Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Tác động của thuế TNDN đối với DN FDI - Khảo sát từ thực tiễn

Trong những năm gần đây, hầu hết các nước đang phát triển đều đưa ra các chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. Sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư, bao gồm cả thu hút nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong các yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Các chính sách ưu đãi đầu tư đã và đang làm tăng đáng kể cả về mặt số lượng và mặt giá trị các dự án FDI đến Việt Nam.



Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, ưu đãi thuế không phải là chính sách tối ưu trong việc thu hút ĐTNN, mà chính việc ưu đãi đầu tư đã can thiệp vào thị trường, bóp méo thị trường, làm cho hệ thống chính sách thuế không đồng bộ. Do vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của chính sách ưu đãi thuế đến quyết định đầu tư của nhà ĐTNN tại Việt Nam là một công việc cần thiết để đánh giá hiệu quả của các chính sách thuế trong việc thu hút vốn ĐTNN tại Việt Nam.

Với phương pháp phỏng vấn bằng bảng câu hỏi được gửi đến 300 công ty ĐTNN ở TP HCM và tỉnh Bình Dương, trong thời gian thu thập dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2012, kết quả mẫu câu hỏi được thu hồi hợp lệ là 138. Trong đó, loại hình hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng 53,6%, sản xuất 35,5%, còn lại 10,9% là loại hình xây dựng

Từ kết quả khảo sát...

Khi được hỏi về các chính sách ưu đãi, miễn và giảm thuế, phần lớn các công ty đã đánh giá chính sách thuế của Chính phủ Việt Nam ở mức trung bình khá về tính tích cực. Trong các nhận định chung, chính sách giảm thuế và chính sách ưu đãi thuế được các công ty nước ngoài quan tâm nhiều nhất, bởi vì thang điểm trung bình nhận định của hai chính sách này là 4,07. Bên cạnh đó, chính sách khấu trừ thuế và chính sách khấu hao nhanh cũng là một mối quan tâm không nhỏ của các DN FDI tại Việt Nam. Việc so sánh ưu đãi thuế của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực trong quyết định đầu tư vào Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm tương đối của các DN. Điều này phần nào cho thấy trong thời gian qua, chính sách thuế đã tạo động lực lớn cho các công ty đa quốc gia tham gia vào thị trường Việt Nam.

... đến một số kiến nghị

Khảo sát thực tế cho thấy, thang điểm đánh giá của các DN cho kết quả điểm trung bình của yếu tố chính sách giảm thuế, ảnh hướng đến việc ra quyết định đầu tư khá cao: 4,07. Điều này cho thấy, các chủ đầu tư nước ngoài đều có khuynh hướng lựa chọn đầu tư ở những nước có số thuế phải nộp là thấp. Trong các sắc thuế tác động đến DN, thuế TNDN được xem là một khoản chi phí, tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các nhà đầu tư. Vì vậy, đó là một trong những sắc thuế được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QD-TTg có định hướng điều chỉnh giảm mức thuế suất chung thuế TNDN theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chiến lược này là phù hợp, bởi lẽ xét trên bình diện kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới thì thuế suất bình quân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm từ 33% năm 2000 xuống còn 25% năm 2011 (riêng lĩnh vực phi tài chính, thuế suất chỉ 21%); tại các nước châu Âu, thuế suất bình quân giảm từ 40% còn 23% trong giai đoạn 1995-2012. Xét trong khối các quốc gia ASEAN, được xem là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút vốn ĐTNN, mức thuế suất thuế TNDN của Singapore hiện nay là 17%; Malaysia là 25%,… Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải đẩy nhanh lộ trình giảm thuế suất thuế TNDN.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất, trong lúc nền kinh tế và DN gặp nhiều khó khăn, nên mạnh dạn giảm thuế TNDN xuống mức 20%, nếu xuống 17% thì càng tốt để DN có nguồn lực tái đầu tư vào SXKD. Thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm động lực đầu tư, có thêm lợi nhuận, khi đó DN cũng bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và cũng tạo một ưu thế lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút vốn ĐTNN.

Về chính sách ưu đãi thuế, bao gồm ưu đãi về mức thuế suất, ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế, kết quả điều tra cho thấy, chính sách ưu đãi thuế cũng là một nhân tố tác động mạnh đến quyết định đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các nước châu á đều đưa ra những chính sách cắt giảm thuế hấp dẫn đối với các dự án ĐTNN: Hàn Quốc miễn giảm thuế 7 năm với DN FDI có vốn trên 50 triệu USD. Thái Lan miễn thuế TNDN từ 3 đến 8 năm, miễn thuế nhập khẩu 90% đối với nguyên liệu, 50% đối với máy móc mà Thái Lan chưa sản xuất được. ở Trung Quốc, các dự án đầu tư vào đặc khu kinh tế, khu công nghệ cao sẽ được ưu đãi về thuế, các dự án đầu tư vào các vùng kinh tế khó khăn như miền Tây, miền Trung - sẽ được thuê đất miễn phí, miễn thuế thu nhập trong vòng 10 năm. Indonesia miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu đối với hàng nhập khẩu dùng cho mục đích đầu tư.

ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế TNDN mặc dù cũng phát huy tác dụng trong việc khuyến khích các DN tích cực đầu tư vào các ngành, nghề đặc biệt cần phát triển, vào các địa phương, vùng, miền khó khăn, đặc biệt khó khăn, tuy nhiên các ưu đãi này chưa thật sự thu hút những dự án lớn, công nghệ cao. Vì vậy, chính sách ưu đãi thuế đối với các nhà ĐTNN cần phải thực hiện có trọng tâm, cần ưu đãi riêng cho các dự án FDI có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế cũng cần phải đảm bảo yếu tố ổn định. Một số chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế TNDN, trong thời gian qua thường xuyên thay đổi, làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc hoạch định chính sách đầu tư, tạo ra tâm lý lo sợ rủi ro và không ổn định khi đầu tư vào Việt Nam.

Về các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ, xét về nguyên tắc, ở các quốc gia trên thế giới, chi phí được tính trừ khi xác định thu nhập tính thuế khi thỏa mãn các điều kiện: Là chi phí mà DN thực chi ra ở một mức độ hợp lý; Chi phí đó phải tạo ra thu nhập và doanh thu trong kỳ; Chi phí có chứng từ, hóa đơn hợp pháp theo quy định. Tuy nhiên ở Việt nam, Thông tư 123 ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về thuế TNDN lại quy định mức khống chế (tối đa) đối với một số loại chi phí liên quan đến SXKD. Điều này dẫn đến có nhiều khoản chi phù hợp với thông lệ thế giới nhưng lại bị loại trừ khi khai báo thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN Việt Nam, cụ thể như mức khống chế về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi,... làm cho thuế thực tế mà các DN phải trả (trên lợi nhuận thực tế) cao hơn nhiều so với mức thuế suất quy định tại Luật Thuế TNDN.

Thực tế này dẫn đến một số bất lợi là, mặc dù mức thuế suất thuế TNDN của Việt Nam so với các nước trong khu vực không cao, nhưng vì có nhiều khoản chi phí bị khống chế hoặc không được tính trừ khi khai báo thuế nên đã làm cho thuế suất thực tế của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Điều này khiến hiệu quả kinh doanh của DN giảm, ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Vì vậy, Luật Thuế TNDN cần sửa đổi, bổ sung cần nhanh chóng, đưa ra khái niệm rõ ràng về nguyên tắc xác định chi phí được tính trừ khi khai báo thuế TNDN trên cơ sở tham khảo thông lệ của các quốc gia trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến