Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tòa án khó xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng khi ly hôn

tai san ly hon
       Theo đánh giá của TAND Tối cao, các tòa địa phương dễ gặp sai sót khi giải quyết án hôn nhân - gia đình ở khâu xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng. Nhiều bản án đã bị hủy vì xác định chưa chính xác, không hợp lý…
       Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại việc phân chia tài sản trong vụ ly hôn của vợ chồng chị NTBT tại thị xã Rạch Giá (Kiên Giang).
Xác định chưa hợp lý
       Tài sản tranh chấp là một mảnh đất diện tích hơn 360 m2. Năm 1998, cha mẹ chị T. lập di chúc cho chị phần đất này. Sau đó vợ chồng chị xây hai căn nhà cùng một số công trình phụ trên đất. Năm 2002, cha mẹ chị T. đã thay thế bản di chúc bằng việc lập hợp đồng ghi rõ là cha chị T. chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chị. Một năm sau, UBND thị xã Rạch Giá cấp giấy đỏ đứng tên vợ chồng chị T. Khi giải quyết vụ ly hôn và chia tài sản của vợ chồng chị T., tòa hai cấp sơ, phúc thẩm đều xác định mảnh đất là tài sản riêng của chị T.
       Theo chánh án TAND Tối cao, xác định như vậy là không phù hợp, chưa đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án. Bởi lẽ có cơ sở xác định cha mẹ chị T. cho đất riêng con gái. Nhưng sau đó chị T. đã thể hiện ý chí sáp nhập thửa đất này vào khối tài sản chung của vợ chồng qua việc đồng ý cho chồng cùng đứng tên trên giấy đỏ. Do đó, thửa đất là tài sản chung. Ngoài ra, vì nguồn gốc đất là của cha mẹ chị T. cho nên công sức đóng góp của chị là nhiều hơn. Khi giải quyết lại, các cấp tòa cần chia cho chị phần nhiều hơn chồng để đảm bảo công bằng.
Không thu thập chứng cứ
       Một vụ khác tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị yêu cầu hủy án.
       Trước đây, vợ chồng ông ĐTN ra tòa ly hôn và tranh chấp một lô đất đang đứng tên ông N. Người vợ khai chồng mua đất lúc nào bà không biết, chỉ khi trong nhà thiếu đi một khoản tiền, bà mới hay là chồng đã lấy đi mua đất. Do đó mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng. Ngược lại, ông N. khai nguồn tiền mua đất là của mẹ ông. Mẹ ông N. thì khai năm 2003, bà đưa 90 triệu đồng nhờ con trai mua giùm lô đất trên.
       Xử sơ thẩm, TAND TP Tam Kỳ không công nhận lô đất là tài sản chung của vợ chồng ông N. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam đã sửa án sơ thẩm, công nhận lô đất này là tài sản chung.
       Theo chánh án TAND Tối cao, lời khai của các đương sự rất khác nhau về nguồn tiền mua đất nhưng không bên nào xuất trình được đầy đủ chứng cứ chứng minh. Lẽ ra, các cấp tòa cần phải thu thập thêm chứng cứ để làm rõ thời điểm mua đất, mua của ai, quá trình sử dụng, đăng ký, kê khai. Về nguồn tiền mua, các cấp tòa cũng cần phải xác minh công việc, nguồn thu nhập của các bên cũng như độ chính xác trong lời khai của mẹ ông N. Do không chịu thu thập chứng cứ để làm rõ, mỗi cấp tòa có một quyết định khác nhau nhưng đều chưa đủ căn cứ và thiếu tính thuyết phục.
Phân chia chưa công bằng
       Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao cũng vừa chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, hủy bản án phúc thẩm trong vụ ly hôn của bà BTP do không chú ý đến công sức đóng góp của các bên đương sự khi phân chia tài sản.
       Tài sản tranh chấp là lô đất diện tích hơn 132 m2, trên đất có hai căn nhà cấp bốn tọa lạc tại TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Bà P. khai rằng nhà là tài sản chung, còn đất là tài sản riêng do bà mua trước khi kết hôn. Người chồng thì nói cả nhà và đất đều là tài sản chung do ông góp tiền mua.
       Hồ sơ vụ án thể hiện bà P. nhận chuyển nhượng một lô đất diện tích 250 m2 từ người chủ cũ vào đầu năm 1990 với giá 16 chỉ vàng. Đến cuối năm, bà mới kết hôn. Sau đó vợ chồng bà cùng xây nhà chung sống trên diện tích đất này. Đến năm 1999, hai người cùng viết giấy bán nửa lô đất. Nửa lô đất còn lại được UBND TP Buôn Mê Thuột cấp giấy đỏ cho vợ chồng cùng đứng tên.
       TAND TP Buôn Mê Thuột và TAND tỉnh Đắk Lắk đều xác định nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, có tổng giá trị hơn 2,3 tỉ đồng. Từ đó, các tòa tuyên cho bà P. được hưởng toàn bộ nhà đất và phải trả cho người chồng 1,1 tỉ đồng.
       Theo TAND Tối cao, việc hai cấp tòa xác định nhà đất là tài sản chung của vợ chồng bà P. là đúng vì có cơ sở xác định bà P. đã tự nguyện nhập phần đất vào khối tài sản chung. Tuy nhiên, đất có nguồn gốc do bà P. mua trước khi kết hôn nên phải xác định rằng bà có công sức đóng góp chủ yếu trong khối tài sản chung, tức bà phải được phần tài sản nhiều hơn người chồng mới đúng.
Không phù hợp thực tế
       Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao cũng vừa chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, hủy hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ ly hôn, chia tài sản của vợ chồng anh LXS để giải quyết lại từ đầu.
       Tài sản tranh chấp là một căn nhà cấp bốn và những công trình phụ nằm trên diện tích đất 270 m2. Sau khi hai cấp tòa sơ, phúc thẩm phân chia tài sản, tháng 8-2008, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Hạ Long đã có văn bản đề nghị chánh án TAND Tối cao xem xét lại vì không thể thi hành án.
       Nghiên cứu hồ sơ, chánh án TAND Tối cao nhận thấy đề nghị của cơ quan thi hành án là có cơ sở. Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm quyết định tạm giao cho người vợ sử dụng một gian nhà và bể nước nhưng không xác định cụ thể các tài sản này nằm ở vị trí nào trên đất. Còn phần diện tích vườn tòa giao cho người vợ sử dụng dù có xác định vị trí, tứ cận nhưng cả cơ quan thi hành án lẫn hai bên đương sự đều… không thể xác định được ranh giới trên thực địa…
Thẩm phán phải đánh giá toàn diện
       Phân chia tài sản vợ chồng khi ly hôn là một vấn đề phức tạp mà ngành tòa án đang phải đối mặt. Trong một số vụ án, thẩm phán đã xác định đúng khối tài sản chung của vợ chồng nhưng khi phân chia thì lại gặp sai sót. Có trường hợp sai sót trong việc chia hiện vật, có trường hợp sai sót trong việc đánh giá công sức đóng góp của mỗi bên. Vì thế khi giải quyết, các thẩm phán cần phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện, tính đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản…
Sớm có hướng dẫn
       Luật Hôn nhân và Gia đình đưa ra nguyên tắc về chia tài sản chung, riêng của vợ chồng khi ly hôn còn chưa rõ ràng. Thực tế nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn thống nhất. Có những trường hợp phần đất là do cha mẹ bên vợ hoặc bên chồng cho riêng, sau đó xây nhà hợp thức hóa đứng tên hai vợ chồng hoặc đất được cơ quan cấp riêng cho chồng hoặc vợ, sau đó kết hôn xây nhà hợp thức hóa đứng tên chung. Có tòa xác định đất là tài sản riêng, nhà là tài sản chung có tòa thì cả đất và nhà đều là tài sản chung. Ngoài ra còn có những trường hợp bán căn nhà trước đó lấy tiền cùng nhau tạo lập nhà mới. Việc xác định căn nhà mới là tài sản chung, riêng hay công sức đóng góp thế nào cũng khiến các tòa lúng túng. Có tòa thì cho rằng tài sản chung, có tòa thì lại là tài sản chung có một phần riêng, có tòa buộc đương sự phải chứng minh phần đóng góp… (Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM)
Theo Báo pháp luật TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến