Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Nghề tư vấn doanh nghiệp

Trường cùng các cộng sự trẻ trao đổi về một dịch vụ tư vấn
TTCN - “Bạn là doanh nghiệp muốn phát triển? Hãy đến tôi. Bạn là chính phủ muốn vực dậy đất nước? Hãy đến tôi”. Đó là lời “rao” đầy tự tin và ấn tượng của một công ty tư vấn quốc tế ở TP.HCM. Tuy nhiên, công ty này cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều khẳng định: nghề tư vấn doanh nghiệp ở VN mới đang ở… khúc dạo đầu. Vì còn quá mới mẻ nên nó là “cuộc chơi” hấp dẫn nhưng cũng lắm thử thách…

Có nhãn hiệu

Đôi mắt nhanh nhẹn, tự tin khuất sau kính trắng, Nguyễn Thanh Quang trông trẻ hơn tuổi 42 của mình. Là Việt kiều Mỹ về nước, anh đang làm giám đốc dịch vụ tư vấn của PricewaterhouseCoopers (Vietnam) Ltd. Đồng nghiệp VN chỉ biết anh vừa xuất hiện trên “chợ” tư vấn hơn năm nay. Nhưng nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế lại rành rẽ “Mr Quang” vì anh đã qua mấy công ty ở Mỹ, lăn lộn mười mấy năm trong nghề và thực hiện thành công nhiều dự án tư vấn qui mô quốc tế.

Không ôm đồm nhiều, Quang tập trung hoạt động chiều sâu trong một số lĩnh vực tư vấn tài chính, nhân sự, chiến lược... Từ khi về nước đến giờ, anh và đồng nghiệp thực hiện được trên mười dự án tư vấn từ quản lý ngành nghề cấp trung ương đến doanh nghiệp quốc doanh, tư nhân, đầu tư nước ngoài, kể cả sang một số nước lân cận.

So với Quang, Nguyễn Sơn Trường là nhà tư vấn rặt VN, vừa tròn 30 tuổi. Anh tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, làm kế toán cho Vietnam Airlines. Công việc không ít người mơ ước nhưng phải ngồi một chỗ vẫn làm anh nhấp nhổm. Nộp đơn đi học MBA ở Bỉ, anh về nước và làm cho Oracle VN.

Năm 2000, theo nhu cầu thị trường, anh và gần 10 người khác tách ra lập Công ty Pythis chuyên tư vấn triển khai công nghệ thông tin cho doanh nghiệp. Công ty đã nhận nhiều dự án tư vấn triển khai công nghệ thông tin doanh nghiệp, kể cả cho một số tổng công ty lớn và công ty quốc tế tại VN. Có những dự án Trường là người thực hiện, nhưng nhiều lần anh nắm trách nhiệm quản lý dự án.

Cũng giống Trường, nhưng nhà tư vấn Nguyễn Bá Thọ, giám đốc Công ty cổ phần tư vấn MKC, trải qua nhiều việc hơn. 38 tuổi, tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh, anh có nhiều năm làm trưởng đại diện bán hàng, giám đốc kinh doanh, dự án cho một loạt tên tuổi như Meko, Dệt Thái Tuấn, Gạch Đồng Tâm, Italian Home… Chính học hành và kinh nghiệm đã giúp Thọ thành công trong việc lập nhóm tư vấn MCG năm 1997, rồi năm 2002 là MKC…

Trên dịch vụ tư vấn, Trường, Quang, Thọ thuộc nhóm nhà tư vấn chuyên môn làm việc cho công ty. Hiện nay, ở VN đã có mặt cả các công ty quốc tế lớn hoạt động tư vấn kiểm toán, đầu tư, quản trị, luật pháp, chiến lược, nhân sự, thông tin như PricewaterhouseCooper, KPMG, TDNT, Ernst &Young, Arthur Andersen… Đây là những tên tuổi toàn cầu đã được gầy dựng hàng chục, thậm chí hơn 120 năm như PricewaterhouseCooper.

Công ty hiện có mặt trên 150 nước. Mặc dù mới có mặt tại VN, công ty cũng đã có đội ngũ 60 chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động của công ty này ở VN bao trùm nhiều lĩnh vực, từ việc làm cẩm nang hướng dẫn về đặc điểm đầu tư, tài chính qui mô khu vực, quốc gia đến các dịch vụ tư vấn ở từng bộ ngành, công ty. Còn Ernst & Young hiện có hơn 100.000 nhân viên hoạt động ở 670 văn phòng trên 140 nước. Ở VN, công ty này đã thực hiện tư vấn thành công khá nhiều dự án, mà đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp…

So với nước ngoài, các công ty tư vấn VN đông hơn nhưng qui mô nhỏ hơn. Phần lớn mới xuất hiện, nhưng nhiều công ty cũng đã đứng được tên tuổi như ICC, BCC, FPT, NetViet, MaxCommunication, Storm Eyes, Vietnammarcom, MKC… Làm nhiều lĩnh vực nhưng mỗi công ty có thế mạnh riêng, như MKC “cứng” trong tổ chức kênh phân phối nội địa, tái cấu trúc hệ thống, quản lý dự án; còn NetViet, BCC thì mạnh trong việc “săn đầu người”, huấn luyện kỹ năng quản lý; FPT, Pythis thì phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin...

Không nhãn hiệu



Một khảo sát mới đây của Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân Mekong (MPDF) và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) trên 48 doanh nghiệp tư vấn quản trị, 6 cơ quan tư vấn nhà nước hoặc phi lợi nhuận, 28 nhà tư vấn cá nhân, cho thấy:

- Tuổi đời các công ty tư vấn ở VN mới có 2,8 năm;

- 60% hoạt động ở TP.HCM, 33% ở Hà Nội;

- Độ tuổi trung bình của nhà tư vấn là 30-40 tuổi;

- Trên 30% nhà tư vấn có bằng MBA, 30% có bằng cử nhân quản trị doanh nghiệp;

- Dịch vụ tư vấn được sử dụng nhiêu nhất là tư vấn về thuế và đầu tư với khoảng 0,9-2,3%.
Họ là các nhà tư vấn độc lập bao gồm giáo sư, nhà nghiên cứu hay giám đốc, chuyên viên... Họ không nằm trong công ty hoặc công ty họ làm không có dịch vụ tư vấn. Nếu như ở VN từng có những tên tuổi như tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã được quốc tế biết đến và từng làm việc cho WB, thì nhiều nhân vật khác như tiến sĩ N.H.G., luật sư N.N.B., giáo sư N.H.C., L.V.H.… cũng đã có uy tín trong giới tư vấn và doanh nghiệp.

Trong đó, tiến sĩ N.H.G. (không muốn nêu tên) tốt nghiệp ĐH Sorbonne, Pháp về. Ông đã từng giảng dạy đại học từ trước năm 1975 và làm thêm lĩnh vực ngân hàng, đầu tư tài chính. Còn N.N.B. là luật sư, nhà nghiên cứu kinh tế. Ông không chỉ có phương pháp luận vững chắc mà còn khẳng định được khả năng thực tế sau nhiều “gói” tư vấn thành công cho doanh nghiệp.

Đa số các nhà tư vấn độc lập chỉ làm theo từng vụ việc, hợp đồng cụ thể, ít ra mặt. Nhưng một số là nhà tư vấn “ruột” của doanh nghiệp nào đó. Họ xây dựng vấn đề, chiến lược cho doanh nghiệp hoặc ngồi ghế phản biện. Mức thu nhập của nhà tư vấn độc lập “ruột” thường dao động ở 1.000 - 1.500 USD/tháng. Cuối năm, kết quả kinh doanh tốt, họ sẽ được phong bì nặng hơn…

Giá tư vấn là mềm, cứng?

Để vào làm cho công ty tư vấn hay trở thành nhà tư vấn độc lập thì bằng cấp chỉ là một phần. Điều quan trọng là họ còn phải tự khẳng định mình bằng kinh nghiệm, thành tích công việc và những tố chất không thể thiếu. Giá tư vấn cũng rất đa dạng, tùy mức độ công việc, đối tượng khách hàng. Nhưng nhìn chung, chuyên gia tư vấn nước ngoài thường có giá cao hơn VN.

Cùng dự án tư vấn triển khai hệ thống quản lý nhân sự cho một công ty, nếu chuyên gia Mỹ làm, anh ta có thể nhận được 50.000 USD, nhưng chuyên gia Ấn Độ: 25.000 - 30.000 USD, còn VN: 20.000 -30.000 USD. Mặc dù ở VN sự nhận thức về tư vấn chưa được đầy đủ cũng như chính dịch vụ tư vấn chưa có thời gian, công việc để khẳng định đẳng cấp chất lượng, thì giá cả là biện pháp cạnh tranh cơ bản, nhưng không phải lúc nào nó cũng là điều kiện tiên quyết.

Trong “cuộc đấu”, các công ty tư vấn quốc tế có thế mạnh nhờ hệ thống toàn cầu và thương hiệu của mình. Họ thường thắng thầu dự án lớn, nhất là cấp quốc gia, bộ ngành. Còn phía VN có lợi thế cạnh tranh từ chính quan hệ của nhà tư vấn với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc doanh nghiệp nội địa. Họ tiếp cận, nắm bắt vấn đề doanh nghiệp rất nhanh, nhưng thường kém dồi dào “kho” giải pháp, nhất là các giải pháp chiến lược dài hơi. Trong khi các công ty quốc tế có rất nhiều mẫu giải pháp.

Phần lớn mới tham gia những dự án vừa và nhỏ, nhưng nhà tư vấn VN cũng đã khẳng định được đẳng cấp. Ngày mà Nguyễn Sơn Trường ngồi trước hai “đối thủ” nước ngoài để đấu thầu dự án tư vấn “Triển khai hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp” cho nhà sản xuất thép Z quốc tế ở Hà Nội, ít ai tin anh sẽ thắng. Biết công ty mình “khó đấu” bằng bề dày thương hiệu, anh bình tĩnh trình bày khả năng với mục đích cho Z biết không chỉ giảm giá mà còn có thể đảm bảo chất lượng. Và anh đã thắng.

Kết cục ngoạn mục: xong việc chỉ trong 67 ngày, trước hạn hợp đồng hơn hai tuần. Riêng Thọ thì có nhiều công việc để khẳng định mình. Gần đây, MKC của anh đã “chiến đấu” với sáu công ty tư vấn (có bốn nước ngoài) để giành thầu tư vấn “Tổ chức kênh phân phối nội địa” cho công ty dệt may K nhà nước. Cuối cùng MKC được chọn và hoàn tất tốt đẹp công việc trong hai năm.

Còn Quang, mười mấy năm trong nghề ở công ty hàng đầu thế giới, đã khẳng định mình bằng cả bề dày công tác quốc tế. Anh thực hiện tư vấn thành công cho rất nhiều công ty tin học, điện tử, tài chính, hàng không tầm cỡ thế giới. Gần đây, Quang và đồng sự mới “gỡ rối” thành công cho một ngân hàng quốc tế ở Campuchia.

Họ mua một phần mềm kế toán để làm việc với giá 60.000 USD, nhưng mới “chạy” ít hôm đã bất ổn. Quang được mời qua khảo sát, tư vấn. Ngay ngày đầu tiên anh đã phát hiện “lỗ hổng” nghiêm trọng. Không cần mật mã, anh vẫn xâm nhập được vào tài khoản khách hàng. Quang tư vấn nên lập tức bỏ ngay phần mềm kế toán đó để thay bằng phần mềm khác của Thụy Sĩ. Đối tác gật đầu...

Thất bại cứng, thất bại mềm?



Vài lý do để sử dụng dịch vụ tư vấn:

- Họ là những người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu rộng về vấn đề mình cần.

- Họ là những người bên ngoài nên có cái nhìn khách quan, toàn diện, cũng như có thể đưa ra những giải pháp quyết liệt nhất mà người bên trong khó làm được.

- Chi phí phải trả một lần cho họ thấp hơn rất nhiều so với thuê hẳn các chuyên viên làm việc thường trực cho công ty.
Tùy yêu cầu, có giải pháp khác nhau, nhưng thường một qui trình tư vấn phải qua những bước cơ bản. Sau khởi đầu tạo dựng niềm tin ở cả hai phía mới xác định yêu cầu của khách hàng và tìm hiểu đủ thông tin để xác định “bệnh tình lẫn nội lực”. Các công ty tư vấn lớn vì bảo vệ uy tín sẵn sàng chấp nhận lỗ thời gian, tiền bạc để giải quyết đến cùng vấn đề, nhưng thực tế thất bại “cứng, mềm” vẫn có thể xảy ra.

Gần đây, công ty tư vấn quốc tế P ở TP.HCM đã tư vấn cho một khách hàng ở Đà Nẵng “Hệ thống quản lý nhân sự bằng điện toán” với giá 7.000 USD. Việc đơn giản, xong nhanh. Nhưng ba tháng sau họ quay lại thì thấy công ty đó vẫn đang... sử dụng giấy bút, còn hệ thống vi tính “trùm mền” do phía tư vấn không cùng “đẩy” đến cùng. Sau đó họ phải chịu lỗ, bỏ thêm tiền túi gần 10.000 USD để làm cho xong.

Tuy nhiên, đó chỉ là một thất bại “mềm”. Có những thất bại “cứng” mà khi xảy ra nhà tư vấn chỉ còn nước... đổi nghề. Giới doanh nhân Hà Nội có lẽ khá rành chuyện hai anh em Việt kiều N.T. ôm về nước gần 3 triệu USD, chỉ hơn năm sau đã khóc ròng. Họ tính mở chuỗi nhà hàng kinh doanh hải sản lớn và vào tận TP.HCM để tìm hiểu cũng như nhờ nhà tư vấn độc lập K. “chỉ bảo”. Ông là giáo sư đại học nổi đình nổi đám với công ty riêng ăn nên làm ra. Hai bên bắt tay tin tưởng. Giá tư vấn trọn gói: 20.000 USD.

Nhưng càng theo đuổi thực hiện, anh em nhà N.T. càng cháy túi... Vụ việc được rút kinh nghiệm: ý chí, vốn liếng làm ăn không thiếu, nhưng cung cách thực hiện sai hoàn toàn. Nhà tư vấn K. là người miền Nam rặt. Ông giỏi làm ăn trong đây cũng như lý thuyết kinh doanh, nhưng rất lờ mờ những “tiểu tiết” trong môi trường kinh doanh Hà Nội. Tất cả đều không phù hợp từ chọn vị trí mặt bằng đến trang trí, thiết kế thực đơn...

Chiếc áo đã chật

Nhiều dự báo thị trường rất lớn đang dần “mở cửa” với dịch vụ tư vấn. Khoảng 90% doanh nghiệp VN mới ở tuổi 10-15, sau thời gian gầy dựng, tạm đứng được, họ đang khao khát phát triển. Nhưng “chiếc áo mặc đã chật”, cần một tái cấu trúc tất cả từ qui mô công ty, nhân sự đến kỹ năng, chiến thuật, chiến lược kinh doanh, nhất là ra “chợ” quốc tế, trong khi đa số doanh nghiệp đã “quá tải” cả ở công việc lẫn chất xám. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho dịch vụ tư vấn phát triển…

Tuy nhiên, mọi thành công, thất bại của dịch vụ tư vấn ở VN đến nay đều được người ta “nhẹ nhàng” qui về một mối: “Tại còn non trẻ quá mà!”. Đây là nghề đầy hấp dẫn, thu nhập cao, nhưng “chơi” được nó không dễ. Số người in danh thiếp “nhà tư vấn” cũng không chênh bao nhiêu với số xé nó đi. Chính vì thế, nhiều ý kiến đã ủng hộ việc nhanh chóng ra đời hiệp hội tư vấn để giúp ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sàng lọc những “hạt sạn” ảnh hưởng đến nghề nghiệp này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến