Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

THỰC TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP VỀ TRẢ LƯƠNG QUA TÀI KHOẢN

imagePHẠM THỊ ÁNH HÒA - Ban Thanh toán Ngân hàng nhà nước Việt Nam

1. N hững thành tựu đạt được

Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc hạn chế sử dụng tiền mặt, phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu của nền kinh tế, cũng như phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng là những mục tiêu mà hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang hướng tới. Để đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt thì biện pháp cấp thiết đầu tiên là thực hiện trả lương qua tài khoản mà giai đoạn đầu của Đề án trả lương qua tài khoản là thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do đây là đối tượng tiên phong làm hình mẫu cho xã hội hình thành thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch thanh toán trên cơ sở công nghệ mới tiên tiến, đặt nền móng thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần hạn chế các giao dịch bất hợp pháp, tăng cường sự quản lý nhà nước đối với các chi tiêu tài chính từ ngân sách và vốn nhà nước, triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng như Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng.

Trên tinh thần đó, ngày 24/8/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Chỉ thị 20). Sau 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 20 đã được một số kết quả khả quan như sau:

Sự hưởng ứng tích cực của xã hội tạo điều kiện triển khai rộng khắp toàn quốc, đạt được kết quả khả quan, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Phần lớn các đối tượng thực hiện trả lương qua tài khoản là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội… Do đó, các đối tượng này đã tích cực hưởng ứng và là những người gương mẫu đi đầu trong việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng để người dân noi theo, làm nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Việc triển khai Chỉ thị 20 còn nhận được sự phối hợp, đồng bộ giữa các Bộ, ngành, UBND và ngành Ngân hàng nên khá thuận lợi. Đồng thời việc trả lương qua tài khoản (mà chủ yếu là thực hiện qua ATM) được tập trung tiến hành ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thị xã, thành phố, nơi đã lắp đặt nhiều máy ATM, là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Cụ thể:

- Thành phố Hà Nội*:

Theo báo cáo của các NHTM đã gửi về NHNN Chi nhánh TP Hà Nội thì trên địa bàn thành phố số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã trả lương qua tài khoản tính đến hết ngày 31/12/2007 là 529 đơn vị và đến 6/2008 tăng lên và đạt 1.660 đơn vị (chiếm tỷ trọng 64% trong tổng số 2.586 đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn); số tài khoản nhận lương NSNN tại các NHTM tính đến hết ngày 31/12/2007 là 71.682 tài khoản và đến 6/2008 thì lên đến 139.666 tài khoản - tăng 67.984 tài khoản (tỷ lệ tăng 95%). Tính chung ở Hà Nội số máy ATM đến ngày 31/12/2007 có 949 máy chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, các trung tâm kinh tế, thương mại, khu công nghiệp và đến 6/2008 là 1.145 máy - tăng 196 máy (tỷ lệ tăng 21%); số máy POS đến ngày 31/12/2007 là 5.596 máy và đến 6/2008 là 6.489 máy - tăng 893 máy (tỷ lệ tăng 16%). Kết quả đã đạt được bước đầu trong 6 tháng vừa qua tại Thành phố Hà Nội là rất đáng khích lệ.

+ Thành phố Hồ Chí Minh*:

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM thì trên địa bàn thành phố số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã trả lương qua tài khoản tính đến hết ngày 31/12/2007 là 605 đơn vị và đến 6/2008 có 2.348 đơn vị (chiếm tỷ trọng 79% trong tổng số 2.963 đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn); số tài khoản nhận lương NSNN tính đến tháng 6/2008 theo thống kê chưa đầy đủ vào khoảng 142.630 tài khoản. Số máy ATM đến ngày 31/12/2007 có 1.261 máy và đến 6/2008 có 1.572 máy - tăng 311 máy (tỷ lệ tăng 25%); số máy POS đến ngày 31/12/2007 là 7.169 máy và đến 6/2008 là 8.339 máy - tăng 1.170 máy (tỷ lệ tăng 16%).

- Tại 62/63 tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương: mặc dù chưa phải là các địa phương trọng điểm thực hiện Chỉ thị 20 trong giai đoạn 1 của lộ trình nhưng các tỉnh cũng đã rất tích cực xây dựng kế hoạch triển khai, UBND tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan để thực hiện tốt Chỉ thị 20, đồng thời các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng sẵn sàng đón nhận hình thức trả lương qua tài khoản tại các TCCUDVTT.

Người sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản được hưởng nhiều tiện ích mới

Nhìn chung, các đơn vị hưởng lương từ NSNN sau khi được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật nghiệp vụ kế toán, hạch toán phí dịch vụ thanh toán cũng như đã được NHNN cung cấp thông tin ban đầu về năng lực cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản của các TCCUDVTT đã có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm triển khai trả lương qua tài khoản. Các đơn vị này còn được các TCCUDVTT tích cực quảng cáo và hướng dẫn với nhiều hình thức để cung cấp dịch vụ trả lương qua tài khoản giúp tiết kiệm được thời gian, nhân lực trong quản lý ngân quỹ và chi trả lương. Sau một thời gian sử dụng, nhiều cán bộ công nhân viên đã thấy được tiện lợi và lợi ích của việc sử dụng tài khoản cá nhân và thẻ thanh toán: người lĩnh tiền lương qua tài khoản thông qua việc rút tiền từ ATM được tiếp cận công nghệ mới văn minh, hiện đại; chủ động hơn trong việc chi tiêu khi tiền lương đã được chuyển vào tài khoản; cán bộ đi công tác ở tỉnh, thành phố khác có thể giảm bớt việc phải mang tiền mặt nhiều theo người...Tiền lương khi chưa rút còn được hưởng lãi suất tiền gửi theo quy định, ngoài ra người hưởng lương còn được hưởng các dịch vụ thanh toán tiện ích khác như chuyển tiền, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, dùng thẻ để mua sắm hàng hoá, dịch vụ ở các điểm chấp nhận thẻ (POS).

Tạo cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ thu hút khách hàng của các TCCUDVTT được mở rộng

Việc ban hành Chỉ thị 20 là cơ hội tốt cho các TCCUDVTT phát triển thêm khách hàng, hầu hết các TCCUDVTT đều xác định trong thời gian hiện nay việc mở tài khoản và chi trả lương qua tài khoản cho khách hàng chủ yếu là nhằm mục đích mở rộng mạng lưới khách hàng và tạo thói quen sử dụng tài khoản tiền gửi tại ngân hàng từ đó làm cơ sở phát triển dịch vụ thanh toán đa tiện ích không dùng tiền mặt để đa dạng hoá các loại hình dịch vụ kinh doanh, từng bước gia tăng thu nhập trong tương lai.

Cho đến nay các TCCUDVTT, tuỳ thuộc vào chiến lược kinh doanh và năng lực cung ứng thực tế, đã cố gắng đầu tư lắp đặt thêm nhiều máy ATM tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương; xây dựng kế hoạch cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản, tích cực triển khai tiếp cận, tuyên truyền quảng bá tới các đối tượng khách hàng cho dù không ít tỉnh, thành phố chưa bắt buộc phải triển khai trả lương qua tài khoản từ 1/1/2008 theo lộ trình của Chỉ thị 20 (biểu số liệu về ATM và POS của các TCCUDVTT đính kèm).

Các TCCUDVTT đã triển khai cung ứng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích cho khách hàng như: dịch vụ thanh toán lương tự động, home banking, thấu chi tài khoản, Internet banking, thanh toán hoá đơn (điện, nước, điện thoại…) v.v…Cụ thể: ngoài các dịch vụ cơ bản như rút tiền, vấn tin, in sao kê tài khoản, chuyển khoản, đổi PIN, một số TCCUDVTT như Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam đã và đang triển khai thêm một số dịch vụ như chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm trực tiếp trên máy ATM; in sao kê, phát hành sổ séc và gần đây nhất là dịch vụ thanh toán hoá đơn của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam kết hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ qua 70 thiết bị chấp nhận thẻ (EDC) tại quầy giao dịch như rút tiền, chuyển khoản, in sao kê, nộp tiền vào tài khoản tiền gửi phát hành thẻ để giảm bớt áp lực cho các chi nhánh chưa được trang bị máy ATM.

Ngày 23/5/2008, với sự chỉ đạo tích cực của NHNN, hai liên minh thẻ lớn nhất toàn quốc Smartlink và Banknetvn đã tiến hành khai trương việc kết nối thành công mạng ATM của 5 ngân hàng thành viên: Ngoại thương, Công thương, Đầu tư & PTVN, Nông nghiệp & PTNT, Kỹ thương. Số lượng giao dịch qua ATM tăng mạnh trên cả 2 hệ thống, số lượng giao dịch lỗi chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ và đều đã được phát hiện xử lý kịp thời. Theo phản ánh của khách hàng và báo cáo của các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, báo cáo của một số TCCUDVTT, hầu hết các khách hàng đều ghi nhận việc kết nối mạng ATM của 2 liên minh là thuận tiện và cảm thấy hài lòng khi khả năng lựa chọn sử dụng ATM của các ngân hàng được gia tăng, nhất là vào thời gian cao điểm, hạn chế được phần nào tình trạng chờ đợi và ùn tắc.

Đạt được những kết quả khả quan nêu trên là do:

Một là: Việc ban hành Chỉ thị 20 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp yêu cầu thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt giúp phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong nền kinh tế, đồng thời tăng cường sự quản lý nhà nước đối với các chi tiêu tài chính từ ngân sách và vốn nhà nước đi đôi với thực hành tiết kiệm phòng chống tham nhũng trên cơ sở minh bạch hoá một phần chi tiêu ngân sách và thu nhập cá nhân. Do đó, Chỉ thị đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, triển khai khá mạnh mẽ.

Hai là: Từ những lợi ích thiết thực của việc trả lương qua tài khoản đem lại cho các tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ thông qua thanh toán thẻ là một phương tiện thanh toán văn minh, hiện đại, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị 20 đã đồng tình, hưởng ứng, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của cấp trên.

Ba là: Sự tích cực, chủ động của hệ thống ngân hàng (NHNNTW và các chi nhánh, các TCCUDVTT) trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước), Bộ Thông tin & Truyền thông...

Bốn là: Mạng lưới cơ sở hạ tầng ATM của các TCCUDVTT bước đầu đã được hình thành rộng khắp trên toàn quốc, đặc biệt tập trung tại những thành phố lớn đang và sẽ được tiếp tục đầu tư củng cố, phát triển tạo nền tảng cho việc cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản. Bên cạnh đó, các TCCUDVTT không ngừng tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt đi đôi với sử dụng thẻ.

Có thể nói, việc ban hành Chỉ thị 20 là một chủ trương đúng đắn nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong quá trình triển khai đã nhận được sự đồng thuận của xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan đồng thời đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng sẵn sàng đón nhận hình thức trả lương qua tài khoản tại các TCCUDVTT đã tạo điều kiện để triển khai thực hiện Chỉ thị 20 được thuận lợi. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng với việc vào cuộc của các cấp, các ngành, sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân và đặc biệt là các đối tượng hưởng lưong từ ngân sách nhà nước thì việc thực hiện Chỉ thị trên sẽ đem lại những kết quả khả quan.

2. Khó khăn, vướng mắc và một số giải pháp thực hiện trả tiền lương qua tài khoản

Qua 6 tháng triển khai thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, nhìn chung đây là một sự thay đổi thói quen trong việc nhận lương, nên người nhận lương có tâm lý e ngại, bên cạnh đó tiền lương của các đối tượng hưởng lương ngân sách còn thấp nên việc trả lương qua tài khoản hiệu quả chưa cao. Về phía ngân hàng, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng, ngành Ngân hàng còn hạn chế về vốn và nhân lực... Đặc biệt, một số tỉnh mặc dù chưa đến thời điểm bắt buộc triển khai hoặc chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã triển khai gây bất cập trong việc đáp ứng hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) và bất tiện cho người nhận lương. Bài viết này xin đề cập đến một số khó khăn chủ yếu và từ những lý do đó để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương trả lương qua tài khoản.

* Những khó khăn, vướng mắc

Một là, một số nơi nhận thức về tinh thần Chỉ thị 20 về đối tượng và lộ trình áp dụng chưa thật chính xác đầy đủ, Chỉ thị 20 chỉ áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương từ NSNN, còn cán bộ hưu trí hưởng lương hưu từ BHXH không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị này.

Tương tự đối với người lao động, công nhân viên của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các cá nhân khác nhận lương qua tài khoản là hoàn toàn mang tính chất thoả thuận tự nguyện cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị 20. Việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng lao động này là do doanh nghiệp sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động thoả thuận với TCCUDVTT trên cơ sở được sự đồng ý của các đối tượng nhận lương ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, có hiện tượng áp dụng trả lương qua tài khoản ồ ạt, không tính đến khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng (máy ATM).

Một số địa phương chưa thuộc lộ trình triển khai giai đoạn 1 của Chỉ thị 20, chưa có đủ các điều kiện về công nghệ (khả năng cung ứng của các TCCUDVTT) nhưng vẫn làm ồ ạt theo phong trào.

Hai là, các TCCUDVTT chưa chuẩn bị kịp các điều kiện cơ sở hạ tầng: Số máy ATM mặc dù đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho người sử dụng, tần suất phục vụ khách hàng tăng cao nhưng chất lượng phục vụ khách hàng của các TCCUDVTT còn một số hạn chế, như: chưa đảm bảo việc bảo trì, bảo dưỡng mạng truyền thông, tiếp quỹ tiền mặt chưa kịp thời cho máy ATM dẫn đến các hiện tượng quá tải, hết tiền, máy hỏng, máy bị trục trặc chậm xử lý, máy chập điện, kém an toàn, bảo mật thấp… nhất là trong các thời gian cao điểm. Trong khi đó, nhiều tổ chức, cơ quan sử dụng dịch vụ yêu cầu lắp đặt ATM riêng cho đơn vị mình, gây sức ép đầu tư vượt quá khả năng của các TCCUDVTT.

Một số TCCUDVTT đã tiến hành quảng bá và tiếp thị vượt quá khả năng cung ứng dịch vụ của mình, quá nghiêng về tăng số lượng phát hành thẻ. Trong khi đó, việc tổ chức hướng dẫn, tư vấn chưa đầy đủ, cụ thể cho khách hàng; chưa tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn khách hàng về khả năng rút tiền lương và giao dịch không chỉ qua ATM mà có thể tại các điểm giao dịch của ngân hàng phục vụ. Việc giải quyết các thắc mắc khiếu nại của khách hàng cũng còn chậm, phải qua nhiều thủ tục. Hiện nay, nhiều máy ATM mới chỉ cho phép sử dụng một số chức năng như: rút tiền, vấn tin, in sao kê giao dịch, chưa thực hiện được chuyển khoản và các tiện ích khác, do đó cũng làm cho tính tiện dụng của thẻ ATM bị hạn chế.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người sử dụng chưa đầy đủ, chu đáo: Việc thông báo cho khách hàng biết sau thời điểm kết nối giữa Banknetvn và Smartlink chưa đầy đủ và kịp thời để khách hàng có thể linh hoạt rút tiền ở máy ATM thuộc các ngân hàng khác cùng tham gia liên minh.

Hiệu quả của việc thực hiện trả lương qua tài khoản đối với thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt chưa cao vì tiền chuyển vào tài khoản hôm trước thì hôm sau khách hàng đã rút ra phần lớn, vì vậy lượng tiền mặt giao dịch trong thực tế không giảm mà chỉ chuyển từ Kho bạc Nhà nước sang các TCCUDVTT.

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc:

Một là, tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt trong xã hội đã thành nếp, thời gian qua tuy đã có thay đổi nhưng chưa thành phổ biến.

Hai là, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, toàn diện đến các cấp, các ngành và địa phương. Một số phương tiện thông tin đại chúng đôi khi tập trung quá mức vào việc phản ánh những lỗi kỹ thuật của hệ thống ATM hoặc một số hiện tượng cụ thể không có tính phổ biến, có phần làm cho công chúng hiểu không đầy đủ, thậm chí hiểu nhầm tinh thần Chỉ thị 20.

Ba là, khả năng về đầu tư cơ sở hạ tầng của các TCCUDVTT phục vụ cho dịch vụ trả lương qua tài khoản còn nhiều hạn chế mặc dù đã hết sức cố gắng (hạn chế về vốn đầu tư vào máy ATM, hạn chế về chất lượng đường truyền, các chi phí tiếp quỹ, chi phí nhân lực, các điểm POS còn rất ít v.v…). Về mặt chủ quan, một số TCCUDVTT quan tâm chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ ATM chưa tốt, xử lý chưa kịp thời các vướng mắc cho khách hàng.

Bốn là, việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 20 chưa đồng bộ, chưa giảm đáng kể lượng sử dụng tiền mặt, chưa phát triển mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư... Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 20 chưa triệt để, sát sao, việc tham mưu cho chính quyền địa phương của một số NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chưa thận trọng và thiếu tính thực tế.

Năm là, tính đồng bộ chưa cao trong việc phối hợp giữa ngân hàng, người hưởng lương, các tập đoàn bán lẻ, các đơn vị bán hàng, cung ứng dịch vụ để đưa ra các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp cùng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị.

* Định hướng và các giải pháp cần triển khai nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 20

Định hướng

Ngân hàng Nhà nước (TW và các chi nhánh địa phương) và các TCCUDVTT tiếp tục bám sát lộ trình trả lương qua tài khoản của Chỉ thị 20 trên cơ sở phát huy những mặt được, khắc phục những mặt chưa được; đặt trọng tâm vào chất lượng triển khai, bảo đảm tính vững chắc của việc thực hiện chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục chú trọng chỉ đạo triển khai tại các địa bàn trọng tâm của giai đoạn 1 là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những nơi có khả năng đáp ứng thuận lợi nhất. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm mở dần ra các địa bàn khác khi các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật được thiết lập.

Giải pháp

Để tạo điều kiện cho người lao động nhận lương qua tài khoản được thuận lợi với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có những biện pháp tích cực và đồng bộ để khắc phục những hạn chế trong việc triển khai dịch vụ trả lương qua tài khoản như:

-  Ngân hàng Nhà nước

a) Tổ chức theo dõi sát sao tình hình triển khai Chỉ thị 20 tại các tỉnh, thành phố; đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ đạo khắc phục các hạn chế và xử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh. Trước mắt, xúc tiến khẩn trương việc kết nối các liên minh thanh toán thẻ, tiến tới thống nhất mạng thanh toán thẻ trong toàn ngành; đi đôi với việc tiến hành kết nối với hệ thống POS của các TCCUDVTT và các nhà cung ứng hỗ trợ dịch vụ thanh toán.

b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của TCCUDVTT nói chung và dịch vụ trả lương qua tài khoản nói riêng và các tiện ích của thẻ ngân hàng, cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ và khách quan, đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị.

c) Nghiên cứu phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các TCCUDVTT phát triển các loại hình dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, mở rộng tính năng sử dụng của thẻ thanh toán. Phối hợp với các nhà cung cấp đưa ra giải pháp hỗ trợ dịch vụ thanh toán, đại lý chấp nhận thẻ để tạo tiện ích cho khách hàng. Xây dựng chính sách giá cả dịch vụ hợp lý đối với khách hàng sử dụng thẻ.

d) Tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng và chỉ đạo các TCCUDVTT có các biện pháp tăng cường ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm trong hoạt động kinh doanh thẻ, đảm bảo an ninh, an toàn tại địa điểm đặt máy ATM nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và giảm thiểu tổn thất cho các TCCUDVTT.

đ) Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc ban hành các chính sách đãi ngộ về thuế để khuyến khích thực hiện giảm giá hàng hoá dịch vụ cho các đối tượng thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ việc phát triển cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các TCCUDVTT, tiến tới mở rộng diện thu chi ngân sách qua tài khoản tại ngân hàng.

- Các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán

a) Rà soát đánh giá lại năng lực cung ứng thực tế của tổ chức mình theo tinh thần: có khả năng thực sự đến đâu, thực hiện cung ứng dịch vụ trả lương đến đó.

b) Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ của mạng lưới ATM, POS cũng như các điểm giao dịch.

- Các ngân hàng tiếp tục triển khai lắp đặt thêm máy ATM và phát triển thêm nhiều điểm chấp nhận thẻ (POS) trên cả nước để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của các khách hàng sử dụng thẻ và yêu cầu triển khai Chỉ thị 20 theo lộ trình quy định.

- Chủ động hợp tác với các đơn vị cung ứng dịch vụ sinh hoạt thường kỳ như: công ty điện, nước, điện thoại,…để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trả tiền dịch vụ bằng thẻ và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác. Chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ (nhà hàng, siêu thị, công ty bán lẻ...) để phát triển các điểm chấp nhận thẻ (POS); phát triển các tiện ích thanh toán thuận lợi gắn với việc nhận lương qua tài khoản bên cạnh dịch vụ thẻ qua ATM.

- Nâng cao chất lượng của các dịch vụ, các tiện ích của máy ATM, bảo đảm cho các máy ATM hoạt động liên tục, bố trí đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng cho các máy ATM, xử lý kịp thời lỗi hỏng hóc của máy, đường truyền, tiếp quỹ tiền mặt cho các máy.

- Giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng kịp thời, đơn giản các thủ tục. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng liên quan trong liên minh kết nối để thực hiện tra soát ngay các giao dịch của khách hàng không rút được tiền nhưng vẫn trừ tiền vào tài khoản cũng như sớm khắc phục những trục trặc khác.

c) Làm tốt hơn công tác tuyên truyền, hướng dẫn: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rằng người có thẻ không chỉ dùng thẻ giao dịch qua máy ATM để rút lương mà còn có thể giao dịch tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng để khắc phục hiện tượng ATM bị quá tải. Đồng thời bố trí cán bộ hướng dẫn, tư vấn rõ ràng, cụ thể hơn cho khách hàng thực hiện các thao tác giao dịch nhận lương qua tài khoản; tăng cường tiếp thị và quảng bá đúng khả năng cung ứng dịch vụ thanh toán đến các đối tượng phải thực hiện trả lương qua tài khoản.

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố

a) Các Bộ, ngành cần có sự chỉ đạo mang tính thống nhất theo hệ thống của mình đảm bảo triển khai Chỉ thị 20 theo đúng lộ trình, đồng thời chú ý khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các TCCUDVTT. Phối hợp đồng bộ với NHNN và các TCCUDVTT cũng như các nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ dịch vụ thanh toán đảm bảo tính hiệu quả, tiện ích và an toàn cho người hưởng lương.

b) UBND các tỉnh, thành phố quán triệt đúng tinh thần Chỉ thị 20, thực hiện theo đúng lộ trình và có sự chỉ đạo cụ thể theo sự tham mưu của chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và tình hình thực tế tại địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; tổ chức triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai theo diện rộng.

Đây là các giải pháp mang tính thực tiễn và thiết thực, để chủ trương trả lương qua tài khoản và hạn chế tiền mặt đi vào cuộc sống của người dân, tránh gây nên những xáo trộn về mặt xã hội đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước từ đó đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong nền kinh tế.


* Số liệu ATM, POS lấy từ nguồn của các TCCUDVTT.

Số liệu các đơn vị hưởng lương ngân sách và số tài khoản lấy từ nguồn chi nhánh NHNN các tỉnh, thành (một số TCCUDVTT chưa tách giữa đối tượng HLNS và đối tượng khác nên số liệu không chính xác).

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://www.sbv.gov.vn/vn/home/tinnghiencuu.jsp?tin=533

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến