Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Toàn văn Thông tư liên tịch 141/2010/TTLT/BQP-BTP hướng dẫn việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội

BỘ QUỐC PHÒNG -
BỘ TƯ PHÁP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 141/2010/TTLT/BQP-BTP  
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2010

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VIỆC PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRONG QUÂN ĐỘI
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự,
Để thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội có hiệu quả, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thống nhất như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội.
Điều 2. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về thi hành án dân sự trong Quân đội; Chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án dân sự trong Quân đội theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển Chấp hành viên Phòng Thi hành án; Tổng kết về công tác thi hành án dân sự trong Quân đội.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện:
a) Bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện các nội dung khác liên quan đến chức danh Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp; bổ nhiệm các chức danh Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án trong Quân đội;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký và nhân viên làm công tác thi hành án dân sự trong Quân đội;
c) Thực hiện hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự trong Quân đội;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý nhà nước thi hành án dân sự trong Quân đội theo quy định của pháp luật.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thông báo bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp những nội dung sau:
a) Quyết định thành lập, sáp nhập, điều chuyển, giải thể Phòng Thi hành án;
b) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thôi giữ chức, cách chức Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thôi giữ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu;
d) Quy định cơ cấu, số lượng, bố trí nhân sự Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án trong Quân đội theo quy định của pháp luật;
đ) Quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt, đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án trong Quân đội;
e) Quyết định điều động Chấp hành viên, Thẩm tra viên từ Phòng Thi hành án này sang Phòng Thi hành án khác và Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 3. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện các nội dung quy định tại Điều 2 của Thông tư này và theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét quyết định và thông báo bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng những nội dung sau:
a) Thành lập, thay đổi thành viên Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên Phòng Thi hành án;
b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện các nội dung khác liên quan đến các chức danh Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp của Phòng Thi hành án theo quy định của pháp luật;
c) Bổ nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ đối với các chức danh Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính của Phòng Thi hành án và Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật;
d) Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Phòng Thi hành án đạt thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự.
Điều 4. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng
Phối hợp với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Thông tư này và có trách nhiệm:
1. Hoàn tất hồ sơ, thủ tục gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
2. Hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập, thay đổi thành viên Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên Phòng Thi hành án gồm có:
a) Danh sách người tham gia Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên Phòng Thi hành án;
b) Công văn đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp thi hành án trong Quân đội:
a) Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên gồm:
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp thông qua thi tuyển gồm: Các hồ sơ có liên quan đến thi tuyển; công văn đề nghị của Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên cơ quan thi hành án cấp quân khu (kèm theo kết quả theo thi tuyển);
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên đối với người đang là sỹ quan Quân đội, đồng thời là Thẩm phán, Kiểm soát viên, Điều tra viên và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật chuyển công tác đến cơ quan thi hành án cấp quân khu gồm: Đơn tình nguyện làm Chấp hành viên thi hành án cấp quân khu; sơ yếu lý lịch cán bộ có dán ảnh (Trích yếu 63) theo mẫu của Bộ Quốc phòng; bản tự kiểm điểm của người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên; bản nhận xét, đánh giá của Thường vụ Đảng ủy Quân khu, Quân chủng Hải quân, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng đối với người được đề nghị bổ nhiệm; bản kê khai tài sản, thu nhập; bản sao các văn bằng, chứng chỉ và giầy tờ khác có liên quan; công văn đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên của Bộ Quốc phòng;
b) Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm và các nội dung khác liên quan đến Chấp hành viên: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ; các tài liệu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam kèm theo công văn đề nghị của Bộ Quốc phòng;
4. Hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm đối với các chức danh Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án trong Quân đội gồm:
a) Bản tự nhận xét, đánh giá cán bộ; sơ yếu lý lịch cán bộ có dán ảnh (Trích yếu 63) theo mẫu của Bộ Quốc phòng; bản kê khai tài sản, thu nhập; các văn bằng chứng chỉ và giấy tờ khác có liên quan; bản nhận xét của Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Thi hành án;
b) Công văn đề nghị của Thường vụ Đảng ủy Quân khu, Quân chủng Hải quân, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu – Cơ quan Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đối với người được đề nghị bổ nhiệm;
c) Kết quả xét duyệt của Hội đồng xét, duyệt, đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án trong Quân đội; công văn đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên của Bộ Quốc phòng.
5. Việc cấp thẻ, thu hồi thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên trong Quân đội, thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.
6. Hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Phòng Thi hành án đạt thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng; công văn đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 5. Trách nhiệm của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp với Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Thông tư này và có trách nhiệm:
a) Hoàn tất hồ sơ, thủ tục, tham mưu, đề xuất ý kiến trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 3 Thông tư này;
b) Tham gia Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên Phòng Thi hành án.
2. Thông báo cho Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Chỉ tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án dân sự;
b) Việc triệu tập, số lượng, thành phần của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Phòng Thi hành án tham dự Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác tư pháp, công tác thi hành án dân sự, triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Hội nghị tập huấn, hội thảo liên quan đến công tác thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp chủ trì;
c) Chỉ tiêu, thành phần tham gia các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về thi hành án dân sự ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký, thay thế Thông tư liên tịch số 14/2006/BQP-BTP ngày 16/01/2006 của Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội./.

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Hà Hùng Cường
BỘ TRƯỞNG, BỘ QUỐC PHÒNG
ĐẠI TƯỚNG
Phùng Quang Thanh
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến