Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

CÔNG TY MỘT NGƯỜI, TẠI SAO KHÔNG?

Bài này góp ý cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (đã được ban hành). Civillawinfor đăng lại vì những đánh giá của tác giả về vai trò loại hình công ty TNHH 1 thành viên vẫn còn giá trị tham khảo.

LG. CAO BÁ KHOÁT

Khái niệm truyền thống coi công ty là sự canh ty của nhiều người, nên các quy định của luật công ty ở các nước thường quy định số thành viên tối thiểu phải có trong một công ty. Luật Công ty của Thái Lan quy định công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) phải có ít nhất 5 thành viên. Luật DN 1999 của Việt Nam quy định số thành viên tối thiểu đối với công ty TNHH là 2, công ty cổ phần phải là 3 thành viên. Nếu công ty TNHH một thành viên thì thành viên chủ sở hữu phải là pháp nhân. Không có sự giải thích tại sao công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông?

Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu bản chất của công ty để thoát khỏi sự đồng nghĩa giữa công ty với canh ty. Trước hết, cần nhận rõ rằng, bản chất của công ty TNHH là chủ công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn điều lệ đã đăng ký. Thuật ngữ “TNHH” đã là một sự nhắc nhở với các đối tác khi làm ăn với loại hình DN này. Với đặc điểm như vậy, một công ty dù đơn sở hữu vẫn có thể được thành lập dưới dạng TNHH. Sau đó, còn những lý do sau:

Thứ nhất, công ty là một thực thể pháp lý do pháp luật tạo nên, là công cụ để phân định trách nhiệm tài sản, phân tán rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư. Nó không phụ thuộc vào số người, vì công ty có 1.000 chủ sở hữu cũng có địa vị pháp lý như công ty có 2 chủ sở hữu. Luật DN 1999 có quy định, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tối thiểu 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên. Thực ra, hai con số này không có ý nghĩa, chỉ do sự ước đoán. Tại sao lại hạn chế tối đa không quá 50 người? Có lẽ chỉ có thể giải thích được do quy định tại Điều 32 về nguyên tắc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên cho người ngoài công ty phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên còn lại. Nếu 1 người muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người ngoài công ty mà phải hỏi ý kiến của 49 người còn lại thì quá vất vả, nếu không hỏi thì bị coi là phạm luật và sự chuyển nhượng sẽ bị coi là vô hiệu nếu như có người khởi kiện do họ chưa được hỏi ý kiến. Thực tế cho thấy, quy định số người tối thiểu và tối đa trong Luật DN là không thiết thực.

Thứ hai, thực tế đã tồn tại các công ty TNHH một thành viên là cá nhân. Ở Việt Nam có đến 70% số công ty TNHH là vốn của 1 người trong gia đình và một vài người khác chỉ đứng tên cho đủ số. Ở Thái Lan, quy định công ty TNHH có 5 thành viên thì 1 người bỏ vốn thuê thêm các luật sư đứng tên để đủ 5 thành viên.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định, DN 100% vốn nước ngoài được thành lập theo hình thức công ty TNHH có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, nhưng không quy định số thành viên tối thiểu, nên 1 cá nhân nước ngoài, 1 Việt kiều đều có quyền thành lập DN 100% vốn nước ngoài do mình làm chủ. Luật Đầu tư nước ngoài không quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị công ty, nên đương nhiên DN 100% vốn nước ngoài có quyền áp dụng mô hình công ty TNHH theo Luật DN. Trong khi đó, Luật DN lại không quy định loại công ty TNHH một thành viên là cá nhân.

Đó chẳng phải là sự khập khiễng của hệ thống pháp luật Việt Nam? Tại sao một Việt kiều, một công dân nước ngoài có quyền lập một DN 100% vốn là pháp nhân Việt Nam, còn một công dân Việt Nam lại không được thành lập công ty là pháp nhân do mình sở hữu vốn? Khi thảo luận Luật DN 1999 đã có nhiều ý kiến đề nghị phải coi DN tư nhân là pháp nhân, tức là thừa nhận công ty TNHH một thành viên là cá nhân, nhưng ý kiến đó không được chấp thuận, có lẽ lý do đưa ra là sở hữu tài sản cá nhân với tài sản DN tư nhân không phân biệt nên dễ có nguy cơ làm phương hại lợi ích của chủ nợ. Có thể lý do này sẽ không còn đứng vững, nếu như một ông chủ hoàn toàn phân biệt được một cách minh bạch giữa tài sản kinh doanh của công ty với tài sản riêng của cá nhân.

Thứ ba, kinh doanh ngày càng có nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều rủi ro, nên nhu cầu lập các công ty TNHH một chủ để phân tán rủi ro ngày càng trở nên cấp bách. Ngay các công ty lớn ở các nước khi đầu tư vào những thị trường mới hoặc thị trường có nhiều yếu tố rủi ro, họ đều lập ra các công ty con một thành viên với số vốn điều lệ chỉ tượng trưng vài đô-la. Vốn hoạt động của công ty con sẽ do công ty mẹ cho vay bằng hợp đồng vay vốn. Khi ký kết các hợp đồng vay, công ty mẹ và công ty con là 2 pháp nhân độc lập. Nếu có rủi ro và công ty con phá sản thì công ty mẹ trở thành chủ nợ không đảm bảo và được ưu tiên đòi nợ theo Luật Phá sản. Như vậy, công ty mẹ cùng lắm chỉ mất vài đô-la đã đăng ký và rủi ro được phân bổ cho các chủ nợ khác.

Công ty TNHH một thành viên ngày nay là công cụ hữu hiệu cho các nhà đầu tư phân tán rủi ro, vì vậy một số nước đã chấp nhận cho cá nhân thành lập công ty TNHH một thành viên, thay vì họ chỉ được thành lập DN tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước đây. Vấn đề cốt lõi là phải phân biệt minh bạch tài sản riêng của cá nhân và tài sản kinh doanh mang tên công ty.

Thứ tư, việc quy định số thành viên tối thiểu trong công ty sẽ buộc các nhà đầu tư phải đối phó, vì họ phải nhờ người khác đứng tên đăng ký hộ. Người đứng tên này hoàn toàn vô trách nhiệm với công ty, thậm chí còn lợi dụng công ty để thu lợi riêng, làm phương hại đến lợi ích của ông chủ thật. Việc quy định công ty TNHH một thành viên là cá nhân sẽ tạo nên bức tranh minh bạch về sở hữu trong công ty hiện nay, tránh được tình trạng đứng tên hộ, số phần vốn góp mà ông chủ ghi cho người đứng tên sẽ thuộc sở hữu của người đứng tên, khi người đứng tên lật lọng thì ông chủ thực hoàn toàn chịu rủi ro trước pháp luật. Thực tế ở Việt Nam đã xảy ra những sự kiện này, việc ghi 5%, 10% khi lập công ty chỉ vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, nhưng khi công ty kinh doanh bất động sản thì vài triệu đồng lúc đầu sẽ có giá trị vài tỷ đồng, và thế là tranh chấp xảy ra!

Thứ năm, về mặt thực tế và tâm lý, người Việt Nam chưa có kinh nghiệm quản lý chung với nhiều người, trong khi vốn ít, thích kinh doanh một mình nhưng ngại chịu trách nhiệm vô hạn. Nếu có mô hình công ty TNHH một chủ là cá nhân thì sẽ rất phù hợp với nhà đầu tư, đáp ứng được nhu cầu phân tán rủi ro trong đầu tư của người Việt Nam. Đối với công ty cổ phần cũng sẽ xuất hiện câu hỏi tương tự. Tại sao số cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là 3? Không có lý lẽ nào thuyết phục. Nếu quy định công ty cổ phần trong một giai đoạn nhất định, khi vừa thành lập hoặc chuyển đổi thành, được phép chỉ có một cổ đông thì tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc cổ phần hoá các DN nhà nước chuyển ngay công ty nhà nước thành công ty cổ phần và bán dần phần vốn cho xã hội. Khi đó, vấn đề quản lý quá trình cổ phần hóa sẽ chỉ còn là xem số vốn nhà nước hiện còn là bao nhiêu, chứ không phải quản lý theo kiểu có bao nhiêu DN nhà nước chuyển thành công ty cổ phần.

Từ thực tế trên, đã đến lúc Luật DN chung phải quan tâm đến loại hình công ty một chủ là cá nhân, theo đó một cá nhân có thể thành lập công ty TNHH một chủ. Ngay cả công ty cổ phần khi thành lập ban đầu cũng nên cho phép được sở hữu bởi một chủ với quy định sau một thời gian, công ty phải gọi thêm người đồng sở hữu vốn theo luật định. Các công ty này là những pháp nhân độc lập với nhau, miễn là quyền sở hữu tài sản giữa các pháp nhân này phải minh bạch để nhà nước và xã hội kiểm soát được một cách công khai.

SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ

Trích dẫn từ: http://www.vir.com.vn/Client/dautu/dautu.asp?CatID=56&DocID=7184

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến