Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Toàn văn công văn 61/2002/KHXX về công nhận thuận tình ly hôn

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO                            CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
               ********                                                               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
          Số: 61/2002/KHXX                                                           Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2002
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 61/2002/KHXX NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ VIỆC CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN
Kính gửi:
- Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Trong thời gian vừa qua Toà án nhân dân tối cao nhận được công văn của một số Toà án nhân dân địa phương hỏi trong trường hợp Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng (vợ chồng đã thực sự tự nguyện ly hôn, đã thoả thuận với nhau về việc chia tài sản và trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con), nhưng trước khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, Toà án không hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên thì có coi đó là trường hợp việc điều tra không đầy đủ hay không?
Để bảo đảm sự thống nhất và đúng pháp luật khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, Toà án nhân dân tối cao trả lời như sau:
Theo tinh thần quy định tại Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình thì khi vợ chồng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận được với nhau về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn. Sự thoả thuận của vợ chồng về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của con. Để xem xét sự thoả thuận của vợ chồng có bảo đảm quyền lợi chính đáng của con hay không thì theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình, việc hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên là cần thiết để xem xét nguyện vọng của con. Nếu qua việc hỏi ý kiến của con mà nguyện vọng của con phù hợp với sự thoả thuận của vợ chồng, thì Toà án áp dụng Điều 90, Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con. Trong trường hợp qua việc hỏi ý kiến của con mà nguyện vọng của con khác với sự thoả thuận của vợ chồng, thì Toà án phải đưa vụ án ra xét xử và quyết định việc giao con cho ai nuôi. Do đó, trong trường hợp Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng, nhưng trước khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà Toà án không hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên là chưa điều tra đầy đủ.
Để thực hiện đúng các quy định của Luật hôn nhân và gia đình, khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn đối với trường hợp vợ chồng đã thoả thuận với nhau về việc chia tài sản và trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Toà án nhân dân tối cao đề nghị các Toà án nhân dân địa phương phải thực hiện đúng các quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Nếu thuộc trường hợp có con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên thì Toà án cần phải hỏi ý kiến của con để xem xét nguyện vọng của con. Nếu Toà án không hỏi ý kiến của con để xem xét nguyện vọng của con là việc điều tra chưa đầy đủ.
Đối với những trường hợp Toà án đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn trước khi có Công văn này nhưng chưa hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên để xem xét nguyện vọng của con mà không có khiếu nại thì không đặt vấn đề xem xét lại. Trong trường hợp quyết định công nhận thuận tình ly hôn có khiếu nại về việc nuôi con, thì Toà án cấp giám đốc thẩm cần hỏi ý kiến của con; nếu nguyện vọng của con phù hợp với sự thoả thuận của bố mẹ thì không cần thiết phải xem xét lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; nếu nguyện vọng của con không phù hợp với sự thoả thuận của bố mẹ thì cần thiết phải xem xét lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có hướng dẫn bổ sung. 
Đặng Quang Phương
(Đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến