Thứ Năm, 13 tháng 9, 2007

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: Mốc để tính là khi nộp đơn kiện

Thời gian qua, nhiều tòa án địa phương đã lúng túng, thậm chí xử lý sai những vụ án tranh chấp di sản thừa kế liên quan đến hướng dẫn trong nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (về thời hiệu khởi kiện và cách phân chia di sản). Cạnh đó, Nghị quyết 1037 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người VN định cư ở nước ngoài tham gia cũng đã gây ra những cách hiểu khác nhau.

Bên lề hội nghị toàn quốc của ngành tòa án, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo TAND tối cao để làm rõ các nội dung này.

Hai trường hợp không tính thời hiệu

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Như Bích cho biết tại Nghị quyết 02 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn có hai trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế.

Thứ nhất là trong thời hạn mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế thì tài sản thành di sản chung. Khi xảy ra tranh chấp thì không tính thời hiệu và tòa sẽ tiến hành chia tài sản theo di chúc hoặc chia theo thỏa thuận của các đồng thừa kế.

Thứ hai là di sản người chết để lại nhưng do người ngoài quản lý, còn các thừa kế không quản lý, không biết gì về di sản. Thực tế có những trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau mà sau một thời gian dài đương sự mới phát hiện đó là tài sản của cha mẹ và chưa chia, nay họ muốn đòi lại thì không tính thời hiệu khởi kiện. Một số tòa án thời gian qua đã không nhận thức rõ vấn đề này nên vẫn tính thời hiệu khởi kiện là sai.

Còn thời hiệu phần nào, làm phần đó

Một vấn đề khác là nếu đương sự khởi kiện đòi chia di sản thừa kế mà trong khối di sản này có cả phần tài sản còn thời hiệu lẫn phần tài sản hết thời hiệu thì các tòa có thụ lý, giải quyết?

Theo Chánh tòa dân sự TAND tối cao Tưởng Duy Lượng, tòa án có thẩm quyền phải nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án nếu như đương sự thực hiện đúng quy định tại Điều 164, 165, 166 Bộ luật Tố tụng dân sự và nộp tiền tạm ứng án phí (với trường hợp phải nộp)

Mốc để tính thời hiệu khởi kiện về thừa kế còn hay hết là vào lúc đương sự có đơn khởi kiện tại tòa án chứ không phải từ thời điểm thụ lý như một số tòa vẫn áp dụng. Khi giải quyết, tòa chỉ phân chia theo yêu cầu của các bên đương sự đối với phần di sản còn thời hiệu khởi kiện, phần di sản hết thời hiệu thì không “đụng” tới.

Không cần chờ hướng dẫn

Việc kiện tụng liên quan đến giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991, có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia: Tòa phải thụ lý, không cần chờ hướng dẫn của TAND tối cao!

Nghị quyết 1037 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người VN định cư ở nước ngoài tham gia đã gây ra một số cách hiểu khác nhau. Một số tòa án địa phương đã từ chối thụ lý các vụ án dạng này với lý do chưa có hướng dẫn của TAND tối cao. Người dân thì hoang mang vì sợ hết thời hiệu khởi kiện (hai năm) theo Bộ luật Dân sự.

Theo ông Tưởng Duy Lượng, những quy định trong Nghị quyết 1037 đã khá rõ, các tòa án địa phương hoàn toàn có thể giải quyết được mà không phải đợi hướng dẫn của TAND tối cao. Việc chậm hướng dẫn Nghị quyết 1037 không ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện theo BLDS vì thời hiệu hai năm này cũng được xác định còn hay hết với mốc là lúc tòa nhận đơn của đương sự.

Ông Lượng giải thích cụ thể: Nếu người khởi kiện đã thực hiện đúng quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tòa án phải nhận đơn kiện và tiến hành xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp tòa án đã tạm đình chỉ theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, Kỳ họp thứ 8 và Nghị quyết 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải tiếp tục giải quyết ngay. Tòa án các cấp không chỉ áp dụng Nghị quyết 1037 mà còn phải áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự tương ứng với giai đoạn tạm đình chỉ để giải quyết.

Tòa đã thụ lý: Không cần thông báo!

Ngoài ra, theo ông Lượng, đối với một số loại việc như thuê nhà ở, mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở theo quy định của Nghị quyết 1037, khi chủ nhà muốn lấy lại nhà phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản theo đúng hạn định của pháp luật. Do đó, gặp trường hợp các đương sự mới bắt đầu khởi kiện mà chưa thực hiện việc thông báo cho phía bên kia theo đúng Nghị quyết 1037 thì tòa án trả lại đơn kiện.

Tuy nhiên, đối với tòa án các cấp đã thụ lý hoặc đã chuẩn bị xét xử sơ thẩm, chuẩn bị xét xử phúc thẩm…, sau đó phải tạm đình chỉ theo nghị quyết của Quốc hội, nay lý do tạm đình chỉ không còn (Nghị quyết 1037 có hiệu lực), tòa án tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết thì không yêu cầu đương sự phải tiến hành thủ tục thông báo. Trường hợp tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm huỷ các bản án, giao hồ sơ về cho tòa án cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm giải quyết lại thì cũng không yêu cầu đương sự phải tiến hành thủ tục thông báo!

Theo Lê Kiên – Pháp luật TP.HCM. SOURCE: www.tuoitre.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến