TS. ĐINH DŨNG SỸ - Vụ Pháp luật – VP Chính phủ
Trong một bài viết với nhan đề: “Mô hình bảo hiểm tiền gửi hiện nay và những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu khi xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi” chúng tôi đã có một số trao đổi bước đầu về địa vị pháp lý của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG). Để nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức này trong cơ cấu các định chế tài chính của nền kinh tế thị trường cũng như trong vai trò công cụ bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, chúng tôi xin được tiếp tục trao đổi một số khía cạnh về địa vị pháp lý của tổ chức này, nhằm góp phần vào việc nghiên cứu xây dựng Luật BHTG trong thời gian tới.
1. Về bản chất, tổ chức BHTG ở Việt Nam dù được tổ chức và hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào, là tổ chức tài chính của Nhà nước, một định chế tài chính độc lập, hoạt động theo luật hay có tên gọi là một Tổng công ty thì nó vẫn mang bản chất của một tổ chức bảo hiểm. Và do vậy, họat động của BHTG vẫn cơ bản dựa theo nguyên lý của hoạt động bảo hiểm là bù đắp rủi ro theo cơ chế lấy số đông bù cho số ít.
2. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của BHTG trong hệ thống các cơ quan và các định chế bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. BHTG với tư cách là một tổ chức bảo hiểm, hoạt động theo những nguyên lý của bảo hiểm. Tuy nhiên, trong kinh tế hiện đại, BHTG không phải chỉ là một tổ chức bảo hiểm đơn thuần, làm nhiệm vụ thu phí của nhiều người tham gia bảo hiểm để bù đắp, để khắc phục hậu quả cho một số ít người bị rủi ro. BHTG có và phải thực hiện được vai trò nhất định trong việc tham gia quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tham gia bảo hiểm khác, và hơn nữa là có vai trò trong giám sát và góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia.
Ở các nước phát triển, tham gia giám sát và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia thường bao gồm các cơ quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương, tổ chức BHTG và cơ quan giám sát quốc gia về tài chính, tiền tệ. Trong đó, tổ chức BHTG có vai trò không thể thiếu trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giám sát an toàn, phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin và cùng chịu trách nhiệm với các cơ quan khác về sự an toàn và phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính - tiền tệ. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rõ rằng, vai trò tham gia giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia của BHTG không phải với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay mà là một định chế tài chính độc lập cùng gánh vác và chia sẻ trách nhiệm đó với các cơ quan nhà nước và các định chế tài chính khác thông qua hoạt động nghiệp vụ BHTG của mình với những chức năng và mục tiêu sau đây:
Theo chúng tôi, với vị trí, vai trò vừa là một định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, vừa là một công cụ của Nhà nước để giám sát, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và bảo hiểm tiền gửi, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia, tổ chức BHTG có những chức năng sau đây:
- Chức năng tổ chức nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Đây là chức năng chủ yếu của BHTG. Tổ chức BHTG sinh ra là để thực hiện chức năng bảo hiểm cho tiền gửi của những người gửi tiền ở các tổ chức có huy động tiền gửi của dân chúng. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị phá sản thì tổ chức BHTG đứng ra chi trả tiền bảo hiểm cho người dân. Để thực hiện chức năng này, tổ chức BHTG tiến hành các nhiệm vụ như: cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho các tổ chức tham gia BHTG; thu phí bảo hiểm; cung cấp thông tin, tư vấn cho người gửi tiền; thực hiện nhiệm vụ chi trả bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm bị phá sản và cuối cùng là tiến hành xử lý (thanh lý và thu nợ) đối với tổ chức tham gia BHTG phá sản.
- Chức năng tham gia gám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, góp phần bảo đảm an toàn và sự phát triển bình thường của hệ thống tài chính – tín dụng. Đây là chức năng không thể thiếu của tổ chức BHTG nhưng nó cũng vừa có tính chất bổ trợ vừa có tính chất phái sinh. Tính chất bổ trợ thể hiện ở chỗ, để thực hiện tốt chức năng bảo hiểm, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí cũng như phòng chống đổ vỡ, ngăn chặn trước những sự kiện bảo hiểm có thể xẩy ra thì tổ chức BHTG phải tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tham gia BHTG. Từ kết quả giám sát, tổ chức BHTG đưa ra những khuyến nghị cho các tổ chức tham gia bảo hiểm nhằm ngăn ngừa rủi ro, hạn chế đổ vỡ và trong giới hạn cho phép, tổ chức BHTG còn có thể hỗ trợ, thậm chí có quyền can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG khi có dấu hiệu mất an toàn có thể xẩy ra. Tính chất phái sinh của chức năng này thể hiện ở chỗ, từ nhu cầu giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa đổ vỡ, phục vụ cho việc thực hiện chức năng trung tâm của mình là BHTG thì kết quả của hoạt động giám sát đã tự nhiên góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia. Và từ đó, BHTG khảng định được vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan giám sát và bảo đảm an toàn đó.
- Chức năng đầu tư kinh doanh. Đây là một chức năng còn nhiều tranh cãi, nhất là trong nghiên cứu xây dựng mô hình BHTG ở các nước đang phát triển. Có ý kiến cho rằng, BHTG chỉ đơn thuần là một công cụ trong tay Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền cho dân cư khi có một tổ chức tín dụng bị đổ vỡ. Và do vậy, tổ chức BHTG không phải là một tổ chức có chức năng kinh doanh, không đầu tư, không tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, trong điều kiện của kinh tế hiện đại, tổ chức BHTG ở các nước phát triển không phải chỉ đơn thuần là công cụ của Chính phủ nhằm hạn chế những đổ vỡ tín dụng mang tính dây chuyền mà còn là một định chế tài chính độc lập, được quản trị và điều hành như một doanh nghiệp và hoạt động vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Và khả năng tài chính của tổ chức BHTG không phải chỉ lệ thuộc vào những đồng vốn ngân sách luôn ít ỏi của Chính phủ mà nó phải tăng cường năng lực tài chính bởi từ chính hoạt động của mình. Một tổ chức BHTG có tiềm lực tài chính hùng mạnh càng thoát ly nguồn vốn ngân sách và sự lệ thuộc vào tài trợ của Chính phủ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Và vì vậy, BHTG cần phải có và phải làm tốt chức năng đầu tư tự tìm kiếm lợi nhuận, trước hết là nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước giao, sau đó là tự tăng cường năng lực tài chính để bảo đảm có đủ khả năng xử lý rủi ro mà không cần đến sự hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ. Tất nhiên, ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào từng thời kỳ mà xác định chức năng này của BHTG là khác nhau. Chẳng hạn như ở nước ta, BHTG Việt Nam hiện nay là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong tương lai đây sẽ là vấn đề cần phải điều chỉnh cho phù hợp khi tổ chức BHTG đã thực sự lớn mạnh.
Với những chức năng và nhiệm vụ trên đây, mục tiêu hoạt động của BHTG đó là:
- Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đây là mục tiêu hàng đầu của BHTG. Tổ chức BHTG sinh ra là để bảo vệ quyền lợi của những người gửi tiền tại các ngân hàng và các định chế tài chính khác khi họ gặp rủi ro. Người gửi tiền chính là những người cho các ngân hàng vay tiền hoặc có những khoản tiền có tính chất như các khoản tiền gửi tại một số định chế tài chính khác như tiền trên tài khoản kinh doanh chứng khoán tại công ty chứng khoán, hoặc tiền tại các công ty bảo hiểm. Và do vậy, người gửi tiền là những người rất dễ bị tổn thương nhưng lại không có khả năng tự bảo vệ mình, vì những thiệt hại của họ không đến từ chính bản thân họ mà đến từ rủi ro của những ngân hàng và các định chế tài chính kinh doanh bằng đồng tiền của họ. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nhất là những người gửi tiền nhỏ, ít có khả năng tự bảo vệ cần phải có một tổ chức đứng ra bảo hiểm cho tiền gửi của họ. Và chính vì vậy, điểm đặc biệt của hình thức bảo hiểm này là người được bảo hiểm (người được hưởng quyền lợi bảo hiểm, cũng tức là người gửi tiền) không phải là người tham gia bảo hiểm và trả phí bảo hiểm mà là các tổ chức huy động tiền gửi (tất nhiên các tổ chức huy động tiền gửi là người trả phí nhưng suy đến cùng thì phí đó cũng do những người gửi tiền phải gánh chịu). Và cũng vì vậy, BHTG trở thành hình thức bảo hiểm tham gia bắt buộc đối với các tổ chức có huy động tiền gửi của dân cư.
- Bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia, tránh đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng. BHTG trước hết tạo ra cơ chế giám sát, cảnh báo, ngăn chặn và hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG phòng tránh rủi ro trong kinh doanh. Sau nữa, hệ quả của việc BHTG mang lại chính là tạo tâm lý an toàn cho tất cả những người gửi tiền, tránh tình trạng rút tiền đồng loạt của những người gửi tiền khi có sự đổ vỡ của một hoặc một vài ngân hàng, ngăn chặn được sự lây lan trong đổ vỡ tín dụng, tạo hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống các ngân hàng và các tổ chức huy động tiền gửi. Từ đó góp phần rất lớn vào bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia và tránh được những đổ vỡ có tính dây chuyền, thường là căn nguyên của những cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.
- Tạo ra một cơ chế BHTG chính thức trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng. Thực tiễn thế giới không phải quốc gia nào cũng lập ra tổ chức BHTG. Tùy thuộc vào nhận thức của Nhà nước và khả năng tài chính của Chính phủ mà tổ chức BHTG được thành lập hoặc không, hoặc thành lập ở cấp độ như thế nào. Tính đến thời điểm này, trên thế giới đã có 99 quốc gia có tổ chức BHTG và 20 quốc giá khác đang xúc tiến việc nghiên cứu thành lập tổ chức này. Các quốc gia còn lại, Chính phủ không tuyên bố BHTG cho dân cư và cũng không thành lập tổ chức BHTG mà sẽ xử lý đổ vỡ và thực hiện chi trả BHTG theo từng trường hợp cụ thể. Khi có đổ vỡ thì tùy từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể Chính phủ sẽ tuyên bố có bảo hiểm tiền gửi cho người dân hay không và bảo hiểm đến đâu là tùy thuộc vào ý chí và khả năng tài chính của chính phủ. Mô hình này được gọi là mô hình “Bảo hiểm tiền gửi ngầm”. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay tồn tại chủ yếu ở các nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp.
- Giảm gánh nặng tài chính cho Chính phủ, tạo sự công bằng và động lực cạnh tranh cho các tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức BHTG được lập ra là để giúp Chính phủ gánh vác trách nhiệm bảo hiểm cho người gửi tiền. Ở nhiều quốc gia, tổ chức BHTG là những doanh nghiệp thực sự, tự chịu trách nhiệm và có đủ năng lực tài chính để xử lý những đổ vỡ ngân hàng, Chính phủ không cần thiết phải can thiệp hoặc chỉ can thiệp, hỗ trợ khi có khủng hàng. Ở một số quốc gia, tổ chức BHTG lớn mạnh đến mức sử dụng lợi nhuận của mình để chia lại cho các tổ chức tham gia BHTG, tức là chia lại lợi nhuận cho các ngân hàng là những người tham gia bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm.[1] Ngoài ra, việc thu phí bảo hiểm được áp dụng theo cơ chế định phí trên cơ sở định mức tín nhiệm (cũng tức là định mức rủi ro). Ngân hàng nào hoạt động an tòan, có uy tín càng cao thì mức phí bảo hiểm phải nộp càng thấp, và ngược lại, ngân hàng nào có uy tín thấp, độ rủi ro cho người gửi tiền càng cao thì mức phí bảo hiểm phải nộp càng lớn. Từ đó, tạo ra sự công bằng cũng như động lực cho sự cạnh tranh trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
- Một mục tiêu nữa và cũng là hệ quả tất yếu của hoạt động BHTG là tạo niềm tin và tâm lý an toàn cho người dân đối với các tổ chức huy động tiền gửi. Từ đó, khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng thị trường tài chính - tiền tệ và nền kinh tế.
3. Về tên gọi, mô hình tổ chức, quản trị, điều hành. Hiện nay, tổ chức BHTG ở hầu hết các nước trên thế giới đều có tên gọi là Tổng công ty (TCT), là tổ chức có vị trí độc lập, trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội.[2] Tổ chức, quản trị và điều hành của các tổ chức BHTG này được thực hiện theo mô hình công ty và tuân theo các quy định của Luật công ty. Về mục tiêu hoạt động, tất cả các tổ chức BHTG trên thế giới đều coi việc theo đuổi các mục tiêu chính sách công như nói ở điểm 2 trên đây là các mục tiêu hàng đầu. Nếu xét dưới góc độ hiệu quả kinh tế, các TCT BHTG có thể theo đuổi mục tiêu lợi nhuận hoặc không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, xét dưới góc độ hạch toán, hoạt động của các TCT BHTG đều mang bản chất của một định chế tài chính thực hiện kinh doanh.
Tổ chức BHTG ở Việt Nam hiện nay có tên gọi là "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam" - là một tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, được Ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Việc xác định mô hình tổ chức BHTG VN trong giai đoạn tới cần tính tới các mô hình hiện đại theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Theo chúng tôi,
- Về tên gọi và mô hình tổ chức, quản trị: nên lấy tên là "Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam", được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình công ty, có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành (Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc) và bộ máy giúp việc;
- Về vị trí pháp lý: TCT BHTG Việt Nam có địa vị pháp lý độc lập, trực thuộc Chính phủ và hoạt động theo Luật; có tư cách pháp nhân, được Nhà nước cấp vốn điều lệ; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí (nếu có tích luỹ thì bổ sung vào vốn hoạt động, thậm chí có thể chuyển dần một số nghiệp vụ sang hạch toán kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và nộp thuế).
Vậy, Tổng công ty BHTG Việt Nam trong tương lai có phải là một doanh nghiệp không? Xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, TCT BHTG Việt Nam trong tương lai phải là một doanh nghiệp. Là tổ chức có tên gọi cũng như được tổ chức, quản trị và điều hành như một công ty (dù có những đặc thù nhất định) thì nó phải là một doanh nghiệp thực thụ, kể cả khi không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Cũng có ý kiến cho rằng, tổ chức BHTG hiện nay cũng như trong tương lai không nên tổ chức theo mô hình công ty, và tất nhiên cũng không phải là một tổ chức theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà đơn giản chỉ là một tổ chức tài chính đặc biệt của Nhà nước, một công cụ của Chính phủ để theo đuổi các mục tiêu của chính sách công. Từ đó, cũng không nên gắn cho nó cái tên là Tổng công ty và đương nhiên cũng không thể là một doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, việc lựa chọn tên gọi là TCT BHTG Việt Nam không phải chỉ vì tên gọi này phù hợp với thông lệ quốc tế[3] mà bởi tính ưu việt của việc tổ chức, quản trị và điều hành nó theo mô hình TCT. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm rằng, dù tên gọi của tổ chức này là gì thì địa vị pháp lý của tổ chức BHTG ở Việt Nam trong tương lai vẫn là một định chế tài chính của Nhà nước, một công cụ của Chính phủ, có chức năng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác. TCT BHTG Việt Nam được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình công ty nhưng cũng không nên quan niệm nó là một doanh nghiệp[4]. Trong thời gian tới, TCT BHTG Việt Nam vẫn là một định chế tài chính đặc biệt của Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong tương lai xa hơn, TCT này sẽ phải chuyển dần sang mô hình kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ.
4. Về mô hình hoạt động. Trên thế giới hiện nay có 3 mô hình hoạt động đối với các tổ chức BHTG, đó là:
- Mô hình chuyên chi trả. Theo mô hình này, tổ chức BHTG được thành lập chỉ nhằm thực hiện một nhiệm vụ duy nhất đó là chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản, nhằm thực hiện một số mục tiêu của chính sách công, trong đó hai mục tiêu quan trọng nhất đó là: khảng định sự tuyên bố của chính phủ về sự bảo đảm của nhà nước (ở một mức độ nào đó) đối với tiền gửi của dân cư ở các ngân hàng thông qua một tổ chức và một cơ chế BHTG công khai; và mục tiêu thứ hai là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ thông qua việc hình thành cơ chế bồi thường. Mô hình này thường tồn tại ở các nước đang phát triển, tổ chức BHTG mới được thành lập và còn nhỏ bé cả về quy mô tổ chức lẫn năng lực tài chính.
- Mô hình chi trả với quyền hạn được mở rộng. Theo mô hình này, tổ chức BHTG không chỉ thực hiện nhiệm vụ với những mục tiêu như nói trên mà còn được trao thêm một số quyền hạn mở rộng, như: hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn trong thanh toán; theo dõi và khuyến nghị sự cẩn trọng và phòng tránh rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG; tham gia xử lý nợ và thu hồi nợ của tổ chức tham gia BHTG bị phá sản… Qua đó cũng làm tăng thêm các mục tiêu cần đạt được của chính sách công như hạn chế rủi ro, tránh đổ vỡ hệ thống hoặc khủng hoảng tài chính, gia tăng niềm tin của công chúng… Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay về cơ bản là tổ chức hoạt động theo mô hình này.
- Mô hình giảm thiểu rủi ro. Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Theo mô hình này, tổ chức BHTG đựợc trao những quyền hạn và phạm vi hoạt động rộng lớn hơn. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức BHTG theo mô hình giảm thiểu rủi ro còn tham gia cùng với các cơ quan nhà nước và ngân hàng trung ương vào hoạt động giám sát và đánh giá rủi ro của các ngân hàng và các định chế tài chính khác, góp phần bảo đảm sự an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia; tạo sự công bằng và động lực cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức tham gia BHTG thông qua cơ chế tính phí bảo hiểm dựa trên cơ sở định mức tín nhiệm; tiếp nhận xử lý nợ và thu hồi nợ đối với các tổ chức tham gia BHTG bị phá sản; được trao các nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư nhằm bảo toàn phát triển vốn ban đầu cũng như tăng cường sức mạnh tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ. Theo đó cũng nhận được những hiệu quả lớn hơn của việc thực hiện các mục tiêu của chính sách công như phòng tránh có hiệu quả những đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng tài chính; khuyến khích tiết kiệm, tăng trưởng tín dụng, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế… Tổ chức BHTG của Việt Nam tới đây cần nghiên cứu, học tập theo mô hình này.
[1] Ví dụ: ở Mỹ, vào năm 2007, Quỹ bảo hiểm tích lũy của Tổng công ty BHTG Liên bang (FDIC) đã đạt con số 50 tỷ USD, thực hiện BHTG cho 8.631 tổ chức nhận tiền gửi, và trong lần sửa đổi, bổ sung Luật BHTG vào năm 2006, đã cho phép FDIC chia lại 4,7 tỷ USD lợi nhuận cho các tổ chức tham gia BHTG và nâng hạn mức bảo hiểm lên tới 250.000 USD đối với tài khoản hưu trí.
[2] Ví dụ: TCT BHTG Liên bang của Hoa Kỳ (FDIC) được thành lập vào năm 1933 (là tổ chức BHTG đầu tiên trên thế giới, và năm 1933 cũng là năm ra đời của đạo luật BHTG Hoa Kỳ và cũng là đạo luật về BHTG đầu tiên trên thế giới), là tổ chức hoạt động độc lập với Chính phủ và chịu sự kiểm soát của Quốc hội; TCT BHTG Hàn Quốc (KDIC) được thành lập năm 1996 do Chính phủ quản lý; TCT BHTG Indonesia (IDIC) được thành lập tháng 9 năm 2005, là tổ chức độc lập trực thuộc Chính phủ.
[3] Hầu hết các tổ chức BHTG ở các nước trên thế giới hiện nay đều có tên là Tổng công ty – Coporation.
[4] Theo Luật doanh nghiệp của Việt Nam (năm 2005) thì doanh nghiệp được định nghĩa “là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh” Và thuật ngữ kinh doanh cũng được Luật này giải thích phải là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi (xem Điều 4 Luật doanh nghiệp
SOURCE: CỒNG THOONGT IN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Trích dẫn từ:
http://xaydungphapluat.chinhphu.vn/pls/portal/SHARED_APP.UTILS.print_preview?p_itemid=1726726&p_siteid=34&p_pageid=1639359&p_dad=portal&p_schema=
PORTAL&p_persid=1639306&p_language=us
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét