Tình hình an ninh và trật tự ở Hà Nội sau Hiệp định Giơnevơ (ký kết ngày 20/7/1954) còn nhiều phức tạp. Bọn phản động tay sai như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Phục Quốc... đã và đang tăng cường các hoạt động chống phá việc tiếp quản thủ đô Hà Nội của chúng ta.
Kế hoạch bảo vệ Bác Hồ về thủ đô được Trung ương chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương được giao thành lập một tổ công tác tiền trạm để gấp rút tiến hành những công việc chuẩn bị đón Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, Chính phủ về Hà Nội.
Đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ định những đồng chí trong tổ công tác tiền trạm gồm: đồng chí Tạ Quang Chiến công tác tại Văn phòng Phủ Thủ tướng, phụ trách thanh niên xung phong (sau này đồng chí Tạ Quang Chiến là Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao); đồng chí Phan Văn Xoàn - Cục Cảnh vệ Bộ Công an (sau này đồng chí Phan Văn Xoàn là Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ); đồng chí Quách Quý Hợi - Cục Cảnh vệ, đồng chí Nông Đức Chiến (Bộ Tổng tham mưu), đồng chí Tạ Đình Hiểu - Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 600 thuộc Sư đoàn 350 (đồng chí Tạ Đình Hiểu sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu thủ đô).
Tổ công tác tiền trạm do đồng chí Tạ Quang Chiến làm tổ trưởng. Tổ công tác nhanh chóng xây dựng kế hoạch bảo vệ trên đường về. Công tác bảo vệ Bác Hồ lúc đó, việc đầu tiên phải làm là xác định tuyến đường đi, tính toán từng trạm nghỉ dừng chân trên đường; chỗ làm việc và ăn nghỉ tạm thời của Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội, phối hợp với Ban Tài chính Quản trị Trung ương lo địa điểm nơi ở và làm việc của Bác, bố trí lực lượng trinh sát và phối hợp với lực lượng quân đội và công an các địa phương có liên quan kết hợp bảo vệ.
|
Bác Hồ đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ - Xuân Quý Mão 1963. |
Việc xác định tuyến đường đi cũng có nhiều ý kiến. Có ý kiến cho rằng hòa bình đã lập lại, tuổi Bác đã cao nên để Người đi ôtô từ căn cứ Yên Sơn qua Thái Nguyên, theo Quốc lộ 3 về Hà Nội. Nhưng làm sao có thể yên tâm đi theo tuyến đường này vì dọc Quốc lộ 3 nhất là khu vực giáp ranh Hà Nội như Cầu Đuống, Gia Lâm hai bên đường đồn bốt còn nhan nhản. Nhiều nơi ngụy quân tan rã tại chỗ, các phần tử chống đối cách mạng còn đang lẩn trốn, vũ khí rơi vãi sau chiến tranh ta chưa quản lý được. Những vấn đề trên, mặc dù ta hết sức cảnh giác, nhưng thực sự chưa đảm bảo an ninh.
Cũng có ý kiến đưa ra là các đội viên cận vệ cùng Bác hành quân bằng ôtô, vừa hành quân bộ, đi từng đoạn, nghỉ nắm tình hình đoạn đường tiếp theo rồi hành quân tiếp. Đoàn nào có điều kiện an toàn đảm bảo tốt thì đi bằng ôtô, đoạn nào có dấu hiệu còn chưa an tâm thì hành quân bộ...
Sau khi tìm chọn và xây dựng phương án xong, bộ phận tiền trạm quay lại ATK. Sau khi nghe bộ phận tiền trạm báo cáo cụ thể, Bộ Công an trình lên Bác và Người quyết định đi theo đường mà tổ tiền trạm đã chuẩn bị. Đó là con đường có thể hành quân hoàn toàn bằng ôtô nhưng đảm bảo an toàn từ ATK Yên Sơn qua Văn Lãng thuộc Đại Từ, Thái Nguyên, qua Vĩnh Yên rồi sau đó theo Quốc lộ 2 về thị xã Sơn Tây để về Hà Nội.
|
Trước khi về tiếp quản thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đền Hùng, tại đây người căn dặn cán bộ, chiến sĩ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". |
Đoàn bảo vệ Bác và một số đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng ngay từ đầu tháng 8/1954 đã chuyển địa điểm từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo đường mà tổ công tác tiền trạm chuẩn bị trước. Tại đây Bác đã triệu tập toàn bộ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) bảo vệ và phục vụ để căn dặn trước khi về thủ đô Hà Nội. Người nói: "Bác cháu ta từng chịu gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội, địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy những cảnh sống xa hoa, trụy lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các cô các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước "viên đạn bọc đường". Lời dạy của Bác có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn với Lực lượng Công an và Lực lượng Quân đội về tiếp quản thủ đô.
Trong những ngày lưu lại ở Vai Cầy, đoàn bảo vệ Bác đã đưa Người đến thăm Đền Hùng tại xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Bác đã đến thăm và nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong (tức Sư đoàn 308 - lực lượng chủ lực về tiếp quản thủ đô). Tại buổi nói chuyện, Bác đã căn dặn CBCS: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Nói chuyện xong, Người trở lại Vai Cầy, nơi dừng chân cuối cùng ở căn cứ địa Việt Bắc trước khi trở về tiếp quản Thủ đô.
|
Ngôi nhà ba gian trong Phủ Chủ tịch. |
Ngày 12/10/1954, đơn vị trực tiếp bảo vệ Bác rời Đại Từ (Thái Nguyên) về thị xã Sơn Tây. Tại thị xã Sơn Tây, Bác ở và làm việc tại một trạm thủy lợi ngay chân đê thuộc thôn Phù Xa, xã Viên Sơn. Địa điểm này là ngôi nhà cấp bốn nhưng rất thoáng mát, bảo vệ tiếp cận nơi nghỉ của Người gồm đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Long Văn Nhất, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Nền kiêm lái xe.
Ngày 14/10/1954, Bác rời thị xã Sơn Tây về Hà Nội. Những ngày đầu ở thủ đô, Bác ở và làm việc tại ngôi nhà trong Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu Nghị). Bác ở và làm việc tại phòng 14 đầu hồi trên tầng hai (nay là nhà A4 - Khoa Tim mạch) có cửa sổ nhìn xuống cổng phía đường Trần Khánh Dư, ở vị trí này rất dễ quan sát khi có động tĩnh mà lại thoáng mát. Vì là địa điểm được chuẩn bị trước nên công tác bảo vệ không những đảm bảo chặt chẽ mà còn có nhiều thuận lợi. Lực lượng vũ trang của Trung đoàn 600 có một trung đội bảo vệ vòng ngoài, các lối đi, cổng ra vào đều bố trí trạm gác, tuần tra, bên trong do lực lượng bảo vệ tiếp cận canh gác thường xuyên 24/24giờ.
Bác ở và làm việc tại Nhà thương Đồn Thủy đến tháng 12/1954 thì Trung ương đón Người về ở trong khu Phủ Chủ tịch. Theo ý định của Trung ương muốn mời Bác về ở và làm việc tại ngôi nhà Phủ Toàn quyền được sửa sang tu bổ lại sạch sẽ để tiện chủ trì các cuộc họp Chính phủ, tiếp khách trong nước và nước ngoài. Khi nghe đồng chí Nguyễn Lương Bằng báo cáo ý định này của Trung ương, Bác đến xem và khen ngôi nhà to và đẹp nhưng quyết định không ở và cho tu sửa lại căn nhà ba gian gần bờ ao cách Phủ Chủ tịch khoảng 300 mét để ở. Căn nhà này vốn là nơi ở của người thợ điện làm việc cho chế độ cũ nay bỏ không. Người nói: "Một mình Bác ở như vậy là vừa rồi, lại gần Phủ Chủ tịch khi hội họp tiếp khách đi bộ sang cũng tiện".
Ngày 19/12/1954, đúng chín năm, kể từ ngày Bác Hồ phải rời thủ đô Hà Nội trở lên Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp; nay Bác dọn về ở trong Phủ Chủ tịch. Công tác bảo vệ Bác tại đây có nhiều thuận lợi, lực lượng vũ trang của Trung đoàn 600 bảo vệ vòng ngoài; vòng trong Lực lượng Cảnh vệ lập các trạm gác hóa trang, có bảo vệ tiếp cận ngày đêm nơi Bác ở và làm việc.
Mặc dù tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở thủ đô Hà Nội những ngày mới giải phóng hết sức phức tạp, bọn phản động tay sai đế quốc Mỹ và Pháp như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng, Phục quốc... tích cực chống phá ta, tìm cách cài lại bọn tay sai để thực hiện âm mưu phá hoại, nhất là tìm cách ám hại lãnh tụ. Nhưng được sự chỉ đạo thống nhất và chặt chẽ của Trung ương mà trực tiếp là Bộ Công an, Lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp với Lực lượng Quân đội và các lực lượng có liên quan bảo vệ an toàn Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước những ngày về tiếp quản thủ đô Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét