Có em bị chính cha mẹ mình hành hạ. Có em bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Em thì bị xâm hại tình dục... Bên những phận đời bất hạnh ấy luôn có một luật sư song hành để bảo vệ, thắp lại niềm tin trong tâm hồn trẻ thơ.
Chị là Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn Luật sư TP HCM. Điều ước đầu tiên trong ngày của chị là sáng dậy mở báo đọc không thấy dòng nào về trẻ bị bạo hành.
Luật sư Liên bên những đứa con của bà Mỳ. Ảnh: Pháp Luật TP HCM |
Sáng ấy, xem xong bài báo về bé Nguyễn Thị Hảo ở Bình Phước bị mẹ ruột hành hạ, luật sư Hồng Liên ngồi thừ người, xót xa... “Ông xã tôi đến nhặt tờ báo lên xem. Xong anh vỗ vai tôi nhẹ nhàng: Anh nghĩ em nên nhận lời bảo vệ quyền lợi cho Hảo, như thế em sẽ dễ chịu hơn nhiều... ", chị kể lại.
Thế nhưng không giống như lời an ủi của chồng, vượt hơn 130 cây số gặp bé Hảo, tâm trạng chị càng trĩu nặng. Điều gì đã khiến một bà mẹ nhẫn tâm cầm dao cắt ngón tay, gân chân của con mình? Hùm dữ không nỡ ăn thịt con mà, hay người phụ nữ này không phải là mẹ ruột của cháu bé?
|
Những ngày sau đó, trước khi cơ quan điều tra kết luận, bằng trực giác của người phụ nữ, luật sư Hồng Liên đã biết rõ người hành hạ đích thị là mẹ ruột bé Hảo - bà Mỳ. Đó là kết quả của nhiều chuyến đi đến tận xã vùng sâu của huyện Phước Long (Bình Phước), nơi gia đình bà Mỳ cư trú, qua tiếp xúc và tìm hiểu từ những chòm xóm thân quen và cả ông Nguyễn Văn Tước, chồng của bà Mỳ.
Một bức tranh tái hiện nguyên nhân khiến một phụ nữ tảo tần xuống tay với con mình hình thành trong hồ sơ của luật sư. Nghèo khổ, dốt nát và quẫn bách, cộng thêm những biểu hiện tâm thần ở cấp độ giản đơn... đã khiến người phụ nữ này có lúc thiếu vắng tính người.
Lần đầu gặp ông Tước, cha của Hảo tại trụ sở UBND xã, dù có công an và cán bộ xã bên cạnh, ông này vẫn nổi cơn thịnh nộ, có lúc như muốn “ăn tươi nuốt sống” luật sư. Chị Liên vẫn nhẹ nhàng đề nghị các cán bộ xã ra ngoài để chị nói chuyện với ông Tước.
“Mấy người đến bắt vợ tôi đi, rồi giờ tính đến bắt tôi hả? Đừng hòng! Tôi không bị lừa đâu”, ông lớn tiếng. “Có ai bắt anh đâu, chúng ta là người... một phe mà. Tôi là luật sư thì sao bắt được ai. Tôi chỉ bảo vệ quyền lợi cho bé Hảo con anh, nghĩa là giúp vợ chồng anh thôi...”, chị nhẹ nhàng.
Sau 45 phút, cửa phòng xịch mở. Luật sư Hồng Liên bước ra với nụ cười nhẹ nhõm. Phải mất thêm nửa giờ nữa, tờ giấy đồng ý cho luật sư bảo vệ cháu bé - điều kiện bắt buộc theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự - mới được ông Tước ký vào.
“Đằng sau bà mẹ bị người đời lên tiếng này là một đàn con nheo nhóc. Ai sẽ lo chúng ăn, ai sẽ chăm chúng bệnh? Và quan trọng nhất là liệu sau này lớn lên vết thương lòng của Hảo có lành lặn hoàn toàn không?”, những câu hỏi liên tục ấy cứ giằng xé trong lòng chị.
Nhưng dặm trường nhất có lẽ là vụ bé gái học tiểu học ở Đồng Tháp bị công an xã “hỏi cung” dẫn đến hoảng loạn tinh thần, phải ở trọ dài hạn tại TP HCM để điều trị.
|
Nhận trợ giúp pháp lý cho em, chị cọc cạch chạy xe máy cũ kỹ tìm đến nhà trọ hai mẹ con đang thuê ở quận Tân Phú. Thời gian này, thấy bất kỳ người lạ nào, bé cũng đều ré lên và thu mình trốn vào một góc khuất. Chị nấn ná nói chuyện với người mẹ về sở thích của em. Lần sau, chị đến trong màu áo nhã, tóc gọn gàng, mang những món quà.
Điều kỳ diệu xảy ra: cô bé ấy đã cho chị cầm tay, nói chuyện nhưng tuyệt nhiên không mở miệng nói câu nào. Những ngày sau đó, em thường lấy điện thoại di động của mẹ nhắn tin tâm sự với chị. Cô ơi con thế này, cô ơi con thế kia...
Nhờ sự gần gũi ấy mà chị dần dà được nghe hết tâm sự của một đứa trẻ bị bạo hành. Những bức bối em phải chịu đựng được chuyển tải đến cho người làm hại em hiểu được việc làm sai lầm của mình. Có lẽ nhờ vậy, buổi hòa giải đã thành công tốt đẹp trong sự hối hận của người nhận lỗi.
Tương tự là một vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến cháu bé có thai, cũng ở Bình Phước. Thay vì đau lòng, lo lắng cho tương lai của con mình, cha mẹ em xem đây như một cơ hội đổi đời, buộc bị cáo phải bồi thường vô lý với số tiền trên trời.
“Tôi phải thuyết phục, năn nỉ họ đồng ý mức bồi thường do bị cáo tự nguyện. Nếu họ đòi hơn, tòa phải phán quyết theo luật mà mức này thấp hơn số tiền do bị cáo đưa ra gấp nhiều lần. Cò kè như vậy là làm đau đứa trẻ lắm”, luật sư Liên tâm tư.
Trong một lần bảo vệ pháp lý miễn phí cho 4 em bé bị chủ xưởng may hành hạ, khi phiên tòa phúc thẩm vừa kết thúc, người nhà bị cáo theo dằn mặt chị: “Mày có giỏi thì gom hết trẻ lang thang về nhà mà bảo vệ đi”.
Vội vàng đưa các bé ra xe về với người thân, chị lại lọc cọc chạy xe về nhà trên chiếc xe honda cũ. Bữa đó chị “mới thấy lo vì không có ai bảo vệ mình”.
Những trẻ em trong vụ này giờ đã lớn khôn, có việc làm ổn định, hai em trong số đó đã có vợ, con. Thỉnh thoảng, chúng vẫn gọi điện thoại cho cô Liên nhờ tư vấn chuyện này, chuyện nọ, kể cả cách ứng xử trong đời.
Hành trang trong những chuyến đi bảo vệ pháp lý miễn phí cho trẻ em, bao giờ luật sư Hồng Liên cũng mang theo ít tiền và những thùng quà cho trẻ và người thân các em. Đêm trước ngày đi, chị thường tranh thủ sắm từng món đồ, từ lốc quần áo cho trẻ sơ sinh đến những thùng mì, thùng sữa. Mà chị cũng có phải giàu có gì cho cam khi sống trong căn nhà bé xíu trong con hẻm chợ.
“Hồi trẻ, tôi thi vào trường y với khao khát được cứu người nhưng trường y không đậu mà lại đậu vào trường luật. Thôi thì không cứu được người bằng thể xác thì ráng cứu số phận họ, làm cho cuộc đời họ tốt hơn”, chị cười thật hiền.
(Theo Pháp Luật TP HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét