Chính phủ nhận thấy cần phải có một luật riêng để bảo vệ người tố cáo tham nhũng tốt hơn, tạo niềm tin để người dân, cán bộ mạnh dạn tố cáo sai phạm.
Sáng 26/11 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã tổ chức buổi đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 6 năm 2009.
Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cho biết, mới đây tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố năm 2009 Việt Nam tăng một bậc trong bảng xếp hạng về phòng chống tham nhũng so với năm 2008.
Điều này khẳng định những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc nghiêm túc thực hiện minh bạch và phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát về phòng chống tham nhũng cho thấy, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Một bộ phận cán bộ, nhân dân còn lo lắng về tính hiệu quả của các giải pháp chống tham nhũng hiện nay.
Trong năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát công tác phòng chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền như: thanh tra, viện kiểm sát, toàn án, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các địa phương...
Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy một số biện pháp phòng ngừa chưa được thực hiện nghiêm túc, mang nặng tính hình thức, tác dụng còn hạn chế như việc trả lương qua tài khoản, kê khai tài sản...Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng chậm xử lý, tỷ lệ bị cáo được hưởng án treo cao, hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng địa phương thấp.
Các đại biểu quốc tế cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí trong những vụ việc tham nhũng.
Đại biểu đến từ Bộ Phát triển (Vương quốc Anh) khẳn định, báo chí đóng vai trò rất lớn trong việc điều tra, phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, có vẻ như báo chí Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc chủ động tự mình điều tra tham nhũng vì sự hợp tác của cơ quan chức năng chưa tốt.
Đại biểu đến từ Đại sứ quán Mỹ lại đặt câu hỏi: vì sao công tác điều tra, giám sát chống tham nhũng được đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng việc xử lý án tham nhũng lại giảm xuống.
Ông Chiến khẳng định, từ đầu năm đến nay, số vụ án tham nhũng bị phát hiện và xét xử đều tăng chứ không hề giảm. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được Chính phủ chỉ đạo điều tra, xét xử như vụ Đề án 112, vụ cầu Bãi Cháy - PMU18, vụ Công ty Vifon...
Về vai trò của báo chí, theo ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, báo chí Việt Nam hoạt động theo Luật Báo chí và hoàn toàn có đủ điều kiện để tự mình điều tra án tham nhũng.
Thực tế, các cơ quan chức năng rất coi trọng và sử dụng rất nhiều thông tin của báo chí trong việc phát hiện các vụ án tham nhũng. Các thông tin báo chí nêu về tham nhũng đều được chỉ đạo điều tra nhanh chóng.
Các đại biểu quốc tế cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, đồng thời muốn biết khi nào Dự luật Bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng được Chính phủ trình Quốc hội và tham vấn ý kiến của công chúng.
Ông Lượng khẳng định, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng vì đây là một kênh quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng.
"Mặc dù Luật Phòng chống tham nhũng đã có những điều khoản bảo vệ người tố cáo, nhưng Chính phủ nhận thấy vẫn cần thiết phải có một luật riêng về việc này, nhằm bảo vệ tốt hơn người tố cáo, tạo niềm tin để người dân, cán bộ mạnh dạn tố cáo tham nhũng", ông Lượng khẳng định.
Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương cũng đã có nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại để tôn vinh và lắng nghe ý kiến của những người có thành tích trong tố cáo tham nhũng. Ban chỉ đạo cũng đang xây dựng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, trước hết là đảm bảo bí mật nhân thân nếu họ có yêu cầu.
"Đây là việc khó, nên Việt Nam không cầu toàn mà sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm và sẽ tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế". Ngoài ra, Ban Chỉ đạo và Thanh tra Chính phủ cũng có nhiều kênh như hộp thư tố giác, đường dây nóng để tiếp nhận tốt hơn những tố giác tham nhũng.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, 10 tháng đầu năm 2009, cả nước đã khởi tố 247 vụ án tham nhũng với 534 bị can (tăng 16,5% số vụ và 18,6% số bị can so với cùng kỳ 208); truy tố 265 vụ với 641 bị can; xét xử 252 vụ với 574 bị can.
Đến hết quý III/2009, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc 12 trong số 14 cuộc thanh tra được triển khai trong năm 2009. Qua đó, phát hiện sai phạm 11.161 tỷ đồng, gần 150.000 USD, hơn 3.200 m2 nhà, đất và 21.500 cổ phần. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước 1.178 tỷ đồng, gần 150.000 USD và 21.500 cổ phần.
Theo Báo đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét