Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Toàn văn Thông tư 31/2007/TT-BKHCN hướng dẫn chế độ thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc bức xạ, hạt nhân

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 31/2007/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC CÔNG VIỆC BỨC XẠ, HẠT NHÂN
Căn cứ Bộ luật Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 195/CP của Chính phủ ngày 31/12/1994 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi” và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP của Chính phủ ngày 31/12/1994;
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/5/2003;
Căn cứ Nghị định số 50/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/7/1998 quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ,
Sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại công văn số 4668/LĐTBXH-ATLĐ ngày 10/12/2007, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc bức xạ, hạt nhân như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Thông tư này quy định chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm các công việc bức xạ, hạt nhân (sau đây gọi chung là nhân viên bức xạ) trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức (sau đây gọi chung là các đơn vị) quy định tại Điều 1 Nghị định số 109/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2002.
2. Nguyên tắc áp dụng
a) Thông tư này chỉ quy định chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Trong khi áp dụng các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ theo quy định của Thông tư này, các đơn vị sử dụng người lao động và bản thân người lao động trong mọi trường hợp vẫn phải đảm bảo nguyên tắc về mức giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và các quy định pháp luật khác về kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân.
c) Nhân viên bức xạ nếu làm việc trực tiếp với thiết bị bức xạ hoặc nguồn phóng xạ được rút ngắn thời giờ làm việc.
d) Việc quy định mức thời giờ làm việc được rút ngắn tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng bởi bức xạ ion hoá gây ra đối với người lao động làm công việc bức xạ, hạt nhân.
II. THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI
1. Thời giờ làm việc
a) Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn 02 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc quy định tại Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Nghề, công việc quy định tại Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này là những nghề, công việc có mức độ ảnh hưởng bởi bức xạ ion hóa cao do làm việc trực tiếp với nguồn phóng xạ hở, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ có cường độ lớn.
b) Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn 01 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân khác quy định tại Nhóm 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Nhân viên bức xạ không được phép làm thêm giờ. Trường hợp đặc biệt (như khắc phục sự cố, tai nạn nghiêm trọng), đơn vị sử dụng lao động được phép huy động nhân viên bức xạ làm thêm giờ, nhưng không quá 3 giờ trong một ngày.  
2. Thời giờ nghỉ ngơi
a) Nhân viên bức xạ ngoài thời giờ làm việc được rút ngắn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Mục II của Thông tư này thì còn được nghỉ ít nhất 30 phút nếu làm việc vào ban ngày và 45 phút nếu làm việc vào ban đêm, tính vào giờ làm việc.
b) Trong trường hợp nhân viên bức xạ được yêu cầu làm thêm từ 02 giờ trở lên trong ngày, trước khi làm thêm phải được bố trí nghỉ ít nhất 30 phút tính vào thời giờ làm thêm.
c) Số ngày nghỉ hàng năm của nhân viên bức xạ được tính như sau:
- Nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân thuộc Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được nghỉ hàng năm là 16 ngày làm việc.
- Nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân thuộc Nhóm 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được nghỉ hàng năm là 14 ngày làm việc.
III.  TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động:
a) Tổ chức thực hiện Thông tư này;
b) Phổ biến cho nhân viên bức xạ về quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và ghi nội dung này vào hợp đồng lao động, nội quy lao động hoặc thoả ước lao động tập thể (nếu có);
c) Ngoài việc thực hiện các quy định tại Thông tư này, thì đồng thời phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng người lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi, lao động nữ, lao động là người tàn tật.
2. Thông tư  này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Tiến 

PHỤ LỤC 

NGHỀ, CÔNG VIỆC BỨC XẠ, HẠT NHÂN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2007/TT-KHCN ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc bức xạ, hạt nhân)
TT
Nghề, công việc bức xạ, hạt nhân
I
Nhóm 1
1
Làm việc trong lò phản ứng hạt nhân.
2
Sản xuất đồng vị phóng xạ.
3
Vận hành thiết bị chiếu xạ công nghiệp (khử trùng, bảo quản thực phẩm, biến tính vật liệu …).
4
Vận hành thiết bị chiếu xạ có thiết kế tự che chắn, thiết bị chiếu xạ mô/máu.
5
Vận hành thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.
6
Sử dụng các thiết bị đo mật độ/ độ ẩm dùng nguồn phóng xạ ngoài hiện trường.
7
Làm việc với các nguồn phóng xạ hở trong y học hạt nhân và trong ứng dụng đồng vị phóng xạ khác.
8
Khai thác, chế biến, xử lý quặng phóng xạ.
II
Nhóm 2
1
Vận hành các thiết bị đo bức xạ trong y học hạt nhân.
2
Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị đo hạt nhân trong công nghiệp: thiết bị đo mức, thiết bị đo chiều dày, thiết bị đo độ tro than, thiết bị đo mật độ, thiết bị soi bo mạch, thiết bị khử tĩnh điện.
3
Sử dụng các nguồn phóng xạ chuẩn, mẫu chuẩn phóng xạ cho thiết bị đo bức xạ.
4
Sử dụng các thiết bị phân tích huỳnh quang tia X, bắt điện tử, phổ kế Mossbauer.
5
Vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ.
6
Vận hành máy soi chiếu hành lý, kiểm tra an ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến