- Tải về sách Ebook Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất
- Tải về sách Ebook Luật luật sư và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất
- Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở góc phải để tải về)
- Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới nhất
BỘ CÔNG AN -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 70/2011/TT-BCA | Hà Nôi, ngày 10 tháng 10 năm 2011 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa khi tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý.
Việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ tư pháp, Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ được phân công thực hiện một số hoạt động điều tra, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ, cán bộ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong Công an nhân dân; các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư; người bị tạm giữ, bị can; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý.
Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
1. Tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Tôn trọng và bảo vệ quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa.
3. Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong hoạt động bào chữa.
Điều 4. Giải thích quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và thực hiện thủ tục nhờ người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can
1. Khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ Quyết định khởi tố bị can cho bị can, Điều tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo Quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự và lập biên bản giao nhận Quyết định. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không. Nếu người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cần nhờ người bào chữa thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc các tổ chức thành viên của Mặt trận đề nghị tổ chức mà họ là thành viên cử người bào chữa cho họ thì Điều tra viên phải ghi ý kiến của người bị tạm giữ, bị can vào biên bản và hướng dẫn họ viết đề nghị bằng văn bản. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, tạm giam có văn bản đề nghị, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị cử người bào chữa của họ cho tổ chức mà người bị tạm giữ, bị can là thành viên bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh;
b) Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa là người đại diện hợp pháp của họ thì Điều tra viên hướng dẫn họ viết văn bản đề nghị, trong văn bản ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ của người đại diện hợp pháp. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, bị can có văn bản đề nghị, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị của người bị tạm giữ, bị can cho người đại diện hợp pháp mà người bị tạm giữ, bị can nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh;
c) Trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa là luật sư thì Điều tra viên hướng dẫn họ viết giấy yêu cầu luật sư, nếu yêu cầu đích danh luật sư bào chữa (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) thì trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ, Cơ quan Điều tra có trách nhiệm gửi giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can cho luật sư mà họ nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh; trường hợp người bị tạm giữ, bị can viết giấy nhờ người thân (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) liên hệ nhờ luật sư bào chữa cho họ thì trong thời gian hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, bị can có giấy nhờ người thân, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi giấy đó cho người thân của người bị tạm giữ, bị can bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.
2. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Nếu người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp bị can phạm tội mà khung hình phạt đối với tội đó có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự; bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nếu sau khi giải thích và thông báo cho bị can, người đại diện hợp pháp của họ về quyền được nhờ người bào chữa mà họ từ chối thì Cơ quan điều tra phải làm văn bản yêu cầu Đoàn luật sư thuộc địa bàn Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình; trường hợp Đoàn luật sư, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận đã cử người bào chữa nhưng bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì Điều tra viên phải lập biên bản ghi rõ ý kiến của họ. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị thay đổi người bào chữa thì Cơ quan điều tra phải có văn bản yêu cầu Đoàn luật sư cử người khác bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người khác bào chữa cho thành viên tổ chức mình.
4. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, Viện trưởng Viện kiểm sát đã có quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra thì Điều tra viên phải thông báo cho họ biết quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự.
Điều 5. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư
1. Luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tham gia tố tụng phải có đủ các giấy tờ sau đây:
a) Thẻ luật sư ( bản sao có chứng thực);
b) Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu luật sư của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa); hoặc giấy yêu cầu luật sư của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can (đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất);
c) Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư ( đối với trường hợp hành nghề với tư cách cá nhân);
d) Văn bản phân công của đoàn luật sư đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
2. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa:
a) Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa gửi đến Cơ quan điều tra bằng đường bưu điện hoặc đường công văn, khi nhận được các giấy tờ này, Cơ quan điều tra đóng dấu công văn đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và giao ngay cho Điều tra viên, cán bộ được phân công; Điều tra viên, cán bộ được phân công kiểm tra ngay các giấy tờ nhận được, nếu thấy thiếu hoặc chưa đúng thủ tục thì thông báo ( bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh) cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa biết để sửa đổi, bổ sung;
b) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa hoặc người thuộc tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa làm việc trực tiếp đến Cơ quan điều tra đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và nộp các giấy tờ liên quan thì Điều tra viên, cán bộ được phân công tiếp nhận và kiểm tra, nếu thấy thiếu hoặc thủ tục chưa đúng thì hướng dẫn ngay cho họ sửa đổi, bổ sung. Nếu đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này thì viết giấy biên nhận về việc đã nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa, trong đó hẹn rõ thời gian đến nhận giấy chứng nhận người bào chữa hoặc văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa;
c) Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các vụ án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Cơ quan điều tra đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra; từ chối tiếp nhận các giấy tờ có liên quan đến việc bào chữa và giải thích cho luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa quy định của khoản 1 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự;
d) Thời gian bắt đầu xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa được tính từ thời điểm Điều tra viên, cán bộ được phân công tiếp nhận đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến việc bào chữa.
3. Xem xét cấp giấy chứng nhận người bào chữa:
Điều tra viên, cán bộ được phân công sau khi tiếp nhận đủ các giấy tờ liên quan đến việc đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa phải khẩn trương nghiên cứu, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan để xác định có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận người bào chữa hay không (trong đó cần chú ý quy định tại các khoản 2,3 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự). Trong thời hạn 03 (ba) ngày (hoặc trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ đối với trường hợp tạm giữ người ) kể từ khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì phải có văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
4. Giao nhận giấy chứng nhận người bào chữa hoặc văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa:
a) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa đến trụ sở Cơ quan điều tra theo hẹn tại giấy biên nhận quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì Điều tra viên hoặc cán bộ được phân công giao giấy chứng nhận người bào chữa ( hoặc văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa) cho họ và phải lập biên bản giao nhận;
b) Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa không đến trụ sở Cơ quan điều tra theo hẹn tại giấy biên nhận quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì Cơ quan điều tra gửi giấy chứng nhận người bào chữa (hoặc văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa) cho họ bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.
Điều 6. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can
1. Bào chữa viên nhân dân đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tham gia tố tụng phải có đủ các giấy tờ sau đây:
a) Giấy chứng minh nhân dân ( bản sao có chứng thực);
b) Giấy giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị giam giữ, bị can là thành viên;
c. Giấy tờ chứng minh là thành viên của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử đến;
d. Văn bản của người bị tạm giữ, bị can đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị tạm giữ, bị can là thành viên cử người bào chữa cho họ.
2. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tham gia tố tụng phải có đủ các giấy tờ sau đây:
a.Giấy chứng minh nhân dân ( bản sao có chứng thực);
b. Giấy đề nghị bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can của người đại diện hợp pháp có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ giữa người đại diện hợp pháp với người bị tạm giữ, bị can;
3. Việc tiếp nhận, xem xét cấp và giao nhận giấy chứng nhận người bào chữa thực hiện theo quy định tại các khoản 2,3,4 Điều 5 Thông tư này.
Điều 7. Người bào chữa có mặt khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ
1. Sau khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, Điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa và thông báo cách thức liên lạc của Cơ quan điều tra, Điều tra viên với họ khi cần thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.
2. Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 (hai mươi bốn) giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 (bốn mươi tám) giờ, trường hợp không thể trì hoãn được việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can thì Điều tra viên tiến hành lấy lời khai, hỏi cung và sau đó phải thông báo cho người nào chữa biết.
3. Điều tra viên phải tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật trước khi người bào chữa có mặt khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can (bảo đảm người bào chữa không được sử dụng điện thoại, các thiết bị ghi âm, ghi hình…); giải thích quyền và nghĩa vụ của người bào chữa khi có mặt để Điều tra viên lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên và người bào chữa phải thực hiện theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự, nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và các quy định pháp luật có liên quan khác. Nếu phát hiện người bào chữa vi phạm pháp luật thì phải dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung và lập biên bản về việc này, báo cáo Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý.
Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu Điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi người bị tạm giữ, bị can thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị tạm giữ, bị can vào trong biên bản lấy lời khai người bị tạm giữ, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung, Điều tra viên phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung, sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi, trả lời thì yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản.
4. Khi người bào chữa đề nghị, Điều tra viên phải xác nhận thời gian làm việc thực tế của người bào chữa tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.
Điều 8. Thay đổi Điều tra viên, người giám định, người phiên dịch theo đề nghị của người bào chữa
1. Khi người bào chữa có văn bản đề nghị thay đổi Điều tra viên, Cơ quan điều tra tiếp nhận văn bản để giải quyết. Nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc điểm b khoản 1 Điều 44 Bộ luật tố tụng hình sự thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định thay đổi điều tra viên; trường hợp Điều tra viên là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp để tiến hành điều tra, nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trung ương bị thay đổi hoặc phải từ chối tiến hành tố tụng thì lãnh đạo Bộ Công an quyết định để một Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra tiến hành tố tụng đối với vụ án và thông báo cho người bào chữa biết. Trường hợp đề nghị thay đổi Điều tra viên không có căn cứ pháp luật thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra từ chối việc thay đổi Điều tra viên và thông báo cho người bào chữa bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
2. Khi người bào chữa có văn bản đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch, Cơ quan điều tra tiếp nhận văn bản đề nghị giải quyết. Nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 60, khoản 3 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch và thông báo cho người bào chữa biết. Trường hợp đề nghị không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan điều tra từ chối việc thay đổi người giám định, người phiên dịch và thông báo cho người bào chữa bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Điều 9. Người bào chữa thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa
1. Cơ quan điều tra, Điều tra viên tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác. Trường hợp phát hiện người bào chữa thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm của người bào chữa; tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp Cơ quan điều tra thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa thì phải thông báo cho tổ chức quản lý người bào chữa bằng văn bản và nêu rõ lý do thu hồi.
2. Người bào chữa thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa giao cho Cơ quan điều tra thì Điều tra viên lập biên bản tiếp nhận và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp người bào chữa đưa ra yêu cầu, nếu thấy yêu cầu có liên quan đến việc bào chữa đưa thì Điều tra viên lập biên bản ghi nhận yêu cầu của người bào chữa.
Điều 10. Người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam
1. Khi người bào chữa có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra cho gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì Cơ quan điều tra làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam; nếu từ chối cho gặp thì phải thông báo cho người bào chữa biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
2. Trước khi cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người bào chữa quy định tại Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự; phối hợp với Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phổ biến cho người bào chữa nội quy, quy chế của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trong quá trình người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Nhà tạm giữ, bị can theo nội quy và quy chế của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nhằm bảo đảm việc tuân thủ quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm các quy định của pháp luật thì phải dừng ngay việc gặp người bị tạm giữ, bị can của người bào chữa và lập biên bản, báo cáo Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý.
Điều 11. Thực hiện quyền của bị can, người bào chữa sau khi kết thúc điều tra vụ án
1. Trong thời hạn 02 (hai) ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa.
2. Sau khi kết thúc điều tra, nếu người bào chữa đề nghị được đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa thì Cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện yêu cầu này. Điều tra viên phải tập trung những tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa lại thành một tập hồ sơ; trường hợp người bào chữa đọc, ghi chép những tài liệu này, Điều tra viên bố trí cho người bào chữa đọc, ghi chép tại phòng làm việc thuộc trụ sở Cơ quan điều tra. Trong quá trình người bào chữa đọc, ghi chép tài liệu, Điều tra viên phải giám sát chặt chẽ, không để người bào chữa tẩy xoá, sửa chữa, làm hư hỏng, rách, thay đổi, đánh tráo hoặc lấy mất tài liệu. Trường hợp người bào chữa đề nghị sao chụp những tài liệu này, Điều tra viên trực tiếp sao chụp( bằng máy photocopy) tài liệu đưa cho người bào chữa. Việc đọc, ghi chép hoặc sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa của người bào chữa phải được lập biên bản ghi nhận, tài liệu giao cho người bào chữa phải có bản thống kê các tài liệu kèm theo.
Điều 12. Kinh phí bảo đảm
Chi phí gửi công văn nhờ người bào chữa của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh và chi phí sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án cho người bào chữa được chi từ kinh phí điều tra.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ các hoạt động nêu trên thực hiện theo quy định quản lý và sử dụng kinh phí điều tra trong lực lượng Công an nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 1443/2008/QĐ-BCA(V22) ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 13. Hiệu lực của Thông tư
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2011.
Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân chịu trách nhiệm thi hành và quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư này cho Điều tra viên, cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra hình sự và công tác giam, giữ.
2. Tổng cục An ninh II, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Vụ pháp chế, Tổng cục An ninh II và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm) để có hướng dẫn kịp thời./.
BỘ TRƯỞNG Trung tướng Trần Đại Quang |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét