LS. PHAN TRUNG HOÀI
Suốt cả buổi chiều tối ngày thứ Năm (26.3.2009), tôi liên tục nhận được những cú điện thoại gọi vào từ Mũi Né (Phan Thiết). Họ là những người nông dân miệt biển đầy nắng gió của dải đất miền Trung vừa từ Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận trở về với đời thường sau quyết định trả tự do của Hội đồng xét xử Toà án Nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Trong giọng nói của họ, và cả những người vợ từng khóc hết nước mắt khi chồng bị bắt, vẫn còn thảng thốt, vì dường như họ vẫn chưa tin được đó là sự thật. Những ngày tháng trong tù cho họ thấy một thế giới khác và lúc này, họ hiểu hơn ai hết ranh giới của tù tội và giá trị của tự do.
Khi phiên toà đã diễn ra được hơn ba ngày, ngay cả khi đã trình bày quan điểm bào chữa trước toà, đêm về tôi vẫn thao thức, không sao ngủ được. Nhận trách nhiệm bào chữa cho 4 người nông dân bị quy buộc tội "lừa đảo", tôi mang theo cả gánh nặng trách nhiệm trước những người vợ và con cái họ Suốt những ngày diễn ra phiên toà, trong mỗi bữa trưa và tối về tôi không nuốt nổi hạt cơm khi nhìn thấy những khuôn mặt buồn bã, những lo lắng khôn nguôi vì người thân của họ đang ở trong tình trạng suy sụp vì sức khoẻ.
Có những khi, tôi không đủ tự tin để nói lại với thân nhân gia đình họ, bởi đằng sau những tiếng vỗ tay của người dân khi nghe luật sư tranh tụng tại phiên toà không đủ át đi một sự thật các bị cáo đang đối diện với bản án tù giam theo đề nghị của công tố viên. Còn có một sự lo lắng không nói lên thành lời, chính là tình trạng "thỉnh thị án", "án bỏ túi" mà dư luận râm ran bấy lâu nay. Hơn hai mươi năm va đập trong các vụ án hình sự, tôi thấu hiểu thứ vũ khí duy nhất làm nên sức mạnh của một luật sư đó chính là luận lý chưa chắc đã được hiển hiện nhiều trong thực tế.
Bây giờ ngẫm nghĩ lại, thấy đôi khi mình cũng cố chấp, hay bi kịch hoá đời sống tố tụng. Những người cầm cán cân công lý đã có một quyết định dũng cảm khi "xử nghiêm với quan, khoan hồng với dân", bởi suy cho cùng, cả một thiết chế nhà nước trong một phạm vi địa phương là chính quyền tỉnh Bình Thuận không thể là "người bị lừa" được!
Lý lẽ chính của tôi khi bênh vực cho các bị cáo trong vụ án là ở chỗ, khi người dân có sai phạm trong lấn chiếm đất hoang, bị xử lý thì người thực thi các quyết định liên quan đến việc thu hồi đất phải là chính quyền địa phương. Khi giải quyết việc đền bù thiệt hại do việc thu hồi đất phục vụ cho các dự án kinh doanh du lịch, Nhà nước có cả một hệ thống và các thiết chế xét duyệt, thẩm định, kiểm tra từ cán bộ địa chính, hội đồng xét duyệt cấp phường, cho đến hội đồng đền bù và rộng ra là các cơ quan tham mưu như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, hội đồng thẩm định cấp tỉnh...
Huống hồ, khi quyết định giải quyết đền bù không thoả đáng, người dân còn đi khiếu nại và nhận được quyết định giải quyết khiếu nại thì làm sao quy kết họ cố tình lừa đảo Nhà nước? Nói cách khác, không thể biến cái lỗi của chính quyền trong việc không thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính và không kiểm tra, xét duyệt kỹ lưỡng hồ sơ đền bù của từng hộ dân, rồi quy buộc người dân lừa đảo mình được...
Ông Trần Văn Á - một trong bốn người nông dân mà tôi nhận trách nhiệm bào chữa - đã nói với tôi tại phiên toà: "Nếu tôi bị tiếp tục giam thêm một ngày nữa thì sẽ chết mất ". Không biết khi được về với tự do, họ có hiểu sự khoan hồng mà pháp luật dành cho họ có thể bắt đầu chính từ sự lắng nghe luận lý của luật sư? Dù sao, tôi vẫn tin điều ấy và những phán quyết như vậy cũng an ủi cho chúng tôi trên những chặng đường tố tụng còn nhiều khó khăn trước mắt....
SOURCE: BÁO LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN
Trích dẫn từ:
http://www.laodong.com.vn/Home/Luan-ly-cua-luat-su/20094/132937.laodong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét