Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Thêm một doanh nghiệp khai thác 'đá trời'

Một công ty liên doanh tuyên bố họ sẽ khai thác những kim loại quý trên các thiên thạch trong vũ trụ.


Hình minh họa một phi thuyền khai thác một thiên thạch. Ảnh: wired.com.


Ban lãnh đạo của Deep Space Industries muốn phóng một số phi thuyền mang tên "Firefly" vào Thái Dương Hệ để tìm kiếm các thiên thạch. Khối lượng của mỗi tàu vào khoảng 25 kg. Chuyến bay một chiều đầu tiên của chúng sẽ diễn ra vào năm 2015 và kéo dài từ 2 tới 6 tháng.

Sau khi phi đội Firefly tìm thấy những thiên thạch tiềm năng, Deep Space Industries sẽ phóng những phi thuyền lớn hơn - mang tên Dragonfly. Phi đội Dragonfly sẽ thực hiện chuyến bay khứ hồi để mang các mẫu vật chất từ thiên thạch về địa cầu. Mỗi chuyến bay khứ hồi sẽ kéo dài từ 2 tới 4 năm tùy thuộc vào khoảng cách của "đá trời" so với trái đất.

Ông David Gump, giám đốc điều hành của Deep Space Industries, nhận định rằng sử dụng các tài nguyên trong vũ trụ là cách duy nhất đề duy trì sự phát triển của ngành công nghiệp không gian.

"Chúng ta phát hiện hơn 900 thiên thạch bay gần trái đất mỗi năm. Những kim loại quý và nhiên liệu từ chúng có thể giúp chúng ta mở rộng ngành công nghiệp vũ trụ trong thế kỷ này", Gump bình luận.

Các thiên thạch có thể chứa những kim loại quý như vàng, bạch kim. Ngoài ra chúng còn có thể cung cấp nước ở dạng băng. Con người có thể điện phân nước thành khí hydro và oxy. Khí hydro là nguyên liệu của động cơ tên lửa, còn khí oxy có thể trở thành dưỡng khí cho các phi hành gia trong vũ trụ. Nếu khai thác được hydro và oxy ngay trong không gian, các chính phủ sẽ tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ dành cho việc vận chuyển hai khí đó từ trái đất lên không gian.

Deep Space Industries không phải là doanh nghiệp duy nhất muốn khai thác thiên thạch. Năm ngoái Planetary Resources, một doanh nghiệp khác, cũng công bố mục tiêu tương tự. Như vậy, cuộc đua tới các thiên thạch đã trở thành cuộc đua song mã.

Những người ủng hộ ý tưởng của Deep Space Industries và Planetary Resources hy vọng khai thác thiên thạch sẽ trở thành lĩnh vực kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, một số nhà khoa học hoài nghi tính khả thi của ý tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến