Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Sập bẫy 'làm tóc siêu giảm giá 70%' mua theo nhóm

Cắt tóc xong, tôi bị đòi thêm 100 ngàn tiền công, thắc mắc thì nhân viên giải thích là có "cho thêm thuốc dưỡng". Tôi gọi điện phàn nàn với công ty bán voucher thì họ nói tại nhân viên "nhầm".

Mới đây tôi mua gói ưu đãi, giảm tới giảm hơn 70% cho cắt uốn, cắt duỗi hoặc cắt nhuộm, tại Hà Nội. Tính ra được giảm hơn 600.000 đồng.

Lúc đầu xem, bạn bè tôi đều hào hứng nhưng vẫn hơi nghi ngờ với chất lượng gói siêu giảm. Nhưng sau thấy có bảo hành 6 tháng và khách hàng không phải trả thêm tiền nên mọi người đều tin tưởng.

Tôi chọn ngay gói cắt duỗi tóc giá gần 200.000đ, nhưng sau khi chào mời làm các gói hấp dưỡng, thuốc tránh bị cháy tóc bị tôi từ chối, thì cô nhân viên khó chịu ra mặt.

Nhiều công ty kinh doanh theo nhóm không giữ đúng lời hứa làm mất lòng tin ở khách hành. Ảnh minh họa: Internet


Đến lúc đưa phiếu thanh toán tôi bị đòi thêm 100.000 đồng với lý do có thêm thuốc dưỡng và ai dùng gói này đều phải thêm tiền. Sau một hồi tranh luận, tôi không thể bám vào thông tin quảng cáo khách hàng không phải trả thêm tiền, cũng như không yêu cầu sao bắt khách trả tiền và rõ ràng là đã từ chối. Và tôi phải trả thêm tiền.

Lúc về tôi gọi điện cho công ty bán voucher của salon, câu trả lời là do nhân viên “quên” nói với khách nên dù khách không yêu cầu nhưng có sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền”.

Trường hợp nếu có sơ suất của nhân viên thì bên bán hàng phải chịu trách nhiệm về sai sót của họ chứ không thể bảo quên và bắt khách trả thêm tiền. Mà thực tế họ có pha thêm thuốc hay không thì ai kiểm chứng được? Hơn thế, sau khi về tôi thấy tóc chẳng khác gì tóc duỗi tại salon khác chỉ 200.000đ.

Chuyện này giống như chuyện chém đẹp khi ăn quán, bạn gọi một tô phở niêm yết 30 ngàn, ăn xong chủ quán bảo có thêm mấy miếng thịt nên tính thành 50 ngàn, rồi bắt khách trả tiền chỉ vì sợ ít đồ ăn nên thêm vào. Bạn cãi kiểu gì khi có đếm thịt lúc ăn và đã nuốt vào bụng rồi? Bạn có dám không trả để xảy ra xô xát đáng tiếc.

Chúng ta có thể tính nhẩm là với hàng chục khách hàng thôi thì số tiền kiếm thêm như vậy là con số không hề nhỏ. Nhưng ấm ức nhất là không dùng mà vẫn phải trả tiền, và còn bị soi kiểu "ăn rồi mà không chịu trả".

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và chi tiêu có lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đã khiến các nhà sản xuất và phân phối ồ ạt đẩy các gói “siêu khuyến mãi” với các mức giá trị quảng cáo hàng giảm giá có khi tới 80%.

Xu hướng mua hàng online với hình thức mua theo nhóm đang được “lăng xê” là dành cho người tiêu dùng “thông minh”. Từ khi ra đời hai năm trước, hình thức này đã thu hút được lượng người tiêu dùng trẻ, giới văn phòng cho các gói du lịch, làm đẹp, hàng gia dụng…

Có thời điểm các chị em làm chung tòa nhà với tôi tấp nập đi lấy voucher mua hàng chật kín cả hành lang.

Nhưng từ đầu năm 2013, không khí này đã dần nguội lạnh. Một phần do nền kinh tế ảm đạm, một phần do một số nhà cung cấp dịch vụ “treo đầu dê bán thịt chó”. Chất lượng dịch vụ không đúng hoặc không bằng chính cái giá được giảm khi mua theo nhóm.

Chị đồng nghiệp công ty tôi từng mua bộ 5 đôi tất chân với giá giảm 50% giá trị thực niêm yết. Tuy nhiên, sau ba tuần chị mới nhận được sản phẩm với thông báo là hết hàng, sau nhiều lần đi lại và gọi điện cho một đơn hàng dưới 100.000. Và bộ tất vẫn đắt hơn 5.000 đồng/đôi sau khi giảm giá so với cùng chủng loại bán tại chợ gần nhà.

Chưa kể, với các kiểu mua hàng khuyến mãi tặng voucher hàng triệu đồng cho gói chăm sóc sắc đẹp có thời hạn. Bạn phải hẹn sắp lịch và nếu bạn có voucher vào thời điểm gần hết hạn thì bạn sẽ nhận được lịch hẹn vào ngày đi làm và cuối tuần thì báo kín lịch, hoặc , mất điện cứ như vậy thấm thoắt 2-3 tuần trôi đi và rồi "xin lỗi đã hết hạn".

Vì số tiền không quá lớn nên mọi người thường ngại chia sẻ. Nhưng để “thông thái” hơn thì người tiêu dùng chúng ta cần tự bảo vệ nhau bằng cách chia sẻ nhiều hơn các “chiêu” bán hàng lập lờ ngày càng tràn lan trên thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến