- Tải Ebook Luật KNTC và biểu mẫu kèm theo
- Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this... ở góc phải để tải về)
- Luật Khiếu nại, Tố cáo và văn bản hướng dẫn cập nhật mới nhất
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 120/2003/KHXX
NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN,
THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO...
Kính gửi: - Các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân địa phương
- Các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao
Từ trước đến nay ngành Toà án nhân dân luôn luôn quan tâm đến công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại và tố cáo liên quan đến ngành Toà án nhân dân nói chung và đơn, thư khiếu nại, kháng cáo đối với bản án, quyết định do Toà án ban hành trong quá trình tiến hành tố tụng nói riêng. Nhìn chung công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong ngành Toà án nhân dân đã đạt được những kết quả tốt, đặc biệt công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, kháng cáo đối với các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong quá trình tiến hành tố tụng là kịp thời, đúng thời hạn do pháp luật tố tụng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó có lúc, có Toà án hoặc đơn vị, cá nhân do những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà chưa giải quyết tốt đơn, thư khiếu nại, tố cáo nói chung. Việc giải quyết khiếu nại, kháng cáo đối với các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong quá trình tiến hành tố tụng, nhưng chưa có hiệu lực pháp luật có nơi còn quá chậm, thậm chí có trường hợp còn để quá thời hạn luật định. Việt giải quyết đơn, thư đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật chưa đạt kết quả như mong muốn, có trường hợp cá biệt khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm thì đã quá thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trong thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng. Bên cạnh những trường hợp khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, thì cũng không ít trường hợp khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo nói chung và công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến ngành Toà án nhân dân nói riêng.
Để nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến ngành Toà án nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân địa phương, các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình tổ chức thực hiện việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong ngành Toà án nhân dân như sau:
1. Việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong ngành Toà án nhân dân hoặc đơn, thư tố cáo đối với cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân vi phạm kỷ luật, phẩm chất đạo đức hoặc vi phạm pháp luật.
Các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân địa phương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao căn cứ vào Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác (Luật tổ chức Toà án nhân dân; Pháp lệnh cán bộ công chức; Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân...) Cũng như việc phân cấp quản lý cán bộ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao để giải quyết kịp thời, trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Các đồng chí Vụ trưởng Vụ tổ chức - cán bộ và Trưởng ban Ban thanh tra Toà án nhân dân tối cao ngoài việc giải quyết các việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc theo sự uỷ quyền của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, có nhiệm vụ giúp Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong ngành Tòa án nhân dân hoặc đơn, thư tố cáo đối với cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân vi phạm kỷ luật, phẩm chất đạo đức hoặc vi phạm pháp luật.
2. Việc giải quyết đơn khởi kiện hoặc kháng cáo, khiếu nại đối với bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong quá trình tiến hành tố tụng, nhưng chưa có hiệu lực pháp luật.
Các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân địa phương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao (đặc biệt là các đồng chí Chánh toà các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao) căn cứ vào quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân và quy định của pháp luật tố tụng tổ chức giải quyết kịp thời, đúng thời hạn do pháp luật quy định và bảo đảm đúng pháp luật.
3. Viêc giải quyết đơn đề nghị, yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định tại Điều 11 Luật tổ chức Toà án nhân dân thì:
“1. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do pháp luật quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do pháp luật tố tụng quy định”.
Thực tiễn công tác giải quyết đơn, thư đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật cho thấy có một số trường hợp việc đề nghị của người bị kết án, của đương sự là chính đáng, nhưng cũng không ít trường hợp đề nghị của người bị kết án của đương sự là không chính đáng mà với mục đích “cầu may” hoặc kéo dài việc thi hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Đề bảo đảm hiệu lực thi hành của bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, của đương sự, trong trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới được phát hiện, các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết đơn đề nghị, yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Cụ thể như sau:
A) Các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh cần kiện toàn, nâng cao năng lực công tác của Phòng Giám đốc, Kiểm tra. Khi nhận được đơn, thư đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật cần phân loại và căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng để xử lý. Nếu phát hiện có sai lầm thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm không để tình trạng có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án khi phát hiện có sai lầm thì đã quá thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
B) Các đồng chí Chánh toà các Toà chuyên trách: Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Kinh tế, Toà Lao động, Toà Hành chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo sự phân công của Chánh án Toà án nhân dân tối cao cần tổ chức việc xem xét giải quyết đơn, thư đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật một cách hợp lý và khoa học. Cần phân công, phân nhiệm rõ ràng theo quy chế làm việc và tổ chức phân loại đơn, thư đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân để giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, của đương sự được bảo vệ. Tuỳ từng trường hợp cụ thể theo quy định cần phải báo cáo kịp thời các đồng chí Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao được Chánh án Toà án nhân dân tối cao phân công phụ trách để cho ý kiến chỉ đạo, xem xét, giải quyết. Tuyệt đối khắc phục tình trạng khi phát hiện bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai lầm thì đã quá thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
C) Đồng chí Trưởng ban Ban Thanh tra Toà án nhân dân tối cáo cần tổ chức và tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử của các Toà án nhân dân địa phương, các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao theo sự phân công của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đặc biệt là các vụ án có đơn, thư đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, góp phần giải quyết tốt có hiệu quả đơn, thư, đề nghị, yêu cầu này; bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải đúng pháp luật.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chi Chánh án Toà án nhân dân địa phương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao cần xác định việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến ngành Toà án nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.
Sau khi nhận được Công văn này cần quán triệt để toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện kịp thời có hiệu quả. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc cần phản ánh cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao để có hướng xử lý kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét