Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Doanh nghiệp đang 'chết' dần

Đơn vị nhỏ chuyển lên doanh nghiệp vừa phải mất 10-20 năm, nhưng sẽ đến lúc các công ty với quy mô vừa biến mất, chỉ còn lại những đơn vị nhỏ, bà Phạm Chi Lan trăn trở.


Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2012 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức ngày 11/12 ở Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết dự báo cả năm nay, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể sẽ là 55.000. Về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, dự báo cả năm sẽ có thêm khoảng 65.000 đơn vị.

Từ những con số trên, ông Tuấn cho rằng hiện tượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không quá bất thường vì số lượng công ty thành lập mới vẫn nhiều hơn 10.000 so với lượng đơn vị rời khỏi thị trường. Sau thời gian dài tăng trưởng nóng với tốc độ 18% một năm, đến nay việc thành lập doanh nghiệp đang trở lại với quy luật bình thường.

Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty Việt Hương, TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh


"Mỗi năm, khoảng 60.000 công ty ra đời là phù hợp với nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan trung bình mỗi năm cũng chỉ có khoảng 30.000-40.000 doanh nghiệp ra đời", ông Tuấn nhấn mạnh. Một điểm tích cực khác là xu hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp đang diễn ra vì những đơn vị thành lập mới chuyển dần từ lĩnh vực bất động sản, xây dựng, khoáng sản sang những mảng phát triển bền vững hơn như công nghiệp chế tạo, y tế, văn hóa, giáo dục…

Ý kiến của ông Bùi Anh Tuấn đã gặp phải sự phản đối mạnh của các đại biểu tham dự. TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bức xúc cho rằng trong báo cáo hay ở các hội nghị, cơ quan quản lý nói tình hình không đến mức bi quan nhưng xuống tận nơi sẽ thấy nhiều công ty đang quằn quại. Không thể so sánh số doanh nghiệp mới cao hơn lượng công ty chết vì có nhiều đơn vị phá sản rồi thành lập mới để dễ vay vốn tín dụng, như vậy tình hình còn xấu hơn, TS Kiêm cho biết.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cảnh báo hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chết nhưng chưa "nằm quan tài", cắt giảm 30-50% công suất để cố duy trì thương hiệu, duy trì sản xuất. "Hôm qua, một công ty bất động sản nói với tôi bây giờ là bất động đậy rồi. Tình hình bi đát như thế mà ông Tuấn nói là sự điều chỉnh phù hợp quy luật thì buồn quá", ông Doanh chia sẻ.

Còn theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty Tư vấn VFAM, nếu mừng vì doanh nghiệp mới thành lập nhiều hơn số đơn vị chết và cho rằng đây là sự sàng lọc thì không khác gì nói chiến tranh là cơ hội để giảm dân số. Thực tế này phản ánh sự thờ ơ của bộ máy nhà nước trước khó khăn chồng chất của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại bày tỏ lo ngại về tương lai phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ là đếm trên giấy, không phản ánh được bản chất hoạt động của các công ty. Nhìn hiện tượng mua bán, sáp nhập giống như một cuộc tái cơ cấu nhưng thực chất là doanh nghiệp đã không còn cầm cự được, buộc phải bán mình cho nhà đầu tư khác.

“Đau nhất là từ đơn vị nhỏ chuyển lên doanh nghiệp vừa phải mất 10-20 năm, nhưng sẽ đến thời điểm doanh nghiệp với quy mô vừa biến mất, chỉ còn lại các đơn vị nhỏ”, bà Phạm Chi Lan trăn trở. Bên cạnh đó, nhiều công ty Việt Nam đang lùi dần trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ được đưa ra nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng trước hết cần nghiên cứu cụ thể thực trạng DN sống chết ra sao, cần hỗ trợ gì để có sự thống nhất giữa các cơ quan trước khi đưa ra biện pháp hỗ trợ. Hiện nay, Chính phủ có Nghị quyết 13, Quốc hội có Nghị quyết 29 nhưng vẫn không hiệu quả vì các giải pháp không đồng bộ, triệt tiêu lẫn nhau. Chẳng hạn, vừa giảm thuế lại tăng phí, lệ phí hoặc trong khi các công ty lớn trốn thuế, chuyển giá cả ngàn tỷ đồng không tập trung xử lý hiệu quả lại đi tận thu thuế.

Theo bà Phạm Chi Lan, các giải pháp hiện nay tương đối đầy đủ, cần tập trung giám sát thực hiện cho có hiệu quả và giảm thiểu các can thiệp hành chính. Đặc biệt là nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở thành nạn nhân của thời kỳ bong bóng bất động sản, vì thế cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề này.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, 3 gánh nặng là thuế - phí, lãi suất và thể chế, trong đó, phải tập trung tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng để cứu doanh nghiệp vì lãi suất chính là "tội đồ" đẩy công ty đến chỗ chết. Lợi nhuận của doanh nghiệp trung bình khoảng 10% một năm, nhưng lãi suất 2 năm qua vọt lên 25%.

Ông Phong khẳng định nếu không giữ được ổn định thị trường tài chính thì khủng hoảng sẽ đến rất nhanh. Hiện nay sức khỏe doanh nghiệp và người dân đã kiệt quệ trong khi kho công cụ hỗ trợ cũng đã hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến