- Pháp luật về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu và lý lịch tư pháp mới nhất
- Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và văn bản hướng dẫn mới nhất
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 2135/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “SẢN XUẤT VÀ PHÁT HÀNH HỘ CHIẾU ĐIỆN TỬ VIỆT NAM”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân;
Căn cứ ý kiến kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử” tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
Căn cứ Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân;
Căn cứ ý kiến kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử” tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Đề án) gồm các nội dung sau:
1. Tên Đề án: “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”.
2. Mục tiêu của Đề án: nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước thông qua việc đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, thiết bị và phần mềm phục vụ sản xuất, phát hành và kiểm soát hộ chiếu điện tử.
3. Nguyên tắc chung của Đề án:
a) Việc triển khai thực hiện Đề án phải tuân thủ nghiêm ngặt giải pháp thiết kế tổng thể được phê duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh an toàn hệ thống, về sử dụng chung phần mềm ứng dụng, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao nhất của toàn hệ thống, không chia tách theo phạm vi Bộ ngành, kết nối thông suốt từ trong nước ra ngoài nước;
b) Công nghệ nhận dạng vân tay triển khai trong Đề án phải đảm bảo tương thích với các công nghệ nhận dạng vân tay sử dụng trong hệ thống chứng minh nhân dân điện tử và hệ thống tàng thư tội phạm mà Bộ Công an đang chủ trì xây dựng;
c) Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử do Bộ Công an chủ trì xây dựng và quản lý trong phạm vi Đề án phải đảm bảo khả năng mở rộng và tích hợp để trao đổi, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác về dân cư, về chứng minh nhân dân, về tội phạm.
4. Nội dung của Đề án được xây dựng thành 4 Dự án thành phần với tổng dự toán đầu tư là: 1.024 tỷ đồng (bằng chữ: một nghìn không trăm hai mươi bốn tỷ đồng), cụ thể như sau:
a) Dự án thành phần số 1 (ký hiệu DATP - 01): đầu tư dây chuyền thiết bị và phần mềm sản xuất hộ chiếu điện tử Việt Nam.
- Dự toán: 175 tỷ đồng (bằng chữ: một trăm bảy mươi lăm tỷ đồng);
- Cơ quan chủ quản: Bộ Công an;
- Chủ đầu tư: Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an.
b) Dự án thành phần số 2 (ký hiệu DATP - 01): đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm phục vụ cấp phát, kiểm soát và quản lý hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Công an. Đầu tư xây dựng Trung tâm phát hành khóa và chữ ký số quốc gia dùng ký và kiểm tra hộ chiếu điện tử, Trung tâm điều hành hệ thống và Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử và xuất nhập cảnh do Bộ Công an quản lý.
- Dự toán: 512 tỷ đồng (bằng chữ: năm trăm mười hai tỷ đồng);
- Cơ quan chủ quản: Bộ Công an;
- Chủ đầu tư: Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh I, Bộ Công an.
c) Dự án thành phần số 3 (ký hiệu DATP - 03): đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
- Dự toán: 234 tỷ đồng (bằng chữ: hai trăm ba mươi bốn tỷ đồng);
- Cơ quan chủ quản: Bộ Ngoại giao;
- Chủ đầu tư: Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.
d) Dự án thành phần số 4 (ký hiệu DATP - 04): đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm kiểm soát hộ chiếu điện tử và người xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
- Dự toán: 103 tỷ đồng (bằng chữ: một trăm lẻ ba tỷ đồng);
- Cơ quan chủ quản: Bộ Quốc phòng;
- Chủ đầu tư: Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng – Bộ Quốc phòng.
5. Hình thức quản lý thực hiện Đề án: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện Đề án.
6. Thời gian thực hiện Đề án: 4 năm, chia 2 giai đoạn:
a) Giai đoạn I (2 năm, từ tháng 01 năm 2011 đến tháng 12 năm 2012): đầu tư cho sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử ở trong nước.
b) Giai đoạn II (2 năm, từ tháng 01 năm 2013 đến tháng 12 năm 2014): đầu tư cho mở rộng phát hành hộ chiếu điện tử ra các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và triển khai việc kiểm soát hộ chiếu điện tử tại các cửa khẩu.
7. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án:
a) Các Bộ: Công an, Ngoại giao, Quốc phòng sử dụng số lệ phí xuất nhập cảnh phải nộp ngân sách nhà nước tối đa 4 năm (từ năm 2011 đến năm 2014) để đầu tư thực hiện Đề án.
- Đối với các Bộ có số thu lệ phí xuất nhập cảnh đủ để thực hiện Đề án trước 4 năm phải tiếp tục thực hiện nộp ngân sách nhà nước, kể từ thời điểm thu đủ lệ phí xuất nhập cảnh để đầu tư Đề án;
- Đối với các Bộ có số thu lệ phí xuất nhập cảnh trong 4 năm chưa đủ để đầu tư Đề án, đề nghị báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Việc quản lý, sử dụng lệ phí xuất nhập cảnh để triển khai thực hiện Đề án do Bộ Tài chính hướng dẫn theo cơ chế quản lý vốn đặc biệt.
8. Lệ phí hộ chiếu điện tử: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, quy định mức thu lệ phí hộ chiếu điện tử trên cơ sở tính toán đảm bảo đủ bù chi phí sản xuất và cấp phát hộ chiếu điện tử.
Điều 2. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án
1. Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án thành phần số 1 và số 2 trong Đề án. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt Dự án thành phần số 3 trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Dự án thành phần số 4 trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Công an.
2. Bộ Công an đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng phục vụ sản xuất, cấp phát, kiểm soát và quản lý hộ chiếu điện tử, triển khai dùng chung thống nhất cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao (cả trong và ngoài nước). Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng không đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng.
3. Bộ Công an đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu và xuất nhập cảnh, là đầu mối tập trung thông tin dữ liệu về cấp hộ chiếu và xuất nhập cảnh từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an để quản lý thống nhất, đảm bảo sẵn sàng kết nối và tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác đã được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng (dân cư, chứng minh nhân dân, tội phạm).
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các Bộ: Công an, Ngoại giao, Quốc phòng quản lý, sử dụng số thu lệ phí xuất nhập cảnh phải nộp ngân sách nhà nước trong thời gian quy định tại khoản 7 Điều 1 để triển khai thực hiện Đề án.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp vốn bổ sung cho các Bộ có số thu lệ phí xuất nhập cảnh trong 4 năm chưa đủ để đầu tư Đề án.
6. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc cấp kinh phí thực hiện các hạng mục đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu thuộc Đề án hộ chiếu điện tử và các đề án, dự án liên quan (dân cư, chứng minh nhân dân, tội phạm), bảo đảm khả năng tích hợp, mở rộng và sử dụng lại khi phát triển hệ thống, tránh đầu tư trùng lắp, gây lãng phí.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét