Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Toàn văn Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Phần thứ ba
ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
Chương I
CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 89. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
5. Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 91. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
1. Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 của Luật này nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng.
Điều 92. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Điều 93. Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
1. Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 94 của Luật này để lao động, học văn hoá, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng.
Điều 94. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người chưa đủ 18 tuổi;
c) Nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi;
d) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
đ) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Điều 95. Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.
Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Chương II
THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 97. Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Trưởng Công an cấp xã nơi người vi phạm thuộc đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này cư trú hoặc nơi họ có hành vi vi phạm pháp luật tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã hoặc đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị dân cư ở cơ sở lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Trong trường hợp người vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đó.
3. Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó, bệnh án (nếu có), bản tường trình của người vi phạm và các tài liệu khác có liên quan.
Đối với người chưa thành niên bị xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì hồ sơ phải có nhận xét của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập, làm việc (nếu có), ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ.
4. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, cơ quan đã lập hồ sơ phải gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời thông báo cho người bị áp dụng. Đối với người chưa thành niên thì còn được thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.
Điều 98. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra hồ sơ và tổ chức cuộc họp tư vấn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì cuộc họp tư vấn với sự tham gia của Trưởng Công an cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến của mình về việc áp dụng biện pháp.
2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp tư vấn quy định tại khoản 1 Điều này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuỳ từng đối tượng mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định giao người được giáo dục cho cơ quan, tổ chức, gia đình quản lý, giáo dục; nếu đối tượng không có nơi cư trú ổn định thì giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục.
3. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được giáo dục; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn áp dụng; ngày thi hành quyết định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình được giao giáo dục, quản lý người được giáo dục; quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người được giáo dục, gia đình người đó, Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
5. Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 99. Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
1. Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với đối tượng quy định tại Điều 92 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Đối với người chưa thành niên vi phạm có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người vi phạm; biện pháp giáo dục đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm, ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, ý kiến của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập hoặc làm việc (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan;
b) Đối với người chưa thành niên vi phạm không có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Hồ sơ đề nghị gồm có biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục tiền án, tiền sự; biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có); bản tường trình của người vi phạm, ý kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
c) Cơ quan Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ đề nghị quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 92 của Luật này thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đó.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; biện pháp giáo dục đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm, ý kiến của cha mẹ hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
3. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và gửi Trưởng công an cùng cấp.
Điều 100. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Điều 99 của Luật này, Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyển lại cơ quan đã lập hồ sơ để tiếp tục thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng quy định tại Điều 99 của Luật này;
b) Văn bản của Trưởng công an cấp huyện về việc đề nghị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
3. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 101. Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
1. Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng quy định tại Điều 94 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Đối với người vi phạm có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan;
b) Đối với người không cư trú tại nơi có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị gồm có biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục tiền án, tiền sự; biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có); bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ;
c) Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ đề nghị quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trường hợp người vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định tại Điều 94 của Luật này thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người đó.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người đó; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã áp dụng; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
3. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này được quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và chuyển Trưởng Công an cùng cấp.
Điều 102. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Điều 101 và Điều 118 của Luật này, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyển lại cơ quan đã lập hồ sơ tiếp tục thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại Điều 101 và Điều 118 của Luật này;
b) Văn bản của Trưởng Công an cấp huyện về việc đề nghị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 103. Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy quy định tại Điều 96 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan;
b) Đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị gồm có biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người nghiện ma túy;
c) Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp người nghiện ma túy vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 96 của Luật này thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
3. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.
Điều 104. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Điều 103 của Luật này, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì giao cơ quan đã lập hồ sơ để tiếp tục thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 103 của Luật này;
b) Văn bản của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện về việc đề nghị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Chương III
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 105. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 106. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Chương IV
THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 107. Gửi quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để thi hành
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực, Tòa án nhân dân đã ra quyết định phải gửi cho người bị áp dụng, Trưởng Công an cấp huyện và Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đã gửi hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và các cơ quan hữu quan để thi hành theo quy định của pháp luật; quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng còn được gửi cho cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Điều 108. Thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
1. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hết thời hiệu thi hành sau 06 tháng, kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hết thời hiệu thi hành sau 01 năm, kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Trong trường hợp người phải chấp hành quyết định cố tình trốn tránh việc thi hành, thì thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.
Điều 109. Thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý có trách nhiệm:
a) Tổ chức việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục;
b) Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục;
c) Ghi sổ theo dõi và định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
d) Giúp đỡ, động viên người được giáo dục, đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện cho họ tìm kiếm việc làm.
2. Người được phân công giúp đỡ phải có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục và được hưởng khoản kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ theo quy định của pháp luật.
3. Người được giáo dục phải cam kết bằng văn bản về việc chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Gia đình có người được giáo dục có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với người được phân công giúp đỡ trong việc quản lý, giáo dục người được giáo dục.
Điều 110. Thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị có trách nhiệm tổ chức thi hành như sau:
a) Công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc;
b) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Thời hạn chấp hành quyết định được tính từ ngày người phải chấp hành quyết định bị tạm giữ để đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 111. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện;
b) Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.
2. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện;
b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;
c) Đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện.
3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ; trong trường hợp cần thiết thì đề nghị cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị có ý kiến trước khi quyết định.
Quyết định miễn hoặc hoãn chấp hành phải được gửi cho cơ quan thi hành quyết định, người phải chấp hành quyết định; trường hợp người chưa thành niên được hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng thì quyết định được gửi cho cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Điều 112. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
2. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định việc giảm thời hạn tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Quyết định tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được gửi cho Tòa án nhân dân nơi ra quyết định, cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người được tạm đình chỉ hoặc miễn và gia đình người đó.
4. Đối tượng ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo mà không xác định được nơi cư trú thuộc trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành quyết định hoặc được miễn chấp hành phần thời gian còn lại quy định tại khoản 2 Điều này thì được đưa về cơ sở y tế tại địa phương nơi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở để điều trị.
Điều 113. Quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú.
2. Trong thời gian được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc mà người đó tiếp tục có hành vi vi phạm đã bị xử lý hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Trong thời gian được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà người đó tiếp tục sử dụng ma túy hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được gửi cho cơ quan Công an cùng cấp nơi Tòa án đã ra quyết định. Ngay sau khi nhận được quyết định, cơ quan Công an phải tổ chức áp giải đối tượng.
Điều 114. Hết thời hạn chấp hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
1. Khi người vi phạm đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong và gửi bản sao cho gia đình người đó.
2. Khi người vi phạm đã chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong và gửi bản sao cho gia đình người đó, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, cơ quan quản lý trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
3. Đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu không còn khả năng lao động thì sau khi hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội tại địa phương nơi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở.
Chương V
CÁC QUY ĐỊNH KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 115. Tạm thời đưa người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ra khỏi nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự
1. Theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định tạm thời đưa người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính ra khỏi nơi chấp hành biện pháp đó để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó.
2. Thời gian tạm thời đưa ra khỏi nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp đó.
Điều 116. Chuyển hồ sơ của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Khi xem xét hồ sơ của đối tượng để quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm của người đó có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
2. Đối với trường hợp đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm của người bị áp dụng biện pháp này có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án nhân dân đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày huỷ quyết định phải chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì thời hạn đối tượng đã chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù; 1,5 ngày chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính bằng 01 ngày chấp hành hình phạt tù.
Điều 117. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính
Trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định, thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đang thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù thì người đó có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 118. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Trường hợp người nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện việc cai nghiện cho đối tượng này.
3. Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu có hành vi vi phạm các quy định tại Điều 94 của Luật này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng có hành vi quy định tại đoạn 1 khoản này trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về hành vi vi phạm mới gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm lấy ý kiến của Trưởng phòng Tư pháp về tính pháp lý của hồ sơ trước khi xem xét, gửi hồ sơ đề nghị Toà án nhân dân nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thủ tục xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với các đối tượng này thực hiện theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến