Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

VĂN HÓA PHÁP LUẬT PHÁP VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỚI PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

PGS.TS. THÁI VĨNH THẮNG

1. Các đặc điểm cơ bản của văn hoá pháp luật Pháp

1.1. Ảnh hưởng từ văn hoá pháp luật La Mã

Các bộ luật lớn của Pháp như Bộ luật dân sự Napoleon 1804, Bộ luật Thương mại năm 1807 đều được hình thành trên cơ sở kết hợp luật tập quán địa phương và luật La Mã. Luật La Mã được nghiên cứu tại các trường đại học của Pháp và được coi là nguồn luật bổ sung, được áp dụng trực tiếp nếu luật pháp thành văn và tập quán pháp luật của họ chưa có quy định đối với quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh pháp luật. “Corpus juris civilis” được tiếp nhận rộng rãi ở Pháp cũng như ở các nước lục địa châu Âu.

1. 2. Nơi khởi nguồn của nhiều tư tưởng pháp luật tiến bộ

Nhiều tư tưởng pháp luật tiến bộ được xuất phát từ nước Pháp. Tư tưởng pháp luật tự nhiên về quyền công dân và quyền con người thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và công dân quyền của Pháp năm 1789; tư tưởng phân chia quyền lực và kiềm chế đối trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thể hiện rõ trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, tư tưởng chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ trong tác phẩm “Khế ước xã hội” của Jean Jaques Rousseau.

1.3. Hệ thống luật được phân chia thành công pháp và tư pháp

Do ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã, hệ thống pháp luật Pháp được phân chia thành Jus publicum (công pháp), Jus privatum (tư pháp). Công pháp bao gồm những ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, các quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa các cơ quan nhà nước với tư nhân. Công pháp là gồm các ngành luật như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Ngân hàng, Luật Tài chính… Tư pháp bao gồm các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Tư pháp bao gồm các ngành luật như Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Thương mại.

Cơ sở để phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp là phương pháp điều chỉnh (phương pháp tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội). Phương pháp điều chỉnh đặc trưng của tư pháp là phương pháp tự do thỏa thuận ý chí và bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật. Còn phương pháp điều chỉnh của công pháp chủ yếu là phương pháp mệnh lệnh. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp (Jus publicum và Jus privatum) có liên quan tới các cuộc đấu tranh về quyền lực chính trị thế kỷ XVII bởi vì việc phân chia này được xem là ý muốn của những người bảo hoàng muốn áp đặt chế độ quân chủ trong pháp luật7, theo đó chỉ có tư pháp mới là lĩnh vực tự do của các nhà luật học, còn công pháp là lĩnh vực mà các nhà khoa học pháp lý cần phải kiêng kỵ, vì đó được coi như là "khu vực cấm".

1.4. Hệ thống pháp luật coi trọng lý luận pháp luật

Ngay từ thế kỷ XII, khi Trường đại học Paris mới ra đời, quan điểm của các giáo sư đại học lúc này đã là: pháp luật là công cụ, là mô hình tổ chức xã hội, là cái Sollen (cái cần phải làm) chứ không phải là Sein (cái đang xảy ra trong thực tiễn). Quan điểm này được duy trì trong những thế kỷ tiếp theo. Các học thuyết pháp luật, các nguyên tắc pháp luật được coi là nguồn của pháp luật. Các bộ luật của Pháp thông thường đi từ cái chung đến cái riêng mặc dù nhiều bộ luật không có sự tách bạch thành phần chung và phần riêng. ở phần đầu các bộ luật các khái niệm chung được trình bày một cách rõ ràng, rành mạch. Các bộ luật thường bắt đầu bằng các khái niệm chung làm cơ sở lý luận cho các phần sau và thông thường được xây dựng theo tư duy lôgic từ cái khái quát đến cái cụ thể, từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái hữu hình, từ nguyên tắc chung đến các tình huống cụ thể, từ lý luận đến thực tiễn.

1.5. Hệ thống pháp luật có trình độ hệ thống hoá, pháp điển hoá cao

Ngoài các bộ luật thông thường như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Thương mại... các quốc gia lục địa châu Âu đã xây dựng nhiều bộ luật khác như Bộ luật Đất đai, Bộ luật Tổ chức hệ thống toà án hành chính, Bộ luật Tốtụng hành chính, Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Hàng không, Bộ luật Bầu cử, Bộ luật Thuế, Bộ luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Tiêu dùng, Bộ luật Nông thôn, Bộ luật về các Toà án tài chính, Bộ luật chung về Các chính quyền địa phương, Bộ luật Y tế công, Bộ luật Tiền tệ và tài chính, Bộ luật Môi trường, Bộ luật Hỗ trợ xã hội và gia đình, Bộ luật Quốc phòng, Bộ luật Du lịch, Bộ luật Di sản và nghiên cứu v.v.. Nhờ xây dựng được nhiều bộ luật, việc nghiên cứu, thực hiện và áp dụng pháp luật trở nên dễ dàng hơn. Các quy phạm pháp luật trong các bộ luật thường rất cụ thể với các chế tài rõ ràng, vì vậy có thể áp dụng trực tiếp vào các quan hệ xã hội mà không cần thông qua một văn bản pháp luật trung gian như nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành.

1.6. Hệ thống pháp luật không coi tiền lệ pháp luật là một hình thức pháp luật thông dụng và phổ biến như pháp luật thành văn

Khác với hệ thống pháp luật Anh, Mỹ, hệ thống pháp luật Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết phân chia quyền lực, nên không thừa nhận vai trò lập pháp của các cơ quan xét xử. Sau cách mạng 1789, các luật gia Pháp hầu như có quan điểm tương đối thống nhất rằng lập pháp là hoạt động của Nghị viện, Toà án là cơ quan áp dụng luật để xét xử chứ không phải bằng hoạt động xét xử tạo ra luật. Án lệ là hình thức pháp luật không được khuyến khích phát triển và chỉ áp dụng một cách hạn chế như là một hình thức khắc phục khiếm khuyết của pháp luật thành văn.

1.7. Nghề luật phát triển và có uy tín trong xã hội

Từ thời kỳ La Mã cổ đại, pháp luật và những người bảo vệ pháp luật đã được xã hội coi trọng. Thời đó người La Mã đã quan niệm: “Lex est norma resti” (Law is a rule of right) nghĩa là pháp luật là quy tắc của lẽ phải. Người La Mã cũng có câu thành ngữ “Lex est dictamen rationis” (Law is the dictate of reason) - pháp luật là mệnh lệnh của công bằng, công lý. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá pháp luật La Mã nên người Pháp cũng rất coi trọng pháp luật và những người chọn sự nghiệp bảo vệ pháp luật làm nghề nghiệp của mình. ở Pháp cũng như nhiều nước lục địa châu Âu, quyền tư pháp được tách khỏi quyền lập pháp, hành pháp và là một nhánh quyền lực hoàn toàn độc lập. Để đảm bảo cho thẩm phán độc lập, ngoài việc được bổ nhiệm suốt đời, thẩm phán còn được hưởng một khoản lương rất cao so với các nghề nghiệp khác. Hơn thế nữa, trụ sở toà án ở Pháp thường là nơi có kiến trúc đẹp nhất trong các loại công sở, thường đó là các lâu đài đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm, vì vậy người Pháp đặt tên các trụ sở toà án là Palais de Justice - Lâu đài công lý.

2. Ảnh hưởng của văn hoá pháp luật Pháp với quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật ở Việt Nam

2.1 Ảnh hưởng của văn hoá pháp luật Pháp vào hoạt động lập hiến ở Việt Nam

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, đặc biệt là Bản Tuyên ngôn Dân quyền và công dân quyền của nước Pháp 1789, Hiến pháp 1791 và các bản Hiến pháp tiếp theo của Pháp, giới trí thức Việt Nam đã tranh luận sôi nổi về việc xây dựng một bản Hiến pháp cho Việt Nam. Trên tờ tạp chí “Nam Phong” đã diễn ra cuộc bút chiến sôi nổi giữa hai nhà văn Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh về thiết lập một nền quân chủ lập hiến hay một nền hành chính trực trị. Phạm Quỳnh cho rằng nên xây dựng một nền quân chủ lập hiến trong đó đảm bảo quyền dân chủ cho người dân An Nam, quyền cai trị cho Hoàng đế An Nam và quyền bảo hộ cho Chính phủ Pháp. Còn nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, sau khi phân tích sự thối nát và bảo thủ, lạc hậu của chế độ quân chủ ở Việt Nam đã kiến nghị bãi bỏ chế độ quân chủ, thiết lập một nền hành chính trực trị do Chính phủ bảo hộ Pháp thực hiện. Khác với Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, các nhà cách mạng yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra sức tuyên truyền cho việc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thiết lập và bảo vệ các quyền tự do dân chủ cho người dân An Nam, quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã trình lên Hội nghị Vessailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam trong đó có điểm thứ 7, yêu cầu ban hành cho người dân An Nam một bản Hiến pháp. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, mơ ước của người dân Việt Nam về một bản Hiến pháp cho người dân Việt Nam đã có điều kiện biến thành hiện thực. Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp 1946 đã được xây dựng.

Hiến pháp 1946, mặc dù được xây dựng trong một thời gian không dài nhưng đây là bản Hiến pháp kết tinh được những tinh hoa của hiến pháp tư sản, đặc biệt là các bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hoà Pháp. Mô hình chính thể theo Hiến pháp 1946 là mô hình kết hợp giữa chính thể Cộng hoà tổng thống của Hoa Kỳ và Cộng hoà lưỡng tính của nước Pháp.

2.2 Ảnh hưởng của văn hoá pháp luật Pháp với việc xây dựng và thực hiện các bộ luật dân sự ở Việt Nam

Trong thời thực dân Pháp đô hộ, dưới sự ảnh hưởng của Bộ luật Dân sự Napoleon 1804, một số Bộ luật Dân sự Việt Nam đã được ban hành:

- Bộ luật Dân sự giản yếu của Nam Kỳ được ban hành năm 1884 (Precis de legislation civile). Bộ luật này gồm có 11 thiên quy định về các vấn đề nhân thân, hộ tịch, giá thú, ly hôn, phụ hệ, con nuôi, giám hộ.. Bộ luật này có kết cấu giống với Bộ luật Dân sự Napoleon, thậm chí có nhiều thiên trong bộ luật sao chép y nguyên nội dung Bộ luật Dân sự của Pháp. Do vậy, Bộ luật này không phản ánh được các phong tục của người Việt Nam. Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã nhận xét rằng, Bộ luật này thiên về tính cách cá nhân, trong khi truyền thống của người Việt trọng về gia đình. Bộ luật này chỉ chú trọng các vấn đề cá nhân, kết hôn, ly hôn… trong khi đó các vấn đề quan trọng như hợp đồng, chế độ tài sản của vợ chồng, thừa kế lại không được quy định. Vì bộ luật này có nhiều thiếu sót, nên khi cần thiết thường phải áp dụng các quy định của Bộ luật Gia Long và Hồng Đức.

- Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ được ban hành năm 1931. Bộ luật này còn được gọi là Bộ luật Morché (Thống sứ Bắc Kỳ). Bộ luật này được chuẩn bị khá công phu, tuy nhiên hoàn toàn theo tinh thần của người Pháp. Ngày 6/7/1917, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành một Nghị định thiết lập một uỷ ban Việt - Pháp để xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ. Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 gồm 1455 Điều chia thành 1 Thiên sơ bộ và 4 Quyển. Trong Thiên sơ bộ quy định các nguyên tắc của luật dân sự hiện đại như nguyên tắc bất hồi tố, nguyên tắc bình đẳng và tự do cá nhân, nguyên tắc tôn trọng quyền tư hữu, nguyên tắc tự do khế ước. Quyển thứ nhất của Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ thể hiện sự tiếp nhận có chọn lọc một số nội dung của Bộ luật Dân sự Napoleon trong sự kết hợp với giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam trong các quan hệ về hôn nhân, gia đình và thừa kế. Tuy nhiên, Bộ luật này cũng có một số quy định không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Ví dụ, việc hạn chế năng lực hành vi của người đàn bà có chồng trong các giao dịch dân sự như mua, bán hoặc nhận tài sản thừa kế. Việc mua, bán hoặc nhận thừa kế tài sản người phụ nữ có chồng chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của người chồng. Các quy định trên đây không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam vì trong các quan hệ kinh tế, dân sự, thương mại người phụ nữ Việt Nam có quyền khá rộng rãi, họ hoàn toàn độc lập và không hề phụ thuộc vào chồng khi thực hiện một hành vi dân sự như mua, bán các loại hàng hoá cần thiết cho cuộc sống.

- Bộ luật Dân sự Trung Kỳ được ban hành năm 1936 (còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật 1936). Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 bao gồm 5 Quyển, 1709 Điều (nhiều hơn Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 254 Điều). Tác giả của bộ luật này là Collet, cố vấn pháp luật của Chính phủ bảo hộ. Các quy định về hợp đồng được xây dựng giống với luật La Mã và được quy định khá chi tiết. Đó là các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng thuê nhân công, hợp đồng công nghệ, hợp đồng vận tải. Một số quy định trong bộ luật mang tính hiện đại và tiến bộ. Ví dụ, Điều 9 Bộ luật Dân sự Trung Kỳ quy định: “ Người và của (tài sản) đều không ai được xâm phạm và do pháp luật bảo hộ. Tục bắt người làm nô lệ nhất thiết là nghiêm cấm”. Ngoài một số quy định mang tính đặc thù như phần khế ước được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn các Bộ luật Dân sự Nam Kỳ và Bắc Kỳ, về cơ bản, Bộ luật này giống Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, trong điều kiện chưa xây dựng được các Bộ luật mới, Sắc lệnh ngày 10/10/1945 đã cho phép áp dụng các luật lệ của chế độ cũ, trừ những điều khoản trái với nền độc lập tự do của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ thắng lợi, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Đất nước tạm thời chia làm hai miền và việc thống nhất đất nước theo Hiệp định sẽ được thực hiện sau hai năm, bằng cuộc tổng tuyển cử trong cả nước do chính quyền hai miền hiệp thương tổ chức. Nhưng sau khi hất cẳng Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Vì vậy từ năm 1955 đến 1975, ở Việt Nam đã hình thành hai chính quyền: Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Miền Bắc và Việt Nam cộng hoà ở Miền Nam.

Ở Miền Bắc, ngày 1/7/1959, Toà án nhân dân tối cao đã có chỉ thị số 772-TATC đình chỉ áp dụng những luật lệ của chế độ cũ và từ thời điểm đó, chỉ áp dụng những luật lệ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. ở Miền Nam, ngày 20/12/1972 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh đồng thời ban hành 5 Bộ luật trong đó có Bộ luật Dân sự. Bộ luật này về cơ bản duy trì hệ thống pháp luật của Pháp tại Nam Kỳ trước đây.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, các bộ luật ở miền Nam trong đó có Bộ luật Dân sự bị bãi bỏ, pháp luật miền Bắc được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả hai miền Nam Bắc. Ngày 28/10/1995 Bộ luật Dân sự của nhà nước thống nhất được ban hành và có hiệu lực từ ngày1 /7/1996. Sau 10 năm có hiệu lực, nhiều quy định của Bộ luật này cần được bổ sung và sửa đổi.Vì vậy Quốc hội khoá XI, tại Kỳ họp thứ VII, ngày 14/6/2005 đã thông qua Bộ luật Dân sự mới. Bộ luật Dân sự 2005 cũng có kết cấu gồm 7 phần như Bộ luật Dân sự 1995, tuy nhiên số lượng các điều được giảm bớt cho gọn nhẹ hơn, chỉ còn 777 Điều (Bộ luật Dân sự 1995 có 838 Điều). Bộ luật Dân sự 2005 được xây dựng trên tinh thần hội nhập quốc tế, tiếp thu nhiều tư tưởng pháp luật lục địa châu Âu (Pháp, Đức) nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của đời sống dân sự Việt Nam.

2.3 Ảnh hưởng của hệ thống tổ chức toà án Pháp đối với Việt Nam

Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ, hệ thống toà án ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình toà án phong kiến, ở đó không có sự tách biệt giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, các quan cai trị đầu hạt đồng thời là các quan xét xử. Hơn thế nữa, trong hệ thống cơ quan tư pháp thời kỳ này không phân biệt cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử. Các tri phủ, tri huyện tự mình điều tra, tự mình truy tố và đồng thời tự mình xét xử. Trong hệ thống tố tụng lúc này chưa thiết lập được nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật vì còn tồn tại chế định “bát nghị” (tám trường hợp được miễn giảm hình phạt) và nhiều thiết chế khác bảo vệ những người có quan hệ huyết thống với vua và quan lại cao cấp của triều đình. Quyền được bào chữa của các bị cáo cũng chưa được thiết lập.

Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên Việt Nam, bên cạnh các toà án của người Việt xây dựng theo mô hình toà án phong kiến để xét xử người Việt, người Pháp đã thành lập thêm hệ thống toà án Pháp xây dựng theo mô hình toà án tư sản để xét xử công dân Pháp và công dân nước ngoài kể cả người Việt đã nhập quốc tịch Pháp. Các toà án Pháp được xây dựng trong thời kỳ này hoàn toàn là những toà án theo mô hình toà án hiện đại. Đó là đảm bảo nguyên tắc tư pháp tách khỏi hành chính thành một ngành độc lập, không một quan cai trị hành chính nào đồng thời có thể là thẩm phán. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được tách biệt và độc lập với nhau. Nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật được thiết lập, quyền được bào chữa của các bị cáo được đảm bảo. Nhờ hệ thống toà án này du nhập vào Việt Nam, mô hình toà án tư sản đã có ảnh nhất định đến tư duy tố tụng và cách thức tổ chức hệ thống toà án cho người Việt Nam. Và một hệ thống toà án như vậy đã nhanh chóng được thiết lập sau cách mạng tháng 8/1945 khi Việt Nam đã giành được độc lập.

2.4 Ảnh hưởng của các cơ quan đại diện dân chúng trong thời Pháp thuộc đến ý tưởng tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sau khi Việt Nam giành được độc lập

Trong thời kỳ người Pháp đô hộ Việt Nam, một hệ thống cơ quan đại diện dân chúng được thành lập. Đó là Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial du Cochinchine) thành lập theo Sắc lệnh ngày 8/2/1880 của Tổng thống Pháp; Uỷ ban tư vấn kỳ hào Bắc Kỳ (Commission Consultative des Notables du Tonkin) thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 30/4/1886 và sau đó, ngày 4/5/1907 đổi thành Viện tư vấn bản xứ Bắc Kỳ (Chambre Consultative indigène du Tonkin); Trung kỳ tư vấn Hội đồng thành lập theo Đạo dụ ngày 19/3/1920 của vua Bảo Đại, đến năm 1926 đổi thành Trung Kỳ nhân dân đại biểu viện.

Ngoài các cơ quan đại diện cho dân chúng ở cấp Kỳ còn có cơ quan đại diện cho dân chúng ở cấp tỉnh và thành phố. ở Nam Kỳ, Hội đồng quận được thiết lập theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 5/8/1889 (Conseil d,Arrondissement). Toàn bộ Nam Kỳ được chia làm 20 quận (theo tên gọi của đơn vị hành chính ở Pháp là Arrondissement), vì vậy Nam Kỳ có 20 Hội đồng quận. ở Bắc Kỳ từ năm 1886 Uỷ ban tư vấn hàng tỉnh được thiết lập (Commission Consultative Provincial) đến năm 1898 đổi thành Uỷ ban tư vấn bản xứ hành tỉnh (Commission Consultative Indigènes Provincial). Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 19/3/1913 chính thức thành lập Hội đồng hàng tỉnh và các Hội đồng hàng tỉnh ở Bắc Kỳ tồn tại đến năm 1940. ở Trung Kỳ, Hội đồng hàng tỉnh được thiết lập theo Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ năm 1913 (bổ sung, sửa đổi vào các năm 1930, 1935, 1939). Các cơ quan đại diện dân chúng cũng được thành lập tại các thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng trong đó chỉ có Sài Gòn là thành phố duy nhất ở Việt Nam có cả hai cơ quan Quyết nghị và Chấp hành đều do bầu cử thành lập nên. Từ năm 1882, ở Sài Gòn đã áp dụng chế độ thị trưởng bầu (Maire élu).

Các cơ quan đại diện dân chúng trong thời kỳ Pháp thuộc phần lớn chỉ mang tính chất hình thức vì chỉ có tầng lớp kỳ hào mới được tham gia bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện. Vai trò của các cơ quan đại diện lúc này rất hạn chế vì chỉ có thẩm quyền tư vấn. Các kiến nghị của các cơ quan đại diện chỉ được thực hiện khi được sự đồng ý của đại diện Chính phủ bảo hộ.

Mặc dù có những hạn chế trên đây, nhưng thiết chế cơ quan đại diện cho dân chúng bên cạnh các cơ quan hành chính nhà nước là một thiết chế mới mà nhà nước phong kiến chuyên chế không có. Thiết chế cơ quan đại diện dân chúng đã được nhiều nhà cách mạng yêu nước sử dụng để đòi quyền lợi chính trị cho nhân dân Việt Nam. Thiết chế này đã có ảnh hưởng nhất định đến tư duy tổ chức bộ máy nhà nước hiện đại theo hướng càng ngày càng dân chủ hơn. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, nước nhà đã giành được độc lập, những kinh nghiệm dù rất hạn chế của các cơ quan đại diện dân chúng trong thời Pháp thuộc đã giúp cho người dân Việt Nam tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân là hệ thống cơ quan dân cử thực sự dân chủ của mình.

2.5 Ảnh hưởng của khoa học pháp lý của Pháp với khoa học pháp lý Việt Nam

Do những ảnh hưởng trên đây, một hệ quả tất yếu là nền khoa học pháp lý Việt Nam, một yếu tốquan trọng trong văn hoá pháp lý Việt Nam, cũng chịu ảnh hưởng của khoa học pháp lý của Pháp vì Việt Nam cũng đã có một lớp luật sư và các nhà khoa học pháp lý có tên tuổi như tiến sĩ, luật sư Phan Văn Trường, luật sư Phan Anh, luật sư Vũ Đình Hoè, giáo sư Nguyễn Ngọc Minh, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thông, Vũ Quốc Thúc… được đào tạo và trưởng thành trong nền văn hoá pháp luật Pháp. Các nhà luật học Việt Nam được đào tạo ở các trường luật của Pháp đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp 1946 và các văn bản pháp luật quan trọng khác cho nhà nước Việt Nam trong những năm tháng đầu tiên giành được độc lập, cũng như trong công tác đào tạo các từng lớp cử nhân luật sau này. Sau khi Việt Nam xoá bỏ chế độ hành chính quan liêu, bao cấp chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hội nhập nền kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật lục địa châu Âu, trong đó có hệ thống pháp luật Pháp lại tiếp tục có những ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Nền khoa học pháp lý của Pháp thông qua Nhà pháp luật Việt - Pháp (La Maison du Droit Vietnamo - Francaise) và nhiều con đường hợp tác khoa học và đào tạo khác nhau lại tiếp tục ảnh hưởng đến nền khoa học pháp lý Việt Nam. /.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/van-hoa-phap-luat-phap-va-nhung-anh-huong-toi-phap-luat-o-viet-nam/?searchterm=tố%20tụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến