trái chủ là loại chủ thể tích cực có quyền yêu cầu người thụ trái phải thi hành một nghĩa vụ nào đó; còn người thụ trái là loại chủ thể tiêu cực phải thi hành nghĩa vụ vì quyền lợi của trái chủ hoặc của người khác mà đã được xác định cụ thể trong quan hệ nghĩa vụ cụ thể. Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu dẫn tới hệ quả khác nhau đối với sản nghiệp của trái chủ và của người thụ trái. Đối với trái chủ, nghĩa vụ là phần làm tăng tài sản (tích sản). Còn đối với người thụ trái, nghĩa vụ là phần làm giảm tài sản (tiêu sản). Ví dụ: Trong quan hệ mua bán hàng hoá giữa Phình và Phệt, người mua Phình có quyền yêu cầu người bán Phệt phải chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho Phình. Vậy quan hệ này là phần làm tăng tài sản của Phình và làm giảm tài sản của Phệt. Ngược lại Phệt có quyền yêu cầu Phình phải trả tiền mua hàng hoá cho Phệt. Vì thế, quan hệ ngược lại này là phần làm tăng tài sản của Phệt và làm giảm tài sản của Phình. Trong những hợp đồng hữu thường như vậy các bên đều có lợi ích về tài sản trong đó. Với đặc tính này, trái chủ chỉ được thi hành quyền của mình đối với người thụ trái, không được thi hành quyền của mình trên bất kỳ một tài sản cụ thể nào. Việc thi hành quyền yêu cầu của trái chủ phụ thuộc vào tài sản đang có hoặc sẽ có trong tương lai của người thụ trái. Vì vậy, nếu thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, trái chủ thường đòi hỏi việc bảo đảm khoản nợ của mình bằng biện pháp đối vật hay đối nhân, mà trong đó bảo đảm đối vật là các vật quyền phụ thuộc, bao gồm cầm cố, thế chấp, để đương[22]. Các vật quyền phụ thuộc này cho phép trái chủ được ưu tiên lấy nợ trên tài sản cụ thể đã dùng để bảo đảm. Nếu tài sản này đã bị chuyển nhượng, thì trái chủ vẫn có quyền yêu cầu sai áp hay tịch biên và bán đấu giá để lấy nợ. Tuy nhiên, quyền ưu tiên lấy nợ trên tài sản này còn phụ thuộc vào những đặc quyền (có nghĩa là những quyền ưu tiên cao hơn[23]), bởi tính chất đặc biệt của những trái quyền như vậy của chủ nợ. Bảo đảm đối nhân được xem là bảo lãnh, có nghĩa là một người khác cam kết thi hành nghĩa vụ thay cho người thụ trái, nếu người thụ trái không thi hành được nghĩa vụ của mình.

Về đối tượng: Quyền đối nhân có ba loại đối tượng là chuyển giao tài sản, làm hoặc không làm một việc nào đó. Theo định nghĩa về nghĩa vụ tại Điều 280 của Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam thì quyền đối nhân có năm đối tượng: (1) chuyển giao vật; (2) chuyển giao quyền; (3) trả tiền hoặc giấy tờ có giá; (4) thực hiện công việc nào đó; (5) không được thực hiện công việc nào đó. Một số luật gia Việt Nam cho rằng, những gì mà người có nghĩa vụ phải thực hiện là khách thể của quan hệ nghĩa vụ hướng tới đối tượng của nghĩa vụ là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm. Do đó Điều 282, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 qui định: “Đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện”. Theo cách tư duy như vậy, Lê Nết phát biểu: “Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản phải giao, công việc phải làm hay không được phép làm. Trái với khách thể là lợi ích mà các bên mong muốn đạt được trong hợp đồng, thì đối tượng của nghĩa vụ là cái mà các bên tác động vào”[24]. Trước hết phải thấy, “đối tượng” hay “khách thể” đều được tiếng Anh gọi là “object”[25]. Và Deluxe Black’s Law Dictionary giải nghĩa “object” là mục đích được hướng tới. Không khác hơn, từ điển thuật ngữ pháp lý Việt - Pháp giải nghĩa thuật ngữ “objet” như sau: “Đối tượng của một nghĩa vụ là chủ đích của nghĩa vụ đó”. Sau đó phải hiểu nếu nghiên cứu về nghĩa vụ nói chung thì không thể chỉ cho rằng “khách thể là lợi ích mà các bên mong muốn đạt được trong hợp đồng”, bởi hợp đồng chỉ là một loại nguồn gốc của nghĩa vụ. Tiếp nữa cần lưu ý rằng cái gọi là “đối tượng của nghĩa vụ” không thể tách rời cái gọi là “khách thể của nghĩa vụ”. Nếu chúng tách rời, thì không tạo ra một ý nghĩa pháp lý nào cả.

Có thể nói, chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền và giấy tờ có giá có các yêu cầu cụ thể khác nhau, nhưng ở mức độ độ trừu tượng cao hơn có thể nhóm họp chúng trong cùng một nhóm. Suy nghĩ từ phân loại nghĩa vụ có thể thấy: nếu phân loại nghĩa vụ theo đối tượng thành nghĩa vụ chuyển giao, nghĩa vụ làm (hành động), và nghĩa vụ không làm (không hành động), thì sự phân loại sẽ có tính khái quát cao hơn phân loại nghĩa vụ thành năm loại theo Điều 280 đã nói. Thông thường định nghĩa cần nêu được các vấn đề chung nhất để có thể phân biệt được khái niệm đang được định nghĩa với các khái niệm khác, chứ không thể diễn giải dài dòng, quá chi tiết các đặc điểm của khái niệm. Đặc biệt hơn, nhưng không đúng hơn, định nghĩa về nghĩa vụ trong “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” của Học viện Tư pháp cho rằng, nghĩa vụ có bốn đối tượng: (1) chuyển giao một tài sản; (2) thực hiện một việc; (3) không được thực hiện một việc; và (4) “bồi thường một thiệt hại về tài sản hoặc nhân thân do có hành vi gây thiệt hại, vi phạm lợi ích hợp pháp của bên có quyền” (định nghĩa có chứa đựng quan niệm bất thường này về các đối tượng của nghĩa vụ đã được nêu nguyên văn ở trên). Ba đối tượng đầu của nghĩa vụ trong quan niệm này không có gì khác lạ. Nhưng “bồi thường một thiệt hại về tài sản hoặc nhân thân do có hành vi gây thiệt hại, vi phạm lợi ích hợp pháp của bên có quyền” thật khác lạ. Sự khác lạ này thấy được bởi đó không phải là đối tượng của nghĩa vụ mà là một loại nghĩa vụ (nhưng sự mô tả của quan niệm này về loại nghĩa vụ đó không đầy đủ) có nguồn gốc phát sinh hay căn cứ phát sinh từ một sự kiện (không phải do ý chí của đương sự). Bản thân loại nghĩa vụ này cũng nhằm tới đối tượng là chuyển giao một tài sản, làm hoặc không làm một việc gì đấy như: trả tiền, xây lại bức tường bị đổ, không sử dụng tên thương mại nhất định… Bản thân sự liệt kê các đối tượng của nghĩa vụ trong định nghĩa này của “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” đã nói của Học viện Tư pháp cũng đã mâu thuẫn với ngay các giảng giải cụ thể sau đó về đối tượng của nghĩa vụ. Định nghĩa của giáo trình ấy về nghĩa vụ trong khi cho rằng, đối tượng của nghĩa vụ bao gồm cả những nghĩa vụ phát sinh không do ý chí của đương sự (cụ thể: bồi thường thiệt hại do vi phạm), thì ngay sau đó vài trang sách lại cho rằng: “Đối tượng của nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận về giá trị, phạm vi, loại tài sản, loại công việc phải thực hiện hoặc công việc không được thực hiện”[26]. Đoạn văn này dường như đã chỉ cho rằng những vấn đề liên quan tới đối tượng của nghĩa vụ phải do thoả thuận, mà đã quên mất vai trò của pháp luật trong việc giải thích các đối tượng cụ thể của các nghĩa vụ cụ thể, và cũng quên mất sự cưỡng chế của pháp luật đối với việc thực hiện các nghĩa vụ mà không có sự thoả thuận.

Khác với quyền đối nhân, quyền đối vật thi hành trực tiếp trên vật và luôn luôn là yếu tố làm tăng tài sản của chủ thể quyền. Về chủ thể, quyền đối vật bao giờ cũng xác định được chủ thể quyền còn chủ thể của nghĩa vụ là tất cả những người còn lại. Nghiên cứu này làm rõ thêm cho quyền loại trừ mà được xem là xương sống của quyền sở hữu. Về đối tượng, quyền đối vật có đối tượng là vật. Trong luật tài sản, vật được hiểu là một phạm trù của luật dân sự dùng để chỉ những bộ phận khác nhau của thế giới vật chất có khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất hoặc tinh thần của con người và có những đặc tính căn bản như: đặc tính vật lý; và đặc tính đã được quan hệ xã hội hóa[27]. Quan niệm này có sự khác biệt với quan niệm của Gaius chia vật thành vật hữu hình và vật vô hình.

ở đây cần phải phân biệt quyền đối vật có mục đích là vật; còn quyền đối nhân có mục đích là một đối tượng cụ thể mà người thụ trái phải thi hành, trong đó có thể là chuyển giao tài sản, hoặc làm hoặc không làm một công việc nào đó. Do đó dẫn đến các hệ quả là sự chuyển giao nghĩa vụ khó khăn hơn chuyển giao vật quyền, bởi sự thay đổi trái chủ và người thụ trái không thể tuỳ tiện[28]. Nhưng dù sao, sự phát triển của kinh tế, xã hội đã thúc đẩy việc chuyển giao quyền và chuyển giao nghĩa vụ, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Điều đó tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thị trường phát triển. Các vấn đề này cũng xảy ra ở Common Law. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 có các qui định về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ tại các điều từ Điều 309 đến Điều 317. Quyền đối nhân là một loại quyền tương đối, khác với quyền đối vật là một loại quyền tuyệt đối, có nghĩa là quyền đối nhân không có hiệu lực đối với người thứ ba (có một số ngoại lệ) mà trái chủ chỉ có quyền yêu cầu người thụ trái, và chỉ trái chủ mới có được quyền như vậy. Sự khác biệt này dẫn tới cách thức khác nhau trong việc viết các qui phạm pháp luật liên quan tới quyền đối vật và viết các qui phạm pháp luật liên quan tới quyền đối nhân. Nhưng dù sao cũng vẫn cần nhấn mạnh rằng, các quyền đối vật có tính cách hạn định hay phải do pháp luật qui định; còn các quyền đối nhân có thể do ý chí của các bên xác lập.

Thứ ba, nghĩa vụ là một quyền sản nghiệp[29]. Đặc điểm này xuất phát từ việc nghĩa vụ có thể trị giá được bằng tiền và liên quan tới các phân tích ở trên về việc tăng giảm tài sản của các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ. Khi thực hiện nghĩa vụ (kể cả những nghĩa vụ có đối tượng là làm hoặc không làm một việc gì đấy), thì người thụ trái cũng đều phải bỏ thời gian, công sức, chi phí tài sản hoặc cơ hội ra để thực hiện; trong khi đó trái chủ được hưởng các lợi ích từ việc thực hiện đó. Vậy nghĩa vụ là một quan hệ tài sản hay quyền sản nghiệp.

Nhận định về đặc điểm này của nghĩa vụ có phần khác biệt với quan niệm của Học viện Tư pháp thể hiện trong định nghĩa về nghĩa vụ đã dẫn của “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” đã nói. Định nghĩa của giáo trình này cho rằng: “Nghĩa vụ dân sự được hiểu là quan hệ pháp luật về tài sản và nhân thân của các chủ thể…”[30]. Có lẽ, quan niệm này xuất phát từ việc phân tích một số qui định của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 liên quan tới việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm[31]. Đây chỉ là sự phỏng đoán của chúng tôi vì chúng tôi cho rằng, đoạn văn vừa dẫn phù hợp với quan niệm “bồi thường một tài sản về thiệt hại hoặc nhân thân do có hành vi gây thiệt hại, vi phạm lợi ích hợp pháp của bên có quyền”[32] là đối tượng của nghĩa vụ được nêu ở đoạn văn sau đó trong định nghĩa này về nghĩa vụ. Vậy cần khảo sát các qui định liên quan của Bộ luật Dân sự 2005 để xem nhận định rút ra từ đó của Học viên Tư pháp có thực sự chính xác không. Điều 25, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 qui định, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: (1) Tự mình cải chính; (2) Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; (3) Yêu cầu người vi phạm hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Đây là nguyên tắc bảo vệ quyền nhân thân mà trong đó bồi thường thiệt hại là một biện pháp luật định cho phép người bị xâm phạm lựa chọn. Điều đó có nghĩa là nhà làm luật Việt Nam đã nghiêng về quan điểm lấy lợi ích vật chất để bù đắp phần nào nỗi đau tinh thần. Do đó Điều 307, khoản 3, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 qui định cụ thể hơn “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”. Quan niệm thiệt hại về tinh thần có thể xác định được bằng tiền[33], nên Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 có qui định như sau:

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự2, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo qui định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không qua mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước qui định” (Điều 611).

Các qui định nói trên cho thấy việc bồi thường thiệt hại về tinh thần do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được phân biệt dứt khoát với việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Việc bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi của Phần nói về nghĩa vụ dân sự của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005; còn việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai không thuộc phạm vi của Phần này. Cần hiểu rằng việc bồi thường này là một nghĩa vụ phát sinh ngoài ý chí của đương sự và có đối tượng là việc chuyển giao tài sản. Vì vậy quan hệ nghĩa vụ như vậy không phải là một quan hệ nhân thân mà là một quyền sản nghiệp hay quan hệ tài sản. Việc xâm phạm nhân thân chỉ là một căn cứ phát sinh ra nghĩa vụ.

Các luật gia theo hình mẫu pháp luật Pháp cho rằng, nghĩa vụ liên quan đến quyền sản nghiệp - mà ở đây sản nghiệp được xem là một tập hợp tài sản có và tài sản nợ thuộc về một người nhất định, có nghĩa là một tập hợp các quan hệ tài sản của một người[34]. Do đó trong định nghĩa của Vũ Văn Mẫu về nghĩa vụ nhắc tới đối tượng của nghĩa vụ là cung khoản có thể trị giá bằng tiền nhằm nhấn mạnh tới mối quan hệ về tài sản[35]. Cần hết sức lưu ý: nếu quan niệm nghĩa vụ là quan hệ nhân thân, thì không thể chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ.

Có điểm khác biệt, Điều 399, Bộ luật Dân sự Nhật Bản[36] qui định đối tượng của nghĩa vụ có thể là những gì không xác định được bằng tiền. Thực tiễn áp dụng điều khoản này đã diễn ra tại một phiên toà ở Tokyo khi giải quyết tranh chấp liên quan tới việc một cha cố cam kết rửa tội cho con chiên có phải là nghĩa vụ hay không. Nhiều luật gia Nhật Bản cho rằng, các hành vi không được trị giá thành tiền không nhất thiết thuộc phạm trù đạo đức. Vì vậy qua vụ việc này, Toà án đã thừa nhận sự tồn tại của nghĩa vụ nói trên[37].

Luận giải về tính chất tài sản của nghĩa vụ, có quan điểm được ủng hộ nhiệt thành ở Việt Nam xác định các vật quyền được luật dân sự điều chỉnh ở trạng thái tĩnh; còn khi các tài sản đó được lưu thông, thì chúng được xác định ở trạng thái động - đó là nội dung của trái quyền hay nghĩa vụ dân sự[38]. Như vậy, các quan hệ nghĩa vụ đều mang tính chất tài sản, có nghĩa là có thể trị giá bằng tiền. Tại đây đã xuất hiện một vấn đề về thuật ngữ là nên sử dụng thuật ngữ “tài sản” hay thuật ngữ “sản nghiệp” để chỉ tính chất của nghĩa vụ. Có lẽ thuật ngữ tài sản dễ bị nhầm lẫn, trong khi thuật ngữ sản nghiệp phản ánh được đầy đủ các khía cạnh của mối quan hệ này.

Cần phải nói thêm rằng, hiện nay ở Việt Nam có một số luật gia đưa ra các quan niệm khác về đặc điểm của nghĩa vụ. Lê Nết cho rằng nghĩa vụ có bốn đặc điểm: (1) nghĩa vụ là một ràng buộc pháp lý, phát sinh trên có sở thoả thuận hoặc luật định; (2) quan hệ nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật dân sự tương đối; (3) quan hệ nghĩa vụ là một quan hệ trái quyền; và (4) có chế tài dân sự cụ thể kèm theo khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ[39]. Chưa đi sâu cũng có thể nói ngay đặc điểm thứ tư của nghĩa vụ theo quan niệm này không thật sự là một đặc điểm của nghĩa vụ vì bản thân nó bị bao hàm trong đặc điểm thứ nhất của nghĩa vụ theo quan niệm này. Chắc chắn phải hiểu rằng, nói tới sự ràng buộc pháp lý có nghĩa là nói tới sự cưỡng chế thi hành, và chế tài phải được nhắc đến trong sự cưỡng chế đó. Đặc điểm thứ ba của nghĩa vụ theo quan niệm này không phải là một đặc điểm của nghĩa vụ mà chính là sự mô tả quan hệ nghĩa vụ theo một cách thức khác bởi vì như trên đã phân tích quan hệ nghĩa vụ có thể gọi là quan hệ trái quyền. Đặc điểm thứ hai của nghĩa vụ theo quan niệm này được đặt tên không chuẩn xác vì quan hệ pháp luật dân sự tương đối là hệ quả của quyền đối nhân. Về đặc điểm này, tác giả Lê Nết đã viết nguyên văn như sau: “Quan hệ nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật dân sự tương đối (tiếng latinh là in personam). Có nghĩa là, chỉ có bên có nghĩa vụ mới phải thực hiện công việc đối với bên có quyền. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ trong quan hệ này được được xác định”[40]. Thuật ngữ in personam ở đây phải được dịch là đối nhân trong nghĩa đối lập với in rem là đối vật. Và hệ quả: quyền đối nhân là một quan hệ pháp luật dân sự tương đối; còn quyền đối vật là quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối. Phải nhắc thêm, sự lý giải về đặc điểm thứ nhất của nghĩa vụ mà tác giả Lê Nết đưa ra trong công trình nghiên cứu của mình là chưa thoả đáng, bởi lẽ tác giả đã xuất phát từ quan niệm cổ của các luật gia La Mã coi nguồn gốc của nghĩa vụ là sự thoả thuận (hợp đồng) hoặc luật định. Vai trò của ý chí đơn phương chưa được nhắc tới một cách có ý thức tại đó.

Làm luật là một quá trình nghiên cứu công phu để chắt lọc ra các qui tắc pháp lý hay các qui phạm pháp luật có tính trừu tượng cao nhằm đưa ra được các giải pháp cho các trường hợp tranh chấp hay cần thiết xảy ra trong tương lai. Do vậy hết sức cần các chuyên gia giỏi trong cả lĩnh vực lý luận và thực tiễn, và càng cần hơn các ý kiến hay quan niệm trái ngược. Luật làm ra cho cả một dân tộc và ảnh hưởng đến cả một quốc gia. Nên vì sự hệ trọng này mà cần cân nhắc kỹ lưỡng bằng cách mời gọi sự tham dự tối đa của các chuyên gia, kể cả ngoài sự quen biết, kể cả việc họ có cách nói làm cho ai đó không thích. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 được làm ra dường như đã thiếu sự cân nhắc như vậy. Vì thế, nó có quá nhiều bất cập mà chúng tôi sẽ tiếp tục nêu sau khi nghiên cứu, để chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung bộ luật này một cách tốt hơn.

Chú tích:

[1]Andrew Burrows, Understanding the Law of Obligation- Essays on Contract, Tort and Restitution, Hart Publishing, Oxford, 1998

[2] Deluxe Black’s Law Dictionary, West Publishing Co., USA, 1990

[3] Corinne Renault- Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 11

[4] Xaca Vacaxum, Tori Aridumi, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nguyễn Đức Giao và Lưu Tiến Dũng dịch ra tiếng Việt, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 343

[5] Roger Réau, Jean Rondepierre, édouard Bourrel, Michel Lerolle, Maurice Esmein, Paul Sumien, Petit Dictionnaire de Droit, Librairie Dalloz, Paris, 1951

[6] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo - Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 13

[7] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb Công an Nhân dân, 2007, tr. 256

[8] Điều 285, Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995 định nghĩa: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo qui định của pháp luật, thì một hoặc nhiều chủ thể (gọi là người có nghĩa vụ) phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (gọi là người có quyền)

[9] Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam - Tập 2, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 7

[10] Lưu ý “Giáo trình luật dân sự Việt Nam” (Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007) tại Tập II, trang 6 đã cho rằng “Điều 675” của Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 định nghĩa về nghĩa vụ, nhưng thực ra là “Điều thứ 676” định nghĩa về nghĩa vụ, còn “Điều thứ 675” là Điều cuối cùng nói về quyền địa dịch.

[11] Trần Thúc Linh, Danh-từ pháp -luật lược -giải, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, tr. 754

[12] Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 1995 của Việt Nam không đề cập tới sự phân loại nghĩa vụ theo cách thức này. Trong khi các Bộ luật Dân sự của nhiều nước trên thế giới, cũng như các Bộ luật Dân sự cũ của Việt Nam chú ý thích đáng tới nhiều cách phân loại nghĩa vụ như phân loại theo hiệu lực, phân loại theo nguồn gốc, phân loại theo đối tượng, phân loại theo mức độ, phân loại theo chế tài và phân loại theo dạng thức. Một số luật gia hiện nay chỉ cho rằng phân loại nghĩa vụ là phân loại theo dạng thức thể hiện qua các giáo trình luật dân sự của Đại học luật Hà Nội, Học viện Tư pháp…

[13] Sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ pháp lý” là thoả đáng đối với cách phân loại nghĩa vụ theo hiệu lực, nhưng nó dễ bị nhầm lẫn với “nghĩa vụ pháp định” mà tiếng Pháp gọi là “obligation légale” với tính cách là một nguồn gốc của nghĩa vụ. Vũ Văn Mẫu phê bình thuật ngữ nghĩa vụ pháp định không chính xác, bởi các loại nghĩa vụ phát sinh ngoài ý chí của đương sự (nếu chia theo nguồn gốc) đều có thể gọi là nghĩa vụ pháp định vì chỉ có pháp luật mới có thể thừa nhận hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ khi người thụ trái không tự nguyện thi hành nghĩa vụ. Nói cách khác, thuật ngữ nghĩa vụ pháp định phải được dùng cho các nghĩa vụ dân sự pham, chuẩn dân sự phạm và nghĩa vụ chuẩn khế ước (Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo - Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 25)

[14] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 382

[15] Nếu xét “nghĩa vụ” theo nghĩa hẹp chỉ hành vi của người thụ trái phải thực hiện vì lợi ích của người khác, thì “trái quyền” là thuật ngữ đối lập với thuật ngữ “nghĩa vụ”, có nghĩa là mỗi trong số chúng chỉ một mặt đối lập trong một quan hệ xác định.

[16] Trần Thúc Linh, Danh- từ pháp -luật lược -giải, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, tr. 754

[17] Japan International Cooperation Agency (JICA), Japanese Laws (Volume 2: 1997- 1998)- Luật Nhật Bản (Tập II: 1997- 1998), Youth Publishing House- Nhà xuất bản thanh niên, Song ngữ Anh - Việt, tr. 162

[18] Deluxe Black’s Law Dictionary, West Publishing Co, 1990

[19] Roger Réau, Jean Rondepierre, édouard Bourrel, Michel Lerolle, Maurice Esmein, Paul Sumien, Petit Dictionnaire de Droit, Librairie Dalloz, Paris, 1951

[20] Pháp luật Việt Nam (ở cả nước trong thời kỳ Pháp thuộc, và ở Miền Nam trước khi thống nhất đất nước) theo truyền thống Civil Law và được xây dựng theo hình mẫu pháp luật Pháp

[21] Trần Thúc Linh, Danh-từ pháp -luật lược -giải, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn

[22] Thế chấp và để đương có sự khác nhau trong pháp luật Việt Nam dưới các chế độ cũ. Đối với thế chấp, có chuyển giao tài sản để trái chủ chiếm hữu thực tế hay danh nghĩa. Còn đối với để đương thì không có sự chuyển giao. Bên cạnh thuật ngữ thế chấp vẫn có thuật ngữ cầm cố, nhưng sử dụng khác nhau cho bất động sản và động sản. Trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005, cầm cố và thế chấp không khác nhau rõ rệt, và không sử dụng thuật ngữ để đương. Theo chúng tôi, sử dụng thuật ngữ thế chấp để chỉ một chế định pháp lý có chức năng giống với mortgage của hệ thống Common Law là không chính xác

[23] Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 hiện nay không có một chương hay một mục riêng dành cho các đặc quyền, mà các đặc quyền được qui định rải rác, thiếu thốn, đôi khi mâu thuẫn ở các văn bản pháp luật khác nhau

[24] Nguyễn Xuân Quang - Lê Nết - Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật dân sự Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 281

[25] Hữu Ngọc, Sổ tay người dịch tiếng Anh, Nxb Giáo dục, 1996, tr. 68, 70

[26] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb Công an nhân dân, 2007, tr. 261

[27] Vật là tài sản hữu hình bởi có đặc tính vật lý. Con người có thể nhận biết được vật bằng giác quan của mình hoặc bằng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Tuy nhiên chỉ được xem là vật theo quan niệm tài sản của luật dân sự khi đã được một hoặc nhiều người xác định chiếm hữu. Khác hơn quyền không có đặc tính vật lý và được xem là tài sản vô hình

[28] Vũ Văn Mẫu nói rằng: “Vì nghĩa vụ là một mối giây ràng buộc người phụ trái với người trái chủ cho nên sự chuyển dịch các nghĩa vụ không được hoàn toàn tự do, như đối với các quyền đối vật. Người ta không thể tự ý thay đổi trái chủ hay thay đổi người phụ trái” (Việt Nam dân luật lược khảo - Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 21)

[29] Sử dụng thuật ngữ quyền sản nghiệp chính xác hơn thuật ngữ quyền tài sản. Sản nghiệp chỉ một mối quan hệ tài sản thuộc một người nào đó bao gồm cả tài sản có và tài sản nợ. Vì vậy nó phản ánh chính xác hơn tính chất của nghĩa vụ

[30] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb Công an Nhân dân, 2007, tr. 256

[31] Đây chỉ là phỏng đoán bởi tác giả của định nghĩa đó không phân tích rõ lý do đưa ra định nghĩa và quan niệm như vậy

[32] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb Công an Nhân dân, 2007, tr. 256

[33] Có các quan điểm đối lập nhau về lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Trước kia người ta có sự phân biệt rạch ròi giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, nhưng này nay các luật gia đã thoả hiệp đem đồng nhất lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần (Nguyễn Huy Đấu, Luật dân -sự tố -tụng Việt -Nam, Sài Gòn, 1962, tr. 45). Tuy vậy có nhiều quan điểm cho rằng đau đớn không thể trị giá được bằng tiền, vì vậy khó xác định được thiệt hại về tinh thần, nên việc bù đắp thiệt hại về tinh thần gặp phải những khó khăn nhất định. Thông thường các nền tài phán dành việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho sự thẩm lượng của toà án trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng pháp luật Việt Nam lại ấn định một mức bồi thường cụ thể cho tất cả các truờng hợp nếu các bên không thoả thuận được. Hiểu rằng hầu như ai bị thiệt hại đều đòi hỏi bồi thường cao hơn thực tế - đó là tâm lý chung. Nếu pháp luật ấn định một mức bồi thường cụ thể như Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 thì mức bồi thường đó có thể thường được áp dụng vì sự đòi hỏi của đương sự hầu như cao hơn mức đó. Còn vấn đề mà pháp luật phải đối diện là ai được bồi thường trong số những người sau: những người trực tiếp bị xâm hại, những người liên quan, những người thừa kế của những người này (Nguyễn Huy Đấu, Luật dân -sự tố -tụng Việt -Nam, Sài Gòn, 1962, tr. 46)

[34] Các nước theo Common Law cũng có quan niệm về sản nghiệp trong sự phân biệt với tài sản trong các vấn đề pháp lý về doanh nghiệp, thừa kế, phá sản…, tuy nhiên không thật sự rõ rệt. Cũng như vậy pháp luật Việt Nam cũng có phân biệt sản nghiệp và tài sản trong nhiều vấn đề pháp lý tương tự thể hiện qua các đạo luật như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Phá sản 2004, Luật Doanh nghiệp 2005…, nhưng không rõ rệt và có phần làm xáo trộn các khái niệm này

[35] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo - Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 13

[36] Điều 399, Bộ luật Dân sự Nhật Bản qui định: “Một trái quyền có thể có, đối với đối tượng của nó, thậm chí một vài thứ không thể ước lượng được bằng tiền”.

[37] Xaca Vacaxum, Tori Aridumi, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nguyễn Đức Giao và Lưu Tiến Dũng dịch ra tiếng Việt, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 347

[38] Đào Trí úc, Một số vấn đề cơ bản về Bộ luật Dân sự Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số chuyên đề 1997, tr.25

[39] Nguyễn Xuân Quang -Lê Nết -Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật dân sự Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 277

[40] Nguyễn Xuân Quang - Lê Nết - Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật dân sự Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 277

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 121, THÁNG 4 NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến