Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Một số lưu ý để tránh bị hồ sơ công chứng giả

cong chung dat dai      Phòng Công chứng số 2 TP.HCM vừa phát hiện một vụ làm giả hồ sơ thế chấp nhà để vay 25 tỉ đồng. Điều đáng nói là trước kia, những kẻ làm giả hồ sơ chỉ nhắm vào người dân bình thường, nay thì mức độ tinh vi của chúng đủ để qua mặt ngân hàng. Trong vụ này, kẻ gian dùng giấy hồng giả để thế chấp vay tiền ngân hàng. Phía ngân hàng đã làm xong các thủ tục cần thiết, chỉ còn chờ công chứng hợp đồng, may mà Phòng Công chứng số 2 kịp thời “cứu nguy”.
      Hồ sơ giả chủ yếu liên quan đến nhà, đất vì đây là những tài sản có giá trị lớn. Tuy mức độ giả mạo ngày càng tinh vi nhưng vẫn có cách để tránh những cú lừa.
      Dưới đây là lời khuyên từ những công chứng viên kỳ cựu mà chúng tôi đúc kết được.
1. Tự “soi” giấy chứng nhận
      Đối với những giấy giả được làm một cách thô sơ, người dân cũng có thể tự kiểm tra được. Chẳng hạn, giấy giả có thể sai lỗi chính tả. Phòng Công chứng số 2 TP.HCM phát hiện một giấy hồng giả có lỗi chính tả ở trang 4: “Khi giấy chứng nhận bị hư hỏng, rách nát hoặc mục IV hết chổ ghi…” (đúng ra phải là “hết chỗ”). Những dòng chữ in sẵn trên mẫu giấy đỏ, giấy hồng của cơ quan nhà nước phát hành không sai lỗi chính tả. Do đó, nếu giấy chứng nhận mà có lỗi chính tả thì cần đặc biệt nghi ngờ.
      Về chất liệu giấy: Giấy giả có thể mỏng hơn hoặc trơn láng hơn giấy thật. Màu sắc của hoa văn trên giấy giả đôi khi tươi hơn (có trường hợp giấy hồng giả ngả sang màu cam) hoặc có khi tái hơn. Dấu quốc huy trên giấy thật rất tinh xảo, sắc nét, còn dấu quốc huy trên giấy giả có thể hơi nhòe ở những chi tiết nhỏ. Ngoài ra, với những giấy giả làm bằng cách in phun màu thì nét chữ cũng hơi nhòe. Đây là lý do mà trên bàn làm việc của các công chứng viên thường có kính lúp để soi các dấu hiệu bất thường.
      Độ cũ, mới của giấy chứng nhận cũng là yếu tố đáng lưu ý. Nếu giấy chứng nhận được cấp đã khá lâu mà các nét mực đều còn mới tinh thì cũng đáng nghi ngờ. Cần xem giấy ở nơi có đủ ánh sáng (đã có trường hợp gặp hôm cúp điện, công chứng viên không nhận diện được giấy giả) và tháo lớp ép nhựa (nếu có) để cảm nhận được tốt hơn.
2. Đến tận nơi xem nhà, đất
      Đến tận nơi xem nhà, đất là một cách rất đơn giản để phòng ngừa hữu hiệu đối với vấn nạn làm giả. Qua đó, không những người mua thấy tận mắt tài sản mà còn xác minh được người giao dịch với mình có phải là chủ thật sự hay không.
      Công chứng viên Phan Văn Cheo (Văn phòng Công chứng Sài Gòn) kể về một trường hợp ông đã gặp hồi còn làm trưởng Phòng Công chứng số 1 TP.HCM. Chủ nhà đưa bản phôtô giấy hồng cho “cò” nhà đất nhờ rao bán nhà. “Cò” dựa trên những thông tin trong bản phôtô này để làm một giấy hồng giả, lừa bán cho người khác. Khi “cò” dắt người mua nhà đến công chứng, ông Cheo nghi vấn là giấy giả nên nhờ Phòng TN&MT quận 7 (đơn vị cấp giấy) thẩm định. Đơn vị này cũng không phát hiện ra. Chỉ khi họ cho người đến tận nhà xác minh thì mới khẳng định được giấy chứng nhận trên là giả. Với trường hợp này, nếu người mua chịu khó đi xem tài sản thì đã phát hiện được ngay từ đầu.
      Ông Cheo nêu băn khoăn: “Không hiểu sao có người bỏ ra năm, ba tỉ đồng để mua một căn nhà mà lại dễ dãi một cách kỳ lạ. Mỗi khi chứng hợp đồng cho khách hàng, tôi đều hỏi họ đã đi xem nhà chưa, có cần đi xác minh không… nhiều người lắc đầu, bảo không cần”. Ông Cheo bảo vì cái thật nhiều hơn cái giả, chẳng hạn 100 tờ giấy thật thì mới có đôi ba tờ giấy giả nên nhiều người chủ quan. Song cẩn trọng vẫn hơn vì biết đâu mình sẽ bị rơi vào trường hợp xui xẻo.
3. Hỏi cơ quan phát hành giấy
      Trong thực tế, có nhiều mảnh đất, căn nhà chưa có giấy chứng nhận nhưng chủ nhà “xoay” được một tờ giấy giả và đem bán, bị công chứng viên phát hiện. Ngoài ra, cũng có trường hợp người chủ thật sự bị mất giấy chứng nhận và sau đó đã được cấp giấy mới. Không ngờ giấy chứng nhận cũ rơi vào tay kẻ gian, chúng dùng để rao bán, thế chấp. Nếu hỏi UBND quận nơi phát hành giấy thì người mua sẽ tránh được những trường hợp trên.
      Ngoài ra, nhiều trường hợp làm giả cả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy đăng ký kết hôn… Người mua có thể đến UBND phường để hỏi thông tin về người bán cho chính xác, đồng thời lân la hỏi hàng xóm xung quanh.
4. Công chứng hợp đồng thế chấp
      Khi nhận thế chấp một căn nhà để cho vay tiền, nhiều người yên tâm cất giữ giấy chứng nhận mà không hay rằng đó chỉ là giấy giả không có giá trị gì.
Cách đây mấy ngày, có người cầm giấy hồng của một căn nhà ở mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 đến một phòng công chứng. Ông cho biết chủ căn nhà trên là ông C. có vay của ông hơn 300 triệu đồng. Hai bên chỉ làm hợp đồng cho vay, sau đó ông C. đưa cho ông giữ giấy hồng này. Bây giờ ông C. muốn vay tiền ông tiếp nên ông đến hỏi thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp. Sau khi xác minh, công chứng viên cho biết giấy chứng nhận trên là giả mạo. Lúc này, người đàn ông mới than trời, hóa ra lâu nay chỉ nắm giữ một tờ giấy lộn.
      Các công chứng viên khuyên rằng khi cho vay tiền, các bên nên ra công chứng hợp đồng thế chấp. Sau đó làm thêm bước đăng ký giao dịch bảo đảm ở UBND cấp quận. Nếu trải qua trình tự chặt chẽ như trên thì khó bị giấy giả qua mặt.
5. Coi chừng đánh tráo
      Đã có trường hợp khi công chứng hợp đồng trước mặt công chứng viên, bên bán đưa ra giấy thật; sau khi ký kết hợp đồng, bên bán tráo đổi và giao cho người mua giấy chứng nhận giả. Người mua không nhận được nhà, đến phòng công chứng khiếu nại công chứng viên. Phòng công chứng lục hồ sơ lưu ra, bản phôtô giấy thật khác hẳn với những thông tin trong giấy giả.
Nguy cơ trắng tay khi dính phải hồ sơ giả (Công chứng viên PHAN VĂN CHEO)
      Nhiều người dành dụm cả đời mới có một số tiền lớn đủ để mua nhà. Nếu bị lừa ký mua những hồ sơ giả thì có nguy cơ trắng tay. Nếu đã giao tiền cho bên bán thì khả năng lấy lại tiền khá mong manh và mất nhiều thời gian: Phải nhờ cơ quan công an can thiệp hoặc phải kiện ra tòa… Trong khi đó, những kẻ đã cố ý dùng giấy tờ giả mạo chắc chắn sẽ tìm cách lặn mất tăm và tẩu tán hết số tiền đã nhận… Nếu tòa án có tuyên bên bán phải trả lại tiền thì bên bán cũng chưa chắc có tiền, có tài sản để thi hành án được.
      Một công chứng viên cho biết ngoài thiệt hại về tài sản thì có người dính phải giấy giả còn bị tan nát nhà cửa. Ban đầu người chồng không chịu mua nhà nhưng vợ khăng khăng thuyết phục mãi. Đến khi ký xong, phát hiện hồ sơ giả, hai vợ chồng mất trắng số tiền dành dụm, họ đổ lỗi cho nhau và cự cãi suốt. Vụ hồ sơ công chứng giả còn đang được cơ quan công an làm rõ nhưng vợ chồng họ thì đã ly hôn.
      Cơ quan cấp giấy nên làm một mạng thông tin, bất kỳ giấy chứng nhận nào cấp ra cũng phải cập nhật thông tin lên mạng đó: Thửa đất, chủ sử dụng là ai, có dính quy hoạch gì hay không… Công chứng viên có thể tra cứu thông tin trên mạng và trả phí hằng tháng. Nếu xây dựng được mạng thông tin như trên thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề liên quan đến công chứng chứ không chỉ gói gọn trong việc ngăn chặn giấy tờ giả mạo. Đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa có “nhạc trưởng” nào đứng ra làm điều này. 
(Theo báo Pháp luật TP HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến