NGUYỄN NGỌC KHÁNH
Về bản chất, nghĩa vụ hợp đồng là quan hệ tạm thời, và thậm chí là quan hệ ngắn hạn phải được chấm dứt vào một lúc nào đó. Phương thức thông thường nhất để chấm dứt nghĩa vụ hợp đồng là việc thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng[1]. ở nước ta, khi thực hiện hợp đồng, các bên không những chịu sự điều chỉnh trực tiếp của những quy định chung tại mục 7 Chương XVII, Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) về thực hiện hợp đồng (từ Điều 412 đến Điều 422), mà còn phải tuân thủ những quy định chung tại mục 2 Chương XVII, BLDS 2005 về thực hiện nghĩa vụ dân sự (từ Điều 283 - Điều 301) và những quy định riêng của BLDS 2005 về thực hiện những hợp đồng thông dụng.
1. Đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng
Khi đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, từ phía người có thẩm quyền bao giờ cũng nảy sinh hai câu hỏi độc lập: người có nghĩa vụ đã thực hiện những hành vi hai bên cam kết chưa? Nếu có, thì đã thực hiện như thế nào và có đúng không?[2] Trường hợp thứ nhất là nói về việc thực hiện những hành vi (hoặc không được thực hiện những hành vi) thuộc đối tượng của hợp đồng - hay còn gọi là việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế (NVHĐTT); trường hợp thứ hai là nói về “chất lượng” thực hiện nghĩa vụ đến đâu, tức là việc bên có nghĩa vụ có tuân thủ đúng hay không đúng các điều kiện về nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận (hoặc pháp luật có quy định), như: điều kiện về đối tượng, điều kiện về địa điểm, điều kiện về thời hạn, điều kiện về phương thức thực hiện … Nếu tuân thủ đúng các điều kiện này, có thể nói rằng, bên có nghĩa vụ đã thực hiện NVHĐTT và đồng thời thực hiện đúng nghĩa vụ. Ngược lại, nếu các điều kiện về nghĩa vụ không được tuân thủ nghiêm ngặt, bên có nghĩa vụ dù đã thực hiện những hành vi thuộc đối tượng của hợp đồng vẫn sẽ bị coi là thực hiện không đúng nghĩa vụ. Dựa trên sự khác biệt giữa hai trường hợp này, pháp luật nhiều nước nhìn chung đều thừa nhận vị trí riêng biệt của việc thực hiện NVHĐTT và việc thực hiện đúng nghĩa vụ. Điều này được thể hiện rất rõ trong thực tiễn xét xử cũng như trong luật thực định các nước như Anh, Nga, Đức …
Trong chế định hợp đồng của những nước này có sự phân biệt trường hợp thực hiện NVHĐTT và trường hợp thực hiện đúng nghĩa vụ. Khi một bên không thực hiện NVHĐTT hoặc tuy có thực hiện, nhưng thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì có thể phải chịu những chế tài và hậu quả pháp lý khác nhau. ở nước ta, quan điểm về sự phân biệt giữa thực hiện NVHĐTT và thực hiện đúng nghĩa vụ cũng đã được BLDS 2005 đặt ra ở một mức độ nhất định (dù chưa được thể hiện một cách hệ thống và rõ ràng). Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 302 BLDS 2005, trách nhiệm dân sự cũng được phân chia thành hai trường hợp, đó là trách nhiệm do không thực hiện NVHĐTT và trách nhiệm do thực hiện không đúng nghĩa vụ. Hoặc theo quy định tại Điều 303 BLDS 2005, các nhà làm luật cũng phân biệt hai tình huống: khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định (tức là khi không thực hiện NVHĐTT, người có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật; nếu giao vật bị hư hỏng (tức là khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng), thì bên có nghĩa vụ phải thanh toán giá trị của vật, và bồi thường thiệt hại cho bên có quyền v.v..
2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế
Nguyên tắc thực hiện NVHĐTT đòi hỏi người có nghĩa vụ (con nợ) tự nguyện thi hành những hành vi (hoặc không được thực hiện những hành vi) thuộc đối tượng của hợp đồng (như chuyển giao vật, chuyển giao quyền, thực hiện một công việc nhất định …) mà không được phép tùy tiện thay thế nghĩa vụ bằng việc trả một khoản tiền tương đương. Để bảo đảm cho nguyên tắc thực hiện NVHĐTT, bộ luật dân sự nhiều nước theo truyền thống civil law như Đức, Nga, Nhật Bản … đều thiết lập một nguyên tắc chung, theo đó, việc trả tiền phạt vi phạm và (hoặc) bồi thường thiệt hại do thực hiện không đúng nghĩa vụ không đương nhiên miễn trừ việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ trên thực tế đối với con nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ví dụ, nếu hai bên không có thỏa thuận khác, thì việc bồi thường thiệt hại không đương nhiên giải phóng con nợ khỏi nghĩa vụ chuyển giao chiếc bình cổ có tỳ vết (do lỗi của con nợ) cho người có quyền (chủ nợ); hoặc nếu quá thời hạn mà nghĩa vụ xây nhà vẫn chưa hoàn thành, thì việc thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hoặc (và) bồi thường thiệt hại cũng không đương nhiên miễn trừ cho con nợ trách nhiệm phải tiếp tục xây nhà (tất nhiên là trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác)…
Nguyên tắc thực hiện NVHĐTT mang tính bắt buộc song hết sức linh hoạt, uyển chuyển. Điều đó lý giải tại sao đi kèm với nguyên tắc thực hiện NVHĐTT, bộ luật dân sự các nước thường sử dụng cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. ở đây, cụm từ “pháp luật có quy định khác” hàm ý: nếu pháp luật không có quy định, chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc con nợ phải thi hành NVHĐTT (cho dù con nợ đã bồi thường thiệt hại); ngược lại, nếu “pháp luật có quy định khác” thì thay vì yêu cầu cưỡng chế thực hiện NVHĐTT, chủ nợ chỉ có thể tự mình thực hiện thay hoặc giao cho người khác thực hiện thay nghĩa vụ đó, hoặc yêu cầu Tòa án buộc con nợ trả tiền phạt vi phạm hoặc và (hoặc) bồi thường thiệt hại do NVHĐTT không được con nợ tự nguyện thi hành, hoặc thi hành không đúng, không đầy đủ.
3. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế
Tiêu chí xác định và trường hợp chủ nợ không có quyền yêu cầu Toà án cưỡng chế thi hành NVHĐTT là: thứ nhất, lẽ đương nhiên, Toà án không thể ra phán quyết buộc con nợ thi hành NVHĐTT nếu nghĩa vụ đó trở nên không thể thực hiện được sau khi các bên đã ký kết hợp đồng (không quan trọng đó là vì lý do khách quan hay vì lý do chủ quan). Chẳng hạn, khi lọ hoa cổ bị mất, khi bức tranh của họa sĩ nổi tiếng thời xưa bị tiêu hủy, khi hàng hóa không thể xuất khẩu do nhà nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng đó sau khi hợp đồng đã ký kết, hoặc khi người nghệ sĩ xiếc bị ốm và bị bác sĩ cấm biểu diễn, Tòa án không được phép ra phán quyết cưỡng chế thi hành NVHĐTT. Ngoài ra, theo luật của Đức, cũng được coi là nghĩa vụ trở nên không thể thực hiện được, nếu căn cứ vào bản chất, nội dung của quan hệ hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ trên thực tế chỉ có ý nghĩa khi nó được thực hiện đúng (hoặc trong) thời hạn đã định. Ví dụ, khi bánh ga -tô phải hoàn thành trước lễ cưới, khi người ca sĩ phải biểu diễn vào đúng đêm giao thừa, hoặc khi chiếc váy phải được may trước cuộc thi hoa hậu, thì trong trường hợp quá hạn mà nghĩa vụ chưa được thực hiện hoặc mới chỉ được thực hiện một phần, quyền yêu cầu Tòa án cưỡng chế thi hành NVHĐTT cũng bị loại trừ[3]. Thứ hai,xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự do và các giá trị nhân thân của con người, pháp luật các nước không thừa nhận việc cưỡng chế thi hành NVHĐTT bằng mọi giá mà không có bất cứ sự hạn chế nào. Nếu đối với các nghĩa vụ như trả tiền, chuyển giao tài sản nhất định hay chuyển giao quyền có thể cưỡng chế thi hành được, thì đối với những nghĩa vụ liên quan đến quyền tự do và các giá trị nhân thân khác của cá nhân người mắc nợ, theo nguyên tắc chung, pháp luật không cho phép cưỡng chế thi hành đối với những loại nghĩa vụ này. Chẳng hạn, không thể căn cứ vào hợp đồng đã giao kết để cưỡng chế một nhạc sĩ sáng tác một bài hát, hay một học giả viết một cuốn giáo trình, hoặc một nhà văn hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, vì việc sáng tạo những tác phẩm này còn phụ thuộc vào chính ý chí của người mắc nợ cũng như các phẩm chất trí tuệ, tâm trạng, năng lực tập trung và nhiều yếu tố nhân thân khác.
Trong các tình huống nêu trên, chủ nợ chỉ có thể thỏa mãn những đòi hỏi của mình bằng cách tự mình thực hiện thay hoặc giao cho người khác thực hiện thay nghĩa vụ, hoặc đưa ra yêu cầu trả tiền phạt vi phạm và (hoặc) bồi thường thiệt hại do người mắc nợ không thực hiện (hoặc không thể thực hiện) NVHĐTT.
Nếu ở các nước theo truyền thống civil law, về nguyên tắc, chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án cưỡng chế thi hành NVHĐTT, thì ở các nước theo truyền thống thông luật common law, nhất là ở Anh, Mỹ, các luật gia lại có quan điểm ngược lại. Ngay vào thế kỷ XIX, luật gia Anh, O.W. Holmes, trong cuốn “The common law (1881)” đã khẳng định, hậu quả pháp lý duy nhất và bao quát cho mọi trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện, đó là luật cần bắt buộc người có nghĩa vụ phải trả tiền bồi thường thiệt hại. Do đó, có thể nói, trong hệ thống thông luật common law, việc cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trên thực tế luôn được coi là ngoại lệ.
Điều kiện chấp nhận cưỡng chế thi hành NVHĐTT: Để Tòa án chấp nhận yêu cầu cưỡng chế thi hành NVHĐTT, vụ việc tranh chấp phải thỏa mãn một hoặc một số điều kiện nhất định. Theo TS. Konrad Zweigert và TS. Hein Kotz trong cuốn “Nhập môn so sánh trong lĩnh vực luật tư (1998)”, điều kiện quan trọng nhất để Tòa án có thể ra phán quyết cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trên thực tế là, khi Tòa án thấy rằng, khoản tiền bồi thường sẽ “không thích hợp” vì lợi ích của chủ nợ rõ ràng không thể xác định ngang giá bằng tiền. Ví dụ, đối với hợp đồng mua bán một mảnh đất cụ thể ở một vị trí cụ thể, lợi ích của người mua rất khó xác định một cách “thích hợp” bằng tiền, do đó, Tòa án có thể cưỡng chế người bán chuyển giao quyền sở hữu mảnh đất cho người mua. Cũng như vậy, đối với hàng hóa đặc định hoặc được cá biệt hóa (specific or ascertained goods - mục 52 Luật về bán hàng hóa năm 1979 - Sale of Goods Act 1979), việc yêu cầu cưỡng chế bên bán giao hàng cũng có thể được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý là, quy tắc này không loại trừ một số trường hợp, Tòa án vẫn có thể ra phán quyết cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trên thực tế đối với cả hợp đồng mua bán hàng hóa là vật cùng loại (Xem hộp 1).
Hộp 1
Trong vụ kiện năm 1974 về việc bên bán đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu dài hạn giữa công ty Sky Petroleum - bên mua và công ty V.I.P. Petroleum - bên bán, theo yêu cầu của bên mua là công ty Sky Petroleum, Tòa án đã bác phương án bồi thường thiệt hại của bên bán là công ty V.I.P. Petroleum và quyết định buộc bên này phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bán xăng dầu cho bên mua, với lý do: tuy xăng dầu là vật cùng loại nhưng vì đang trong giai đoạn khủng hoảng, nên bên mua gần như không thể có khả năng mua xăng dầu từ nguồn cung cấp khác (K. Zweigert, H. Kotz Sđd, p. 212, 213).
Tiêu chí kế tiếp mà các Tòa án Anh - Mỹ cũng thường dựa vào để ra phán quyết cưỡng chế thi hành NVHĐTT là: khi Tòa án thấy rằng việc bắt buộc thi hành nghĩa vụ trên thực tế sẽ dẫn đến kết quả như mong muốn hoặc (và) có thể kiểm soát được. Nếu kết luận rằng, việc xác định sự kiện không thực hiện nghĩa vụ hoặc có thể rất khó khăn, hoặc có thể đòi hỏi quá nhiều thời gian không cần thiết, hoặc có thể bị trì hoãn hàng năm trời do kéo dài thời hạn thực hiện, thì căn cứ vào những tình tiết này, Tòa án có thể bác yêu cầu cưỡng chế thi hành NVHĐTT. Chẳng hạn, đơn kiện yêu cầu cưỡng chế thi hành nghĩa vụ hợp đồng thầu xây dựng những công trình lớn sẽ khó được chấp nhận, bởi vì việc cưỡng chế thực hiện những công việc này đòi hỏi phải có sự giám sát thường xuyên và lâu dài của Tòa án (constant superintendance by the court).
Ngoài ra, để việc thi hành NVHĐTT có thể được cưỡng chế, thì cũng như ở các nước theo truyền thống civil Law, ở Anh, Mỹ những nghĩa vụ đó phải là những nghĩa vụ không trực tiếp gắn với nhân thân của người mắc nợ. Theo các thẩm phán Anh, Mỹ, ít nhất có hai lý do không nên cưỡng chế thi hành những nghĩa vụ hợp đồng trực tiếp gắn với nhân thân của người mắc nợ: một là, không nên buộc cá nhân một người phải làm “nô lệ” trái với ý chí của họ; và hai là, giải pháp cưỡng chế thi hành chưa chắc đã đem lại kết quả như mong muốn. Đó cũng là lý do Tòa án viện dẫn trong một vụ kiện khi xử không chấp nhận yêu cầu bắt buộc người ca sĩ phải biểu diễn một chương trình ca nhạc. Trong trường hợp này, giải pháp hiệu quả nhất mà Tòa án có thể làm là ra lệnh cấm (injunction) người ca sĩ đó biểu diễn trong chương trình ca nhạc khác do các đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn tổ chức, tất nhiên là với điều kiện: trong hợp đồng biểu diễn ca nhạc ban đầu phải có thỏa thuận rằng, ca sĩ chỉ được biểu diễn trong những chương trình ca nhạc do nguyên đơn đứng ra tổ chức[4].
Tương tự như vậy, theo quy định tại Điều 7.2.2 Bộ nguyên tắc của Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế 2004, thì một nghĩa vụ cũng không thể cưỡng chế thực hiện trên thực tế nếu việc thực hiện nghĩa vụ đó mang tính tuyệt đối cá nhân. Nghĩa vụ mang tính tuyệt đối cá nhân nếu nó không thể được giao cho cá nhân khác thực hiện và nếu nó đòi hỏi những khả năng cá biệt mang tính nghệ thuật hay khoa học, hoặc có liên quan đến một quan hệ mật thiết và riêng tư. Không được coi là nghĩa vụ mang tính tuyệt đối cá nhân nếu đó là các hoạt động thông thường của luật sư, bác sĩ hay kỹ sư, bởi vì, chúng có thể được chuyển giao và được thực hiện bởi người khác có cùng chất lượng đào tạo và kinh nghiệm (Xem hộp 2)
Hộp 2
“Nếu một công ty kiến trúc cam kết thiết kế một dãy ngôi nhà riêng, thì nghĩa vụ này có thể bị cưỡng chế bắt buộc thực hiện vì công ty này có thể giao phó nhiệm vụ đó cho một thành viên bất kỳ của công ty hoặc một kiến trúc sư khác thực hiện. Tuy nhiên, nếu một kiến trúc sư nổi tiếng cam kết thiết kế ngôi nhà tòa thị chính mới mang biểu tượng của một thành phố của thế kỷ XXI, thì nghĩa vụ đó sẽ không thể được cưỡng chế bắt buộc thực hiện trái với ý chí của người kiến trúc sư, bởi vì công việc này không chỉ mang tính độc nhất mà nó còn đòi hỏi một số khả năng đặc biệt” (Bộ nguyên tắc của Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nxb. Tư pháp, Hà Nội - 2005, tr. 336)
Từ những điều trên đây cho thấy, dù thuộc về các hệ thống pháp luật khác nhau, song pháp luật các nước đều nhìn nhận sự cần thiết phải điều chỉnh vấn đề thi hành NVHĐTT. Do đó, các hệ thống pháp luật của Anh, Mỹ, Đức, Nga… đều đưa ra các căn cứ (hoặc các điều kiện) làm cơ sở cho việc xác định những trường hợp nào yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trên thực tế có thể được Tòa án bảo vệ, những trường hợp nào bên có quyền chỉ có thể tự mình thực hiện thay hoặc giao cho người khác thực hiện thay nghĩa vụ, hoặc đòi trả tiền phạt vi phạm và (hoặc) bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (Xem hộp 3).
Hộp 3
Năm 1950, tại Pháp, có bị đơn đã giao kết hợp đồng mua một mảnh đất của nguyên đơn với điều kiện bị đơn phải có nghĩa vụ chăm sóc thường xuyên và suốt đời cho nguyên đơn, bao gồm cả nghĩa vụ cấp dưỡng bằng một khoản tiền và nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe, nghĩa vụ cung cấp thực phẩm ăn uống và quần áo. Sau một thời gian, do có bất hòa không thể hòa giải, bị đơn từ chối tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chăm sóc suốt đời. Nguyên đơn kiện ra tòa yêu cầu bị đơn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc nếu không thì hủy hợp đồng. Xét thấy không thể cưỡng chế thi hành trên thực tế nghĩa vụ chăm sóc suốt đời sau khi hai bên đã có bất hòa trầm trọng, Tòa án cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều đưa ra phán quyết tuyên buộc bị đơn, thay vì thực hiện toàn bộ NVHĐTT, phải đền bù cho nguyên đơn một khoản tiền trị giá tương đương với nghĩa vụ chăm sóc suốt đời. (K. Zweigert, H. Kotz Sđd, tr. 233.)
4. Thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế theo Bộ luật Dân sự năm 2005
Trong BLDS 2005, nguyên tắc nghĩa vụ hợp đồng phải được thi hành trên thực tế ban đầu đã được khẳng định một cách khái quát thông qua một quy định gián tiếp tại khoản 1 Điều 302: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự với người có quyền”. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa nguyên tắc này (tại các Điều 303, 304, 305), các nhà làm luật lại đưa ra những quy định bất hợp lý và không nhất quán đến mức khó hiểu. Chẳng hạn, theo quy định của Điều 303 BLDS 2005, khi vật đặc định cần chuyển giao bị hư hỏng thì chủ nợ chỉ có quyền yêu cầu thanh toán giá trị của vật và bồi thường thiệt hại (nếu có). ở đây, không hiểu tại sao Điều 303 BLDS 2005 lại tước bỏ quyền của chủ nợ được tự mình lựa chọn phương án yêu cầu người mắc nợ thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định (dù bị hư hỏng), đồng thời bồi thường thiệt hại, khi quyền đó là logic thông thường và đơn giản nhất của cuộc sống! Hoặc như quy định tại khoản 1 Điều 304 BLDS 2005 cũng chưa hợp lý khi cho phép bên có quyền có thể yêu cầu Tòa án cưỡng chế bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện một công việc nhất định, cho dù công việc đó trực tiếp gắn với nhân thân của người có nghĩa vụ (tại các Điều 55, 56 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 cũng cho phép cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc làm công việc nhất định - mà không loại trừ công việc trực tiếp gắn với nhân thân của người phải thi hành án - nếu không thực hiện thì bị xử phạt hành chính và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Vấn đề đặt ra là, nếu cưỡng chế một nhạc sĩ sáng tác một bài hát, hay một học giả viết một cuốn giáo trình, hoặc một nhà văn hoàn thành một cuốn tiểu thuyết hay bất cứ một công việc nào khác trực tiếp gắn với nhân thân của người có nghĩa vụ, thì điều đó có đem lại kết quả tích cực? Đấy là chưa kể đến việc cho phép cưỡng chế thi hành những nghĩa vụ trực tiếp gắn với nhân thân của người mắc nợ là mâu thuẫn với quyền tự do và các giá trị nhân thân khác của con người. Hơn nữa, tại sao trong khi quy định tại Điều 303 BLDS 2005 không chấp nhận việc chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án cưỡng chế người mắc nợ thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định (dù bị hư hỏng) và bồi thường thiệt hại, mà quy định tại khoản 1 Điều 304 BLDS 2005 lại cho phép chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án cưỡng chế người mắc nợ tiếp tục thực hiện một công việc nhất định, cho dù công việc đó trực tiếp gắn với nhân thân của người mắc nợ?
Tham khảo tiếp nội dung của khoản 1 Điều 305 BLDS 2005, khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại. Từ quy định này có thể hiểu, theo yêu cầu của chủ nợ, Tòa án có thể cưỡng chế thi hành tất cả những nghĩa vụ hợp đồng bị quá hạn, bao gồm cả những nghĩa vụ hợp đồng mà việc thực hiện nghĩa vụ này chỉ có ý nghĩa khi nó được thực hiện đúng (hoặc trong) thời hạn đã định. Tuy nhiên, như đã phân tích kinh nghiệm các nước ở trên, việc cưỡng chế thi hành những loại nghĩa vụ này không chỉ thiếu căn cứ thực tiễn mà còn là “việc rất không khoa học”. Những ví dụ nêu trên về ba trường hợp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ quá hạn (trường hợp khi bánh ga -to phải hoàn thành trước lễ cưới, khi người ca sĩ phải biểu diễn vào đúng đêm giao thừa, hoặc khi chiếc váy phải được may trước cuộc thi hoa hậu) minh họa cho nhận định này.
Những phân tích nêu trên cho thấy, các quy tắc về thi hành NVHĐTT trong BLDS 2005 còn chưa được phát triển bởi một định hướng rõ ràng. Và một khi chưa có định hướng rõ ràng, thì việc Tòa án ra phán quyết cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không mang tính khả thi và không được dư luận đồng tình cũng là điều dễ hiểu. Vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng, việc làm sáng tỏ các tiêu chí (các điều kiện) để phân biệt rõ những trường hợp nào thì yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trên thực tế có thể được chấp nhận (như nghĩa vụ chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả một khoản tiền …), những trường hợp nào bên có quyền chỉ có thể tự mình thực hiện thay hoặc giao cho người khác thực hiện thay nghĩa vụ, hoặc đòi trả tiền phạt vi phạm và (hoặc) bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, là một việc làm cần thiết hiện nay. Việc đưa ra các tiêu chí (hay các điều kiện) để phân biệt cần phải quán triệt nguyên tắc: chúng ta không thể không chấp nhận một quy tắc cơ bản đã được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận, đó là, yêu cầu cưỡng chế thi hành NVHĐTT sẽ không được chấp nhận nếu nghĩa vụ đó trực tiếp gắn với nhân thân của người mắc nợ, hoặc nếu nghĩa vụ đó trở nên không thể thực hiện được sau khi các bên đã ký kết hợp đồng.
---------------
[1] Xem TS. Nguyễn Ngọc Đào - Luật La mã, Nxb…Hà Nội, 1994, tr.105.
[2] Xem M. I. Braginskiji, V. V. Vitrijanskiji Luật hợp đồng, Nxb. Statut, Mátxcơva, 1998 tr. 335.
[3] Xem K. Zweigert, H. Kotz Nhập môn so sánh trong lĩnh vực luật tư, Nxb. Quan hệ quốc tế, Mátxcơva, 1998, tr. 201.
[4] Xem K. Zweigert, H. Kotz Sđd, tr. 213, 214.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 91 THÁNG 2 NĂM 2007
Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/thuc-hien-nghia-vu-hop-111ong-tren-thuc-te-1/?searchterm="SỞ%20HỮU"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét