Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Sau 4 năm thực hiện Luật Thuế TNDN (sửa đổi): Bài 2 - Một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Thuế TNDN hiện hành mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng trong điều kiện biến động nhanh của nền kinh tế trong và ngoài nước thì nhiều quy định trong luật đã bộc lộ bất cập, không theo kịp sự vận động của thực tiễn. Điển hình là mức thuế suất 25% hiện hành, chưa thực sự cạnh tranh so với các nước trong khu vực; lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi không tập trung; thu nhập chịu thuế, không chịu thuế chưa bao quát...

Thuế suất 25% chưa thực sự cạnh tranh

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với mức thuế suất phổ thông 25% và đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, tài nguyên quí hiếm khác thì thuế suất thuế TNDN từ 32% đến 50% áp dụng với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh là phù hợp với thực tế thời gian qua và là mức trung bình so với các nước trong khu vực, bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nước có xu thế cải cách thuế theo hướng giảm dần mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư. (Malaysia, giảm từ 28% năm 2005 xuống mức 27% năm 2007 và mức 26% năm 2008. Từ năm 2009 đến nay là 25%. Thái Lan giảm từ 30% xuống 23% năm 2012. Nhiều nước có quy định DNN&V được áp dụng mức thuế suất thấp hơn như Trung Quốc quy định DNN&V áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%, tương ứng Thái Lan là 15% và 23%, Malaysia 20% và 25%.

Đối với ưu đãi thuế, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định lĩnh vực ưu đãi gồm công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; Thành lập doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường. DN mới thành lập từ dự án đầu tư vào các lĩnh vực đó được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm tối đa trong 9 năm tiếp theo. Riêng lĩnh vực xã hội hóa được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động. Ngoài ra, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng thuế suất 20% trong suốt thời gian hoạt động. Nhưng trong thực tế, hiện tại vẫn còn một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư nhưng chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế, vì thế cần thiết bổ sung vào diện ưu đãi và có quy định ưu đãi thuế như đối với tổ chức tài chính vi mô; đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho mua lại; hoạt động báo in của cơ quan báo chí; hoạt động xuất bản; lĩnh vực xã hội hóa hoặc việc ưu đãi thuế đối với dự án mở rộng đầu tư.

Thu nhập chịu thuế chưa bao quát

Thực tế, khoản 2 Điều 3 Luật Thuế TNDN có quy định về thu nhập chịu thuế, tuy nhiên chưa bao quát được các khoản thu nhập mới phát sinh trong kỳ tính thuế như thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng, cho thuê quyền sở hữu công nghiệp (tên thương mại, nhãn hiệu), thu nhập từ lợi thế kinh doanh. Ngoài ra, các khoản thu nhập không phát sinh thường xuyên, bản chất gần giống như thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, do vậy phải kê khai nộp thuế riêng và do cùng tính chất nên được bù trừ lãi - lỗ của các hoạt động này với nhau, nhưng không được bù trừ vào thu nhập, hoặc lỗ của các hoạt động kinh doanh chính của DN.

Mặt khác, cũng tại khoản 2 Điều 3 quy định khoản "hoàn nhập dự phòng" là thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế. Xét về bản chất kinh tế thì dự phòng là một khoản được tính trước vào chi phí được trừ khi xác định lãi - lỗ của DN trong 1 kỳ kinh doanh, mang tính phòng ngừa rủi ro, bảo đảm cho DN có nguồn trang trải khi phát sinh sự kiện rủi ro. Nếu thực tế không phát sinh rủi ro, thì khoản dự phòng đã trích lập được điều chỉnh giảm chi phí thì mới phù hợp.

Đối với thu nhập được miễn thuế, Điều 4 luật hiện hành quy định 7 khoản thu nhập miễn thuế, tuy nhiên chưa có thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; thu nhập từ hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng chính sách xã hội; thu nhập từ hoạt động tín dụng đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của quỹ đầu tư phát triển địa phương. Theo lý giải của Bộ Tài chính, đây là các khoản thu nhập cần được miễn thuế, bởi như thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải thì ở nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc đều miễn thuế để khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới thân thiện với môi trường. Hoặc việc bổ sung quy định miễn thuế đối với phần lợi nhuận không chia của cơ sở giáo dục đại học tư thục là cần thiết, bởi Luật Giáo dục đại học năm 2012 (khoản 3 Điều 66) đã có quy định các cơ sở giáo dục đại học phải dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội và đã quy định rõ phần thu nhập này được miễn thuế TNDN. Do vậy, để đảm bảo minh bạch chính sách và đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục đại học thì cần bổ sung quy định miễn thuế đối với phần thu nhập để lại để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Mặt khác, hiện tại các khoản chi được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế lại đang vừa thừa, vừa thiếu. Điển hình như Luật Thuế TNDN hiện hành không có quy định về vốn mỏng (tình trạng DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay). Nhiều DN có khoản vốn vay vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, thậm chí có trường hợp DN vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 1%/tổng vốn đầu tư trong khi vốn vay chiếm tới 99%. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính DN, rủi ro về nợ xấu, đồng thời gây thất thu NSNN do việc sử dụng vốn vay nhiều, dẫn tới chi phí tiền lãi phải trả càng tăng (theo quy định hiện hành, khoản lãi tiền vay này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN, do đó số thuế DN phải nộp sẽ giảm đi). Hiện tượng "tránh thuế" theo cách tận dụng "vốn mỏng" của DN ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó, để đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động SXKD, đảm bảo an toàn tài chính cho DN và nền kinh tế, góp phần chống chuyển giá, thì cần có quy định khống chế mức tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Một bất cập khác là, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định không tính vào chi phí được trừ đối với “Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động SXKD vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với DN thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong 3 năm đầu, kể từ khi được thành lập”. Nhưng hiện nay có nhiều ý kiến, nhất là DN FDI cho rằng, tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại hiện hành không còn phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Do vậy, cần được điều chỉnh cao hơn so với hiện tại để DN có nguồn tăng cường quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhận thấy một số khoản chi về bản chất là chi phí tài chính, như chi chiết khấu thanh toán nhưng theo luật hiện hành đang được xếp vào khoản chi quảng cáo, khuyến mại thuộc diện khống chế chi phí cũng không phù hợp, nên cần rà soát để loại bỏ khỏi diện chi phí khống chế.

Xem tiếp kỳ sau “Kiến nghị giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 20% và 23%”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến