Tất cả tử tù, kể cả quản giáo đều không được biết ngày giờ thi hành án cụ thể với từng người. Chỉ khi đến nửa đêm nghe tiếng ổ khóa cửa phòng nào mở, tử tù đó sẽ vĩnh viễn về với đất.
Hơn 10 năm gắn bó với nhiệm vụ ở trại giam B5, không ít lần Trung tá Phạm Khắc Cường chứng kiến giờ phút cuối cùng của tử tù. Nhưng người làm anh thấy dậy lên lòng trắc ẩn nhất là Võ Công Hoàng, bị thi hành án tử hình giữa năm 2009 khi mới 22 tuổi.
Hoàng có một tuổi thơ bất hạnh. Cha chết khi anh ta còn ẵm ngửa. Vài năm sau, bệnh tật cũng cướp luôn người mẹ. Lớn lên không có tình thương, sự dạy dỗ của cha mẹ, Hoàng thiếu thốn một khoảng trời thơ ấu êm ấm, một điểm bấu víu mỗi khi hẫng hụt. Rượu, rồi những cuộc chơi bời dần dần lôi kéo Hoàng rời xa sự lương thiện. “Biết là không thể bao biện cho hoàn cảnh nhưng tội phạm mồ côi bao giờ cũng làm người ta day dứt…”, anh Cường tâm sự.
Tuy ba mẹ qua đời nhưng tài sản để lại cho Hoàng là một căn nhà ở thành phố Biên Hòa để cho một công ty thuê làm văn phòng. Một bữa túng tiền, Hoàng giết nữ kế toán công ty ấy để cướp tài sản. Thi thể nạn nhân bị anh ta đốt cháy rồi chặt nhiều khúc thả sông Đồng Nai phi tang.
Ảnh minh họa: Pháp luật TP HCM. |
Ngày mới vào trại giam, biết không còn gì để mất, Hoàng tỏ ra rất ngổ ngáo và bất cần đời. Cứ thoáng thấy bóng cán bộ là anh ta lại la hét, chửi bới, thậm chí có lúc mạt sát. Tuy vậy, anh Cường vẫn kiên nhẫn nói chuyện với Hoàng.
Đôi lúc những yêu cầu hợp lý của Hoàng như giấy để viết nhạc, viết thơ cũng được anh đáp ứng. Bởi lẽ khi người ta còn biết yêu thơ, nhạc cũng có nghĩa là trong sâu thẳm nội tâm vẫn còn chút nhân bản. Những kiên nhẫn của anh Cường tác động tốt đến tâm lý Hoàng để anh ta ổn định chờ ngày thi hành án.
Không dừng lại ở thái độ quan tâm, chia sẻ với Hoàng, anh Cường còn tìm đến tận nhà người dì của Hoàng để động viên bà đến thăm đứa cháu tội lỗi vào ngày 14 hàng tháng. “Việc có người nhà đi thăm sẽ tạo hưng phấn cho tâm lý tử tù nhiều lắm. Vì như vậy, ít ra Hoàng cũng sẽ được an ủi là mình không bị hắt hủi ở đời”, Trung tá Cường nói.
Ngày qua ngày, anh Cường vẫn âm thầm quan tâm, động viên Hoàng bằng thái độ tình cảm nhưng dứt khoát và chờ đợi kết quả tốt từ diễn biến tâm lý của Hoàng.
Ngày 11/3, sau phiên xử phúc thẩm, biết mình vẫn lãnh án tử hình, Hoàng lao người ra cửa sổ tòa án hòng nhảy lầu tự tử. Tuy nhiên, do cảnh giác cao nên cảnh sát dẫn giải đã kịp thời khống chế.
Từ đó, mỗi buổi sáng Trung tá Cường khi mang báo vào các phòng tạm giam tử tù đều hỏi thăm, động viên bằng thái độ của một người cha, người chú. Mỗi lần bị Hoàng chửi bới, anh Cường nhẫn nại giải thích bị thi hành án tử hình thực ra cũng là cách bản thân mình được nhẹ lòng, tội lỗi của mình được trả giá để không phải sống trong ăn năn, hối hận như ở trại. Những ngày chờ thi hành án là lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết nên phải trân trọng từng giây phút sống. Cuộc sống bao giờ cũng đáng được nâng niu…
Trước câu nói chân thành của anh, Hoàng ôm mặt khóc nức nở. Bài học về sự yêu đời học được trong những ngày chờ chết. Từ đó Hoàng chấp hành nội quy kỷ luật của trại giam rất tốt. Không những thế, anh ta còn lạc quan hơn và xin nhận cán bộ quản giáo là người nhà…
Vào đêm trước ngày Hoàng bị thi hành án, anh Cường không có ca trực nên về nhà. Hôm sau, anh vào cơ quan thì nhận được tin cùng những lời nhắn của Hoàng chúc anh khỏe mạnh, công tác tốt. Hoàng rất ân hận vì thời gian qua làm buồn lòng anh và nhiều cán bộ khác.
“Tôi có hỏi lại một số anh em trực, Hoàng không ăn suất ăn dành cho tử tù mà chỉ xin ly cà phê với điếu thuốc rồi nhắn từ biệt tôi. Nhiều tử tội ở trại đều còn rất trẻ và có tuổi thơ bất hạnh, đó là điều luôn đánh thức trong tôi những niềm trắc ẩn”, Trung tá Cường tâm sự.
(Pháp luật TP HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét