Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Toàn văn Thông tư 21/2004/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hoá đơn giá trị gia tăng

THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH BỘ CÔNG AN - TANDTC - VKSNDTC - BỘ TƯ PHÁP 
SỐ 21/2004/TTLT/BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP 

NGÀY 23 THÁNG 1 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN VIỆC TRUY CỨU 
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI MUA, BÁN, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng và thống nhất đối với các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn như sau:
1. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua và sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng
1.1. Người nào có hành vi mua hóa đơn giá trị gia tăng và sử dụng trái phép hóa đơn đó để lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 của Bộ luật Hình sự:
A. Tiền hoàn thuế giá trị gia tăng từ năm trăm nghìn đồng trở lên;
B. Tiền hoàn thuế giá trị gia tăng dưới năm trăm nghìn đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
1.2. Người nào mua hóa đơn giá trị gia tăng và sử dụng trái phép hóa đơn đó để lập chứng từ khống về việc mua nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, hàng hóa… chiếm đoạt tiền của cơ quan, tổ chức hoặc người khác thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
A. Nếu là người có chức vụ, tức là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của cơ quan, tổ chức mà mình có trách nhiệm quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội tham ô tài sản” theo Điều 278 của Bộ luật Hình sự:
A.1. Tiền bị chiếm đoạt từ năm trăm nghìn đồng trở lên;
A.2. Tiền bị chiếm đoạt dưới năm trăm nghìn đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương XXI của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
B. Nếu là người khác, không thuộc trường hợp được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 Mục 1 này mà tiền chiếm đoạt thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 của Bộ Luật Hình sự
B.1. Tiền chiếm đoạt từ năm trăm nghìn đồng trở lên;
B.2. Tiền chiếm đoạt dưới năm trăm nghìn đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
1.3. Người nào có hành vi mua hóa đơn giá trị gia tăng và sử dụng trái phép hóa đơn đó để hợp thức hóa chứng từ về việc buôn bán trái phép hàng hóa thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
A. Nếu chứng minh được là hành vi buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội buôn lậu” theo Điều 153 của Bộ luật Hình sự:
A.1. Hàng hóa có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên;
A.2. Hàng hóa có giá trị dưới một trăm triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều 153 hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi này, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 236 và 238 của Bộ luật Hình sự.
B. Nếu không chứng minh được hành vi buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới (tức là chỉ trong nội địa), mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội trốn thuế” theo Điều 161 của Bộ luật Hình sự:
B.1. Tiền trốn thuế từ năm mươi triệu đồng trở lên;
B.2. Tiền trốn thuế dưới năm mươi triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
1.4. Người nào có hành vi mua hóa đơn giá trị gia tăng mà không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.2, và 1.3 Mục 1 này, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
A. Trường hợp chứng minh được khi mua hóa đơn giá trị gia tăng mà hóa đơn giá trị gia tăng đó đã được ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa thì người mua bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” theo Điều 181 của Bộ luật Hình sự;
B. Trường hợp không chứng minh được hóa đơn giá trị gia tăng đã được ghi đầy đủ như đã mua hàng hóa (hóa đơn giá trị gia tăng còn nguyên như khi phát hành) thì người mua bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước” theo Điều 268 của Bộ luật Hình sự, nếu số lượng hóa đơn giá trị gia tăng từ năm mươi số trở lên (thông thường mỗi số có 3 liên) hoặc dưới năm mươi số, nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng
2.1. Người nào có hành vi bán hóa đơn giá trị gia tăng cho người khác, mà biết rõ mục đích sử dụng hóa đơn của người mua, nếu người mua bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Mục 1 của Thông tư liên tịch này thì người bán bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng đối với người mua với vai trò đồng phạm.
2.2. Người nào có hành vi bán hóa đơn giá trị gia tăng cho người khác, mà không biết mục đích sử dụng hóa đơn của người mua hoặc khi bán có biết mục đích sử dụng hóa đơn của người mua, nhưng không xác định được người mua, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
A. Trường hợp chứng minh được khi bán hóa đơn giá trị gia tăng mà hóa đơn giá trị gia tăng đã được ghi đầy đủ như đã mua bán hàng hóa thì người bán bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” theo Điều 181 của Bộ luật Hình sự;
B. Trường hợp không chứng minh được hóa đơn giá trị gia tăng đã được ghi đầy đủ như đã mua hàng hóa (hóa đơn giá trị gia tăng còn nguyên như khi phát hành) thì người bán bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước” theo Điều 268 của Bộ Luật Hình sự, nếu số lượng hóa đơn giá trị gia tăng từ năm mươi số trở lên (thông thường mỗi số có 3 liên) hoặc dưới năm mươi số, nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
3. Về thẩm quyền điều tra
Thẩm quyền điều tra các tội phạm về các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hoá đơn giá trị gia tăng được thực hiện theo quy định tại Điều 110 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền điều tra thì Viện Kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.
4. Hiệu lực thi hành của Thông tư
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến