Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh cho con theo họ mẹ

       Ngày càng nhiều người muốn khai sinh cho con theo họ mẹ, trong khi có đủ cả cha. Liệu pháp luật có cho phép và phải làm thủ tục như thế nào?
Tự ý đổi họ cho con
       Khi chị Nguyễn Thị Bích Huyền (Đống Đa, Hà Nội) sinh cháu thứ hai, bố mẹ đẻ của chị rất muốn vợ chồng chị khi đi đăng ký khai sinh cho cháu sẽ mang họ và dân tộc của chị Huyền là họ Nông và dân tộc Tày (theo họ và dân tộc của ông ngoại).
       Trong thâm tâm, chị Huyền rất muốn chiều theo nguyện vọng này của ông bà ngoại, chị còn tính sau này đi học cháu sẽ được hưởng một số chính sách ưu tiên của nhà nước với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, anh Hùng chồng chị thì nhất định không chịu, anh cho rằng việc để cháu mang họ của mẹ là một việc “trái quy luật”, xúc phạm đến anh và gia đình anh.
       Khác với chị Huyền, chị Dương Thị T. ở Đan Phượng, Hà Nội đã ly hôn với chồng được hai năm nay. Lý do đòi ly hôn của anh này vì anh nghi ngờ chị T. có quan hệ với người đàn ông khác và đứa trẻ sinh ra không phải là con anh. Mặc dù để chứng minh Tòa án đã trưng cầu giám định ADN và kết quả cho thấy cháu bé cùng huyết thống nhưng anh này vẫn không chịu. Bản án ly hôn có hiệu lực, số tiền chu cấp cho con hàng tháng, anh này không thực hiện.
       Tệ hơn, anh này luôn đi rêu rao với xóm làng về “nhân cách” của vợ cũ mình khiến chị T. rất bức xúc. Gần đây chị T. đến UBND xã đề nghị đổi họ cho con trai từ họ của chồng sang họ của chị, nhưng UBND xã chưa giải quyết vì cho rằng việc đổi họ phải có ý kiến của cha. Trong khi chị T. thì cho rằng không cần phải có ý kiến của chồng cũ vì việc mang họ cha làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chị. Và đây là “lý do chính đáng” theo quy định của Bộ luật dân sự nên xã phải giải quyết cho con chị được mang họ mẹ.
Phải có sự đồng ý của cha
       Theo quy định tại điều 29, Bộ luật Dân sự (BLDS) cá nhân có quyền thay đổi họ, tên trong các trường hợp: Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại…
       Tiết e, điểm 1, mục II Thông tư 01 của Bộ Tư pháp ngày 2/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định:  Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.
       Như vậy, pháp luật cho phép trẻ em sinh ra có thể mang họ của người mẹ, không bắt buộc phải theo họ cha, nhưng vấn đề là cần có sự thỏa thuận của hai bên cha, mẹ. Nếu một bên không đồng ý (ví dụ người cha) thì việc đổi họ rất khó khăn, nếu không nói là không thể thực hiện được.
       Việc khai họ cho con giờ đây đã không còn dập khuôn theo kiểu nhất định phải mang họ cha. Nhiều gia đình lại muốn đứa trẻ được khai sinh theo họ mẹ vì nhiều lý do khác khau. Tuy nhiên, mắc nhất vẫn là nhiều người (kể cả cha, mẹ) nhận thức chưa đầy đủ nên đã “nghiêm trọng hóa vấn đề” như trường hợp của chị Huyền nói trên.
     Khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định:
      - Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
      - Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
      - Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

      *Thông tư 01 của Bộ Tư pháp ngày 2/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/CP quy định:
      Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.
(Theo Báo Pháp luật Việt Nam online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến