Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA AUSTRALIA VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ: MÔ HÌNH LẬP PHÁP, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC MỘT CÁCH HIỆU QUẢ VÀ THÔNG LỆ HÒA GIẢI PHỔ BIẾN NHẤT

ĐẶNG HOÀNG OANH - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp

Pháp luật và thực tiễn của Australia về hoà giải ở cơ sở: Mô hình lập pháp, Quản lý nhà nước một cách hiệu quả và Thông lệ̣ Hòa giải Phổ biến nhất

1. Bộ Tư pháp Chính quyền tiểu Bang Victoria, Australia(Bộ phận xây dựng và thực thi chính sách ADR):

Bộ Tư pháp Tiểu bang Victoria đã tổng kết hoạt động giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án tại tiểu bang nhằm tìm hiểu thực trạng ADR và đánh giá hiệu quả của những hoạt động này trong việc đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở tổng kết đó, Bộ đã xây dựng Chiến lược ADR nhằm cung cấp cho người dân Victoria thêm nhiều phương thức giải quyết tranh chấp ít tốn kém mà lại  hiệu quả. Dự án Chiến lược ADR mới triển khai đã công bố một công trình nghiên cứu thực trạng ADR tại Tiểu bang Victoria và đề xuất những kiến  nghị mới nhằm cải thiện chế định này.

Thông qua buổi thảo luận, trao đổi, Đoàn đã nắm được những vấn đề tồn tại và các thách thức trong việc xây dựng các chuơng trình ADR ở Tiểu bang Victoria, đặc biệt là những nội dung liên quan đến giám sát và quản lý hành chính. Đặc biệt, Đoàn rất quan tâm đến các thông tin đã thu nhận được về Chiến lược, chính sách, các quy định và những hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các chương trình ADR tại cộng đồng - một mô hình của Australia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Những kinh nghiệm điển hình này sẽ được kiến nghị xem xét, áp dụng trong quá trình hoàn thiện thể chế về hòa giải sắp tới.

2. Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Bang Victoria- Bộ Tư pháp Chính  quyền Bang Victoria, Australia(DSCV)

Đây là một thiết chế do Bộ Tư pháp Bang Victoria thành lập, trực thuộc Vụ Tòa án và chính sách pháp luật. Trung tâm này chuyên cung cấp các dịch vụ hoà giải chuyên ngành cho người dân ở Bang Victoria. Trung tâm chủ yếu giải quyết các tranh chấp vùng lân cận (neighbourhood disputes - liên quan tới hàng rào, tiếng ồn hoặc các vấn đề đi lại), tranh chấp lao động, các vụ việc dân sự, các khiếu kiện nhỏ và các vấn đề khác mà Toà Sơ thẩm Melbourne chuyển tới.

Đây là điển hình về các dịch vụ ADR (bao gồm cả việc cung cấp thông tin pháp luật, hoà giải và thương lượng) thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp; công việc cũng như nội dung website của trung tâm lồng ghép nhuần nhuyễn những thông tin về quy định pháp luật và nội dung chính sách ADR. Trung tâm cũng đã được tái cơ cấu với việc tập trung hóa 7 trung tâm giải quyết tranh chấp khu vực.

Những thông tin, kinh nghiệm mà Đoàn công tác đã thu nhận được về cơ cấu  tổ chức và quản lý của các trung tâm trung gian hòa giải tại cộng đồng, đặc biệt là những thách thức của mô hình quản lý tập trung về ADR cũng như của việc áp dụng tiêu chuẩn thống nhất quốc gia cho  các hòa giải viên, đặc biệt là ở những vùng xa xôi hẻo lánh là rất hữu ích và sẽ được cân nhắc tham khảo để áp dụng cho Việt Nam.

3. Trung tâm Tư pháp địa phương

Trung tâm tư pháp địa phương là dự án thử nghiệm 3 năm của Bộ Tư pháp bang Victoria và là loại hình dự án đầu tiên kiểu này ở Australia. Có trụ sở ở trong khu vực nội thành đa sắc tộc của khu tự trị Yarra, Trung tâm nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hệ thống tư pháp. Trung tâm bao gồm một tòa án, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tại chỗ cho các nạn nhân, nhân chứng, bị đơn và người dân trong vùng; các chương trình hòa giải và ngăn ngừa tội phạm cho địa hạt Yarra; các cơ sở hội họp cho cộng đồng.  Trung tâm phối hợp rất chặt chẽ với cộng đồng của địa hạt Yarra: giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc phạm tội; tạo điều kiện, giáo dục và hỗ trợ người dân trong vùng; hỗ trợ ngăn ngừa tội phạm; chấm dứt tình trạng “quay vòng” của tội phạm và trừng phạt; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý tư pháp; tăng cường cơ hội tiếp cận công lý.

Đây là điển hình tiêu biểu về hoạt động hòa giải và thương lượng gắn liền với hệ thống tư pháp, tuyên truyền pháp luật tới người dân và sự tham gia của cộng đồng vào việc giải quyết các tranh chấp hình sự.

4. Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột Australia (ACPACS) - Đại học tổng hợp Queensland:

ACPACS là trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Queensland, họat động tại Brisbane và Melbourne. Đây là một trung tâm nghiên cứu tuy còn non trẻ nhưng rất năng động và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trung tâm đã gây dựng được uy tín toàn cầu trong việc nghiên cứu cũng như thực hành phân tích và giải quyết xung đột. Những lĩnh vực hoạt động bao gồm phân tích, ngăn ngừa và quản lý xung đột, ADR, kiến tạo hòa bình và tái thiết sau xung đột, tổ chức các  nghiên cứu  về xung đột – hòa bình, chính trị quốc tế - phát triển – ADR, hòa giải và luật pháp. Đây cũng là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về giải quyết xung đột tại Australia và Châu Á. Trung tâm có nhiều khóa học cho sau đại học cho sinh viên và những cá nhân hành nghề chuyên nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội thảo và những khóa tập huấn nhằm phát triển nghề nghiệp chuyên môn trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, thương mại, công nghiệp và cung ứng dịch vụ. Chức năng chủ yếu của trung tâm bao gồm : nghiên cứu  về các nguyên nhân xung đột quốc gia và quốc tế ; an ninh quốc tế, các phương thức giải quyết phi bạo lực và kiến tạo bền vững, đặc biệt là cho khu vực Châu Á – Thái Bình dương ; tư vấn cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến xung đột/ tranh chấp và giải quyết xung đột/ tranh chấp. Trung tâm có vai trò đặc biệt trong việc hỗ trợ ngành tư pháp và các cơ quan quản lý Nhà nước khác trong việc kiến tạo hòa bình và ổn định cơ cấu ; nâng cao hiểu biết và kỹ năng về các quy trình giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án  thông qua các nghiên cứu so sánh và đào tạo cập nhật về thương lượng, trung gian hòa giải, hỗ trợ và giải quyết xung đột giữa  các nền văn hóa.

Tại buổi làm việc với trung tâm này, Đoàn đã tham khảo được nhiều kinh nghiệm hữu ích của Australia về mô hình hòa giải mang tính trung gian, hỗ trợ (facilitative mediation), việc  kiến tạo các mô hình trung gian hòa giải phù hợp với yếu tố văn hóa, các phương pháp giám sát, đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên cho cán  bộ trung gian hòa giải v.v…

5. Hội đồng cố vấn quốc gia về giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án  (NADRAC)

NADRAC được thành lập tháng 10/1995 trên cơ sở Báo cáo năm 1994 ‘Tiếp cận Công lý – Kế hoạch Hành động’ gửi Uỷ ban Cố vấn về Tiếp cận Công lý do Chánh án Ronald Sackville làm Trưởng ban. Báo cáo này đã đề xuất sự cần thiết phải thành lập một cơ quan quốc gia thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và các toà án cũng như các cơ quan tài phán liên bang về các vấn đề ADR nhằm xây dựng và duy trì một hệ thống ADR thống nhất, có chất lượng cao và dễ tiếp cận của liên bang. Việc thành lập NADRAC không phải theo quy định của luật mà do Tổng Chưởng lý chỉ định. Ngân sách hoạt động của Hội đồng được cấp thông qua Văn phòng Tổng Chưởng lý của Chính phủ Australia.  Hội đồng được hỗ trợ bởi một Ban thư ký đặt tại Vụ Tư pháp Dân sự của Văn phòng Tổng Chưởng lý.

Hội đồng Cố vấn về Phương thức Giải quyết Tranh chấp ngoài Toà án là một điển hình về cơ quan tham mưu ADR cho Tổng Chưởng lý. Sự tồn tại của NADRAC với tư cách một cơ quan tham mưu có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách ADR của Chính phủ. NADRAC xuất bản các ấn phẩm tiện dụng và cung cấp nguồn lực cho việc xây dựng các chương trình ADR. NADRAC vừa xác lập tiêu chuẩn Nhà nước về công nhận hòa giải viên thông qua sự tham vấn của người dân. Thành viên của NADRAC là những học giả nổi tiếng trong lĩnh vực ADR.

Tại NADRAC, Đoàn đã thảo luận, tìm hiểu và nắm vững 1) vai trò tham mưu của một cơ quan độc lập về ADR và mối quan hệ của cơ quan này với Chính phủ; 2) những thách thức trong việc xây dựng một hệ thống ADR thống nhất của liên bang và các chiến lược để vượt qua những thử thách đó; 3) những nguồn lực có thể hỗ trợ  cho NADRAC trong việc xây dựng pháp luật về hòa giải ở cơ sở; 4) quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong công nhận hòa giải viên, kể cả việc áp dụng thực thi các tiêu chuẩn này; 5) những biện pháp mà Chính phủ Australia đã và đang áp dụng nhằm tăng cường quyền tiếp cận tư pháp cho người thổ dân và duy trì, tăng cường niềm tin của họ đối với hệ thống tư pháp; tìm hiểu các thông lệ phổ biến  và phương thức quản lý hiệu quả đối với các chương trình hòa giải ở cơ sở của các quốc gia khác và các lĩnh vực hòa giải khác.

6. Tòa Hành chính và Dân  sự Tiểu bang Victoria (VCAT)

VCAT được thành lập ngày 1/7/1998 với cơ cấu gồm 15 tòa và ban phụ trách các lĩnh  vực khác nhau nhằm cung cấp cơ chế một cửa giải quyết nhiều loại tranh chấp, tạo điều kiện cho người dân Victoria được tiếp cận một hệ thống tư pháp dân sự hiện đại, gần gũi, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. VCAT xử lý các  tranh chấp dân  sự về mua bán  hang hóa, tín dụng, xây dựng nhà ở, giám hộ và quản lý tài sản; dịch vụ cho người tàn tật; dịch vụ nghề luật; sở hữu doanh nghiệp; cho thuê nhà ở, cho thuê địa  điểm kinh doanh bán lẻ.  Ngoài ra, VCAT còn xử lý các tranh chấp hành chính  giữa người dân và chính quyền (tiểu bang/ địa phương) trong những  lĩnh vực như định giá đất, cấp phép kinh doanh (bao gồm cả dịch vụ du lịch, buôn bán ô tô, xe máy và các lĩnh vực khác), quy hoạch và môi trường, thuế và các quyết định khác của chính quyền (ví dụ quyết định bồi thường của Quỹ tai nạn giao thông và quyền tự do thong tin). Ở VCAT, công tác trung gian hòa giải đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết hàng loạt các tranh chấp hàng loạt theo con đường không chính thức và ít tốn  kém  chi phí. Trung gian hòa giải được áp dụng mạnh mẽ trong việc giải quyết  các tranh chấp liên quan đến chống phân biệt đối xử, xây dựng nhà ở, quy hoạch, môi trường và cho thuê địa điểm kinh doanh bán lẻ. Trung gian hòa giải tạo cơ hội tốt nhất cho các bên giải quyết những bất đồng càng sớm càng tốt, qua đó đạt được giải pháp phù hợp mà lại tránh được chi phí tố tụng cao.

Kinh nghiệm và kiến thức mà Đoàn công tác đã tham khảo đuợc từ VCAT với đồng thời hai chức năng: xét xử tranh chấp bằng quy trình chính thức của tòa án và cung cấp các quy trình không chính thức nhằm giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án là rất hữu ích trong quá trình hoàn thiện thể chế và thiết chế hòa giải tại Việt Nam.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ:

http://www.moj.gov.vn/p/tag.idempotent.render.userLayoutRootNode.target.n406.uP?uP_root=me&cmd=item&ID=9751

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến