Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Giám đốc trắng án tội tham ô sau 6 năm ngồi tù

Sau hơn 6 năm bị bắt, từng bị kết án 10 năm tù về tội “tham ô”, ông Đặng Nam Trung đã được TAND TP HCM thả tự do và xác định phạm vào một tội khác. Đây được coi là vụ "kỳ án" bởi có số lượng văn bản tố tụng kỷ lục và những kiến nghị chưa từng có trong lịch sử tư pháp.
> 10 năm tù cho bị cáo của vụ án kỷ lục về số lần tố tụng/ Kiến nghị khởi tố vụ án liên quan phó thủ trưởng điều tra

Ngày 4/2, đứng trước vành móng ngựa, vẫn là bộ quần áo cũ kỹ của những lần ra tòa trước, trông ông Đặng Nam Trung đã già yếu đi nhiều nhưng vẫn giữ thái độ thoải mái, nhã nhặn. Với một bên tai đã điếc hoàn toàn, ông phải cố gắng lắng nghe mới có thể trả lời được các câu hỏi của HĐXX.

Ngay trong phần thủ tục, các luật sư bào chữa cho Đặng Nam Trung đã đề nghị tòa triệu tập giám định viên nhằm làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX không chấp nhận vì cho rằng kết quả giám định trong kết luận điều tra và bản cáo trạng đã rõ. Việc giám định chỉ nhằm xác định Sean Mc Cormack (đại diện hãng Parker) có phải là đồng phạm với Đặng Nam Trung không, chứ không liên quan đến việc bị cáo này bị xét xử.

Ông Trung trong vòng tay hạnh phúc của người thân khi được tuyên tự do tại tòa.

Theo cáo trạng, năm 1998, trong quá trình ký hợp đồng mua máy nghiền sàng đá với hãng Parker, Đặng Nam Trung đã thỏa thuận với Sean Mc Cormack nâng khống giá máy này từ 997.000 USD lên 1,3 triệu USD để ăn chênh lệch hơn 332.000 USD. Để lấy được số tiền này, ông Trung đã lập hợp đồng khống về việc công ty IDC vay của mình hơn 332.000 USD. Trên cơ sở này, ông Trung đã chỉ đạo kế toán, thủ quỹ chi cho mình 70.000USD và 250 triệu đồng (tương đương 1,3 tỷ đồng).

Trả lời thẩm vấn, ông Trung vẫn giữ lời khai như tất cả các phiên tòa trước, một mực kêu oan vì cho rằng mình không chiếm đoạt số tiền trên. Việc nâng khống giá máy ghiền sàng là có, nhưng mục đích của bị cáo chỉ nhằm vay được nhiều tiền của ngân hàng để thanh toán cho Parke. Số tiền mà VKS cáo buộc, ông Trung không hề nhận mà do Sean Mc Cormack (hiện đã bỏ trốn) ký nhận với IDC.

Tại tòa, người đại diện cho nguyên đơn dân sự (công ty IDC) cho rằng từ lúc tiếp nhận chuyển giao, đơn vị này không biết quá trình ông Trung mua máy nghiền sàng đá cũng như quá trình xảy ra vụ án nên không biết có thiệt hại. “Nếu tòa xác định ông Trung phạm tội thì cho IDC nhận lại tiền thiệt hại”, bà này nêu.

Trong phần luận tội, đại diện VKS khẳng định Đặng Nam Trung đã phạm tội “tham ô tài sản” khi cấu kết với người nước ngoài làm thiệt hại 1,3 tỷ đồng của nhà nước và đề nghị HĐXX phạt bị cáo này 12-14 năm tù.

Bào chữa cho ông Trung, cả bốn luật sư Trần Văn Tạo, Vũ Bá Thanh, Trần Hải Đức, và Trần Việt Cường đều bảo lưu quan điểm như ở phiên tòa trước khi cho rằng vụ án đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, không đủ chứng cứ buộc tội cả về “lý lẫn về tình".

Theo dòng sự kiện:
Lại trả hồ sơ vụ án kỷ lục về số lần tố tụng (01/09)
Hoãn xử phúc thẩm vụ án kỷ lục số lần tố tụng (26/03)
Bị cáo vụ án kỷ lục về số lần tố tụng kêu oan (14/12)
10 năm tù cho bị cáo của vụ án kỷ lục về số lần tố tụng (16/11)
Bị cáo vụ án kỷ lục về số lần tố tụng bị đề nghị 5-7 năm tù (15/11)
Xem tiếp

"Khi tiếp nhận công ty IDC đang âm vốn, ông Trung đã phải mang cả tài sản của gia tộc cầm cố để lấy vốn cho doanh nghiệp hoạt động. Vậy có khả năng ông ấy phải tham ô 1,3 tỷ đồng của IDC không?”, luật sư Thanh nêu.

Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng việc cơ quan điều tra kê biên, phát mãi tài sản của gia đình ông Trung là không hợp lý, gây bức xúc và thiệt hại nặng nề.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng, chưa đủ cơ sở vững chắc để kết luận bị cáo Đặng Nam Trung phạm tội “tham ô” như VKSND Tối cao đã truy tố. Nhưng với vai trò là giám đốc công ty, ông Trung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn nâng khống giá máy nghiền đá rồi ký hai phiếu chi sai nguyên tắc kế toán gây thiệt hại cho công ty 1,3 tỷ đồng là phạm vào tội “cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, tòa đã tuyên phạt Đặng Nam Trung mức án 6 năm 2 tháng 1 ngày tù về tội trên. Ngoài ra, tòa cũng buộc bị cáo này phải bồi thường cho công ty IDC số tiền 1,3 tỷ đồng, tách toàn bộ tài sản kê biên của bị cáo sang xử lý trong vụ án khác.

Do mức án trên bằng với thời gian bị tạm giam nên cơ quan xét xử đã thả tự do cho ông Đặng Nam Trung ngay tại tòa. Ngay sau đó, ông này đã về trại tạm giam làm thủ tục và được người thân đón về.

Đây được gọi là vụ "kỳ án" vì nó đã kéo dài suốt 8 năm (từ năm 2002) và giữ kỷ lục về số lượng văn bản tố tụng với 8 cáo trạng, 9 bản kết luận điều tra, 7 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, hơn 40 quyết định và gia hạn tạm giam, 4 lần hoãn phiên tòa… Quá trình tố tụng, luật sư của bị cáo còn liên tiếp có kiến nghị yêu cầu triệu tập và xử lý hình sự đối với nguyên phó thủ trưởng cơ quan điều tra vì cho rằng đã chỉ đạo điều tra, xử lý vụ án không đúng.

Lúc đầu, ông Trung bị bắt và khởi tố về 4 tội danh: lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô, cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, sử dụng trái phép tài sản. Nhưng sau đó, cơ quan chức năng đã thay đổi tội danh, đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra.

Tháng 11/2007, ông Trung chỉ bị TAND TP HCM xét xử về tội “tham ô tài sản” và tuyên phạt mức án 10 năm tù nhưng đã kháng cáo kêu oan.

Tháng 12/2008, tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án trên, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại.

Đến đầu tháng 9/2009, TAND TP HCM tiếp tục trả hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ một số vấn đề.

Vũ Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến