- Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất
- Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở góc phải để tải về)
- Bộ Luật Lao động và các văn bản pháp luật liên quan mới nhất
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 01/2007/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2007 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 96/2006/NĐ-CP VỀ BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN LÂM THỜI TẠI DOANH NGHIỆP
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 96/2006/NĐ-CP ngày 14/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 153 Bộ luật Lao động về Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp; Sau khi tham khảo các cơ quan có liên quan, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
Đối tượng áp dụng là tổ chức kinh tế (thuộc các thành phần kinh tế), được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh, có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động nhưng chưa thành lập được tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 96/2006/NĐ-CP nêu trên.
II. ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC CHỈ ĐỊNH BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN LÂM THỜI TẠI DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 3, ĐIỀU 4 NGHỊ ĐỊNH.
1. Điều kiện chỉ định Ban chấp hành Công đoàn lâm thời.
Việc chỉ định Ban Chấp hành công đoàn lâm thời thực hiện khi:
a. Doanh nghiệp đã đi vào hoạt động 6 tháng nhưng chưa thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở và có đủ 5 đoàn viên trở lên.
b. Trước khi chỉ định Ban chấp hành công đoàn lâm thời, công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 96/2006/NĐ-CP (sau đây gọi chung là công đoàn cấp trên) trao đổi, tham khảo ý kiến người sử dụng lao động.
2. Trình tự chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định 96/2006/NĐ-CP thực hiện như sau:
a. Công đoàn cấp trên thông báo cho người sử dụng lao động về kế hoạch tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn; ra quyết định kết nạp đoàn viên theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tập hợp danh sách Công nhân lao động là đoàn viên công đoàn (kể cả người có thẻ đoàn viên công đoàn) đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 tháng trở lên tại doanh nghiệp; ra quyết định chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời và Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp.
Số lượng Phó Chủ tịch và ủy viên Ban chấp hành lâm thời do công đoàn cấp chỉ định quyết định.
b. Trường hợp thoả thuận được với người sử dụng lao động thì công đoàn cấp trên ra quyết định thành lập công đoàn cơ sở và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam .
3. Việc khắc dấu của Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời.
Nguyên tắc, thủ tục khắc dấu, quản lý và sử dụng con dấu của Ban Chấp hành công đoàn lâm thời thực hiện như đối với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
4. Thời gian hoạt động và việc kéo dài thời gian hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định thực hiện như sau:
Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi có quyết định chỉ định, Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời phải thực hiện tuyên truyền phát triển đoàn viên và đề nghị công đoàn cấp trên ra quyết định thành lập công đoàn cơ sở khi đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, nếu được công đoàn cấp trên đồng ý, việc thành lập công đoàn cơ sở có thể chậm hơn, nhưng cũng không được quá 6 tháng kể từ ngày có văn bản đồng ý của công đoàn cấp trên.
III. VIỆC CỬ VÀ CHỈ ĐỊNH CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH LÀ CHỦ TỊCH HOẶC PHÓ CHỦ TỊCH BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN LÂM THỜI TẠI DOANH NGHIỆP QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 1, ĐIỀU 6 NGHỊ ĐỊNH.
Việc cử và chỉ định cán bộ công đoàn chuyên trách là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp chỉ thực hiện khi không lựa chọn được trong số đoàn viên là người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cho chức danh này. Trước khi cử và chỉ định, công đoàn cấp trên trao đổi và giới thiệu nhân sự cụ thể với người sử dụng lao động để phối hợp thực hiện. Tổ chức công đoàn có thẩm quyền quyết định việc chỉ định cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG.
1. Phối hợp với công đoàn cùng cấp kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động và việc thi hành Nghị định 96/2006/NĐ-CP ngày 14/9/2006 của Chính phủ và Thông tư này.
2. Chỉ đạo Thanh tra lao động các cấp tăng cường thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi cản trở hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm:
1. Kiểm tra, khảo sát, lập kế hoạch tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn và tổ chức chỉ định Ban Chấp hành công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chấp hành công doàn lâm thời hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam .
VI. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định.
2. Việc bảo đảm các điều kiện để Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời hoạt động theo quy định tại Khoản 2, Điều 9, bao gồm các điều kiện về: thời gian, địa điểm, phương tiện, tài chính theo quy định của pháp luật.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn bổ sung kịp thời.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG Lê Bạch Hồng | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC Nguyễn Hòa Bình |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét