Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN

Đây là thông tin được Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, ông Ngô Hữu Lợi đưa ra khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Thuế. Ông Lợi cũng đồng thời cho biết, năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ DN và người nộp thuế, trong đó nổi bật nhất là các chính sách ưu đãi thuế đã hỗ trợ cho nền kinh tế khoảng 30.000 tỷ đồng.



Xin ông cho biết, với một trong các mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thuế năm 2012 đã làm được những gì?

Trong năm 2012, kinh tế Việt Nam rất khó khăn, đặc biệt là tình trạng hàng tồn kho lớn, số lượng các DN ngừng hoạt động tăng nhanh. Do đó Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khoá để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN sớm vượt qua khó khăn, ổn định phát triển SXKD, trong đó các giải pháp về thuế đã góp phần quan trọng. Đáng kể là các quyết sách như giảm 30% số thuế TNDN phải nộp trong năm 2012 đối với DN sử dụng nhiều lao động và DNN&V; gia hạn nộp 6 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 4, 5, 6/2012 cho các DN; miễn thuế TNCN từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đến hết 31/12/2012.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành 23 thông tư điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng vừa thực hiện đúng cam kết WTO, vừa bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích. Riêng đối với một số mặt hàng có giá biến động phức tạp (xăng, dầu và gas...), để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân và DN, Bộ Tài chính đã ban hành 10 thông tư điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Thêm một điểm nhấn quan trọng là, việc nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, trong đó có nội dung nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (lên mức 9 triệu đồng/tháng) và cho người phụ thuộc (lên mức 3,6 triệu đồng/tháng/người) để phù hợp với thực tiễn của nước ta hiện nay.

Ngoài ra, những vướng mắc trong thực hiện các luật thuế cũng đã được xử lý kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho SXKD.

Theo hướng này, trong năm 2013, việc nghiên cứu, ban hành các chính sách thuế có gì mới?

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự kiến trong năm 2013, Bộ Tài chính sẽ trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN, Luật Thuế GTGT. Trong đó, về thuế TNDN dự kiến sẽ vừa điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, vừa rà soát bổ sung vào diện ưu đãi thuế một số lĩnh vực, ngành nghề cần khuyến khích trong giai đoạn tới để góp phần phân bổ nguồn lực có hiệu quả. Đối với thuế GTGT, sẽ tiếp tục đơn giản hoá chính sách, tạo điều kiện giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, chính sách thuế xuất, nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với cam kết WTO, vừa bảo đảm bảo hộ hợp lý, có chọn lọc đối với sản xuất trong nước. Ngoài ra, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo, năm 2013 Bộ Tài chính sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Biểu thuế suất tài nguyên thay thế Nghị quyết số 928/2010/UBTVQN12.

Để chủ động ứng phó và tận dụng những cơ hội mới về mặt chính sách thuế, DN nên làm gì, thưa ông?

Đúng là việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế theo dự kiến trong năm 2013 đa phần sẽ tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình để thực hiện cam kết quốc tế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các DN nội địa trong cạnh tranh với sản phẩm, hàng hoá nước ngoài, dù lộ trình này đã được thể hiện rõ trong các cam kết quốc tế và khu vực. Nhưng đi cùng với khó khăn, thách thức cũng có những cơ hội, nên để tận dụng được lợi thế, các DN cần có chiến lược kinh doanh phù hợp trên cơ sở nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, bên cạnh đó cần cắt giảm chi phí một cách hợp lý để tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, nâng cao khả năng cạnh tranh để "biến nguy thành cơ". Ngoài ra, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình một mặt để phù hợp với cam kết WTO, mặt khác Nhà nước vẫn thực hiện lộ trình để bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có điều kiện đối với sản xuất trong nước. Vì vậy lúc này, các DN cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cạnh tranh vững chắc trước khi bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cam kết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến