GS.TS. VÕ THANH THU – Đại học Kinh tế TPHCM
Những đóng góp quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang được đẩy nhanh về quy mô và tốc độ. Thành tựu này có sự đóng góp quan trọng của ngành thương mại, nhất là những hoạt động của Bộ Thương mại. Có thể điểm qua một số thành tựu nổi bật như sau:
- Hàng trăm hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết tạo điều kiện thuận lợi để đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh với khu vực và quốc tế.
- Bộ Thương mại trở thành lực lượng nòng cốt trong tham gia thúc đẩy và tư vấn xây dựng hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý mang tính bình đẳng, hội nhập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.
- Trước đây, hoạt động thương mại chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô; khoảng trên 15 năm lại đây, doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ xuất nhập khẩu với gần 220 nước và khu vực lãnh thổ.
- Từ vài chục doanh nghiệp nhà nước được độc quyền kinh doanh xuất nhập khẩu; hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chiếm vị trí độc tôn kinh doanh trên thị trường nội địa, thì nay mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền tiếp cận trực tiếp với thị trường trong, ngoài nước. Kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ ở mức 0,3 tỉ USD (năm 1976) đã tăng lên trên 20 tỉ USD (năm 2004).
- Trong một thời gian dài, kinh doanh xuất khẩu diễn ra theo kiểu "hàng xén", nghĩa là xuất khẩu nhiều mặt hàng nhưng kim ngạch ở từng mặt hàng chỉ vài chục nghìn USD đến vài chục triệu USD. Đến nay, chúng ta đã có 7 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 500 triệu USD trở lên; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có thứ hạng cao trên thị trường thế giới như hồ tiêu, gạo, cà phê, cao su, điều nhân…
- Từ chỗ chỉ xuất khẩu gia công, xuất khẩu theo giá FOB…, thì nay, một số doanh nghiệp đã lập văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài, thậm chí tổ chức phân phối trực tiếp ở thị trường nước xuất khẩu, một số doanh nghiệp đầu tư mở siêu thị tại Campuchia, Lào, Nga… tổ chức hội chợ để tăng cường đưa hàng hoá của Việt Nam sang các nước khu vực và thế giới.
- Trên thị trường nội địa, từ chỗ phân phối sản phẩm theo kiểu người mua phải "cầu cạnh" người bán, nay đã chuyển sang kinh doanh thương mại, khách hàng được tôn vinh là "thượng đế" với nhiều phương thức kinh doanh hiện đại như bán qua Internet, qua hệ thống siêu thị…
- Sau gần 20 năm thực thi chính sách mở cửa thị trường để hội nhập kinh tế quốc tế, một đội ngũ doanh nhân mới trong ngành thương mại đã được hình thành. Đội ngũ này có khả năng thương thuyết với khách hàng nước ngoài, cũng như xây dựng hệ thống phân phối và kinh doanh trong nước, phục vụ kịp thời cho các doanh nghiệp có vốn trong nước và cả các công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là cần tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc thực tiễn hoạt động thương mại để làm nền tảng xây dựng các chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.
Những hạn chế chủ yếu.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách. Nội dung của Luật Thương mại còn lạc hậu, chưa bao quát mọi loại hình kinh doanh, mọi lĩnh vực kinh doanh thương mại; tốc độ sửa đổi luật và các văn bản dưới Luật Thương mại còn chậm, mang nặng tính tình huống "chữa cháy".
Quá trình làm luật và thông qua luật phục vụ cho hoạt động kinh doanh còn chậm, nhiều luật đã có nhưng nội dung lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cho phát triển kinh tế thị trường năng động ở Việt Nam, gây trở ngại cho tiến trình hội nhập nhanh với nền kinh tế thế giới. Đây được xem là tồn tại chung, nhưng ngành thương mại có vai trò rất lớn vì là nơi nắm bắt, cập nhật nhất những nội dung kinh tế cần thiết phục vụ cho xây dựng các luật kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc tổ chức thực thi các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động thương mại còn nhiều hạn chế như việc phân phối hạn ngạch dệt may, thưởng xuất khẩu.
Thứ hai, về tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh thuần tuý trên thị trường nội địa, đều bộc lộ sự thiếu am hiểu về nội dung các hiệp định hội nhập kinh tế quốc tế; nhận thức về cơ hội và những thách thức, khó khăn do hội nhập kinh tế quốc tế có thể mang lại còn không rõ, hoặc chưa chính xác. Nguyên nhân của tình trạng đó một phần do việc tuyên truyền về hội nhập chưa đầy đủ; đối tượng được mời nghiên cứu các hiệp định về hội nhập chưa chuẩn xác, chủ yếu chỉ mời các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, nội dung các hiệp định thương mại song phương và đa phương chủ yếu đề cập đến lộ trình mở cửa thị trường Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá, dịch vụ, đầu tư của nước ngoài vào thị trường Việt Nam, và như vậy đối tượng tiếp nhận cơ hội, nguy cơ nhiều nhất khi thực hiện hội nhập không phải là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc các doanh nghiệp có quy mô lớn, mà là các doanh nghiệp, các cá thể kinh doanh có quy mô nhỏ, chỉ hoạt động trên thị trường nội địa. Ngoài ra, chất lượng các buổi báo cáo tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa tốt do chất lượng đội ngũ báo cáo viên còn hạn chế.
Thứ ba, tốc độ phát triển xuất khẩu cao, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế. So với các nước ASEAN- 6, thì mức xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với nhập khẩu, dẫn tới nhập siêu lớn (gần 5 tỉ USD trong năm 2003).
Thứ tư, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu đã được cải tiến nhưng còn lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu hàng sử dụng nhiều lao động, hàng nông sản ít qua chế biến, giá trị thấp mà tính bất ổn trong xuất khẩu cao, sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn như sản phẩm chăn nuôi chưa được phát huy.
Thứ năm, sự phụ thuộc của xuất khẩu nước ta vào 4 nhóm thị trường (Mỹ, EU, Nhật, ASEAN). Vì thế, bất cứ sự biến động nào của thị trường thế giới cũng đều ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước.
Thứ sáu, phương thức kinh doanh xuất khẩu còn lạc hậu. Tỷ lệ xuất khẩu gia công còn lớn; tỷ lệ thực hiện phân phối trực tiếp trên thị trường nước nhập khẩu còn nhỏ. Sự tác động của ngành thương mại đối với sản xuất hàng xuất khẩu còn yếu, chủ yếu mới thực hiện thương mại cái gì ta có. Rất ít các nhà kinh doanh tác động đến sản xuất bằng đơn đặt hàng (hướng dẫn sản xuất) bằng những hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chưa có tập đoàn thương mại lớn có khả năng chi phối thị trường Việt Nam và tạo được ảnh hưởng trên thị trường khu vực và quốc tế.
Thứ bảy, thị trường nội địa chưa được coi trọng, chưa xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa trong tương lai. Phương thức kinh doanh thương mại trên thị trường nội địa còn lạc hậu, manh mún…. Quản lý thị trường nội địa chưa khoa học, còn quá nhiều kẽ hở nên hiện tượng buôn lậu, hàng gian, hàng giả, lừa đảo trong hoạt động thương mại vẫn xảy ra, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tám, chất lượng hàng hoá chưa cao, mẫu mã chưa độc đáo, chủng loại chưa phong phú nên sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam còn thấp. Giá thành sản phẩm còn cao do nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, giá đất đai, giá dịch vụ cao… Hệ thống phân phối bán hàng còn lạc hậu. Chưa tạo được nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh thì chẳng những hoạt động xuất khẩu sẽ gặp khó khăn mà có thể sản phẩm Việt Nam sẽ cạnh tranh kém so với hàng hoá của các nước trong khu vực trên thị trường nội địa.
Bên cạnh những bất cập nêu trên cần phân tích những vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô để tạo lập những căn cứ thực tiễn phục vụ cho xây dựng chiến lược phát triển ngành thương mại Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Mấy kiến nghị về giải pháp phát triển thương mại Việt Nam
- Sớm xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp lý có liên quan đến hoạt động thương mại. Hệ thống này phải đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, toàn diện, mang tính hội nhập và ưu tiên hàng đầu là chỉnh sửa Luật Thương mại.
- Bộ Thương mại cùng với các bộ, các địa phương tổ chức tuyên truyền nội dung các hiệp định thương mại song phương, đa phương cho tất cả các đối tượng kinh doanh trong nền kinh tế để nhận thức rõ các cơ hội, các nguy cơ do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Muốn nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, nhất thiết phải có chuyên gia giỏi, có tài liệu hướng dẫn; các báo cáo tham luận phải theo chủ đề mang lại sự thiết thực cho từng đối tượng doanh nghiệp. Kết quả của hoạt động tuyên truyền là doanh nghiệp tự nhận thức được hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết và mang tính tất yếu khách quan, nó mang đến cho doanh nghiệp cả cơ hội lẫn thách thức, nhưng từ thách thức sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh để hội nhập có hiệu quả.
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thành lập những tập đoàn thương mại mạnh, có khả năng chi phối thị trường trong và ngoài nước, trước hết ở các ngành hàng gạo, cà phê, thủy sản, cao su, sắt thép, xi măng…
- Khuyến khích phát triển mô hình gắn kết chặt chẽ, mang tính cộng sinh giữa thương mại và sản xuất sao cho thương mại tác động vào sản xuất, đặt hàng với họ và đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
- Phát triển các loại hình thương mại dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động thương mại nâng cao tính hiệu quả như: phát triển logistic; thương mại qua mạng; môi giới thương mại; sàn giao dịch hàng hoá…
- Đẩy mạnh cổ phần hoá các công ty thương mại nhà nước để tăng cường vốn cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh của mình. Tiến tới Bộ Thương mại không còn các công ty trực thuộc ngành, mà chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường thực sự theo luật kinh doanh chung.
- Xây dựng cơ chế hoạt động của các loại hình trung tâm thương mại ở nước ngoài. Xây dựng Trung tâm Luật Thương mại Quốc tế để hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình trên thị trường quốc tế với tư cách là người đại diện thương mại của Chính phủ.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Tiếp tục thực thi chính sách đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá mối quan hệ để phân tán rủi ro trong kinh doanh xuất khẩu.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 78 NĂM 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét