QUỐC PHONG
Hiện nay, trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật xảy ra tình trạng các luật quy định một nội dung giống nhau nhưng lại không thống nhất với nhau. Việc không thống nhất giữa quy định của pháp luật dẫn đến khó khăn khi vận dụng vào thực tiễn. Xin phân tích một ví dụ để chứng minh.
Bộ luật Dân sự có quy định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc được thể hiện thông qua hai hình thức là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng.
Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định về hình thức di chúc miệng như sau: trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa di bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Và: di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì di chúc miệng chỉ được lập trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đó là tính mạng của người để lại di chúc bị đe dọa, được hiểu là người di chúc không còn khả năng hoặc không thể lập di chúc bằng văn bản. Và nếu sau một thời gian, do pháp luật quy định mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn sáng suốt thì di chúc miệng đó mặc nhiên vô hiệu. Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận tính hợp pháp di chúc miệng với những điều kiện hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành thì di chúc miệng có còn là một loại hình di chúc hợp pháp nữa hay không và việc để lại di chúc miệng có thể thực hiện được không?
Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 29.11.2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2007 quy định rất cụ thể về thủ tục công chứng. Điều 48 Luật công chứng có quy định về công chứng di chúc người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác công chứng di chúc… Quy định này của Luật công chứng chỉ đúng với trường hợp thực hiện công chứng đối với di chúc được lập thành văn bản. Còn đối với di chúc miệng thì người di chúc đã trong hoàn cảnh đặc biệt bị cái chết đe dọa thì không thể tự mình yêu cầu công chứng được. Nếu buộc người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc thì không còn tồn tại loại hình di chúc miệng nữa. Vì, nếu người để lại di chúc miệng có thể tự mình yêu cầu công chứng thì trong mọi trường hợp ý chí đó sẽ được công chứng viên ghi chép lại, có nghĩa là đều được thể hiện bằng văn bản, và thực hiện công chứng đối với văn bản được thành lập theo cách như vậy.
Nhưng pháp luật dân sự đã quy định, trường hợp để lại di chúc miệng là phải trước mặt hai người làm chứng và những lời di chúc đó sẽ được ghi chép lại và công chứng trong thời hạn năm ngày, sau thời hạn này di chúc mới được coi là hợp pháp. Hai người làm chứng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc thể hiện ý chí cuối cùng của người di chúc. Như vậy, có thể thấy rằng với quy định trên, Luật Công chứng đã phủ nhận hoàn toàn tính hợp pháp của loại hình di chúc miệng và, với quy định đó thì chỉ tồn tại duy nhất một loại hình di chúc, đó là di chúc bằng văn bản.
Từ những phân tích trên cho thấy, giữa các luật quy định về cùng một nội dung đã xảy ra những sự mâu thuẫn với nhau. Chính sự mâu thuẫn này đã dẫn đến tình trạng vô hiệu hóa các quy định pháp luật trong các luật khác nhau, gây ra tình trạng khó áp dụng trong thực tiễn những quy định của pháp luật. Đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện nay.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét