Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

Khởi tố vụ án giết bảo vệ ngân hàng cướp tài sản

(CATP) Đại tá Phan Ngọc Ngự - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết, sáng 25-1, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người cướp tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Kế Xuyên (thuộc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thăng Bình, Quảng Nam).


Hiện trường vụ án

Khởi tố vụ án giết bảo vệ ngân hàng cướp tài sản

Trước đó, ngày 24-1, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân cái chết của ông Phan Công Huệ, 52 tuổi, trú xã Bình Nguyên, bảo vệ Phòng giao dịch Kế Xuyên.

Anh Lê Văn Năm, đồng nghiệp của ông Huệ, cho biết khoảng 13 giờ ngày 23-1 khi anh đến để thay ca trực cho ông Huệ thì phát hiện cổng và cửa của chi nhánh ngân hàng đang trong tình trạng không khóa, anh tiến vào và nhìn thấy một vũng máu, liền gọi ông Huệ nhưng không nghe trả lời, hốt hoảng anh chạy thẳng xuống phía nhà dưới thì thấy thi thể ông Huệ nằm sõng soài.

Theo ghi nhận ban đầu của cơ quan chức năng, ông Huệ bị đâm nhiều nhát dao vào đêm 22 rạng sáng 23-1. Khả năng hung thủ là các đối tượng hình sự chuyên nghiệp, đã nghiên cứu kỹ địa hình (trước mặt chi nhánh ngân hàng là một sân vận động, 2 bên là bức tường cao, phía sau cách xa nhà dân). Sau khi giết chết ông Huệ, bọn chúng đã dùng gió đá cầm tay phá két sắt loại lớn (một cái khác đang tiến hành phá) lấy đi hơn 1 triệu đồng và 2 chỉ vàng là tài sản của một nhân viên chi nhánh (thường hết giờ làm việc số tiền giao dịch tại ngân hàng không để lại cơ quan).

Theo đại tá Ngự thì đây là một vụ án vô cùng nghiêm trọng, các tên cướp hết sức liều lĩnh, hành vi giết người dã man. BGĐ CA tỉnh đã chỉ đạo CQĐT tập trung truy tìm các đối tượng gây án.

HOÀI HÀ - MỸ DUNG

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Lật mặt nữ quái móc túi ở các bệnh viện

Sắp đến Tết Nguyên đán 2010, tình hình móc túi, lừa gạt tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng báo động. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng trộm, cắp đã dễ dàng qua mặt bảo vệ và rạch túi, lừa tiền của người thân bệnh nhân.

Mất sạch chỉ vì...ly nước mía

Ông Võ Duy Thức, Phó trưởng Phòng hành chánh quản trị, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, bệnh nhân đến khám đa số là dân từ các tỉnh nên rất thật thà. Nhiều bà con đã nghèo, mang trọng bệnh, chỉ vì cả tin mà bị lừa hết sạch đến nỗi không có tiền xe về quê.

Cụ thể là chị Nguyễn Thị T., nuôi mẹ đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Không có chỗ nằm nên buổi tối chị xuống ghế đá dưới sân ngủ. Bỗng dưng một người phụ nữ đến trò chuyện với chị và nói cũng đang nuôi bệnh.

Tâm sự được một lúc, người phụ nữ kia đi mua nước mía để cả 2 cùng uống. Sau khi uống nước mía xong, chị T. nằm ngủ mê man. Đến sáng thức dậy, chị mới thảng thốt, mếu máo vì phát hiện túi đồ cùng tiền bạc trên người đều mất hết.

Quá tải, chen lấn là điều kiện lý tưởng để các đối tượng móc túi hành nghề. Ảnh: Thanh Huyền.

Trường hợp của bà Huỳnh Thị Bé, ngụ Cần Thơ cũng vô cùng đáng tiếc. Bà Bé đi khám bệnh nhưng quá đông nên ngồi chờ ngoài sân. Bà được một người đàn ông ăn mặc lịch sự bắt chuyện. Ông này nói mình rất thân với bác sĩ, nếu bà Bé chịu đưa 200.000 đồng thì sẽ giúp để được vào khám ngay. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền, bà Bé đợi mãi không thấy người đàn ông trên quay lại mới nước mắt ngắn dài tìm bảo vệ trình báo.

Ngoài ra, Bệnh viện Ung Bướu đang giữ rất nhiều giấy chứng minh thư nhân dân nhặt được trong nhà vệ sinh. Các đối tượng móc túi, giật giỏ lấy tiền xong đã vứt lại ví kèm giấy tờ tùy thân của người bị hại. Bệnh viện đã liên lạc theo địa chỉ trên chứng minh thư nhưng một số người đã chuyển đi nơi khác.

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội TP.HCM (PC14) cũng cảnh báo về nạn trộm cắp, lừa gạt tại bệnh viện tăng cao dịp cận Tết.

Theo trinh sát Trần Hùng, đội 4, PC14, các đối tượng móc túi đang muốn tranh thủ kiếm trác để ăn Tết. Tâm lý ai cũng muốn khám bệnh sớm sinh ra chen lấn, xô đẩy đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọn chúng hành động.

Hiện, Bệnh viện Hòa Hảo, Ung Bướu, Nhi Đồng 1, 2, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Viện Tim đang được coi là các địa bàn nóng. Móc túi ở Bệnh viện từ 70% đến 80% do phụ nữ thực hiện. Một nhóm móc túi thường có từ 2 đến 6 người. Bọn chúng hành động rất bài bản, có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong nhóm.

Bế theo con để dễ bề trà trộn

Cách đây không lâu, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các trinh sát đã bắt được 2 đối tượng nữ đang thực hiện hành vi móc túi. Đó là đối tượng tên Lê Thị Mỹ Dung, sinh năm 1988, ngụ Tiền Giang, cùng em gái Lê Thị Kiều Trang, sinh năm 1993.

Để dễ dàng trà trộn, Dung đã bế theo con trai 2 tuổi. Khi thuận tiện, ả đưa con cho Trang bế. Trang lúc này có nhiệm vụ ngồi ngoài cảnh giới và giữ hàng.

Dung đã móc được chiếc điện thoại Nokia 7500 I của anh Nguyễn Hữu Chuyên, ngụ Long An, đang xếp hàng đóng viện phí cho con.

Tiếp đến, Dung gặp chị Huỳnh Thị Bẹo, ngụ Đồng Nai đang bế con. Ả lợi dụng nạn nhân mải dỗ dành con khóc, áp sát, móc chiếc điện thoại Sam Sung i 700. Ngay lúc này, Dung đã bị trinh sát bắt quả tang và giữ lại.

Lê Thị Mỹ Dung cùng em gái, bế theo con trai trà trộn, móc túi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: PC14.

Trước đó, Lê Thị Mỹ Dung đã cùng với em gái khác, tên Lê Thị Kiều Mai đến móc túi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và bị bắt quả tang. Kiểm tra đồ đạc của chị, em Dung, các trinh sát phát hiện 100 USD, 2 triệu 300 ngàn đồng, 4 chiếc điện thoại di động.

Dung khai tất cả đều do móc được. Hôm đó, 2 chị em Dung đã "dạo" qua Bệnh viện Đại học Y Dược nhưng không sơ múi được gì nên mới "rẽ" vào Nhi Đồng 1.

Dung có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên chưa bị bắt giữ, 2 đứa em của Dung chưa đủ tuổi truy cứu hình sự sẽ được cơ quan công an lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng.

Giả làm người nuôi bệnh

"Chúng tôi còn ghi nhận một trường hợp lừa đảo tại Bệnh viện Hòa Hảo. Đối tượng giả danh là người của công ty phối hợp với bệnh viện thực hiện chương trình khám ưu tiên. Bằng cách này, y đã lừa thu tiền của rất nhiều bệnh nhân rồi cao chạy xa bay.

Không chỉ thế, các đối tượng lừa gạt còn rất nhiều chiêu. Kẻ thì giả làm người nuôi bệnh để tiếp cận. nằm cạnh người thăm nuôi. Lợi dụng lúc nạn nhân ngủ say, chúng rạch túi, trộm đồ. Vài kẻ khác thì đi lòng vòng quanh các phòng bệnh nội trú để lượm điện thoại di động, giỏ xách của bệnh nhân.", trinh sát Hùng nói.

Theo trinh sát Hùng, việc quản lý những đối tượng trộm cắp tương đối khó khăn do chúng đổi địa bàn liên tục. Để giảm tình trạng móc túi, các bệnh viện cần có quy trình khám bệnh thứ tự, nhân viên bảo vệ phải có phẩm chất tốt, hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân.

Trước tình trạng móc túi gia tăng, Bệnh viện Ung Bước TP. đã có một số giải pháp như: Bố trí đủ ghế đá để bệnh nhân ngồi chờ, ký hợp đồng với công ty bảo vệ, phối hợp với công an quận xử lý an ninh trước cổng, phát loa cảnh báo nhiều lần trong ngày...Tuy nhiên, quan trọng nhất mỗi thân, bệnh nhân phải luôn nâng cao cảnh giác, tự bảo quản tư trang, không tin người lạ mặt.

  • Thanh Huyền

Bản quyền tác giả vẫn phải trông chờ vào nhận thức!

(LĐ) - Ngày 23.1, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2009 và triển khai công tác năm 2010 với việc ký kết hợp đồng cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc giữa VCPMC với Cty Viễn thông Quân đội và Trung tâm quảng cáo và dịch vụ phát thanh - Đài Tiếng nói VN.

Nhận định chung về tình hình thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - cho biết: "Những kết quả tuy còn nhỏ nhoi và còn lâu mới vươn tới sự công bằng xứng đáng với giá trị đích thực của những lao động sáng tạo nhọc nhằn của các tác giả và nhạc sĩ, song chúng ta vẫn thấy chúng thực sự đáng khích lệ khi nhớ lại những chán nản đến mức nghi ngờ về khả năng có thể đòi lại những lợi ích chính đáng, hợp pháp của giới nhạc sĩ trong bối cảnh của tám năm trước, khi mà sự xâm hại về quyền tác giả âm nhạc như một thực tế đương nhiên, thật sự trầm trọng mà với cách nhìn bi quan và ngại ngần thì dường như vô phương cứu chữa".

Ông Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ VHTTDL - cũng cho rằng: "8 năm qua, với sự khởi động đầu tiên của VCPMC đã đặt vào tư duy, suy nghĩ của rất nhiều người - những người đã quen sử dụng những tác phẩm sáng tạo của các nghệ sĩ một cách vô tư - việc phải tính đến, trước hết, một hành vi văn hóa khi sử dụng một tác phẩm văn hóa.

Và cũng không đơn giản gì cái câu "xin phép" ấy, phải mất 3 năm, cái câu ấy mới "hơi hơi" được hình thành. Đến nay, vẫn còn rất nhiều khó khăn về ý thức xã hội, nhận thức về pháp luật...

Đây là lĩnh vực còn mới mẻ với VN, do vậy việc đưa nhau ra tòa cũng không hề đơn giản, nhất là đối với các nghệ sĩ. Nhưng xin lưu ý rằng, khi đã ký hợp đồng ủy thác thì VCPMC có thể là đại diện để giải quyết các công việc tại tòa.

Do vậy, xin kêu gọi các nhạc sĩ - những người đã sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình - hãy bảo vệ nó trên tinh thần pháp luật để cho đội ngũ luật sư của chúng ta phát triển. Có như thế mới bảo vệ được một cách hữu hiệu tài sản tinh thần của mình và tạo ra môi trường và động lực sáng tạo tốt".

Trương Hoàng

Toàn văn Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 06/2010/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 01 NĂM 2010
QUY ĐỊNH NHỮNG NGƯỜI LÀ CÔNG CHỨC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định những người là công chức nêu tại khoản 2 Điều 4 và khoản 1 Điều 32 của Luật Cán bộ, công chức.
Điều 2. Căn cứ xác định công chức
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị định này.
Điều 3. Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Ở Trung ương:
a) Người giữ chức vụ, chức danh cấp phó, trợ lý, thư ký của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cục, vụ, cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng của Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các Ban Đảng ở Trung ương;
b) Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của Đảng ủy khối và Đảng ủy ngoài nước trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
c) Người làm việc trong bộ phận giúp việc của cơ quan, tổ chức do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cơ quan do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập.
2. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh):
a) Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của tỉnh ủy, thành ủy;
b) Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của Đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy;
c) Người làm việc chuyên trách trong văn phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo, cơ quan ủy ban kiểm tra của Đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.
3. Ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện):
Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh.
Điều 4. Công chức trong Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 5. Công chức trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập
1. Thứ trưởng và người giữ chức danh, chức vụ tương đương; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra và tổ chức khác không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
2. Tổng cục trưởng và tương đương, Phó Tổng cục trưởng và tương đương, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, vụ, thanh tra thuộc Tổng cục và tương đương.
3. Cục trưởng, Phó Cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, phòng, thanh tra, chi cục thuộc Cục.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 6. Công chức trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ở cấp tỉnh:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân;
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;
c) Trưởng ban, Phó Trưởng ban, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân.
2. Ở cấp huyện:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;
c) Người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Điều 7. Công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân
1. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, vụ, ban và các tòa, tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
2. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án các tòa chuyên trách; Thẩm định Tòa án nhân dân cấp tỉnh; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, phòng, ban và Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện; thư ký tòa án; người làm việc trong tòa án nhân dân cấp huyện.
Điều 8. Công chức trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân
1. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; kiểm sát viên, điều tra viên; người làm việc trong văn phòng, vụ, cục, ban và Viện nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
2. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; kiểm sát viên, điều tra viên; người làm việc trong văn phòng, phòng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh;
3. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; kiểm sát viên, điều tra viên và người làm việc trong Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Điều 9. Công chức trong cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội
1. Ở Trung ương:
a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức ở Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức chính trị - xã hội);
b) Người làm việc trong bộ phận giúp việc của Ủy ban thuộc tổ chức chính trị - xã hội.
2. Ở cấp tỉnh
Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức của tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức tương đương.
3. Ở cấp huyện
Người làm việc trong cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức tương đương.
4. Công chức quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không bao gồm người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Điều 10. Công chức trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
Người làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Điều 11. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập nói tại Nghị định này là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Điều 12. Công chức được luân chuyển
Công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do các tổ chức đó trả lương.
Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ
1. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình rà soát, xác định và lập danh sách công chức theo quy định của Nghị định này.
2. Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước rà soát, xác định và lập danh sách công chức theo quy định của Nghị định này.
3. Tổng hợp số lượng công chức thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
Cơ quan có thẩm quyền của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát, xác định và lập danh sách công chức thuộc thẩm quyền sử dụng, quản lý theo quy định tại Nghị định này.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2010.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 14 Nghị định này chịu trách nhiệm gửi danh sách và báo cáo số lượng công chức thuộc thẩm quyền quản lý về Bộ Nội vụ chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng năm để theo dõi và tổng hợp.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Ngành đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện đang 'nóng' lên

Trong những năm tới đây, thị trường đào tạo MTĐPT ở Việt Nam sẽ có nhiều sôi nổi. Hàng loạt trung tâm ra đời để đáp ứng cho mong muốn thống trị thế giới Multimedia của các bạn trẻ.

Tại Hội nghị toàn cầu "Aptech World Leadership Summit 2010" diễn ra tại Jaipur - Ấn Độ vào ngày 13,14/01/2010, trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương Tiện Arena Multimedia thuộc Công ty Aprotrain đã vinh dự nhận được 2 giải thưởng cao quý - Đơn vị Đào tạo Uy Tín Nhất và Đơn vị Đào tạo Xuất sắc Toàn cầu.

Đây là hội nghị được tập đoàn Aptech - Ấn Độ tổ chức định kỳ 2 năm một lần, quy tụ hơn 3000 trung tâm tại 52 quốc gia đào tạo chương trình của Aptech. Trong hội nghị, lãnh đạo các trung tâm đào tạo đã đưa ra các dự đoán tươi sáng cho CNTT năm 2010. "Cơ hội năm 2010 đã hiện hữu. Vấn đề là ở chỗ chúng ta có thay đổi tư duy, chiến lược của mình để nắm bắt được nó hay không", ông Ninad Karpe, Tổng giám đốc Tập đoàn Aptech toàn cầu tổng kết.

Theo đó, việc đào tạo trong ngành CNTT nói chung và Mỹ thuật Đa phương tiện (MTĐPT) nói riêng cũng sẽ bùng phát trong tương lai. Thời gian qua, chúng ta có thể thấy nhiều tuyệt tác được tạo từ MTĐPT như siêu phẩm 3D ăn khách của đạo diễn James Cameron"Avatar" hay những ứng dụng về đồ họa trong điện thoại, laptop. Bên cạnh đó, còn xuất hiện những dòng game online được tạo ra nhờ MTĐPT đã vẽ nên một bức tranh sống động đầy màu sắc trong thế giới game. Những dự đoán tươi sáng cùng những siêu phẩm giải trí ra đời từ việc ứng dụng MTĐPT làm cho độ nóng về thị trường này càng tăng lên.

Do đó, trong những năm tới đây, thị trường đào tạo MTĐPT ở Việt Nam sẽ có nhiều sôi nổi. Hàng loạt trung tâm ra đời để đáp ứng cho mong muốn thống trị thế giới Multimedia của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và uy tín sẽ là điều không tránh khỏi và chỉ có những cơ sở thật sự có chất lượng thì mới có thể trụ vững. Những điều đó hứa hẹn sẽ tạo nên một bức tranh sống động, muôn màu muôn vẻ cũng như độ "hot" của thị trường đào tạo MTĐPT Việt Nam.

Tính đến nay, ở Việt Nam, Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia là đơn vị đào tạo uy tín nhất. Với hai trung tâm ở Hà Nội và TP HCM, trường luôn cung cấp cho học viên chương trình học cập nhật, sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng và đúng với mục tiêu đào tạo những chuyên gia thật sự về MTĐPT cho Việt Nam.

Ngành đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện đang 'nóng' lên

Đại diện Aprotrain-Arena chi nhánh TP HCM nhận giải thưởng trong hội nghị Aptech toàn cầu

Với những thành tựu trên, tin rằng trong năm 2010, Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia tại số 212 - 214 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 TP HCM, sẽ làm cho "nhiệt kế" của ngành đào tạo MTĐPT sôi động hơn nữa. Và trong tương lai, thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực IT nói chung ở Việt Nam sẽ có nhiều bứt phá mới trên quốc tế.

Chào Xuân 2010, tại Arena Multimedia đang triển khai chương trình "Spring Colour" dành cho những bạn yêu thích sáng tạo và đam mê ngành MTĐPT, với những suất học bổng giá trị, mỗi suất lên đến 10 triệu đồng cùng nhiều phần quà: IPod Shuffle 4Gb, vé tham dự "Spring trip",...

Tham khảo thêm thông tin tại: Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia:

Tại Hà Nội: 80-82 Trúc Khê, P.Láng Hạ, quận Đống Đa. Tel: (04) 3773 8108.
Tại TP HCM: 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Tel: (08) 39 300 824 hoặc vào trang web http://www.arena-multimedia.vn.

HNL

Mù quáng bao che những kẻ muốn lật đổ chính quyền

Bị can Lê Công Định. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 20/1 vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt án tù đối với nhóm 4 nhân vật mưu toan lật đổ chính quyền. Một bản án do cơ quan tư pháp của một quốc gia có chủ quyền phán quyết nhằm bảo vệ chế độ là một điều hết sức bình thường nhưng đáng tiếc lại bị một số cơ quan ngoại giao và báo chí phương Tây lên tiếng chỉ trích.

Những tuyên bố, phát biểu, những bài viết thiên lệch trong hai ngày qua trên một số báo nước ngoài không chỉ cho thấy thái độ thiên kiến với nhà nước Việt Nam vẫn tồn tại, không chỉ chứng tỏ một số nhóm lợi ích ở hải ngoại vội vã nêu quan điểm trong khi không có đầy đủ thông tin, hoặc thậm chí không cần biết rõ thông tin, mà còn là sự can thiệp quá mức vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập.

Sau một ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, thời gian quản chế 5 năm; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế; Lê Công Định và Lê Thăng Long cùng lĩnh mức án 5 năm tù và 3 năm quản chế. Các bị cáo trên bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Quá trình điều tra xác định rằng các đối tượng này đã hành động một cách có tổ chức nhằm chống phá và lật đổ Nhà nước Việt Nam, có sự liên kết với các tổ chức phản động lưu vong và được các thế lực thù địch chống Việt Nam khích lệ, hỗ trợ. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.
Khi bị bắt, Trần Huỳnh Duy Thức đã khai nhận hành vi chống Nhà nước thông qua việc trực tiếp viết nhiều bài công kích sự điều hành, chính sách kinh tế của Chính phủ, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Lê Công Định thú nhận thêm rằng đã tham gia khóa huấn luyện do nhóm khủng bố Việt Tân tổ chức, cũng như âm mưu thành lập đảng phái để thu hút lực lượng chống lại nhà nước Việt Nam.

Tại phiên tòa, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định đều thừa nhận hành động của mình là vi phạm luật pháp Việt Nam. "Tôi nông nổi và phạm sai lầm," Nguyễn Tiến Trung nói. Lê Công Định hối hận vì nhiều người thân trong gia đình đã đóng góp xây dựng chính thể này còn ông ta thì chống lại. Cũng cần nhắc thêm rằng Lê Công Định là một luật sư nắm vững luật pháp Việt Nam.

Bản thân các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội và hiểu rằng những hành động của họ đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, nhưng những "người ngoài" như đại diện tổ chức Nhà báo Không Biên giới Lucie Morillon lại ngang nhiên tuyên bố rằng "họ không làm gì sai trái." Các đối tượng thừa nhận âm mưu lật đổ chính quyền nhưng Giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) Brad Adams vẫn khẳng định "không phải là tội theo luật quốc tế." Không rõ cái gọi là "luật quốc tế" ở đây là luật nào, nhưng việc âm mưu lật đổ chế độ, cấu kết với những tổ chức bị coi là khủng bố, mà vẫn được một số người nhắm mắt bao che thì quả là một chuyện khó hiểu.

Và không rõ khi tội trạng rõ ràng đến vậy mà theo một số người vẫn không phải là tội, thì việc đối xử tàn tệ với tù nhân, thậm chí giam giữ người vô thời hạn, không được hưởng những quyền lợi pháp lý, việc gây ra những cuộc chiến tàn khốc ở nhiều quốc gia mà lý do về sau được thừa nhận là sai lầm, việc gia tăng buôn bán vũ khí chết người khắp nơi trên thế giới, sẽ được gọi là gì? Không lẽ đó cũng là đảm bảo quyền dân chủ cho người dân hay cho một quốc gia chỉ mong muốn sự an bình và phát triển?

Và điều quan trọng nữa là mỗi công dân của một quốc gia trước hết phải tuân thủ luật pháp của chính quốc gia đó, trước khi viện dẫn đến những luật quốc tế một cách chung chung. Mỗi quốc gia có quyền thực thi quyền của mình nhằm đảm bảo giữ vững chế độ mà hàng triệu người đã phải đổ bao xương máu để đạt được và đang cố gắng xây dựng một xã hội vì mọi người dân. Mọi ý kiến, phát biểu, bình luận về quyết định của một nhà nước có chủ quyền, thiết nghĩ phải dựa trên quan điểm công bằng và chỉ nên được đưa ra khi hiểu rõ sự việc và có đầy đủ thông tin.

Sự bao che mù quáng đối với một nhóm chống đối rất có thể làm nảy nở tràn lan những phần tử gây rối loạn cho Việt Nam - một quốc gia ổn định, một điểm đến an toàn, thân thiện cho các du khách và nhà đầu tư nước ngoài.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, cùng phấn đấu xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời không chấp nhận sự dung túng cho những kẻ âm mưu lật đổ chính quyền của nhân dân, chà đạp lên quyền lợi của đất nước, của dân tộc vì những mưu cầu chính trị vị kỷ./.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Toàn văn Thông tư 12/2010/TT-BTC xử lý tang vật VPHC là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước

THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 12/2010/TT-BTC NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2010 
HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LÀ HÀNG HOÁ, VẬT PHẨM DỄ BỊ HƯ HỎNG VÀ QUẢN LÝ SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC 
DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính như sau: 
MỤC I
QUY ĐỊNH CHUNG 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn các nội dung sau:
a) Xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng;
b) Quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính (bao gồm cả số tiền thu được từ xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác); trừ tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
2. Việc quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. 
MỤC II
XỬ LÝ TANG VẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LÀ HÀNG HOÁ, 
VẬT PHẨM DỄ BỊ HƯ HỎNG

Điều 2. Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng bao gồm:
1. Hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản;
2. Hàng thực phẩm đã qua chế biến, thuốc chữa bệnh mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày;
3. Các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi bắt giữ sẽ bị hư hỏng, hết thời hạn sử dụng.

Điều 3. Hình thức xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
1. Bán trực tiếp (không thông qua đấu giá), trừ các trường hợp phải tiêu huỷ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tiêu huỷ đối với hàng hoá, vật phẩm đã bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng.

Điều 4. Tổ chức xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
1. Đối với hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng xử lý theo hình thức bán trực tiếp:
a) Người có thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là người có thẩm quyền tịch thu) tổ chức bán hàng hoá, vật phẩm cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua.
Giá bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng được xác định căn cứ vào chất lượng của hàng hoá, vật phẩm và bảng giá do Sở Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất; trường hợp Sở Tài chính không công bố bảng giá hoặc hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng không có trong bảng giá do Sở Tài chính công bố thì người có thẩm quyền tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính quy định tại điểm b khoản này căn cứ vào chất lượng và giá bán trên thị trường của hàng hoá cùng loại để xác định giá bán cho phù hợp.
Người có thẩm quyền tịch thu có trách nhiệm tổ chức đánh giá chất lượng hàng hoá, vật phẩm bán ra; trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền tịch thu mời cơ quan chuyên môn để phối hợp đánh giá chất lượng hàng hoá, vật phẩm.
b) Cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người có thẩm quyền tịch thu thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) phối hợp với người có thẩm quyền tịch thu trong việc xác định giá bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
c) Việc bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải được lập biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ thực hiện bán; thời gian, địa điểm bán; người bán; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá, vật phẩm tại thời điểm bán; đơn giá bán, giá trị thanh toán; người mua và các nội dung khác có liên quan.

2. Đối với hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải tiêu huỷ:
a) Người có thẩm quyền tịch thu thành lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ các hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này; Hội đồng xử lý do người có thẩm quyền tịch thu hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan.
b) Các hình thức tiêu huỷ: Tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu huỷ được thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Sử dụng hoá chất;
- Sử dụng biện pháp cơ học;
- Huỷ đốt;
- Huỷ chôn;
- Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
c) Việc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm phải được lập biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá, vật phẩm tại thời điểm tiêu huỷ; hình thức tiêu huỷ và các nội dung khác có liên quan.

Điều 5. Quản lý tiền thu được từ việc xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng
Số tiền thu được từ việc xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải gửi vào tài khoản tạm gửi (tài khoản tiền gửi) của cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu mở tại Kho bạc Nhà nước và được quản lý như sau:
1. Trường hợp tang vật bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quyết định của người có thẩm quyền thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này;
2. Trường hợp tang vật không bị tịch thu sung quỹ nhà nước thì số tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. 
MỤC III
QUẢN LÝ SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN 
TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 6. Quản lý tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính
1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính, sau khi trừ các khoản chi phí quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này, được nộp vào tài khoản tạm giữ hoặc tài khoản phải trả về tiền, tài sản tạm giữ chờ xử lý (sau đây gọi chung là tài khoản tạm giữ) của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước, cụ thể như sau:
a) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan Trung ương và cấp tỉnh ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước thì nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp;
b) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước thì nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính cấp huyện mở tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp.
2. Số tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trên tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này, sau khi trừ đi các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Điều 7. Quản lý, sử dụng các khoản chi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân được giao bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc thanh toán các khoản chi phí sau đây từ số tiền thu được do bán tang vật, phương tiện trước khi nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước:
a) Chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản tài sản từ khi có quyết định bắt giữ tang vật, phương tiện đến khi hoàn thành việc xử lý. Trường hợp cơ quan ra quyết định bắt giữ và tổ chức được giao bán tang vật, phương tiện đã được Nhà nước bố trí kho bãi, biên chế, phương tiện vận tải, kinh phí thường xuyên thì không được thanh toán các khoản chi phí liên quan đến vận chuyển, bảo quản những tài sản đó.
b) Phí bán đấu giá (nếu có).
2. Cơ quan tài chính quản lý tài khoản tạm giữ quy định tại Điều 6 Thông tư này có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí sau đây:
a) Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ gồm: chi thông tin liên lạc cho cán bộ tham gia xử lý; chi xăng dầu cho phương tiện kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật hoặc chi thuê phương tiện, địa điểm (nếu có); chi sửa chữa phương tiện kiểm tra bị hư hỏng khi tiến hành truy đuổi, bắt giữ; chi đăng tin, thông báo tìm chủ hàng. Mức chi tối đa không quá 5% số tiền thu được từ xử lý tài sản của vụ việc đó.
b) Chi phí mua tin (nếu có): mức chi mua tin của mỗi vụ việc tối đa là mười phần trăm (10%) số thu từ bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu của vụ việc đó nhưng không được vượt quá năm mươi triệu đồng (50.000.000 đồng). Đối với những vụ việc mà tang vật, phương tiện tịch thu là hàng giả, hàng hoá phải tiêu huỷ hoặc có giá trị thấp thì không khống chế chi phí mua tin theo tỷ lệ trên số thu nhưng tối đa không được quá ba mươi triệu đồng (30.000.000 đồng).
Việc thanh toán chi phí mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán khoản chi mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.

c) Chi phí cho việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã từ thời điểm tạm giữ cho đến khi hoàn thành việc thả vào môi trường tự nhiên theo quy định hoặc chuyển giao cho vườn thú, trung tâm thí nghiệm, tổ chức khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
d) Chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá trị tài sản tạm giữ làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có) từ thời điểm kiểm tra hoặc tạm giữ cho tới khi có quyết định phê duyệt phương án xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
đ) Chi phí thuê sửa chữa tài sản để bán nếu tài sản phải sửa chữa mới bán được hoặc giá trị tăng thêm của tài sản lớn hơn so với chi phí sửa chữa (nếu có); chi khắc phục tổn thất về tài sản do nguyên nhân khách quan trong quá trình bán đấu giá (nếu có); chi phí thực tế và hợp lý trong trường hợp bán đấu giá không thành.
e) Các chi phí thực tế cho việc tổ chức bán tài sản của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan của người ra quyết định tịch thu. Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh được cơ quan tài chính tạm ứng trước tối đa không quá 5% trên giá trị (theo giá khởi điểm) của tài sản bán đấu giá để có nguồn chi cho công tác bán đấu giá tài sản. Kết thúc việc bán đấu giá, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện hoặc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh phải thanh quyết toán số tiền tạm ứng theo quy định hiện hành.
g) Chi bồi dưỡng làm thêm giờ; bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính. Mức chi cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) quyết định theo đề nghị của Sở Tài chính.
h) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ, công chức thuộc lực lượng tham gia xử lý vi phạm hành chính bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ, công chức hy sinh khi thi hành công vụ, mức chi tối đa không quá 20% số thu từ bán tang vật, phương tiện của vụ việc và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
i) Chi cho công tác tuyên truyền; chi hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính. Tổng mức chi cho các nội dung này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng tối đa không quá 10% số thu từ bán tang vật, phương tiện của vụ việc.
k) Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính. Mức chi cụ thể được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về thi đua khen thưởng.
l) Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bắt giữ, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
m) Các khoản chi phí thực tế, hợp lý cho việc tổ chức thanh lý, tiêu huỷ tài sản.
n) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc bắt giữ, tịch thu, bảo quản, xử lý tài sản.
3. Việc thanh toán các khoản chi phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được căn cứ vào đề nghị của các cơ quan, tổ chức tham gia quản lý, xử lý tài sản; tính hợp lý, hợp lệ của các khoản chi và các quy định của Nhà nước có liên quan.

4. Nguồn kinh phí để chi cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng từ số thu do bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trên tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước. Trường hợp số tiền trên tài khoản tạm giữ không đủ để thanh toán thì đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
5. Đối với các tài sản chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước quản lý, sử dụng, thì các chi phí phát sinh từ khi có quyết định phê duyệt phương án xử lý của cơ quan có thẩm quyền đến khi hoàn thành việc bàn giao do cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận tài sản chi trả. 
PHẦN IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN 
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ các quy định của Bộ Tài chính sau đây:
a) Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;
b) Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;
c) Điểm 2.1 khoản 2 Mục III Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá.
3. Đối với các trường hợp đã có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì việc quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định tại thời điểm ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; không áp dụng quy định của Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết. 
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Chí 

Bài đăng phổ biến