Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Toàn văn Thông tư 25/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động

 BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 
Số: 25/2009/TT-BLĐTBXH
Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2009
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THU THẬP VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN CUNG, CẦU LAO ĐỘNG
Căn cứ Khoản 1 Điều 180 Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 đã được bổ sung sửa đổi năm 2002, 2006 và 2007 về: “Nắm cung cầu và sự biến động cung cầu lao động làm cơ sở để quyết định chính sách quốc gia, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội”;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, Ngành.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định nội dung thu thập thông tin, ghi chép sổ, xử lý và báo cáo thông tin cung, cầu lao động trên phạm vi cả nước.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu của việc thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động
1. Mục đích
- Thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động qua từng thời kỳ, địa bàn, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cung, cầu lao động (sau đây gọi tắt là thông tin cung lao động).
- Thu thập thông tin về thực trạng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động theo nghề và trình độ đào tạo; nhu cầu tuyển lao động, làm cơ sở để xác định hướng đào tạo và bố trí hợp lý nguồn nhân lực (sau đây gọi tắt là thông tin cầu lao động).
2. Yêu cầu
a) Về hình thức thu thập thông tin cung, cầu lao động
Thông tin được thu thập dưới hình thức ghi chép và cập nhật thông tin vào: “Sổ ghi chép thông tin cung, cầu lao động – Cung lao động” và “Sổ ghi chép thông tin cung, cầu lao động – Cầu lao động” (sau đây gọi là Sổ ghi chép).
b) Đảm bảo tính chính xác thông tin thu thập được
- Việc ghi chép thông tin cung, cầu lao động phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, đúng sự thật, không điền thông tin sai lệch hoặc không đảm bảo độ chính xác vào Sổ ghi chép;
- Chữ viết và chữ số khi ghi chép phải sạch sẽ, rõ ràng và dễ đọc;
- Trong trường hợp ghi sai thông tin thì thận trọng gạch bỏ thông tin sai bằng cách gạch đè lên hai dòng kẻ song song, rồi ghi thông tin đúng vào vị trí thích hợp, không được tẩy xóa thông tin đã ghi chép;
- Đối với những cột không có thông tin thì quy ước đánh dấu X để tránh trường hợp ghi thêm hoặc ghi nhầm thông tin;
- Thông tin thu thập được xác định đúng và thống kê đầy đủ, kịp thời số người bước vào – ra khỏi tuổi lao động, số người trong tuổi lao động và biến động về lao động, tình trạng việc làm, thất nghiệp trong các hộ gia đình, cũng như sự biến động tăng giảm lao động theo trình độ và lĩnh vực giáo dục – đào tạo trong các doanh nghiệp, tổ chức.
c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý số liệu.
3. Trách nhiệm thu thập thông tin cung, cầu lao động
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có trách nhiệm thu thập thông tin của tất cả các hộ đã đăng ký hộ khẩu trên địa bàn quản lý của mình;
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) có trách nhiệm ghi chép thông tin của tất cả các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý.
Điều 3. Đối tượng thu thập thông tin
1. Đối tượng thu thập thông tin về cung lao động
Tất cả những người từ đủ 10 tuổi, đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại các hộ gia đình đóng trên địa bàn trong phạm vi cả nước.
2. Đối tượng thu thập thông tin về cầu lao động
Tất cả doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế đã đăng ký và đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố trong cả nước.
Điều 4. Nội dung thu thập thông tin
1. Thông tin cung, cầu lao động – phần Cung lao động
- Nhân khẩu học: họ và tên, quan hệ chủ hộ, giới tính, ngày tháng năm sinh;
- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật;
- Tình trạng có việc làm: nghề nghiệp, nơi làm việc, làm công ăn lương hay tự làm, loại hình kinh tế;
- Tình trạng thất nghiệp của những người chưa bao giờ làm việc, đã từng làm việc và thời gian thất nghiệp;
- Tình trạng không hoạt động kinh tế: đi học, nội trợ, ốm đau, tàn tật…;
- Biến động của từng người trong hộ.
2. Thông tin cung, cầu lao động – phần cầu lao động
- Loại hình doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;
- Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính;
- Tổng số người làm việc trong doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong đó tách riêng lao động trực tiếp và lao động nữ;
- Số người đã ký hợp đồng lao động;
- Trình độ học vấn phổ thông;
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất;
- Lĩnh vực giáo dục – đào tạo;
- Chỗ làm việc trống.
Điều 5. Quy định về sổ ghi chép
1. Phạm vi lập sổ ghi chép thông tin cung, cầu lao động (sau đây gọi chung là Sổ ghi chép)
- Đối với ghi chép cung lao động: Sổ ghi chép được lập ở tất cả các xã trong phạm vi cả nước;
- Đối với ghi chép cầu lao động: Sổ ghi chép được lập ở tất cả các huyện trong phạm vi cả nước;
2. Mẫu sổ ghi chép
a) Mẫu sổ ghi chép thông tin cung, cầu lao động – phần cung lao động
- Sổ ghi chép hình chữ nhật nằm ngang, kích thước 20,5cm x 29,5cm;
- Trang bìa: dòng trên cùng ghi tên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các dòng tiếp theo ghi tên tỉnh, thành phố, huyện/quận/thị xã, xã/phường/thị trấn, thôn/ấp/tổ dân phố, quyển số. Giữa trang bìa ghi hàng chữ in đậm SỔ GHI CHÉP THÔNG TIN CUNG, CẦU LAO ĐỘNG – PHẦN CUNG LAO ĐỘNG. Nửa dưới trang bìa là các dòng chữ: họ và tên người ghi sổ, địa chỉ liên hệ và số điện thoại.
- Các trang bên trong sổ bao gồm: những quy định chung, bảng kê các hộ thuộc thôn/bản/tổ dân phố và thông tin cơ bản của từng hộ gồm 16 cột:
Cột A. Thời điểm ghi chép
Cột B. Số thứ tự
Cột C. Họ và tên những người đăng ký hộ khẩu thường trú tại hộ
Cột 1. Quan hệ với chủ hộ
Cột 2. Giới tính
Cột 3. Ngày/tháng/năm sinh
Cột 4. Trình độ học vấn phổ thông cao nhất
Cột 5. Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất
Cột 6. Công việc cụ thể đang làm
Cột 7. Tên và địa chỉ cơ quan/đơn vị làm việc
Cột 8. Làm công ăn lương/Tự làm
Cột 9. Loại hình kinh tế
Cột 10. Thất nghiệp (chưa bao giờ làm việc/đã từng làm việc)
Cột 11. Thời gian thất nghiệp
Cột 12. Nguyên nhân không tham gia hoạt động kinh tế
Cột 13. Ghi chú.
b) Mẫu sổ ghi chép thông tin cung, cầu lao động – phần Cầu lao động
- Sổ ghi chép hình chữ nhật nằm ngang, kích thước 20,5cm x 29,5cm;
- Trang bìa: dòng trên cùng ghi tên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các dòng tiếp theo ghi tên tỉnh/thành phố, huyện/quận/thị xã, quyển số. Giữa trang bìa ghi hàng chữ in đậm SỔ GHI CHÉP THÔNG TIN CUNG, CẦU LAO ĐỘNG – PHẦN CẦU LAO ĐỘNG. Nửa dưới trang bìa là các dòng chữ: họ và tên người ghi sổ, địa chỉ liên hệ và số điện thoại.
- Các trang bên trong sổ bao gồm: những quy định chung, bảng kê các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sử dụng lao động thuộc huyện/quận/thị xã và thông tin cơ bản của từng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sử dụng lao động, gồm 31 cột:
Cột 1. Thời điểm ghi chép
Cột 2. Loại hình doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
Cột 3. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính;
Cột 4. Số người làm việc trong doanh nghiệp;
Cột 5. Trong đó lao động trực tiếp;
Cột 6. Số lao động nữ;
Cột 7. Số người đã ký hợp đồng;
Cột 8. Chưa tốt nghiệp trung học phổ thông;
Cột 9. Đã tốt nghiệp trung học phổ thông;
Cột 10. Chưa qua đào tạo;
Cột 11. Công nhân kỹ thuật không bằng;
Cột 12. Chứng chỉ nghề ngắn hạn
Cột 13. Sơ cấp nghề
Cột 14. Trung cấp nghề
Cột 15. Cao đẳng nghề
Cột 16. Trung cấp chuyên nghiệp
Cột 17. Cao đẳng chuyên nghiệp
Cột 18. Đại học trở lên
Cột 19. Nghệ thuật;
Cột 20. Khoa học xã hội;
Cột 21. Báo chí, thông tin;
Cột 22. Kinh doanh, quản lý;
Cột 23. Pháp luật;
Cột 24. Khoa học tự nhiên;
Cột 25. Kỹ thuật;
Cột 26. Y tế, giáo dục;
Cột 27. Dịch vụ xã hội;
Cột 28. Khác;
Cột 29. Số chỗ làm việc trống;
Cột 30. Trong đó chỗ làm việc thay thế;
Cột 31. Ghi chú.
3. Ghi chép sổ
a) Thông tin cung lao động
- Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện ghi chép thông tin ban đầu, cập nhật thông tin theo thôn, bản, ấp (gọi chung là thôn) định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm và quản lý Sổ ghi chép;
- Mỗi quyển sổ ghi chép thông tin ban đầu của tối đa 50 hộ;
- Thời điểm ghi chép sổ là ngày đầu tiên của tháng đầu trong quý.
b) Thông tin cầu lao động
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện có trách nhiệm ghi chép thông tin ban đầu, cập nhật thông tin doanh nghiệp đóng trên địa bàn định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm và quản lý Sổ ghi chép;
- Mỗi quyển sổ ghi chép thông tin ban đầu của tối đa 50 doanh nghiệp;
- Thời điểm ghi chép sổ là ngày đầu tiên của tháng đầu trong quý.
Điều 6. Xử lý thông tin cung, cầu lao động
1. Đối với thông tin cung lao động
- Báo cáo tổng hợp thông tin về cung lao động được chuyển theo quy định sau:
+ Biểu tổng hợp của thôn (Mẫu biểu số 1) được hoàn thành và chuyển về xã trước ngày 15 của tháng đầu của quý sau liền kề;
+ Biểu tổng hợp của xã (Mẫu biểu số 2) được hoàn thành và chuyển về huyện trước ngày 20 của tháng đầu của quý sau liền kề;
+ Biểu tổng hợp của huyện (Mẫu biểu số 3) được hoàn thành và chuyển về tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) trước ngày 25 của tháng đầu của quý sau liền kề;
+ Biểu tổng hợp của tỉnh (Mẫu biểu số 4) được hoàn thành và chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 của tháng đầu của quý liền kề;
- Các báo cáo tổng hợp gửi theo đường bưu điện hoặc theo đường truyền Internet.
2. Đối với thông tin cầu lao động
- Báo cáo tổng hợp các thông tin về cầu lao động được chuyển theo quy định sau:
+ Biểu tổng hợp của huyện (Biểu số 5) được hoàn thành và chuyển về tỉnh trước ngày 25 của tháng đầu của quý liền kề;
+ Biểu tổng hợp của tỉnh (Biểu số 6) được hoàn thành và chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 của tháng đầu của quý liền kề;
- Các báo cáo tổng hợp gửi theo đường bưu điện hoặc theo đường truyền Internet.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức ghi chép thông tin cung, cầu lao động trên phạm vi cấp tỉnh quản lý và đảm bảo kinh phí thực hiện;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện ghi chép Sổ tại địa phương.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện;
- Ghi chép thông tin ban đầu cần thống nhất thông tin thu thập được từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009;
- Hướng dẫn về nghiệp vụ lập Sổ, cách thức theo dõi, cập nhật, xử lý thông tin và lập các biểu báo cáo thống kê;
- Kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả biến động về lao động, việc làm, thất nghiệp, báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư này.
3. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Tỉnh
- Chỉ đạo các phòng ban liên quan và Ủy ban nhân dân các xã/phường/thị trấn tổ chức việc lập Sổ và duy trì Sổ ghi chép cung, cầu lao động;
- Kiểm tra, giám sát việc ghi chép Sổ tại các địa bàn quản lý, xử lý thông tin, tổng hợp và lập báo cáo định kỳ và đột xuất lên các cơ quan cấp trên theo quy định tại Thông tư này.
4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
- Lập Sổ và duy trì Sổ ghi chép thông qua việc tổ chức ghi chép thông tin ban đầu và thông tin cập nhật sự biến động của từng thành viên trong hộ gia đình của tất cả các hộ đã đăng ký hộ khẩu trên địa bàn quản lý của mình;
- Xử lý, tổng hợp thông tin và lập báo cáo định kỳ và đột xuất lên các cơ quan cấp huyện theo quy định tại Thông tư này.
5. Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tổ chức in ấn và phát hành Sổ ghi chép thông tin cung, cầu lao động (cung lao động và cầu lao động)
- Hướng dẫn ghi chép Sổ, tổng hợp, báo cáo định kỳ;
- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện ghi chép Sổ, xử lý thông tin và báo cáo tổng hợp ở các cấp;
- Giám sát, đánh giá hoạt động và kết quả ghi chép Sổ, tổng hợp thông tin của các địa phương, báo cáo lãnh đạo Bộ theo định kỳ hàng quý và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 8. Kinh phí thực hiện
- Nguồn kinh phí ghi chép ban đầu: do ngân sách địa phương đảm bảo và hỗ trợ từ kinh phí chương trình Mục tiêu Quốc gia về Việc làm;
- Nguồn kinh phí cập nhật thông tin theo định kỳ: do ngân sách địa phương đảm bảo.
Điều 9. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./. 
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Ngân  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến