Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Khi doanh nghiệp cần không thấy hiệp hội đâu

Theo TS Phạm Văn Chắt, trong một vụ kiện vì giao thiếu gạo cho đối tác Singapore, ông đã 7 lần liên hệ với Chủ tịch Hiệp hội Lương thực để xin tư vấn nhưng không được tiếp.

Phát biểu tại hội thảo về thực trạng năng lực hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp diễn ra ngày 30/1, TS Phạm Văn Chắt, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhiều hiệp hội ngành hàng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa làm tốt vai trò bảo vệ, phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp, mặc dù vai trò chính của hiệp hội là bảo vệ quyền lợi hội viên.

Ông Chắt kể, nhiều tình huống khi doanh nghiệp vướng vào thưa kiện trong quá trình giao dịch với đối tác nước ngoài, đã đến yêu cầu hiệp hội tư vấn, giúp đỡ nhưng lại bị làm ngơ. Ông đưa ra trường hợp một công ty Singapore yêu cầu một doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trả 1,4 triệu USD. Vào năm 2010 doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với đối tác Singapore xuất khẩu gạo với giá 310 USD, nhưng ít lâu sau đó, giá gạo tăng mạnh lên 410 USD. Doanh nghiệp Việt Nam giao thiếu đối tác 11.500 tấn nên bị kiện ra tòa án quốc tế.

Tham gia vào vụ kiện, ông Chắt kể mình đã 7 lần liên hệ với Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhưng đều không được tiếp. Sau đó ông quay sang liên hệ với một thứ trưởng Bộ Công Thương, điều hành công tác xuất khẩu gạo nhưng vụ việc được chuyển qua cho Vụ Pháp chế của bộ trả lời nên cuối cùng việc liên hệ nhờ hỗ trợ cũng rơi vào bế tắc.

Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam cuối cùng không bị xử thua, không phải đền tiền cho đối tác nhưng theo ông Chắc, đây là câu chuyện buồn về vai trò bảo vệ cho hội viên của hiệp hội.

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách – Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đối với nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp gần đây, đa phần các hiệp hội doanh nghiệp chưa có đủ khả năng để đảm nhận vai trò hỗ trợ hội viên. Chỉ có một số ít hiệp hội nhiều kinh nghiệm trong tham gia các vụ kiện chống bán phá giá như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hiệp hội Da giày Việt Nam… có khả năng hỗ trợ hội viên.

Theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh hiệp hội chưa nói được tiếng nói của số đông hội viên, thay vào đó chỉ phục vụ cho một thiểu số doanh nghiệp lớn.

“Có thể thấy, nếu hiệp hội chỉ nói tiếng nói của một vài doanh nghiệp hoặc quá gần gũi với cơ quan quản lý nhà nước thì đều có vấn đề. Hoạt động của hiệp hội chỉ lành mạnh khi nói được tiếng nói của số đông hội viên”, ông nói.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo nghiên cứu năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Tuấn, mục tiêu của báo cáo là để trả lời câu hỏi về năng lực hoạt động và vẽ ra bức tranh chung các hiệp hội hiện nay.

“Vấn đề đặt ra là Chính phủ phải nhanh chóng ban hành Luật Hiệp hội, đưa ra khuôn khổ pháp luật cho hoạt động của hiệp hội, kèm theo các chương trình hỗ trợ năng lực hiệp hội, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho nhu cầu phát triển của các hội viên”, ông Tuấn nói.

Ông Chắt cũng cho rằng năng lực phục vụ hội viên nên là tiêu chí quan trọng nhất trong đánh giá năng lực hiệp hội. “Hiệp hội phải là chỗ dựa tinh thần, người đỡ đầu cho các doanh nghiệp hội viên”, ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến