Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Toàn văn Thông tư 12/2010/TT-BTC xử lý tang vật VPHC là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước

THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 12/2010/TT-BTC NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2010 
HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LÀ HÀNG HOÁ, VẬT PHẨM DỄ BỊ HƯ HỎNG VÀ QUẢN LÝ SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC 
DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính như sau: 
MỤC I
QUY ĐỊNH CHUNG 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn các nội dung sau:
a) Xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng;
b) Quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính (bao gồm cả số tiền thu được từ xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác); trừ tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
2. Việc quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. 
MỤC II
XỬ LÝ TANG VẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LÀ HÀNG HOÁ, 
VẬT PHẨM DỄ BỊ HƯ HỎNG

Điều 2. Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng bao gồm:
1. Hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản;
2. Hàng thực phẩm đã qua chế biến, thuốc chữa bệnh mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày;
3. Các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi bắt giữ sẽ bị hư hỏng, hết thời hạn sử dụng.

Điều 3. Hình thức xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
1. Bán trực tiếp (không thông qua đấu giá), trừ các trường hợp phải tiêu huỷ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tiêu huỷ đối với hàng hoá, vật phẩm đã bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng.

Điều 4. Tổ chức xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
1. Đối với hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng xử lý theo hình thức bán trực tiếp:
a) Người có thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là người có thẩm quyền tịch thu) tổ chức bán hàng hoá, vật phẩm cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua.
Giá bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng được xác định căn cứ vào chất lượng của hàng hoá, vật phẩm và bảng giá do Sở Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất; trường hợp Sở Tài chính không công bố bảng giá hoặc hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng không có trong bảng giá do Sở Tài chính công bố thì người có thẩm quyền tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính quy định tại điểm b khoản này căn cứ vào chất lượng và giá bán trên thị trường của hàng hoá cùng loại để xác định giá bán cho phù hợp.
Người có thẩm quyền tịch thu có trách nhiệm tổ chức đánh giá chất lượng hàng hoá, vật phẩm bán ra; trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền tịch thu mời cơ quan chuyên môn để phối hợp đánh giá chất lượng hàng hoá, vật phẩm.
b) Cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người có thẩm quyền tịch thu thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) phối hợp với người có thẩm quyền tịch thu trong việc xác định giá bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
c) Việc bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải được lập biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ thực hiện bán; thời gian, địa điểm bán; người bán; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá, vật phẩm tại thời điểm bán; đơn giá bán, giá trị thanh toán; người mua và các nội dung khác có liên quan.

2. Đối với hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải tiêu huỷ:
a) Người có thẩm quyền tịch thu thành lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ các hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này; Hội đồng xử lý do người có thẩm quyền tịch thu hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan.
b) Các hình thức tiêu huỷ: Tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu huỷ được thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Sử dụng hoá chất;
- Sử dụng biện pháp cơ học;
- Huỷ đốt;
- Huỷ chôn;
- Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
c) Việc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm phải được lập biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá, vật phẩm tại thời điểm tiêu huỷ; hình thức tiêu huỷ và các nội dung khác có liên quan.

Điều 5. Quản lý tiền thu được từ việc xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
Số tiền thu được từ việc xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải gửi vào tài khoản tạm gửi (tài khoản tiền gửi) của cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu mở tại Kho bạc Nhà nước và được quản lý như sau:
1. Trường hợp tang vật bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quyết định của người có thẩm quyền thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này;
2. Trường hợp tang vật không bị tịch thu sung quỹ nhà nước thì số tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. 
MỤC III
QUẢN LÝ SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN 
TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 6. Quản lý tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính
1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính, sau khi trừ các khoản chi phí quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này, được nộp vào tài khoản tạm giữ hoặc tài khoản phải trả về tiền, tài sản tạm giữ chờ xử lý (sau đây gọi chung là tài khoản tạm giữ) của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước, cụ thể như sau:
a) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan Trung ương và cấp tỉnh ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước thì nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp;
b) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước thì nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính cấp huyện mở tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp.
2. Số tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trên tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này, sau khi trừ đi các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Điều 7. Quản lý, sử dụng các khoản chi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân được giao bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc thanh toán các khoản chi phí sau đây từ số tiền thu được do bán tang vật, phương tiện trước khi nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước:
a) Chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản tài sản từ khi có quyết định bắt giữ tang vật, phương tiện đến khi hoàn thành việc xử lý. Trường hợp cơ quan ra quyết định bắt giữ và tổ chức được giao bán tang vật, phương tiện đã được Nhà nước bố trí kho bãi, biên chế, phương tiện vận tải, kinh phí thường xuyên thì không được thanh toán các khoản chi phí liên quan đến vận chuyển, bảo quản những tài sản đó.
b) Phí bán đấu giá (nếu có).
2. Cơ quan tài chính quản lý tài khoản tạm giữ quy định tại Điều 6 Thông tư này có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí sau đây:
a) Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ gồm: chi thông tin liên lạc cho cán bộ tham gia xử lý; chi xăng dầu cho phương tiện kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật hoặc chi thuê phương tiện, địa điểm (nếu có); chi sửa chữa phương tiện kiểm tra bị hư hỏng khi tiến hành truy đuổi, bắt giữ; chi đăng tin, thông báo tìm chủ hàng. Mức chi tối đa không quá 5% số tiền thu được từ xử lý tài sản của vụ việc đó.
b) Chi phí mua tin (nếu có): mức chi mua tin của mỗi vụ việc tối đa là mười phần trăm (10%) số thu từ bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu của vụ việc đó nhưng không được vượt quá năm mươi triệu đồng (50.000.000 đồng). Đối với những vụ việc mà tang vật, phương tiện tịch thu là hàng giả, hàng hoá phải tiêu huỷ hoặc có giá trị thấp thì không khống chế chi phí mua tin theo tỷ lệ trên số thu nhưng tối đa không được quá ba mươi triệu đồng (30.000.000 đồng).
Việc thanh toán chi phí mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán khoản chi mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.

c) Chi phí cho việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã từ thời điểm tạm giữ cho đến khi hoàn thành việc thả vào môi trường tự nhiên theo quy định hoặc chuyển giao cho vườn thú, trung tâm thí nghiệm, tổ chức khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
d) Chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá trị tài sản tạm giữ làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có) từ thời điểm kiểm tra hoặc tạm giữ cho tới khi có quyết định phê duyệt phương án xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
đ) Chi phí thuê sửa chữa tài sản để bán nếu tài sản phải sửa chữa mới bán được hoặc giá trị tăng thêm của tài sản lớn hơn so với chi phí sửa chữa (nếu có); chi khắc phục tổn thất về tài sản do nguyên nhân khách quan trong quá trình bán đấu giá (nếu có); chi phí thực tế và hợp lý trong trường hợp bán đấu giá không thành.
e) Các chi phí thực tế cho việc tổ chức bán tài sản của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan của người ra quyết định tịch thu. Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh được cơ quan tài chính tạm ứng trước tối đa không quá 5% trên giá trị (theo giá khởi điểm) của tài sản bán đấu giá để có nguồn chi cho công tác bán đấu giá tài sản. Kết thúc việc bán đấu giá, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh phải thanh quyết toán số tiền tạm ứng theo quy định hiện hành.
g) Chi bồi dưỡng làm thêm giờ; bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính. Mức chi cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) quyết định theo đề nghị của Sở Tài chính.
h) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ, công chức thuộc lực lượng tham gia xử lý vi phạm hành chính bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ, công chức hy sinh khi thi hành công vụ, mức chi tối đa không quá 20% số thu từ bán tang vật, phương tiện của vụ việc và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
i) Chi cho công tác tuyên truyền; chi hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính. Tổng mức chi cho các nội dung này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng tối đa không quá 10% số thu từ bán tang vật, phương tiện của vụ việc.
k) Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính. Mức chi cụ thể được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về thi đua khen thưởng.
l) Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bắt giữ, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
m) Các khoản chi phí thực tế, hợp lý cho việc tổ chức thanh lý, tiêu huỷ tài sản.
n) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc bắt giữ, tịch thu, bảo quản, xử lý tài sản.
3. Việc thanh toán các khoản chi phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được căn cứ vào đề nghị của các cơ quan, tổ chức tham gia quản lý, xử lý tài sản; tính hợp lý, hợp lệ của các khoản chi và các quy định của Nhà nước có liên quan.

4. Nguồn kinh phí để chi cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng từ số thu do bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trên tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước. Trường hợp số tiền trên tài khoản tạm giữ không đủ để thanh toán thì đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
5. Đối với các tài sản chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước quản lý, sử dụng, thì các chi phí phát sinh từ khi có quyết định phê duyệt phương án xử lý của cơ quan có thẩm quyền đến khi hoàn thành việc bàn giao do cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận tài sản chi trả. 
PHẦN IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN 
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ các quy định của Bộ Tài chính sau đây:
a) Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;
b) Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;
c) Điểm 2.1 khoản 2 Mục III Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá.
3. Đối với các trường hợp đã có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì việc quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định tại thời điểm ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; không áp dụng quy định của Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết. 
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Chí 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến