Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Truyền bá phim, ảnh đồi trụy khó định lượng xử lý hình sự theo điều 253 Bộ Luật hình sự

     Tham khảo thêm:
 Kể từ khi BLHS 1999 có hiệu lực, đến nay các cơ quan tố tụng vẫn chưa thống nhất được với nhau thế nào là vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn trong tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Sự phát triển của công nghệ thông tin càng làm cho việc định lượng này rắc rối hơn...

       Theo Điều 253 BLHS (Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy)
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng lớn...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ ba đến bảy năm:
b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ bảy đến mười lăm năm:
c) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn...

Thiếu hướng dẫn chính thức
       Kể từ khi BLHS 1999 có hiệu lực, không hề có văn bản hướng dẫn chính thức về định lượng trong tội này làm cơ quan tố tụng lúng túng khi định khung hình phạt. Nhằm tháo gỡ, VKSND Tối cao đã soạn thảo Công văn 988 ngày 10/5/2002, đưa ra để tham khảo liên ngành công an, tòa án. Theo đó, một người chỉ cần phổ biến một băng, đĩa s...x cũng đã phạm tội, vật phạm pháp có số lượng lớn là từ 10 đến 100 băng đĩa, rất lớn là từ 101 đến 300, đặc biệt lớn là từ 301 trở lên... Khi hai ngành công an, tòa án chưa có ý kiến, tháng 5-2002, VKSND Tối cao đã ban hành công văn này. Kể từ đó, các VKS luôn dựa vào Công văn 988 để định lượng và khi xét xử, một số tòa cũng xuôi theo.
       Việc này đã gây nhiều tranh cãi về tư cách pháp lý của Công văn 988. Chẳng hạn, tại phiên xử của TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đối với bị cáo Ngô Văn Toàn năm 2006, đại diện VKS và luật sư đã tranh luận kịch liệt. VKS dẫn Công văn 988 để chứng minh truy tố Toàn theo khoản 2 Điều 253 BLHS là đúng. Ngược lại, luật sư nói Công văn 988 chỉ mang tính tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực này cũng không nói rõ tàng trữ, phổ biến bao nhiêu băng, đĩa hình thì bị phạt... Theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì chỉ nên xử phạt hành chính. Dù vậy, tòa vẫn đồng tình với VKS và phạt Toàn ba năm tù.
Tính file ra sao?
       Các cơ quan tố tụng chỉ có mỗi Công văn 988 để tham khảo nhưng đến nay văn bản này cũng đã lạc hậu. Thời trước, người ta dùng băng, đĩa để chứa phim, ảnh s..x, còn ngày nay chỉ một file (tập tin) nén thôi đã có thể bằng hàng trăm, hàng ngàn băng đĩa kia thì phải định lượng như thế nào?
       Trước đây, tại quận 6 (TP.HCM), Nguyễn Ngọc Thương bị bắt quả tang đang chép ảnh s..x vào điện thoại di động cho khách. Công an phát hiện gần 3.600 file ảnh s...x trong ổ cứng máy vi tính. Khi xử lý, dù đã căn cứ vào Công văn 988, VKS TP vẫn thấy lấn cấn ở chỗ không biết 3.600 file trên là 3.600 vật phẩm đồi trụy hay chỉ là một. VKS TP phải hỏi ý kiến VKSND Tối cao. Theo VKSND Tối cao, liên ngành công an, tòa án, viện kiểm sát, tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn về định lượng vật phạm pháp trong tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Điều 253 BLHS cũng không quy định số lượng tối thiểu bao nhiêu thì bị xử lý hành chính. Vì vậy, khi có hành vi sao chép nhằm phổ biến rộng rãi thì dù một hay hai đĩa văn hóa phẩm đồi trụy cũng vẫn có thể xử lý hình sự. Về việc định khung hình phạt, có thể áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật hình sự là từ hai trở lên là số nhiều...
      Trả lời của VKSND Tối cao không làm rõ được gì hơn. Gặp nhiều trường hợp, phạt bị cáo thế nào sẽ do tòa quyết theo nhận định riêng. Như mới đây, TAND TP.HCM đã phạt Đặng Quang Hoàng bốn năm tù về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, thấp hơn mức án VKS đề nghị. Cốt lõi trong vụ này là tòa nhận thấy VKS định lượng có phần “bất công” với bị cáo. Tháng 11-2000, Hoàng in, sang, nhân bản 19 băng video đen cùng 545 đĩa hình s...x thì bị phát hiện. Hoàng bỏ trốn, đến tháng 6-2009 bị bắt. VKS truy tố Hoàng theo khoản 3 Điều 253 BLHS (vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn). Tại phiên xử vừa qua, luật sư đặt lại vấn đề là chưa có hướng dẫn về định lượng trong tội này. Đặc biệt ngày nay, dung lượng một đĩa nén có thể bằng mấy trăm, mấy ngàn băng đĩa thời Hoàng phạm tội nên định lượng theo “kiểu xưa” của VKS gây bất lợi cho bị cáo…
Khắc phục bằng cách nào?
       Nhiều thẩm phán cho rằng tòa không thể dựa vào Công văn 988 để xét xử bởi đơn giản là tòa sẽ đi theo ý muốn chủ quan của VKS. Đây không phải là một thông tư liên ngành, không thể mang tính thống nhất chung cho tất cả cơ quan tố tụng.
         Một thẩm phán TAND Tối cao nói luật không thể tiên liệu hết được tất cả trường hợp nên việc định lượng phải do thẩm phán tự nhận định. Những nhận định của thẩm phán phải được xem xét một cách cặn kẽ theo tình tiết vụ án để đưa ra một bản án xác đáng.
       Nhiều chuyên gia pháp lý lại nói nếu để thẩm phán tự định lượng thì sẽ dẫn đến chuyện xử theo cảm tính, vừa gây tình trạng áp dụng pháp luật lộn xộn, vừa gây ra sự bất công giữa các bị cáo. Lúc đó sẽ có chuyện người chứa 500 file phim, ảnh s...x chỉ bị xử theo khoản 1, trong khi có người chỉ chứa 100 file phim, ảnh s...x lại bị xử theo khoản 2. Vì thế, theo luồng quan điểm này, tốt nhất là các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp nên ngồi lại để thống nhất cách tính số lượng vật phạm pháp và ra thông tư liên tịch hướng dẫn để các ngành có căn cứ áp dụng.

Các cơ quan tố tụng TP HCM đang nhức đầu trước một vụ truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy vì chưa thống nhất được cách tính số phim, ảnh s...x lưu trong ổ cứng máy tính của người vi phạm để làm căn cứ định khung hình phạt.
       Theo hồ sơ, Phan Lê Hồng Phúc là chủ cửa hàng điện thoại di động Hồng Phúc (quận Tân Phú). Trưa 22/12/2005, Phúc đi vắng, Đoàn Văn Quốc (thợ học nghề) thay “thầy” sao chép năm phim s...x từ ổ cứng của máy tính vào điện thoại di động của khách thì bị Công an quận Tân Phú bắt quả tang. Công an quận bắt tiếp Phúc, sau đó chuyển vụ việc lên Công an TP HCM.
      Qua điều tra, Công an TP xác định rằng Phúc đã sao chép phim, ảnh s...x cho khách từ ngày 27/10/2005. Giá mỗi lần sao chép là từ 10.000 đến 30.000 đồng tùy vào dung lượng. Tổng cộng Phúc đã thu lợi bất chính hơn một triệu đồng. Kiểm tra máy tính, công an thu được gần 1.000 file (tập tin) phim, ảnh s...x.
       Công an TP đã gửi công văn đề nghị Sở Văn hóa thông tin TP xác định với các file chứa trong máy tính của Phúc thì tính số lượng như thế nào. Sở Văn hóa thông tin trả lời rằng hiện chưa có quy định để quy đổi hoặc hướng dẫn cách tính. Tuy nhiên sau đó, VKSND TP vẫn truy tố Quốc, Phúc ra tòa về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo khoản 1 Điều 253 BLHS với tình tiết định tội là vật phạm pháp có số lượng lớn.
Thụ lý, TAND TP đã nhiều lần hoãn xử để nghiên cứu hồ sơ. Ở lần xử gần đây nhất (cuối năm 2007), tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ thế nào là vật phạm pháp có số lượng lớn.
       Theo thẩm phán giải quyết vụ án, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thế nào là vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn trong tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trong khi đây là những tình tiết định tội, định khung hình phạt. Trong vụ này, TAND TP từng có văn bản hỏi ý kiến của TAND tối cao nhưng vẫn chưa có hồi âm.
       Cũng theo thẩm phán này, trong ngành kiểm sát có công văn 988 ngày 10/5/2002 của VKSND tối cao hướng dẫn định lượng vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặt biệt lớn. Theo đó, nếu vật phạm pháp có số lượng từ 10 đến 100 băng đĩa thì áp dụng khoản 1 Điều 253 BLHS, từ 101 đến 300 là khoản 2, từ 301 trở lên là khoản 3. Tuy nhiên, tòa không thể lấy công văn 988 làm căn cứ xét xử bởi nó chỉ mang tính tham khảo trong ngành kiểm sát. Mặt khác, nếu tòa áp dụng công văn 988 thì vô hình trung sẽ xử theo “ý muốn chủ quan” của ngành kiểm sát, làm mất tính khách quan của tòa.
    Cuối cùng, TAND TP đành thống nhất với VKS rằng Phúc phạm tội thuộc trường hợp vật phạm pháp có số lượng lớn và phạt một năm tù treo (Quốc chưa thành niên nên được rút truy tố).
Mỗi nơi hiểu một kiểu
       Trên thực tế, các cơ quan tố tụng đã gặp lấn cấn ở nhiều vụ sao chép phim, ảnh s...x khác.
 Hai năm trước, Ngô Văn Toàn bị bắt khi đang chép ảnh s...x vào điện thoại di động của khách tại quận Bình Thạnh. Khám xét, công an phát hiện 468 file phim, ảnh s...x trong máy tính của Toàn. Sau đó, Toàn đã bị VKSND quận Bình Thạnh truy tố về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo khoản 2 Điều 253 BLHS.
Tại phiên sơ thẩm, luật sư và công tố viên đã tranh cãi nảy lửa. Công tố viên viện dẫn công văn 988, quy đổi một file phim, ảnh s...x tương đương với một vật phạm pháp để chứng minh rằng truy tố Toàn là đúng. Ngược lại, luật sư bảo công văn 988 không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể là căn cứ kết tội Toàn. Mặt khác, nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực này không nói rõ tàng trữ bao nhiêu thì bị phạt. Vì thế, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì chỉ nên xử phạt hành chính. Cuối cùng, TAND quận Bình Thạnh đã đồng ý với VKS và phạt Toàn 3 năm tù.
       Từ 2 vụ án của Phúc và Toàn nêu trên, rất nhiều lấn cấn đã được đặt ra. Thứ nhất, nếu như TAND quận Bình Thạnh chấp nhận áp dụng công văn 988 của VKSND TC thì TAND TP lại cho rằng công văn đó chỉ để tham khảo. Thứ hai, nếu áp dụng công văn 988 thì thay vì truy tố, xét xử Toàn theo khoản 2, VKSND và TAND quận Bình Thạnh phải truy tố, xét xử theo khoản 3 mới đúng vì máy tính của Toàn chứa 468 file phim, ảnh s...x. Thứ ba, Toàn chứa 468 file phim, ảnh s...x thì bị VKSND quận Bình Thạnh truy tố theo khoản 2 trong khi Phúc chứa đến gần 1.000 file lại chỉ bị VKSND TP truy tố theo khoản 1.
       Thực tế lộn xộn khi xác định số lượng vật phạm pháp trong tội này còn thể hiện rõ ở vụ Nguyễn Ngọc Thương sao chép phim, ảnh s...x ở quận 6 năm 2004.
       Theo VKSND TP, máy tính của Thương chứa 3.600 file phim, ảnh s...x. Không rõ số lượng trên tương ứng với 3.600 vật phẩm đồi trụy hay chỉ là một (vì nằm trong một ổ đĩa) nên VKSND TP phải hỏi ý kiến của VKSND TC. Trả lời, VKSND TC nói giữa viện và liên ngành CA , TA, tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn định lượng trong Điều 253 BLHS. Tuy nhiên, điều luật không quy định số lượng vật phạm pháp tối thiểu là bao nhiêu nên dù vật phạm pháp là một hoặc hai thì vẫn có thể xử lý hình sự nếu việc sao chép nhằm phổ biến rộng rãi. Còn về xác định khung hình phạt, VKSNDTC gợi ý có thể áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật hình sự là từ 2 trở lên là số nhiều...
(theo Pháp luật TPHCM)

Một số ý kiến
  1. Hiện nay USB, ổ đĩa di động có dung lượng lớn gấp bội lần từng băng, đĩa đơn lẻ thời trước. Vì thế, cần sớm có hướng dẫn thống nhất về cách tính vật phạm pháp loại tội này sao cho hợp lý, có thể theo dung lượng hay theo giờ, phút. Có như thế mới đẩy mạnh được việc ngăn chặn, phòng ngừa loại tội đang có xu hướng gia tăng mạnh, gây tác động xấu trong xã hội này.(Thẩm phán Phạm Công Hùng -Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM)
  2. Đúng là với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, việc tính số lượng vật phạm pháp theo kiểu băng, đĩa như trước đối với loại tội này đã không còn phù hợp. Theo tôi, Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, VKSND TC TAND TC… cần ngồi lại với nhau để có sự thống nhất trong định lượng sao cho phù hợp. Ngoài ra, việc hướng dẫn cần phải mang tính hệ thống theo nhóm khách thể xâm phạm… nhằm tạo sự thuận lợi cho việc giải quyết án. Bởi lẽ hiện ngoài tội này, còn rất nhiều tội trong luật chưa có hướng dẫn cụ thể, làm các quan tố tụng lúng túng. (Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Viện Phúc thẩm 3)
  3. Nếu cứ định lượng theo Công văn 988, những bị cáo phạm tội tính chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ cao có thể có mức án nhẹ hơn kẻ đi bán băng đĩa dạo ngoài đường. Trong khi đó rõ ràng một ổ đĩa cứng, một USB có dung lượng lớn gấp bội lần so với một băng video, một đĩa VCD. Dù khi xử lý, chúng tôi thường xem xét thêm nhiều tình tiết khác của vụ án để “tự lượng” nhưng nhiều lúc cũng không thể tránh khỏi có sự nặng nhẹ bất nhất vì thiếu hướng dẫn cụ thể.(Lãnh đạo VKS một quận ở TP.HCM

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Bài đăng phổ biến