Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

LUẬT PHÁP VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

DƯƠNG NGỌC DŨNG

Tiến trình hình thành các định chế dân chủ, nếu nhìn theo viễn cảnh toàn cầu, luôn luôn được đi kèm theo một sự phê phán nghiêm khắc thực tiễn chính trị. Đó chính là trường hợp Tây Âu trong thế kỷ 18. Cũng giống như trường hợp các quốc gia hiện nay đang cố gắng xây dựng một nhà nước có cấu trúc dân chủ.

Những biến đổi mau lẹ tại nước Mỹ sau năm 1985 đã khơi dậy sự quan tâm của quần chúng đối với vấn đề quan hệ giữa chính trị và đạo đức. Trước năm 1985 sự phê phán thiếu dân chủ thường hướng về Liên Xô (cũ) và các quốc gia Đông Âu, nhưng sau năm 1992 sự phê phán đó lại quay về chính bản thân định chế dân chủ tại Hoa Kỳ. Người lãnh đạo trong thế giới hiện nay thường là mục tiêu cho những sự phê phán dựa trên hai hệ thống tiêu chuẩn hoàn toàn trái ngược nhau: một mặt ông ta phải thỏa mãn một lý tưởng đạo đức thật hoàn mỹ và hầu như không thể đạt đến được đối với một con người bình thường, nhưng mặt khác quần chúng cũng đồng thời đòi hỏi ông có ý thức thực tế cao độ và làm việc có hiệu quả và năng suất cao nhất. Nếu muốn trở thành một thánh nhân hoàn toàn đạo đức, một nhà lãnh đạo rơi vào một trạng thái hoàn toàn bất định và thông thường trở thành những kẻ bảo thủ và hẹp hòi. ông có thể không dùng những người có năng lực nhưng kém phẩm chất đạo đức. Dĩ nhiên sự phán xét thiếu hay có đạo đức hay không hoàn toàn là thuộc phạm vi chủ quan của riêng nhà lãnh đạo và chưa chắc đã phù hợp với thực tế.

Nhưng điều này không dẫn đến hệ quả dùng phương tiện biện minh cho cứu cánh: một người lãnh đạo vừa có đạo đức vừa có năng lực không hề là một sự mâu thuẫn. Trường hợp cựu thủ tướng Lý Quang Diệu tại Singapore và Phó Thủ Tướng Chu Dung Cơ tại Trung Quốc là hai ví dụ điển hình trong thế giới hiện đại. Nhưng đạo đức của người lãnh đạo là đạo đức như thế nào, đạo đức theo mô hình Nho giáo (như Trung Quốc cổ đại), hay đạo đức theo mô hình Thiên Chúa giáo (như âu châu thời Trung Cổ), hay theo mô hình Phật giáo (Sri Lanka, Ấn Độ thời vua Asoka, Miến Điện thời U Nu), hay đạo đức theo mô hình chủ nghĩa Khai Sáng sau thời Cách Mạng Pháp? Nếu chấp nhận và chọn lựa một trong những mô hình trên đây, người lãnh đạo lập tức rơi vào sự chống đối của những nhóm ủng hộ các hệ thống đạo đức khác. Trường hợp phân ly Ấn Độ và Pakistan, những rối rắm, mâu thuẫn liên tục tiếp theo, là một bằng chứng hiển nhiên cho sự chọn lựa giữa Ấn giáo và Hồi giáo. Những rối loạn chính trị trong những thập niên gần đây tại Sri Lanka chính là do chính quyền chọn Phật giáo làm quốc giáo và bị nhóm dân tộc Tamils phản ứng quyết liệt. Người lãnh đạo, trong trường hợp này, phải chọn luật pháp làm cơ sở mọi quyết định nếu thực sự ông ta muốn tránh những xung đột trong nhận định thế nào là đạo đức và ổn định tiến trình dân chủ hóa các định chế chính trị.

Thế nào là luật pháp và đạo đức có nghĩa là gì?

Luật pháp (law) bao gồm những điểm căn bản sau đây:
(l) quyền con người (human rights) như được thừa nhận trong hiến pháp,
(2) hệ thống pháp lý (dân luật, luật hình sự, luật tố tụng) nhằm thể hiện và bảo vệ các quyền con người căn bản trong các hoàn cảnh đặc thù, cụ thể,
(3) các định chế chính trị dùng để thể hiện và bảo vệ quyền con người với tư cách là một công dân (Quốc Hội và các cơ quan dân cử khác).

Đạo đức ngược lại, bao gồm những yêu cầu mang tính chất vô điều kiện, và không nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, mà hướng đến những bổn phận hay nghĩa vụ phải thực hiện bất chấp sự thiệt hại đối với quyền lợi cá nhân. Chẳng hạn khi giúp đỡ người nghèo mà còn kỳ kèo, tính lợi tính hại, thì nền tảng đạo đức của hành vi đó không còn tồn tại nữa. Dĩ nhiên đây là một định nghĩa theo khuynh hướng triết học Kant, nhưng chúng tôi chấp nhận định nghĩa này do tính chất tuyệt đối của nó. Ví dụ như trường hợp Bill Clinton bị Monica quyến rũ, hãy tạm giả định là ông không "làm" gì cả do sợ vợ và quần chúng tố giác chứ trong thâm tâm ông vẫn muốn "làm" thì xét từ quan điểm đạo đức, ông vẫn là kẻ vô luân, nhưng xét về mặt pháp lý, thì ông hoàn toàn vẫn là một công dân tốt.

Quần chúng khi đánh giá lãnh đạo, nên căn cứ vào luật pháp, và người lãnh đạo cũng nên lấy luật pháp làm thước đo tự thẩm định các quyết định chính trị của mình. Sự tranh chấp giữa các hệ thống tiêu chuẩn đạo đức thường làm các quyết định chỉ dựa trên tính đạo đức thuần túy trở thành cực đoan và bảo thủ.
Nhưng thế nào là một thể chế dân chủ!

Một thể chế dân chủ phải đáp ứng ít nhất hai điều kiện: tính chủ quyền (sovereignty) của nhân dân và quyền con người (human rights) được đảm bảo (tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do tín ngưỡng, không bị phân biệt đối xử…). Tính chủ quyền có nghĩa là ý chí của nhân dân phải là luật pháp tối cao và mọi quyền lực chỉ trở nên hợp thức hóa thông qua ý muốn của nhân dân. Nhưng vấn đề lớn nhất đặt ra cho người lãnh đạo trong một thể chế dân chủ là: chính quyền (cơ quan quyền lực tối cao do dân cử, nghĩa là định chế chính trị thể hiện ý chí của nhân dân) có nên tuân theo ý muốn của nhân dân (được thể hiện bằng các kháng nghị, biểu tình, xuống dường…) ngược với chính ý chí của nhân dân đã được thể hiện trong hiến pháp? Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là: khi ý muốn và hành vi của nhân dân không phù hợp với hiến pháp và đi ngược lại với luật pháp hiện hành, chính quyền không thể chiều theo các “ý muốn” đó được. Và đây chính là điểm giới hạn của khái niệm "dân chủ."
Thế nào là quyền con người hay nhân quyền (human rights)?

Các học giả thường khởi sự bằng cách truy nguyên ngược trở về khái niệm bản chất người (human nature) và dùng đó làm cơ sở để biện luận cho khái niệm "nhân quyền." Thật ra những quyền làm người căn bản phát sinh từ một kinh nghiệm đau thương mang tính chất hủy diệt và những người đầu tiên đề xướng chúng muốn khẳng định rằng một kinh nghiệm tương tự không thể tái diễn. Một triết gia người Nga, Vladimir Soloyyov viết: "Nhiệm vụ của luật pháp không phải là biến thế giới tồi tệ này thành vương quốc của Chúa, nhiệm vụ của nó chính là tránh không cho thế giới này rơi vào địa ngục trước thời hạn." Quyền con người không phát xuất từ một lý tưởng hay triết học trừu tượng nào cả. Chúng phát xuất từ nhận thức rằng: "Những chuyện như thế không được phép xảy ra nữa." Luật pháp chính là phương tiện mang tính định chế duy nhất để giúp thế giới không rơi vào "địa ngục" bằng cách khẳng định và bảo vệ những quyền con người căn bản.

Thật là ngây thơ khi cho rằng con người trên khắp thế gian sẽ được toàn thiện toàn mỹ và đoàn kết lại với nhau trong một giấc mơ dân chủ đại đồng, nhưng nhân loại vẫn có thể hợp tác với nhau để ngăn không cho thế giới rơi vào sự hỗn loạn và tan rã do thiếu chất keo pháp lý. Trong thực tế điều này có nghĩa là tiến trình dân chủ hóa các định chế chính trị phải đi song song với tiến trình pháp lý hóa các cơ cấu quyền lực. Sự góp sức của báo chí trong việc thúc đẩy hai tiến trình song song này đảm nhiệm một sứ mạng quan trọng: nhắc cho mọi người nhớ rằng, luật pháp là thước đo đạo đức của giới lãnh đạo.

SOURCE: TẠP VĂN

Trích dẫn từ: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Luat_phap_va_dao_duc_nguoi_lanh_dao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến