ĐẶNG MINH TUẤN
Trong Nhà nước pháp quyền, điều đặc biệt quan trọng là phải tìm ra các biện pháp để giới hạn quyền lực Nhà nước nhằm chống lại sự lạm quyền hay lộng quyền của Nhà nước mà xâm phạm đến các quyền con người.
Có nhiều cách thức kiểm soát và giới hạn chính quyền, và trong số đó cách thức kiểm soát chính quyền bằng tư pháp có nhiều ưu thế, được thiết lập và áp dụng phổ biến trên thế giới. Cách thức kiểm soát chính quyền cơ bản của tư pháp là giám sát tư pháp (Judicial Review)(1). Có nhiều mô hình giám sát tư pháp, trong đó có mô hình giám sát tư pháp bằng hệ thống Tòa án thường, có mô hình được đặc trưng bởi một cơ quan chuyên biệt (Tòa hiến pháp, hội đồng bảo hiến) thực hiện chức năng giám sát tư pháp và có cả mô hình áp dụng phối kết hợp những đặc điểm của mô hình trên.
Mô hình giám sát tư pháp ở Mỹ đặc trưng cho mô hình giám sát bởi hệ thống Tòa án thường và được gọi là mô hình giám sát phi tập trung (Diffuse system)(2). Do mô hình này lần đầu tiên được thiết lập ở Mỹ, do đó nhiều người gọi đây là mô hình Mỹ (the American system).
I. Quyền giám sát tư pháp và quyền tối cao tư pháp
Khi Alex đến nước Mỹ và nghiên cứu về hệ thống chính trị của Mỹ cách đây hơn 150 năm, ông ta đã có nhận xét rằng cách thức mà người Mỹ lập ra hệ thống quyền lực tư pháp là chỉ có riêng ở Mỹ. Khi đề cập đến quyền lực của các Tòa án, ông cho rằng thẩm quyền quan trọng nhất của quốc gia là quyền giám sát tư pháp (Judicial Review)(3).
Người Mỹ đã trao cho các Tòa án quyền được ra các quyết định của mình dựa trên cơ sở không chỉ Luật mà điều quan trọng hơn, đó là Hiến pháp. Hơn thế nữa, họ có quyền không áp dụng những luật được coi là vi hiến. Nếu một người nào đó khiếu kiện lên một Tòa án của Mỹ về tính vi hiến của một đạo luật, và thẩm phán xem xét và chứng minh được tính vi hiến của đạo luật đó thì thẩm phán đó có quyền từ chối áp dụng đạo luật đó. Alex nhấn mạnh rằng quyền lực đặc biệt đó được trao riêng cho một thẩm phán của Nước Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay, quyền giám sát tư pháp được trao cho tất cả các thẩm phán của tất cả các nước theo hệ thống phi tập trung ở trên thế giới.
Ở Mỹ, tất cả các tòa án có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật khi trong một vụ việc, họ phải áp dụng các đạo luật đó và các Tòa án có quyền từ chối áp dụng những đạo luật đó khi thấy chúng không phù hợp với Hiến pháp. Thẩm quyển trên của Tòa án thực chất không được quy định trong Hiến pháp. Quyền giám sát tư pháp được hình thành và thiết lập trong vụ án của Tòa án tối cao: Marbury chống Madison (1803). Vụ việc đó đưa ra hai kết luận quan trọng:
- Thứ nhất, đạo luật cơ bản Hiến pháp có giá trị tối cao, do đó tất cả các đạo luật khác phải tuân thủ Hiến pháp.
- Thứ hai, các Tòa án có quyền và nghĩa vụ giải thích các đạo luật và không áp dụng các đạo luật không phù hợp với Hiến pháp.
Thẩm quyền giám sát tư pháp của các Tòa án Mỹ được miêu tả một cách chi tiết bởi Tòa án tối cao trong vụ United States chống Butler (1963) như sau: Hiến pháp là một đạo luật tối cao của đất nước, do nhân dân thông qua. Tất cả các đạo luật phải tuân thủ những nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp. Khi một đạo luật của Quốc hội được đệ ra các Tòa án để xem xét về tính hợp hiến, các Tòa án có một nhiệm vụ và quyền hạn là xem xem những quy định của đạo luật đó có phù hợp với Hiến pháp hay không. Tất cả các Tòa án đều có thẩm quyền này. Các Tòa án có thẩm quyền không đồng ý hoặc nhất trí với bất kỳ chính sách lập pháp nào của Quốc hội. Nhiệm vụ quan trọng và khó khăn này là xem xét xem đạo luật của Quốc hội có phù hợp hay trái với các quy định của Hiến pháp. Các Tòa án sẽ hết nhiệm vụ khi thực hiện xong việc xem xét này(4)
Theo quy định của lý thuyết này, các Tòa án của Mỹ được xem như là những người bảo vệ đặc biệt Hiến pháp của Quốc gia hoặc các Hiến pháp của các Tiểu bang của Nước Mỹ.
Theo hệ thống liên bang, quyền giám sát tư pháp cũng được phân chia thành các cấp khác nhau:
Thứ nhất, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp Quốc gia: là thẩm quyền của tất cả các Tòa án có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật của Quốc hội dựa theo Hiến pháp Liên bang của Mỹ.
Thứ hai, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp liên bang: Là thẩm quyền và trách nhiệm của tất cả các Tòa án xem xét tính hợp hiến của các Hiến pháp và các đạo luật của tiểu bang dựa trên cơ sở của Hiến pháp Liên bang của Mỹ.
Thứ ba, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp tiểu bang: Là thẩm quyền của tất cả các Tòa án xem xét tính hợp hiến của các đạo luật của tiểu bang dựa trên các Hiến pháp tiểu bang.
Thẩm quyền giám sát tư pháp cấp Quốc gia là thẩm quyền duy nhất không được thiết lập trong Hiến pháp, mà nó được suy diễn ra từ thực tiễn xét xử của Tòa án tối cao. Thẩm quyền giám sát tư pháp cấp liên bang được được thiết lập từ điều khoản về tính tối cao của Hiến pháp. Thẩm quyền giám sát tư pháp cấp tiểu bang thường được quy định tại Hiến pháp của các tiểu bang. Trong phạm vi bài viết này và xuất phát từ tầm quan trọng của nó, chúng tôi chỉ tập trung trình bày về thẩm quyền giám sát tư pháp cấp Quốc gia và vai trò của Tòa án tối cao.
Tuy nhiên một điều cần phải nhất mạnh lại một lần nữa là đối tượng của quyền giám sát tư pháp của Mỹ không chỉ là các đạo luật của Chính quyền Liên bang mà còn là tất cả các đạo luật cấp tiểu bang. Do đó, tất cả các đạo luật của Quốc hội Liên bang, các Hiến pháp và các đạo luật của các tiểu ban, các hoạt động của chính phủ và bộ máy hành pháp và thậm chí là của hệ thống tư pháp đều thuộc thẩm quyền về xem xét tính hợp hiến của Tòa án. Mặc dù chưa một hiệp ước nào từng được đệ trình để xem xét về tính hợp hiến, song trong vụ Missouri chống Holtand(5) (1920), Tòa án tối cao đã kết luận rằng tính hợp hiến của các hiệp ước và các đạo luật dựa trên các hiệp ước này có thể thuộc phạm vi xem xét theo thủ tục giám sát tư pháp.
II – Đặc điểm của mô hình giám sát tư pháp phi tập trung của Mỹ
1. Giám sát tư pháp là thẩm quyền của tất cả các Tòa án
Ở Mỹ, không có một cơ quan tư pháp độc lập nào thực hiện chức năng xem xét tính hợp hiến của các đạo luật, mà thẩm quyền này được trao cho tất cả các Tòa án, từ Tòa án của các tiểu bang, Tòa án của Liên bang cho đến Tòa án tối cao, và không có một giới hạn đặc biệt về thẩm quyền giám sát tư pháp về các Tòa án này. Các Tòa án sẽ xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật khi nó được đưa ra trong một vụ việc cụ thể và các Tòa án nhất thiết phải có quyết định về vụ việc đó.
Các Tòa án ở Mỹ được thiết lập theo mô hình kim tự tháp, bao gồm cả Tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Thẩm quyền sơ thẩm chung trong hệ thống Liên bang Mỹ được trao cho các Tòa án tỉnh (District courts) - các Tòa án có thẩm quyền xét xử các trong các vùng lãnh thổ trên Toàn nước Mỹ. Hệ thống Tòa án tỉnh là hệ thống Tòa án rất lớn, có thẩm quyền xét xử rất nhiều loại tranh chấp: các vụ dân sự và hình sự được điều chỉnh bởi các đạo luật Liên bang, tranh chấp giữa các công dân ở các tiểu bang khác nhau, các vụ việc mà Nước Mỹ là một bên nguyên đơn hoặc bị đơn, các thủ tục bắt, các vụ việc liên quan đến các quyền dân sự Liên bang bị các công chức tiểu bang vi phạm. Trong các lĩnh vực trên, các vấn đề hiến định có thể được nêu ra đế xem xét.
Trên Tòa án tỉnh là các Tòa phúc thẩm (courts of appeal). Các Tòa án tỉnh liên bang được tổ chức vào các đơn vị tư pháp rộng lớn hơn - các vùng (circuits), và trong mỗi vùng có một Tòa án phúc thẩm. Những Tòa án phúc thẩm không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm mà chỉ có thẩm quyền duy nhất là phúc thẩm các quyết định cuối cùng của các Tòa án tỉnh được đệ trình lên theo thủ tục phúc thẩm. Thẩm quyền của Tòa án phúc thẩm là rất quan trọng, bởi vì hệ thống Tòa án này phúc thẩm hầu hết các vụ việc của Tòa án cấp tỉnh, và có những vụ việc đặc biệt quan trọng mới được Tòa án tốt cao lấy lên để xem xét.
Một điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là rất nhiều đạo luật trao cho các Tòa án phúc này thẩm xem xét các quyết định của các cơ quan hành chính liên bang, như cơ quan về các quan hệ lao động Quốc gia (the National Labour Relions Board), Hội đồng Quyền lực Liên bang (Federal Power Commission), và tất nhiên, trong đó các Tòa án phúc thẩm này có cả thẩm quyền xem xét về tình hợp hiến của các đạo luật.
Loại Tòa án thứ ba là các Tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm độc lập đối với các Tòa án tỉnh và Tòa án khu vực, như các Tòa phúc thẩm về các tập quán và sáng chế (the Court of Customs and Patent Appeals), Tòa phúc thẩm quân sự (the Court of Military Appeals) và Tòa Khiếu kiện (the Court of Claims).
Đứng ở vị trí tối cao là Tòa án tối cao Mỹ. Tòa án tối cao có thẩm quyền xét xử cả sơ thẩm và phúc thẩm. Thẩm quyền của Tòa án tối cao được quy định trong Hiến pháp, và do đó Quốc hội không thể sửa đổi. Các vụ án sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án tối cao bao gồm: các vụ việc liên quan đến các đại sứ, các bộ trưởng và lãnh sự khác, những vụ việc mà Tiểu bang là một bên.
Thẩm quyền của Tòa án tối cao đối với các vụ án sơ thẩm là rất hạn chế, do đó nó tập trung các hoạt động của mình vào việc giải thích Hiến pháp, các đạo luật và các hiệp ước của Hợp chủng Quốc, và thẩm quyền này được sử dụng trong việc xét xử phúc thẩm với tính cách là thủ tục xét xử sau cùng. Trong việc xem xét tính hợp hiến, Tòa án Tối cao là cơ quan xét xử quan trọng nhất ở Mỹ Quốc với thẩm quyền xét xử phúc thẩm rộng lớn do Quốc hội quy định để đảm bảo việc giải thích cuối cùng, hợp pháp, và thống nhất Hiến pháp, các đạo luật và các Hiệp ước của nước này.
Do đó, Tòa án tối cao có thẩm quyền xem xét lại các quyết định của Các Tòa án phúc thẩm - Tòa án có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của các Tòa án tỉnh. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm của Tòa án Tối cao có thể được mở rộng đối vớt tất cả các vụ việc sơ thẩm trong hệ thống Tòa án Liên bang. Thêm vào đó, Tòa án tối cao có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của các Tòa án tối cao của các tiểu bang về tất cả các vụ việc liên quan đến pháp luật của Liên bang. Và cuối cùng, Tòa án tối cao cũng có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của các Tòa án đặc biệt.
Ngoài thẩm quyền xét xử phúc thẩm trên, Tòa án Tối cao còn có thể phúc thẩm các quyết định của các Tòa án tỉnh Liên bang được trực tiếp đưa lên theo thủ tục phúc thẩm. Trong vấn đề xem xét tính hợp hiến, Tòa án tối cao có thẩm quyền phúc thẩm các quyết định của bất kỳ Tòa án Liên bang nào, bao gồm cả các Tòa án tỉnh Liên bang. Trong những thẩm quyền đó, Tòa án tối cao đều có thẩm quyền xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật của Quốc hội Liên bang cũng như Hiến pháp và các đạo luật tiểu bang.
Như vậy, tất cả các Tòa án ở Mỹ đều có thẩm quyền xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật. Việc xem xét này được thực hiện thông qua một vụ việc cụ thể, có thể là sơ thẩm hoặc cũng có thể là phúc thẩm.
2. Thẩm quyền bắt buộc hoặc tự nguyện của Tòa án tối cao
Có rất nhiều vụ việc được đưa lên Tòa án tối cao để được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm, do đó điều thật sự cần thiết là phải giới hạn phạm vi xét xử phúc thẩm của Tòa án tối cao. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm có thể là bắt buộc hoặc là một quyền tự quyết (tự nguyện) của Tòa án tối cao. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm bắt buộc của Tòa án tối cao có nghĩa là Tòa án tối cao bắt buộc phải thực hiện việc xét xử nếu hội đủ những điều kiện Luật định. Ngược tại, đối với các vụ việc khác, Tòa án Tối cao có thể phúc thẩm hoặc không là theo ý của Tòa. Tòa án Tối cao có nghĩa vụ bắt buộc thực hiện việc xét xử phúc thẩm khi quyền phúc thẩm được trao cho một bên đưa một vụ việc lên trước Tòa án tối cao. Những vụ việc này được giới hạn đối với những vấn đề hiến định, theo quy định của Luật và thực tiễn xét xử của Tòa án tối cao. Trong tất cả các vụ việc khác, dù đó có phải là những vấn đề hiến định hay không thì Tòa án tối cao có quyền phúc thẩm hoặc không. Trong các vụ việc này, các bên không có quyền phúc thẩm mà nó được thực hiện thông qua quyển kiến nghị xét lại vụ án (petitions for certiorari). Những vụ việc thuộc phạm vi được giới hạn cũng được giới hạn bởi Luật pháp và thực tiễn xét xử của Tòa án Tối cao.
3. Quyền giám sát tư pháp gắn về việc giải quyết một vụ việc
Quyền giám sát tư pháp, dù là được thực hiện bởi các Tòa án cấp thấp cho đến Tòa án tối cao thì đều phải được thực hiện trong bối cảnh của một vụ kiện tụng cụ thể khi mà vấn đề hợp hiến trở nên có liên quan và cần thiết được giải quyết trong quyết của vụ án đó. Không có một điều kiện đặc biệt nào cho thủ tục này của các Tòa án. Như một tác giả khi nghiên cừu về quyền giám sát tư pháp đã chỉ ra rằng: Vấn đề hợp hiến được nêu ra khi nó liên quan đến vụ việc và do một bên trong vụ việc đưa ra để đòi quyền lợi trong vụ việc đó. Điều này được thực hiện không phụ thuộc vào bản chất của vụ việc là gì. Việc xem xét tính hợp hiến có thể được nêu ra trong vụ việc dân sự giữa các bên khi các yêu cầu về bồi thường thiệt hại hoặc một yêu cầu nào khác được đưa ra, trong một vụ việc hình sự, một bên chống lại các cơ quan công quyền hoặc các cá nhân khác để hạn chế sự áp dụng của một đạo luật hoặc một quy tắc hoặc một hành vi hành chính(6)...
Đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống không tập trung của Mỹ là quyền giám sát tư pháp chỉ được thực hiện thông qua các vụ việc và tranh chấp cụ thể. Quyền giám sát tư pháp trừu tượng (abtract judicial review)(7) không được thực hiện ở Mỹ. Trong vụ việc Frothingham chống Mellon (1923), thẩm phán Sutherland đã kết luận rằng: Chúng ta không có thẩm quyền xem xét và sửa đổi các đạo luật của Quốc hội với lý do chúng không phù hợp với Hiến pháp. Vấn đề này chỉ được nêu ra khi có việc bào chữa liên quan đến sự vi phạm quyền lợi dựa được đưa ra để chống lại một đạo luật. Do đó, thẩm quyền xem xét tính hợp hiến chính là thẩm quyển xác định và tuyên bố đạo luật đó có hiệu lực đối với những kiến nghị đó(8)
Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp khi không có sự yêu cầu của các bên liên quan đến việc xem xét tính hợp hiến của một đạo luật thì khả năng xem xét tính hợp hiến vẫn có thể được thực hiện thông qua một phán quyết giải thích của Tòa án (a declaratory judgement). Đạo luật về phán quyết giải thích Liên bang (Federal Declaratory Judgement Act) năm 1934 đã chấp nhận việc các Tòa án liên bang có thẩm quyền tuyên bố cho các bên các quyền của họ trong một vụ việc cho dù việc bồi thường hoặc một yêu cầu nào khác của các bên không được đưa ra. Những phán quyết giải thích này không chỉ đơn thuần là các ý kiến tư vấn, mà nó được chấp nhận như là một thủ tục giữa các bên để đòi các quyền chính đáng của mình. Do đó, các phán quyết giải thích được coi là các vụ việc, và có thể được sử dụng để có được một phán quyết tư pháp đối với các vấn đề hiến định. Tuy nhiên, việc xem xét tính hợp hiến vẫn phải được đưa ra bởi một bên trong vụ kiện và việc giải quyết nó là cần thiết và không thể thiếu được để giải quyết vụ việc đó.
4. Quyền giám sát tư pháp và lợi ích cá nhân
Như trên đã phân tích, quyền giám sát tư pháp chỉ được thực hiện trong một vụ việc cụ thể. Tuy nhiên thế là chưa đủ, vì Tòa án Tối cao đã thiết lập một nguyên tắc rằng vấn đề hợp hiến chỉ được đưa ra bởi một bên trong vụ việc cụ thể nếu vấn đề đó liên quan đến quyền lợi cá nhân. Bên đưa ra vấn đề hợp hiến phải chỉ ra không những đạo luật đó trái với Hiến pháp, mà còn chỉ ra rằng anh ta (cô ta) bị xâm phạm ngay lập tức và trực tiếp nếu đạo luật đó được thực hiện, chứ không phải đi chứng minh một cách không có giới hạn về thiệt hại giống như đối với tất cả mọi người khác. Liên quan đến vấn đề này, trong việc xem xét quyết định của Quốc hội về vấn đề thuế má, Chánh án Burger trong vụ United States chống Richardson (1974)(9) đã đề cập một nguyên tắc rằng để yêu cầu xem xét tính hợp hiến, nguyên đơn phải có "một khoản tiền cá nhân"... hoặc bị một "sự vi phạm cụ thể"... tóm lại, cái gì đó không phải là "sự khiếu kiện chung chung". Điều này có nghĩa rằng, quyền giám sát tư pháp không chỉ được thực hiện trong một vụ việc cụ thể mà nó còn phải liên quan trực tiếp với quyền và lợi ích của bên đề nghị vấn đề hợp hiến bị ảnh hưởng do đạo luật đó gây ra. Trong trường hợp Tòa án tối cao cho phép các cá nhân, tổ chức hoặc các cơ quan công quyền, mà không phải là các bên của vụ việc quyền đệ đơn ra Tòa về vụ việc đó, thì họ cũng phải có những quyền lợi đặc biệt trong vụ việc đó và hoặc có sự thảo thuận của các bên.
Quy định này của Tòa án tối cao được giải thích rằng nếu không có những sự giới hạn này thì điều đó có nghĩa là các Tòa án sẽ thực hiện quyền giám sát tư pháp trừu tượng với phạm vi rất rộng, vì khi đó các tổ chức chính quyền hoặc các cơ quan tư pháp sẽ có thẩm quyền đề nghị xem xét về tính hợp hiến đối với các đạo luật với lý do là chúng ảnh hưởng đến những lợi ích nào đó, chứ không phải là lợi ích của các bên trong vụ việc.
Các bên không chỉ phải đưa ra vấn đề xem xét tính hợp hiến mà còn phải chứng minh về sự bất hợp hiến của các đạo luật đó. Tòa án Tối cao trong trường hợp này thì lại thừa nhận sự hợp hiến và có giá trị của các đạo luật do Quốc hội thông qua, trừ khi điều ngược lại được chứng minh một cách rõ ràng. Điều đó có nghĩa rằng, nếu một bên trong vụ việc muốn đưa ra vấn đề xem xét về tính hợp hiến của một đạo luật thì người đó vừa phải có những lợi ích liên quan đến việc áp dụng đạo luật đó, vừa phải chứng minh sự vi hiến của các đạo luật đó.
5. Căn cứ và điều kiện tiên quyết của sự bất hợp hiến
Tòa án Tối cao xác lập một nguyên tắc tiếp theo của việc xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật là Tòa án tuyên bố một đạo luật là vi hiến chỉ khi sự bất hợp hiến của đạo luật đó được chứng minh là rõ ràng và không thể phủ nhận được. Trong phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ Fletcher chống lại Peck (1910), Chánh án Marshall đã chỉ ra rằng, sự trái ngược của Hiến pháp và một đạo luật phải được xem xét trong điều kiện thẩm phán cảm thấy sự trái ngược đó một cách rõ ràng và mạnh mẽ.
Ngoài ra, Tòa án Tối cao còn cho rằng sự bất hợp hiến của một đạo luật chỉ được xem xét bởi Tòa án khi quyết định của Tòa án về tính hợp hiến hoặc bất hợp hiến của một đạo luật của Quốc hội là "hoàn toàn cần thiết đối với quyết định của vụ án đó”(10). Điều đó dẫn đến một hệ quả là các Tòa án có thể không xem xét về tính hợp hiến khi quyết định đó không thực sự cần thiết làm thay đổi các quyền và lợi ích của các bên. Vì thế, vấn đề xem xét tính hợp hiến sẽ không được đưa ra khi có cách khác làm thoả mãn yêu cầu của một bên mà không phải xem xét về tính hợp hiến. Nguyên tắc này được Chánh án Marshall đưa ra trong vụ Ex parte Randolph (1833): Nếu vấn đề xem xét về tính hợp hiến của một đạo luật trở nên cần thiết và không thể thiếu được thì Tòa án phải đáp ứng và quyết định. Nhưng nếu vụ việc có thể được xác định theo một chiều hướng khác nếu điều đó là không cần thiết.
Nguyên tắc này đã được Tòa án Tối cao tiếp tục phát triển: Tòa án giải thích các đạo luật, nếu có thể, theo hướng hạn chế xem xét tính hợp hiến của các đạo luật. Đó chính là yêu cầu của Tòa án trong việc xem xét tính hợp hiến các đạo luật của Quốc hội.
6. Những trường hợp ngoại lệ liên quan đến các vấn đề chính trị
Ngoài những điều kiện như trên đã phân tích, Tòa án khi xem xét tính hợp hiến của một đạo luật còn cần phải xét đến các vấn đề chính trị (political questions), đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc phân quyền và "mối quan hệ giữa tư pháp và các nhánh quyền lực khác của Chính quyền liên bang".
Những vấn đề chính trị là những vấn đề về ngoại giao. Trong vụ Ware chống Hylton (1796), Tòa án tối cao chỉ ra "việc quyết định chính sách, các công việc trọng đại không thuộc thẩm quyền xem xét và quyết định của một Tòa án. Thẩm phán Jackson trong vụ Chicago và Southern Air Lines chống lại Waterman đã phán quyết: Các quyết định liên quan đến các quan hệ đối ngoại được giới hạn bởi Hiến pháp được thực hiện bởi các cơ quan chính trị thuộc Chính phủ. Chúng là những quyết định mà cơ quan tư pháp không có quyền cũng như trách nhiệm xem xét và chúng không thuộc đối tượng xem xét của nhánh tư pháp"(11)
Tòa án tối cao cũng chỉ ra một số vấn đề nhất định thuộc về công việc đối nội của Chính phủ, như việc quyết định một tiểu bang có hình thức chính thể mang những đặc trưng của nền cộng hoà hay không, là những vấn đề chính trị, và do đó chúng cũng không thuộc thẩm quyền xem xét của Tòa án. Mặc dù Tòa án tối không xem xét các vấn đề chính trị, Tòa án Tối cao lại có thẩm quyền xem xét một vấn đề có phải là một vấn đề chính trị hay không. "Xem xét một vấn đề nào đó có được Hiến pháp uỷ quyền cho một nhánh quyền hành pháp hay không, hoặc một hành vi của nhánh hành pháp đó có vượt quá thẩm quyền cho phép hay không, là thẩm quyền của Tòa án trong việc giải thích Hiến pháp, và đó là trách nhiệm của Tòa án với tính cách là cơ quan giải thích Hiến pháp cuối cùng"(12)
7. Hiệu lực của các quyết định của Tòa án tuyên bố một đạo luật là vi hiến.
- Hiệu lực với các bên và nguyên tắc án lệ:
Về nguyên tắc, một phán quyết của Tòa án liên quan đến vấn đề hợp hiến chỉ có giá trị áp dụng đối với các bên tham gia vụ việc đó. Do đó, quyết định của Tòa án không có giá trị phổ biến. Tòa án không tuyên bố một đạo luật là vi hiến hoặc bãi bỏ đạo luật đó, vì chỉ có các cơ quan lập pháp mới được trao thẩm quyền sửa đổi hay bãi bỏ đạo luật mà nó thông qua. Do đó, một đạo luật hoặc một quy định của một đạo luật mà Tòa án tuyên bố là vi phạm hiến pháp về hình thức vẫn có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc án lệ, khi Tòa án tối cao tuyên bố một đạo luật là vi hiến thì phán quyết này của Tòa án tối cao sẽ có giá trị đối với các vụ án tương tự sau này của các Tòa án cấp dưới. Do đó, trên thực tế, có thể coi đạo luật đó là không còn có giá trị áp dụng nữa, vì các Tòa án khác sẽ không áp dụng đạo luật đó trong các vụ tương tự.
Phán quyết của Tòa án tối cao có giá trị đối với Toàn bộ các vụ việc tương tự sau này. Nguyên tắc này đã được giải thích trong vụ Cooper chống Aaron (1958). Trong vụ án này, Tòa án tối cao đã áp dụng theo một án lệ đã được thiết lập trước đó trong cụ Brown chống Phòng Giáo dục Topeka (1954). Nguyên tắc án lệ trong các quyết định của Tòa án tối cao làm cơ sở cho việc giải thích Hiến pháp thống nhất của Tòa án để tránh việc chồng tréo trong các quyết định của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc nói chung và các vấn đề liên quan đế hiến pháp nói riêng.
Tuy nhiên, một điều đặc biệt phải chú ý là nguyên tắc án lệ ở không được áp dụng triệt để như trong hệ thống pháp luật của Anh, đặc biệt khi vụ việc đó lại do Tòa án tối cao giải quyết(13). Trong vụ Burnet chống Công ty dầu và khí đốt Coronado, Tòa án tuyên bố: "Nguyên tắc án lệ là một chính sách đúng đắn, vì trong hầu hết các vụ việc thì điều quan trọng nhất là áp dụng những nguyên tắc pháp chế đã được thiết lập chứ không phải là vì nó được quyết định đúng đắn... Nhưng trong các vụ việc liên quan đến Hiến pháp Liên bang, khi mà các sửa đổi trong lĩnh vực lập pháp là không khả thi, Tòa án thường không áp dụng theo như án lệ của các Tòa án trước đó. Tòa án sẽ từ chối áp dụng để giành cho các phán quyết hợp lý hơn bằng việc lý giải rằng qúa trình xét xử oan sai, cũng như các khoa học tự nhiên khác, cũng có trong bản thân hoạt động tư pháp"(14)
Thực tế đã chỉ ra rằng trong nhiều năm qua, một trong những đặc điểm của Tòa án tối cao là Tòa án tối cao thường xuyên không tuân thủ những án lệ trước đó do những người tiền nhiệm ban hành liên quan đến vấn đề xem xét tính hợp hiến(15). Việc làm này còn được giải thích bởi Chánh án Reed trong vụ Smith chống Allwright (1944): "Khi đưa ra các quyết định, chúng tôi không đề cao đến sự thống nhất của các quyết định xem xét tính hợp hiến. Khi bị thuyết phục bởi các sai lầm trước đó, Tòa án không bao giở cảm thấy bị bắt buộc phải tuân theo án lệ. Trong việc xem xét về tính hợp hiến, lịch sử của Tòa án tối cao cho thấy Tòa án có quyền tự do trong việc xem xét cơ sở của các quyết định xem xét tính hợp hiến. Điều này là tập quán đã được chấp nhận từ lâu và tập quán này tồn tại cho tới ngày nay. Điều này càng trở nên đúng đắn khi quyết định trước đó bị cho là không đúng đắn đã được áp dụng chỉ để áp dụng một nguyên tắc hiến pháp chứ không phải là một sự giải thích bản thân nguyên tắc đó của Hiến pháp"(16). Do đó, việc không áp dụng triệt để nguyên tắc án lệ trong việc xem xét tính hợp hiến được lý giải là nhằm mục đích hạn chế những sai lầm trước đó gây ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Tòa án. Trong vụ Linkletter chống Walker (1965), thẩm phán còn lại ra rằng "Chúng ta tin rằng Hiến pháp không cấm cũng không yêu cầu nguyên tắc án lệ.... do đó, để xem giả thuyết đó được chấp nhận theo hướng là chúng ta không bị yêu cầu hay không bị bắt buộc áp dụng nguyên tắc án lệ, chúng ta phải chú ý đến những giá trị và sai lầm trong từng vụ việc bằng việc nhìn vào lịch sử của vấn đề, mục đích và những ảnh hưởng của nó..."(17)
Tóm lại, mặc dù nguyên tắc án lệ được Tòa án Mỹ chấp nhận trong việc xem xét tính hợp hiến, nhưng Tòa án lại có quyền thực hiện nguyên tắc này thể nào và việc thực hiện này là rất khác nhau dựa vào nội dung của quyết định đó. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, một đạo luật bị Tòa án tuyên bố là vi hiến trong hoàn cảnh này, nhưng lại vẫn có giá trị trong hoàn cảnh khác.
- Hiệu lực thực tế của các phán quyết của Tòa án:
Vấn đề xem xét tính hợp hiến chỉ được đặt ra trong một vụ việc cụ thể và bản án đó có giá trị đối với các bên trong vụ việc đó. Tòa án không sửa đổi các đạo luật vi hiến và chúng có giá trị như là án lệ như trên đã phân tích. Bên cạnh đó, có một số cách thức khác để có thể làm cho các đạo luật mất đi hiệu lực thực tế. Có ba trường hợp:
Thứ nhất, sự yêu cầu ban hành một lệnh của Tòa án, một chỉ thị của Tòa án cấp cao hoặc một lệnh đình quyền giam giữ.
Lệnh của Tòa án (the injunction) là lệnh chống lại việc thi hành một đạo luật của một công tố viên hoặc các cơ quan công quyền trong một vụ việc cụ thể. Lệnh này có thể được ban hành trước hoặc sau khi công tố viên hoặc cơ quan công quyền thực hiện đạo luật đó. Khi một cơ quan công quyền hoặc Công tố viên thực hiện một đạo luật và việc thực hiện đạo luật đó làm tổn hại đến các chủ thể khác theo quy định của Hiến pháp, Tòa án có quyền ra Lệnh cấm các chủ thể đó thực thi đạo luật được nhắc tới. Hiệu lực của loại lệnh kiểu này phụ thuộc vào việc cấm này của Tòa án làm cho đạo luật đó vô hiệu về hình thức (its face) hay là do sự áp dụng đạo luật đó trong những hoàn cảnh thực tế đối với cá nhân nêu vấn đề xem xét tính hợp hiến. Trong trường hợp nếu lệnh của Tòa án được ban ra để chống lại việc thực thi một đạo luật xuất phát từ cơ sở rằng đạo luật đó vô hiệu về hình thức xâm phạm đến các quyền hiến pháp, thì lệnh đó của Tòa án có thể đủ để ngăn chặn việc thực thi đạo luật đó đối với bất kể ai khác, do đó Tòa án có thẩm quyền thực tế làm cho một đạo luật không còn có hiệu lực nữa. Trong trường hợp, lệnh này của Tòa án được áp dụng trong một vụ việc cụ thể liên quan đến người nêu vấn đề vi hiến thì lệnh này chỉ có giá trị đối với các bên tham gia vụ việc đó.
Trường hợp thứ hai, chỉ thị của Tòa án (the request for a writ of mandamus). Đây là một loại chỉ thị của Tòa án yêu cầu một công chức thực hiện những đạo luật nhất định liên quan đến người đệ đơn mà công chức đó có nghĩa vụ thực hiện.
Trường hợp cuối cùng là yêu cầu Tòa án ban hành lệnh đình quyền giam giữ (the request for a writ of habeas corpus). Một người nào đó bị bắt giam vì lý do vi phạm một đạo luật hình sự có quyền yêu cầu Tòa án xem xét về tình có hiệu lực của đạo luật đó. Nếu yêu cầu này của người đó được chấp nhận, Tòa án có quyền phóng thích khỏi sự giam giữ.
(1) Khái niệm “Judicial Review" được dùng để chỉ thẩm quyền của Tòa án hoặc một cơ quan chuyên biệt (Tòa Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến) trong việc xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật của Nghị viện cũng như các hoạt động của bộ máy hành pháp, thậm chí một số hoạt động của ngành tư pháp. Do đó, nhiều người dịch khái niệm này là quyền "bảo hiến”, "bảo vệ hiến pháp”. Nhưng nếu khái niệm “judicial Review” được dịch như vậy thi không miêu tả được thẩm quyền giám sát, kiểm tra của một cơ quan tư pháp, để so sánh với quyền giám sát của Nghị viện hoặc quyền kiểm tra, thanh tra của Chính phủ. Do đó, trong bài biệt này, tôi dịch khái niệm này là “Giám sát tư nhân”.
(2) Mô hình này được gọi là mô hình giám sát phi tập trung bởi vì chức năng giám sát tư pháp không thuộc về một cơ quan chuyên biệt nào mà thuộc toàn bộ hệ thống Tòa án thường.
(3) A.Cappelletti, Democracy in Amenca, J. P Mayer và M.Lerner, eds., Lon don, 1968, tr 120 – 124.
(4) United States chống Buaer (1936) 279 US
(5) Missoun chống Holland (1920) 252 US. 346.
(6) Allan R. Brewer – Cari’ás, “Judicial Review in Comparative law”, Cambridge University Press, tr.144.
(7) Quyền giám sát tư pháp trừu tượng là một khái niệm dùng cho hệ thống giám sát tư pháp ở Châu Âu. Theo mô hình này, việc khởi xướng quyền giám sát tư pháp có thể được thực hiện bởi một cơ quan hoặc người có thẩm quyền, thậm trí một cá nhân, công dân trong khi không tồn tại một vụ việc nào liên quan đến vấn đề đó được giải quyết tại Tòa án.
(8) Frothingham chống Mellon (1923) 262, U.S.
(9) United States chống Richardson (1974), 418, US.
(10) Burton chống United States, 196 US.
(11) Vụ Ware chống Hylton (1796) 3 Dallas 199.
(12) Vụ Baker chống Carr, op.cit
(13) Allan R. Brewer-can'as, “Judicial Review in Comparative law”, Cambridge University Press, tr 150.
(14) Vụ Burnet chống Công ty dầu và khí đốt Coronado, 285 US, tr 406
(15) Schwartz. Amencan Constitutional Law Revolution in Retrospect, New York, 1957, tr.345.
(16) Vụ Smith chống Allwright (1944) 321 US. 649.
(17) Vụ Linkletter chống Walker (1965) 381 US. 618.
SOURCE: ĐẶC SAN NGHỀ LUẬT
Trích dẫn từ:
http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Mo_hinh_giam_sat_chinh_quyen_o_My/2.viePortal
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét