Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Toàn văn Quyết định 288/QĐ-BTP về Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài

BỘ TƯ PHÁP
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 288/QĐ-BTP
Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2012
 QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC LIÊN NGÀNH VỀ VẤN ĐỀ KẾT HÔN GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
Căn cứ Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 06/6/2011 của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên của Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. 


KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đinh Trung Tụng
 QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC LIÊN NGÀNH VỀ VẤN ĐỀ KẾT HÔN GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn
giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (sau đây gọi tắt là Tổ công tác).
Điều 2. Nhiệm vụ của Tổ công tác
1. Tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan các giải pháp, chính sách nhằm làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ cụ thể đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là các trường hợp cô dâu gặp rủi ro trong cuộc sống hôn nhân; giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
2. Làm đầu mối phối hợp giữa các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật về kết hôn với người nước ngoài; trao đổi thông tin về tình hình kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
3. Thực hiện thanh tra, kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại các địa phương và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài;
4. Triển khai kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kết hôn có yếu tố nước ngoài;
5. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình đăng ký, quản lý nhà nước trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
6. Kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 06/6/2011 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Điều 3. Chế độ và kinh phí hoạt động của Tổ công tác
1. Các thành viên Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hoạt động của Tổ công tác liên ngành được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
Chương 2.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC
Điều 4. Thành lập và hoạt động của Tổ công tác
1. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập.
2. Trong trường hợp thành viên Tổ công tác đi công tác, học tập liên tục từ 06 tháng trở lên hoặc có thay đổi về nhân sự thì cơ quan chủ quản phải thông báo và cử người thay thế bằng văn bản; văn bản cử người thay thế được gửi cho Tổ trưởng Tổ công tác.
Điều 5. Trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ công tác, Phó Tổ trưởng Tổ công tác và thành viên Tổ công tác
1. Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác;
b) Chỉ đạo, điều hành triển khai các kế hoạch hoạt động đã được Tổ công tác thông qua;
c) Chủ trì các phiên họp của Tổ công tác;
d) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác.
2. Phó Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ công tác và có trách nhiệm sau đây:
a) Thay mặt Tổ trưởng Tổ công tác điều hành công việc của Tổ công tác khi được Tổ trưởng Tổ công tác ủy quyền;
b) Báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác về kết quả những hoạt động đã được ủy quyền.
3. Thành viên Tổ công tác có các nhiệm vụ sau:
a) Phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác của Tổ công tác trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động chung của Tổ công tác;
b) Tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành mình trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài liên quan đến bộ, ngành mình và đề xuất các biện pháp thực hiện;
c) Tham dự đầy đủ các phiên họp của Tổ công tác; tham gia thiết kế về những vấn đề đưa ra thảo luận tại các cuộc họp của Tổ công tác;
d) Định kỳ 06 tháng một lần báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công trước cuộc họp toàn thể của Tổ công tác.
Điều 6. Chế độ làm việc của Tổ công tác
1. Tổ công tác họp toàn thể ít nhất 06 tháng 01 lần. Tùy theo yêu cầu công tác có thể họp bất thường hoặc họp nhóm một số thành viên có liên quan khi cần thiết để thảo luận và thống nhất những chủ trương, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ.
2. Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung, quyết định theo đa số.
Điều 7. Bộ phận thường trực và giúp việc của Tổ công tác
1. Bộ phận thường trực và giúp việc của Tổ công tác là Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp.
2. Bộ phận thường trực và giúp việc có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và kinh phí hoạt động hằng năm cho Tổ công tác; đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ giữa các thành viên trong Tổ công tác; chuẩn bị tài liệu, nội dung cho cuộc họp của Tổ công tác; ghi biên bản các cuộc họp của Tổ công tác./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến