Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

“Méo mặt” vì đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập

(ĐTCK) Nhiều DN bức xúc khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội buộc DN phải nộp hồ sơ để cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặc dù các đối tượng này đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần.


Theo nhiều DN, đang có sự “bất thường” mỗi khi có bất kỳ thay đổi nào đối với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đều buộc DN phải nộp hồ sơ để cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD, mặc dù các đối tượng này đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Điều này gây phiền hà cho DN, bởi tỷ lệ sở hữu cổ phần và danh sách cổ đông sáng lập thường xuyên thay đổi, thậm chí thay đổi hàng ngày đối với DN niêm yết.

Việc buộc DN phải cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD là hiểu sai luật

Bức xúc từ DN

Lãnh đạo một CTCP tại Hà Nội phản ánh, nhiều năm nay, mỗi khi làm thủ tục thay đổi thông tin trong GCNĐKKD như: tăng vốn điều lệ; thay đổi người đại diện theo pháp luật…, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đều buộc DN phải cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD, mặc dù đối tượng cổ đông này đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần là 3 năm kể từ ngày DN nhận được GCNĐKKD. Cách làm này gây bức xúc cho DN, lý do là bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày DN được cấp GCNĐKKD, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần. Với trường hợp này, luật không hề quy định DN phải cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD.

Theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán... Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp GCNĐKKD, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của ĐHCĐ...

Trưởng bộ phận pháp chế một DN đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM cho biết, Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp GCNĐKKD lần đầu vào năm 2007, nhưng cách đây một tháng, khi Công ty đến Phòng đăng ký kinh doanh của Sở làm thủ tục tăng vốn điều lệ, thì Sở yêu cầu Công ty phải cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD trước, sau đó mới làm thủ tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ (tình trạng này đã diễn ra nhiều lần trước đó). Điều không bình thường nữa là tuy đã hết 3 năm hạn chế chuyển nhượng cổ phần, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vẫn yêu cầu Công ty phải xuất trình nghị quyết ĐHCĐ về việc cho phép cổ đông sáng lập chuyển nhượng, thì mới thụ lý hồ sơ đăng ký cập nhật danh sách cổ đông sáng lập của Công ty vào GCNĐKKD... Do là DN niêm yết, nên sau khi hết 3 năm bị hạn chế chuyển nhượng, các cổ đông sáng lập thường xuyên mua, bán cổ phiếu. Điều này làm cho tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập biến động hàng ngày, nên việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội buộc DN phải thường xuyên cập nhật danh sách cổ đông sáng lập trong GCNĐKKD là quá phi lý. Có những thời điểm Công ty có nhu cầu điều chỉnh thông tin trong GCNĐKKD 2 lần/tháng. Mỗi khi như vậy, Công ty phải cắt cử 2 nhân viên thường xuyên chạy “mướt mồ hồi” lên Sở để hoàn tất thủ tục cập nhật danh sách cổ đông sáng lập trước, sau đó mới nộp hồ sơ đăng ký thay đổi các thông tin khác trong GCNĐKKD...

Với tư cách là Trưởng nhóm rà soát Luật Doanh nghiệp theo đơn đặt hàng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn KAC cho biết, qua khảo sát thực tiễn, cũng như rà soát hệ thống văn bản pháp luật về Luật Doanh nghiệp, thì khoản 5, Điều 84 Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ việc hạn chế đối với chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm sau khi đăng ký DN. Khoản 2, Điều 41 Nghị định 43/2010 về đăng ký DN quy định trình tự, thủ tục cho việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong trường hợp này.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi có bất kỳ thay đổi nào đối với GCNĐKKD hay Giấy chứng nhận đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh về cổ đông sáng lập hay số cổ phần họ nắm giữ sau thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp GCNĐKKD), DN phải nộp hồ sơ điều chỉnh GCNĐKKD hay Giấy chứng nhận đầu tư lên cơ quan đăng ký kinh doanh. Khoản 2, Điều 41, Nghị định 43/2010 quy định cho trường hợp đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm sau khi đăng ký DN. Nhưng không hiểu sao điều này lại được rất nhiều cơ quan đăng ký kinh doanh đem ra áp dụng tương tự cho các cổ đông sáng lập đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng. Thủ tục này dẫn đến trường hợp khi DN có bất kỳ thay đổi nào đối với cổ đông sáng lập, trong đó bao gồm cả biến động về chuyển nhượng vốn, trong bất kỳ thời điểm nào (ngay cả sau 3 năm hạn chế) đều phải được ĐHCĐ chấp thuận. Điều này rất bất hợp lý.



Chưa hiểu luật?

Với tư cách là người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, việc cơ quan đăng ký kinh doanh đòi hỏi DN phải cập nhật danh sách cổ đông sáng lập vào GCNĐKKD khi các đối tượng này đã hết thời gian hạn chế chuyển nhượng là hiểu sai luật. Ở đây đang có sự tùy tiện của cơ quan áp dụng luật, bởi khi Luật Doanh nghiệp không có quy định về vấn đề này, thì không có bất kỳ lý do nào để đòi hỏi DN phải tuân thủ.

“Thực tế, không phải Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp quên không đưa ra quy định về vấn đề này, mà là đã tính đến sự phức tạp, phiền hà cho DN nếu buộc phải thực hiện quy định này. Hơn nữa, quy định này là không cần thiết đối với hoạt động quản lý DN. Bởi vậy, Luật Doanh nghiệp đã không đưa ra quy định DN phải thay đổi GCNĐKKD đối với trường hợp biến động cổ đông sáng lập đã hết thời hạn bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần...”, ông Cung nói.

Ông Khoát thì đề xuất, để tránh phiền hà cho DN, sắp tới khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cần bổ sung điều khoản tại Điều 84 của luật này với nội dung: mọi hoạt động chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập sau 3 năm hạn chế không phải đăng ký điều chỉnh vào GCNĐKKD hay Giấy chứng nhận đầu tư. Có như vậy việc áp dụng Luật mới rõ ràng và thống nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến